Những ông bố mắc bệnh “khó nói” đón “trái ngọt”

Chủ Nhật, 02/07/2023, 09:02

Sau ca tai nạn giao thông nghiêm trọng, anh Trần Văn Đức (SN 1987, Ninh Bình) bị liệt hai chân, hỏng một mắt. Từ một thanh niên khoẻ mạnh biến thành “tàn phế”, lại thêm lấy vợ nhiều năm vẫn chưa có con, mặc cảm, tự ti trước hoàn cảnh quá khó khăn, khiến nhiều lúc anh muốn kết thúc cuộc sống.

Tưởng rằng số phận nghiệt ngã sẽ đeo đẳng mãi, thế nhưng cơ may đã đến, vợ chồng họ được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm và đón “trái ngọt” là cặp song sinh kháu khỉnh. Mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công là một câu chuyện kỳ diệu và chan chứa tình yêu thương. Trong 5 năm qua, đã có 46 em bé chào đời từ chương trình nhân văn ấy, mang đến hạnh phúc vô bờ cho hàng chục cặp vợ chồng vô sinh nghèo.

hiếm muộn.jpg -0
Vợ chồng anh Đức hạnh phúc bên hai thiên thần bé nhỏ sau 7 năm hiếm muộn và bị liệt do tai nạn giao thông

Mang đến hạnh phúc cho người cha bị liệt hai chân

Mang cặp song sinh là 2 bé trai được gần 1 tuổi đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tham gia chương trình “Tuần lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc”, anh Trần Văn Đức và chị Doãn Thị Thu Hoài (Ninh Bình) không giấu được niềm hạnh phúc khi họ đã được làm cha, làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn. Anh Đức ngồi trên xe lăn, nhưng khi gặp phóng viên, anh đã cố gắng đứng lên, bước từng bước một dù rất khó nhọc.

Kể với chúng tôi về những bất hạnh từng trải qua, anh Đức vẫn không quên vụ tai nạn giao thông vào buổi sáng định mệnh cách đây gần 8 năm đã làm thay đổi cả cuộc đời mình. Được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, xệ cằm, hỏng mắt, anh được chẩn đoán dập tủy sống cổ nên không thể can thiệp gì thêm. Được bệnh viện trả về trong tình trạng liệt hai tay, hai chân, hỏng một bên mắt, khả năng hồi phục gần như là con số 0. Khi ấy, anh vừa mới kết hôn được 10 tháng.

“Suốt 2 năm nằm liệt cho đến khi tập đi, chỉ có có thể dùng hai từ “khủng khiếp”. Nhiều lúc tôi chỉ nghĩ buông xuống, chỉ muốn bò ra được bảng điện để tự sát, muốn được giải thoát cho vợ”, anh Đức nhớ lại. “Có người khuyên tôi hay là buông bỏ, nhưng vợ chồng là duyên số, nên không làm thế được, tôi vẫn hy vọng một ngày chồng đi được, dù lúc đó tôi rất sốc”, chị Hoài tiếp lời chồng.

Anh Đức không có bảo hiểm y tế, tiền viện phí, thuốc men chạy chữa cho anh hết 400 triệu đồng, là gánh nặng quá lớn với đồng lương công nhân may của chị Hoài. Bi quan, chán nản khiến chồng luôn gắt gỏng, mất tự tin, nhưng người vợ trẻ vẫn kiên nhẫn dìu chồng tập đi, bám vào giường lần đi từng bước. Tôi nghĩ, nếu không phải anh ấy mà mình nằm như thế thì mọi người giúp đỡ mình như thế nào? Cứ nghĩ thế nên tôi có động lực vượt qua vất vả”, chị Hoài kể lại. Nhờ sự kiên trì và động viên của vợ,  anh Đức dần lấy lại niềm tin và động lực để quyết tâm đứng dậy.

Những ông bố mắc bệnh “khó nói” đón “trái ngọt” -0
Bác sĩ đang thực hiện chuyển phôi vào buồng tử cung

Trong suốt quá trình bị liệt, dù khát khao có con, song anh Đức đã từ bỏ hy vọng bởi anh không muốn lại thêm gánh nặng cho vợ. Dù thế, chị Hoài vẫn khuyên chồng lên Hà Nội khám. Họ không có tiền để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nên quyết định thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Nhưng lần đó đã thất bại.

Khát khao có mụn con luôn cháy bỏng, chị Hoài lại đưa chồng đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tìm kiếm hy vọng. Cũng tại đây, họ tình cờ biết đến chương trình miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng vô sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã làm hồ sơ gửi đi. Hồi hộp chờ đợi kết quả, cuối cùng cũng nhận được thông báo hồ sơ được xét duyệt. “Mừng quá vì nếu không được miễn phí, cơ hội có con của chúng tôi gần như không có”. 

Chị Hoài đã thụ thai ngay lần đầu đặt phôi. Trong thời gian mang thai, chị vừa đi làm công nhân may, vừa chăm chồng. 9 tháng sau, hai bé trai Trần Nhật Minh và Trần Minh Nhật chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của hai bên gia đình nội ngoại. Ngày vợ sinh, anh Đức ngồi ở nhà theo dõi qua điện thoại. Đến khi hai con chào đời, anh ôm mặt khóc rưng rức. “Đây là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời ban tặng cho tôi. Chỉ cần các con mạnh khỏe lớn lên là tôi vui rồi. Các con là động lực để tôi càng phải nỗ lực để khỏe hơn”, anh Đức xúc động nói.

Sự kỳ diệu của y học

Vợ chồng anh Đức là một trong hàng chục gia đình hiếm muộn nghèo được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, còn hàng trăm cặp vợ chồng mang gene bệnh hiếm, mắc bệnh “vô tinh” - không có tinh trùng - nhờ miễn phí sàng lọc gene, miễn phí vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE mà đã có được “trái ngọt” là những đứa con đáng yêu.

Kết hôn năm 2019 nhưng mãi chưa có con, chị Phan Thị Mùi và anh Phan Duy Tùng (SN 1987, Phú Thọ) đưa nhau đi và bàng hoàng khi nhận được kết luận, anh Tùng không có tinh trùng trong tinh dịch. Bác sĩ giải thích, nguyên nhân là do anh Tùng bị đột biến mất đoạn AZFc trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y dẫn đến vô tinh trong tinh dịch. Nhiều người khuyên vợ chồng họ xin tinh trùng trong ngân hàng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu muốn có con.

Khát khao có được đứa con của chính mình, vợ chồng trẻ tiếp tục đi khám. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Tùng được chỉ định thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE - kỹ thuật thường được chỉ định cho các trường hợp nam giới không có tinh trùng do các nguyên nhân như teo tinh hoàn do quai bị, các bất thường về gene, bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter…), ẩn tinh hoàn, hội chứng sinh tinh nửa chừng... Dù số lượng tinh trùng được tìm thấy không nhiều nhưng hai vợ chồng đã may mắn tạo được 5 phôi và có hai cơ hội chuyển phôi. Tuy nhiên, hạnh phúc trọn vẹn vẫn chưa tới với gia đình họ khi 2 lần chuyển phôi đều không có kết quả.

Những ông bố mắc bệnh “khó nói” đón “trái ngọt” -0
Vợ chồng anh Sỹ đón niềm vui có cặp song sinh

Vẫn không từ bỏ hy vọng, thời gian ngắn sau, anh Tùng thực hiện vi phẫu tìm tinh trùng lần hai. Số “tinh binh” ít ỏi thu được sau mổ được thụ tinh với số trứng đã trữ đông trước đó của vợ. Lần này, tuy chỉ có một cơ hội chuyển phôi duy nhất, nhưng họ có linh cảm thành công. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười, chị Mùi đậu thai thành công ở lần chuyển phôi thứ 3. Sau 9 tháng 10 ngày hoài thai, vợ chồng họ đã có đứa con đầu tiên là bé gái Phan Thanh Ngọc Diệp chào đời vào ngày 28/2/2022 ở tuần thứ 39, nặng 4kg. “Con giờ hơn 1 tuổi nhưng nhiều lúc tôi vẫn không tin là sự thật, không nghĩ rằng mình may mắn có được đứa con”, anh Tùng xúc động kể.

Không mắc phải căn bệnh khó nói như anh Tùng, vợ chồng chị Nguyễn Thị H. và anh Lê Văn T. (Vĩnh Phúc) lại mang gene bệnh hiếm. Đứa con đầu lòng của họ sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, chỉ có một điều duy nhất là bé không biết bò. Chị nghĩ có thể do con “trốn bò” nên không cho con đi thăm khám. Thế nhưng hơn 1 tuổi, chị bắt đầu quan sát thấy con có biểu hiện cơ chân tay yếu hơn những trẻ cùng độ tuổi, ngồi không vững, chưa biết đi nên hai vợ chồng cho con đi thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu thì nhận thông báo của bác sĩ rằng, con trai anh chị bị bệnh teo cơ tủy. Bác sĩ cho biết, hệ thống cơ xương khớp của con sẽ ngày càng yếu. Đến nay con gần 7 tuổi nhưng không đứng hay đi lại được mà chỉ có thể ngồi tựa khi có sự nâng đỡ của mọi người.

Bác sĩ giải thích bệnh teo cơ tủy là bệnh lý di truyền nên vợ chồng chị H quyết định đi làm các xét nghiệm về gene, kết quả cho thấy cả hai vợ chồng chị H đều mang gene bệnh teo cơ tủy. Khao khát có một đứa con khỏe mạnh luôn thôi thúc anh chị và sau nhiều lần đặt chân đến các bệnh viện lớn nhỏ, chị H được biết, để có cơ hội cao sinh con khỏe mạnh, anh chị cần làm IVF, thực hiện sàng lọc phôi để phát hiện các phôi mang gene bệnh, từ đó chọn lựa phôi tốt chuyển vào cơ thể mẹ.

May mắn đã mỉm cười với họ khi vào năm 2021, một thành viên chia sẻ bài đăng Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có chương trình Tuần Lễ Vàng hỗ trợ miễn phí 20 ca sàng lọc phôi mang gene bệnh hiếm. Gia đình chị H là một trong số 20 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí và bắt đầu bước vào quá trình kích trứng, tạo phôi, nuôi phôi và chọn ra những phôi tốt không mang gene bệnh để thực hiện chuyển phôi. Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT) tìm ra 4 phôi tốt ngày 5 để chuyển. Ngay lần chuyển 1 phôi đầu tiên, chị H đã đậu thai thành công. Hơn 9 tháng sau, chị H sinh em bé khỏe mạnh trong niềm vui khôn xiết của gia đình.

Hiện thực hóa ước mơ

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, có những gia đình đã chạy chữa, mong con hàng chục năm hoặc có thể lâu hơn nhưng vẫn chưa thành công, nhiều cặp vợ chồng phải dừng lại việc điều trị vì áp lực kinh tế đè nặng. Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện đã triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để họ giảm gánh nặng kinh tế và những lo âu trong hành trình tìm con, sớm chạm đến ước mơ làm cha, làm mẹ.

Theo BS Hiền, đến nay chương trình triển khai được 5 năm, 90% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh với 46 em bé chào đời. Các gia đình còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ, theo dõi sát sao từ bệnh viện.

Lấy nhau 7 năm nhưng trong nhà vẫn vắng tiếng cười trẻ thơ, vợ chồng chị Vũ Thị Ngân (29 tuổi) và anh Vũ Văn Sỹ (30 tuổi) đều là công nhân ở An Dương, Hải Phòng dành dụm được chút tiền lại đi khắp nơi chạy chữa. Nguyên nhân hiếm muộn do anh Sỹ tinh trùng yếu. Khát khao có mụn con, năm 2018, hai vợ chồng anh chị bắt đầu lên Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám và thực hiện IVF, nhưng năm đó may mắn chưa đến khi 2 lần chuyển phôi đều thất bại. “Hai vợ chồng khóc hu hu, mỗi người một góc nhà ngồi khóc, rồi lại động viên nhau cố gắng làm việc kiếm tiền để tiếp tục chạy chữa”, chị Ngân xúc động kể lại. Tưởng chừng như buông xuôi thì năm 2021, gia đình chị Ngân biết tới chương trình Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc, may mắn trở thành một trong 10 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí IVF.

Phải kiên trì tới lần thứ 4, may mắn mới mỉm cười khi bác sĩ thông báo chị Ngân mang “song thai”. Ngày 24/12/2022, hai “thiên thần” nhỏ chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình hai bên nội ngoại.

Đưa hai con 6 tháng tuổi quay lại Bệnh viện Nam học, anh Sỹ chia sẻ: “Chúng tôi từng tuyệt vọng vì nghĩ mình khó có cơ hội có con. Nếu không được miễn phí, niềm hy vọng được làm cha, làm mẹ sẽ không trở thành hiện thực”.

Trần Hằng
.
.