Những nữ bác sĩ mang hai màu áo

Thứ Hai, 28/02/2022, 13:37

Chia tay những đứa con nhỏ trong nước mắt, giấu vội gia đình ra đi trong vội vã... những nữ bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tình nguyện vào miền Nam chống dịch cùng đồng đội khi làn sóng COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Họ đã viết nên những câu chuyện đẹp đáng tự hào về những người lính mang hai màu áo, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Nhân dân cần đến.

Xung phong lên tuyến đầu chống dịch

Tôi phải chờ hết giờ làm việc mới có thể tranh thủ gặp Đại úy Lưu Thị Hợp, Khoa Châm cứu phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Với dáng người nhỏ nhắn, Hợp nhanh nhẹn, thân thiện khi vừa khám bệnh, vừa tư vấn thuốc cho bệnh nhân lớn tuổi. Chị là một trong những nữ bác sĩ công an xung phong vào Nam chống dịch đợt đầu tiên của lực lượng y, bác sĩ thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an.

Nhớ lại ngày đầu mới vào Nam, Hợp cùng các đồng đội của mình được phân vào Bệnh viện dã chiến T30, dù đã mường tượng ra rất nhiều khó khăn phải trải qua, dù đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đã tham gia chi viện trước đó nhưng khi đối diện với thực tế, các chị vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Bệnh nhân đều là những phạm nhân mắc COVID-19 từ các trại tạm giam chuyển đến. Không chỉ mắc COVID-19 mà bệnh nhân còn mắc nhiều bệnh khác cũng dễ lây nhiễm không kém. Điều kiện sinh hoạt trong trại giam còn nhiều hạn chế khiến chị em những ngày đầu thật khó thích nghi.

Những nữ bác sĩ mang hai màu áo -0
Đại úy Lưu Thị Hợp khám cho bệnh nhân.

Hợp kể, mỗi ngày, chị và đồng đội chia thành các ca trực khác nhau, mỗi ca trực kéo dài có khi đến 8 tiếng. “Trời nóng, đóng bộ đồ bảo hộ bí bách khiến mồ hôi ướt sũng, đưa cánh tay lên mà mồ hôi chảy ròng ròng xuống người. Có người bị đổ mồ hôi tay nhiều, mỗi khi tháo găng ra, hai bàn tay nhăn nheo, trắng bệch, cảm tưởng có thể bong tróc cả lớp da. Một bác sĩ có lúc phải khám gần trăm bệnh nhân. Có ngày một ca trực tiếp nhận tới 300 bệnh nhân nhiễm COVID-19.Vừa xét nghiệm, vừa khám bệnh, vừa cấp phát thuốc, điều trị cho cả bệnh nhân nặng..., công việc cứ xoay như chong chóng”, Hợp chia sẻ.

Những ngày mới vào đây, chị em chưa quen đồ ăn thức uống vì thức ăn nấu theo kiểu miền Nam không hợp khẩu vị nhưng lo nhất vẫn là con cái ở nhà thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Hợp có 2 con nhỏ, một bé học lớp 3, một bé mới 4 tuổi, chồng chị đi làm xây dựng ở xa. Những ngày đầu Hợp đi chống dịch trong Nam thì ở Hà Nội cũng giãn cách xã hội, chồng không thể về chăm con nên phải nhờ bác ở quê ra trông hộ, vì thế chị lo lắng cho con nhiều lắm. Những nữ đồng đội đi cùng phần lớn con còn nhỏ nên nỗi lo lắng, bận tâm nhiều nhất vẫn là con cái. Nhưng rồi công việc cứ cuốn đi, dần dần mọi thứ cũng vào guồng, lại nghe các bệnh nhân cũng là phạm nhân gửi lời cảm ơn, lời chào thân thiện với bác sĩ, chị và đồng đội cũng ấm lòng.

Bất chấp hiểm nguy

Những ngày chi viện chống dịch cho miền Nam của Trung tá Phùng Thị Hải Vân, Phó trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Y học cổ truyền, cũng là những tháng ngày đáng nhớ. Trước khi đi, chị giấu cả nội ngoại hai bên, chỉ thông báo kế hoạch đi công tác dài ngày.Thế nhưng, trong một lần phát biểu trên truyền hình, bố chồng chị nhìn thấy mới gọi điện hỏi ông xã chị, còn mẹ chồng thì gọi điện khóc nức nở, bảo sao đi chống dịch mà giấu bố mẹ. Lúc ấy chị cảm động cũng chỉ chực òa khóc theo. Bố đẻ đã mất, chị chỉ còn mẹ già nên cũng không muốn mẹ lo.Mẹ đẻ chị cũng chỉ biết tin sau đó một tuần vì người nhà thông báo.Duy nhất chồng chị biết vợ đi vào tâm dịch.

Những nữ bác sĩ mang hai màu áo -0
Các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an trong Lễ xuất quân.

Nhiệm vụ của Trung tá Phùng Thị Hải Vân là cùng đồng đội vào chi viện cho Công an tỉnh Long An. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại Trại tạm giam, tạm giữ Công an huyện Đức Hòa, chị em gặp rất nhiều khó khăn. Cả một tuần liền chị em không có chỗ tắm giặt, thay quần áo trước khi ra vào trại, bởi theo nguyên tắc phòng, chống dịch, phải thay đồ bảo hộ, tắm rửa sạch sẽ trước khi vào, ra để tránh nguy cơ lây nhiễm. Về sau mới được bố trí một phòng tắm nhỏ để phục vụ công tác khử khuẩn.

Vì bệnh nhân đều là phạm nhân, bị can nên có đặc thù rất riêng. Nhiều người tỏ ra bất hợp tác, đôi khi có thái độ, lời nói bất cần.Thế nhưng, sau một thời gian tiếp xúc, chữa trị khỏi bệnh, thái độ của họ khác hẳn. Mỗi lần đi qua, họ lại xôn xao gửi lời cảm ơn chân thành đến y, bác sĩ, khiến những người thầy thuốc như chị cảm thấy vui lây.

Gửi hai đứa con về quê cho ông bà nội chăm sóc, Thiếu úy Nguyễn Thị Hà, điều dưỡng Khoa Điều trị tích cực cũng tình nguyện hai lần đi chống dịch ở miền Nam. Ở bệnh viện dã chiến, nơi chị làm việc là điều trị các ca bệnh nặng, điều trị ICU. Tất cả mọi việc từ cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh đến chăm sóc thuốc men đều do các điều dưỡng và y, bác sĩ đảm nhiệm. Chứng kiến cảnh những bệnh nhân nặng nằm mê man, không có người chăm sóc, chị thấy xót xa không cầm được nước mắt. Vì thương cảm số phận của họ, chị nén nỗi nhớ nhà, nhớ con quyết tâm xin ở lại, tiếp tục giúp các bệnh nhân chiến thắng dịch COVID-19

Sự hy sinh thầm lặng

Lần giở từng tấm ảnh, từng clip mà các bệnh nhân làm để gửi tặng các bác sĩ công an tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, Thượng tá Tăng Thị Bích Thủy - Trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Y học cổ truyền chia sẻ về những thành công mà lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền đạt được trong những đợt chi viện cho miền Nam. “Chúng tôi đều là những người mới nhưng vì đã được tập huấn, được truyền kinh nghiệm nên bắt nhịp với công việc rất nhanh. May mắn, nơi chúng tôi đến làm việc đều quy củ, hiện đại, từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, đến phác đồ điều trị, quy trình chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện rất bài bản nên cán bộ chiến sĩ vận hành bệnh viện an toàn và hiệu quả. Bệnh viện Y học cổ truyền 5 lần đi chống dịch chưa có một ai bị nhiễm COVID-19.Bệnh nhân nhanh khỏi và hiệu quả điều trị rõ ràng”, Thượng tá Tăng Thị Bích Thủy chia sẻ.

Những nữ bác sĩ mang hai màu áo -0
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc.

Theo Thượng tá Thủy, qua thực tế chống dịch, y học cổ truyền đóng góp vai trò rõ rệt. Từ đó, Bệnh viện được Bộ Y tế quan tâm nhiều hơn và đưa ra những phác đồ điều trị chống dịch có cân nhắc y học cổ truyền. Bệnh viện cũng đóng góp nhiều bài thuốc quý.Hiện có một sản phẩm được đưa vào nghiên cứu để đánh giá điều trị COVID-19.Thực tế cho thấy sản phẩm đang được điều trị trên bệnh nhân COVID-19 tốt, giảm thời gian khỏi bệnh so với những người không được dùng xuống từ 3-5 ngày.Đó là kết quả đã được đánh giá sơ bộ.Hiện tại, đề tài đang được tiến hành quy củ.

Kể lại quãng thời gian cùng đồng đội chi viện cho miền Nam, chị Thủy chia sẻ: “Có những ca trực lấy máu cả 100 bệnh nhân, một ca trực chỉ có 3 y, bác sĩ, cứ đều đặn 3 ngày xét nghiệm một lần trong khi điều kiện ánh sáng thiếu thốn, để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải đeo hai lần găng tay, rất khó để thực hiện thao tác chuẩn xác, vậy mà cuối cùng cán bộ chiến sĩ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi bệnh nhân ra viện, họ lại gửi tặng những bài thơ, những bức ảnh chụp bác sĩ đang làm việc, hay những clip tự làm khiến chúng tôi cảm động lắm”.

Những nữ bác sĩ mang hai màu áo -0
Lấy mẫu xét nghiệm trong Bệnh viện dã chiến Phước Lộc.

Với vai trò là Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, ngoài công việc chuyên môn, chăm sóc bệnh nhân, Thượng tá Tăng Thị Bích Thủy còn là người lo cả những việc tế nhị cho chị em phụ nữ, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến chỗ sinh hoạt cá nhân, tất cả đều được đảm bảo an toàn phòng dịch. Chị kể, có những nữ bác sĩ xung phong đi chống dịch 2 tháng, sau đó tình nguyện ở lại thêm 2 tháng nữa dù nhà có con nhỏ. Có người tình nguyện đi chống dịch may mắn không nhiễm COVID-19 nhưng người thân ở Hà Nội đều bị đi cách ly và chữa trị vì mắc COVID-19, khi trở về, nhà cửa trống vắng, chẳng còn ai.

Những hi sinh thầm lặng của các nữ y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an khiến nhiều người khâm phục. Họ đã viết nên những câu chuyện đẹp về những người phụ nữ công an kiên cường, sẵn sàng lao vào tâm dịch cứu chữa bệnh nhân.

Được sự chỉ đạo của Ban Phòng, chống dịch các cấp, Bệnh viện Y học cổ truyền chủ động lên kế hoạch tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bắc Giang: 2 đợt (92 đồng chí), tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; tham gia điều hành và vận hành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bộ Công an (Bệnh viện dã chiến Phước Lộc) tại TP Hồ Chí Minh: 5 đợt (96 đồng chí). Cung ứng thuốc Đông y hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các tỉnh phía Nam: Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Đắk Lắk... và cho các đơn vị: Cục An ninh kinh tế, Cục Hậu cần tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Y tế, Bệnh viện 19/8, nhà khách Phương Nam, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm... với tổng số 17.820 đơn vị thuốc các loại.

Đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học, đã phát minh, sáng chế các sản phẩm phục vụ công tác chống dịch như: Buồng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19; áo chống sốc nhiệt; sản phẩm y học cổ truyền “Ngọc bình phong gia vị” (Ngọc bình phong gia xuyên tâm liên) hỗ trợ điều trị COVID-19.

Với những thành tích chống dịch đã đạt được, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an được đề xuất Huân chương Quân công Hạng ba cho tập thể bệnh viện và 2 cá nhân thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. 4 cá nhân nhận được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ vì có sáng kiến chống dịch và tham gia chống dịch trực tiếp tại vùng dịch. Bộ Công an tặng 2 Bằng khen cho tập thể bệnh viện, 6 Bằng khen cho tập thể các khoa, phòng thuộc Bệnh viện, 78 Bằng khen cho các cá nhân, cùng nhiều hình thức khen thưởng khác.

Trâm Anh
.
.