Những ông bố quân nhân đón “trái ngọt”

Thứ Hai, 25/12/2023, 10:52

10 năm mong chờ tiếng cười trẻ thơ vang vọng trong gia đình, đi khắp các bệnh viện trong nam ngoài bắc để chạy chữa, 4 lần thụ tinh nhân tạo không thành công, cuối cùng niềm vui đã gõ cửa với gia đình người chiến sĩ Hải quân  - Thiếu tá Hoàng Văn Dũng nhờ chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn  - Yêu thương lan tỏa”.

Với nhiều người, để có mụn con thật dễ dàng, nhưng với những chiến sĩ đóng quân biền biệt xa nhà, lại hiếm muộn, hành trình tìm con của họ vô cùng gian nan, có những nỗi đau trở nên khắc khoải, xót xa… Thật may mắn, trong hành trình đó, rất nhiều cặp vợ chồng quân nhân đã hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ.

“Sẽ đến đích thôi, rồi con sẽ tới”

Bế con gái xinh xắn được gần 9 tháng tuổi đến tham gia chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa” năm 2023 do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp với Trung tâm Phát thanh -  Truyền hình Quân đội tổ chức, chị Nguyễn Thị Yến (Thái Bình) nghẹn ngào khi kể lại hành trình tìm con đằng đẵng trong 10 năm. Chồng chị - Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, công tác tại Cơ quan Tham mưu, Quân chủng Hải quân, đã không đến chương trình cùng vợ bởi bận công tác. “Cũng trên sân khấu này năm trước, nhìn em bé mới đầy tháng được mẹ bế trên tay, tôi đã chảy nước mắt. Lần này, tôi rất hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ, có thiên thần đáng yêu”, chị Yến xúc động nghẹn ngào nói.

Những ông bố quân nhân đón “trái ngọt” -1
Hiếm muộn 10 năm, gia đình Thiếu tá Hoàng Văn Dũng hạnh phúc bên thiên thần.

Sau khi kết hôn, anh Dũng nhận lệnh vào Cam Ranh - Khánh Hòa đóng quân làm nhiệm vụ, để lại chị Yến ở quê nhà. Xa chồng biền biệt, mong ước có mụn con cho bớt cô quạnh, chị Yến bỏ công việc giáo viên mầm non vào Cam Ranh cùng chồng. Ba năm đằng đẵng, niềm mong mỏi của vợ chồng họ vẫn chưa đến. Vì công việc, anh Dũng cũng thường xuyên lênh đênh trên biển, để có con cũng thật khó khăn. “Khi ấy, ai mách ở đâu chữa tốt, tôi lại xách ba lô lên đường. Các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc tôi đều đã đi, chỗ nào có thầy đông y “mát tay” tôi đều đã tới, nhưng vẫn không có hy vọng”, chị Yến chia sẻ.

Kết quả khám hai vợ chồng bình thường, nhưng với họ, chặng đường có con thật khó khăn. Làm được đồng nào, hai vợ chồng chỉ dồn vào đi chạy chữa. 4 lần thụ tinh nhân tạo - bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) - không thành công, hành trình tìm con của họ gần như rơi vào bế tắc. Năm 2018, anh Dũng được điều động đóng quân ở Hải Phòng, chị Yến khăn gói theo chồng ra Bắc. Họ lại tiếp tục chạy chữa. Vợ chồng họ đã tính đến chuyện vay tiền để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Có nhiều lúc, mệt mỏi quá, thấy vợ buồn, anh Dũng lại động viên: “Mình đã đi cùng nhau qua chặng đường những ngày giông bão, sẽ đến đích thôi, rồi con sẽ tới”. Mang theo niềm tin ấy, chị Yến thuê nhà gần nơi anh Dũng đóng quân để gần chồng và tiếp tục chặng đường chạy chữa. Biết vợ buồn, tủi thân vì gia đình hai bên sốt ruột ngóng trông, anh Dũng phải làm biện pháp tâm lý cho cha mẹ, để vợ anh thoải mái tư tưởng. “Chúng tôi đang tính vay tiền làm IVF thì chồng tôi biết đến chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa” và làm hồ sơ xét duyệt. May mắn chúng tôi trở thành 1 trong 10 gia đình nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100%. Món quà hạnh phúc đến bất ngờ, khiến chúng tôi chỉ biết khóc”, chị Yến chia sẻ.

Anh Dũng xin đơn vị nghỉ để lên Hà Nội thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tháng 5/2021 đặt phôi, chưa đầy 1 tháng sau, chị Yến có tin vui. “Nhận được tin vợ có thai, chồng tôi lặng đi vì xúc động, hỏi đi hỏi lại có chính xác không. Sau 10 năm, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sinh linh bé nhỏ đang dần lớn lên, niềm hạnh phúc này quá lớn lao”, chị Yên chia sẻ. Sau 9 tháng 10 ngày, chị Yến sinh bé gái đáng yêu. Nghe tiếng khóc của con, người cha hiếm muộn 10 năm xúc động rơm rớm nước mắt. “Cứ về đến nhà là anh ấy quấn quýt với con. Có đêm anh ấy ngồi ngắm con đến khuya không chợp mắt. Nhìn con lớn lên từng ngày, với chúng em đây là hạnh phúc lớn lao nhất”, chị Yến nói.

Hạnh phúc được làm cha, làm mẹ

Cách đây 1 năm, cũng tại Chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa”, tôi gặp vợ chồng Trung úy Phan Tuấn Anh (công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) và cô giáo mầm non Đỗ Thị Lan (Cao Phong, Hòa Bình). Khi đó, họ kết hôn được 4 năm nhưng vẫn chưa có con. Khao khát tiếng cười trẻ thơ luôn cháy bỏng trong đôi vợ chồng trẻ. Nhận được kết quả nguyên nhân hiếm muộn từ mình, Tuấn Anh đã rất sốc. Mỗi lần đi khám, Trung úy trẻ lại thêm một lần suy sụp vì bác sĩ đánh giá tình trạng xấu đi. Có những lúc, chàng quân nhân nghĩ, hay là từ bỏ, giải thoát cho vợ, để cô ấy bớt khổ.

Những ông bố quân nhân đón “trái ngọt” -0
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến - Thiếu tá Hoàng Văn Dũng chia sẻ niềm hạnh phúc tại chương trình.

“Nhưng vợ em luôn động viên, dù khó khăn tới đâu, em cũng đồng hành cùng anh. Tình yêu của cô ấy giúp em có thêm động lực để chạy chữa”, Tuấn Anh chia sẻ. Trên hành trình tìm con, Tuấn Anh được người vợ luôn bên cạnh chia sẻ, động viên những lúc tinh thần tụt dốc khi nhận kết quả xấu từ bác sĩ. “Em đã tính đến làm IVF nhưng chưa có tiền. Đúng ngày em định ra ngân hàng để thế chấp vay tiền thì lại may mắn được chọn là 1 trong 10 cặp vợ chồng thụ tinh miễn phí. Em vừa đi vừa khóc về nhà báo tin cho vợ. Chúng em rất hy vọng may mắn lại đến để chúng em có được mụn con”, Tuấn Anh nói.

Đúng như những gì hai vợ chồng ước ao, 1 năm sau, tôi gặp lại họ ở Chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn, Tuấn Anh đã bế con trai trên tay với nụ cười thật hạnh phúc. “Em không nghĩ may mắn lại mỉm cười với mình đến vậy. Quá trình thăm khám, sàng lọc và điều trị ở Bệnh viện Nam học thật suôn sẻ. Chúng em làm được 10 phôi thì có 6 phôi khỏe mạnh. Bác sĩ tư vấn đặt 1 phôi trước và vợ em đậu thai ngay. Hôm nay cháu đã được 1 tháng 4 ngày”, Trung úy trẻ chia sẻ.

Những ông bố quân nhân đón “trái ngọt” -0
Niềm hạnh phúc của Trung úy Phan Tuấn Anh sau nhiều năm hiếm muộn.

Kể lại niềm vui đón trái ngọt, Tuấn Anh nói: “Hôm đó em đang đi trực, nhận được điện thông báo có thai của vợ, cảm giác vui sướng khiến em cứ đi ra đi vào.... Cả quá trình mang thai, chúng em mong ngóng từng ngày, từng tháng. Đến tuần thứ 6 vợ em dọa sảy. Hai vợ chồng không kịp thay quần áo, bắt xe xuống Bệnh viện Nam học, trên đường đi rất sốt ruột, hoang mang. May mắn là thai an toàn, chúng em thở phào…”.

Đặt tên con là Phan Đức Thiện An, người cha mong muốn sau này con sẽ bình an và thân thiện như các bác sĩ ở Bệnh viện Nam học. Trên gương mặt rạng rỡ niềm hạnh phúc, cả hai vợ chồng đều cho biết, họ sẽ dành dụm để 3 năm sau tiếp tục đặt phôi sinh em bé thứ hai.

Giống như bao cặp vợ chồng hiếm muộn khác, những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn mà chúng tôi gặp tại chương trình đều có điểm chung, đó là khát khao có tiếng cười trẻ thơ trong ngôi nhà cô quạnh. Nhưng với những quân nhân biền biệt xa nhà, niềm khát khao này khó khăn gấp bội khi rào cản lớn nhất là kinh tế và không có thời gian thường xuyên đi chạy chữa. Để có mụn con, cứ hai - ba tháng, chị Võ Thị Thanh lại lặn lội vượt quãng đường từ Nghệ An lên Điện Biên để thăm chồng. Chồng chị - Thượng úy Nguyễn Đình Đức (khi đó công tác tại Đồn Biên phòng cửa khấu quốc tế Tây Trang, Điện Biên), có khi 7-8 tháng không gặp vợ. Ba năm lấy nhau vẫn chưa có con, chị Thanh buộc phải bỏ công việc kế toán ở quê lên Lai Châu cùng chồng, lúc này anh Đức đã chuyển về Đồn Biên phòng Huổi Luông (Lai Châu). Dành dụm tiền, hai vợ chồng về Hà Nội thăm khám tại nhiều bệnh viện. Cả 2 đều có chuẩn đoán không tốt. Biết được tình trạng hiếm muộn của mình, nhưng họ chưa một lần dám nghĩ đến chuyện can thiệp thụ tinh trong ống nghiệm bởi không có tiền.

Là con trai út trong gia đình, bố anh Đức bị khuyết tật nặng, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhược cơ từ năm 2004, phải dùng thuốc điều trị hàng ngày và mất khả năng lao động. Một mình anh Đức phải lo kinh tế gia đình nên hai vợ chồng phải tạm gác lại hành trình tìm con của mình để tập trung kinh tế chăm lo cho bố mẹ già yếu. May mắn vợ chồng anh là 1 trong 10 trường hợp được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí từ Bệnh viện Nam học năm 2023, trao hy vọng thực hiện giấc mơ tìm con của mình. Tại buổi lễ nhận hỗ trợ, chị Thanh nghẹn ngào: “Em hy vọng may mắn sẽ đến với vợ chồng em lần nữa, cho chúng em có mụn con”.

Thắp lên niềm hy vọng

Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, đây là năm thứ 3 bệnh viện phối hợp với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa”.

Là “người mẹ” mát tay của biết bao em bé ra đời từ thụ tinh trong ống nghiệm, BS Hiền cho biết: “Nhiều trường hợp quân nhân thường xuyên phải công tác xa gia đình, đặc biệt là những đồng chí công tác nơi tuyến đầu tổ quốc, vì đặc thù công việc mà chưa thể có con, muộn con. Chính vì vậy, Bệnh viện muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình quân nhân để hành trình tìm con yêu được thuận lợi dễ dàng hơn. Trong 2 năm qua, đã có 17 em bé đã chào đời khỏe mạnh từ 20 gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF; một số gia đình đang mang thai ở những tuần cuối kỳ, số còn lại trong quá trình thực hiện. Đây không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng các gia đình mà còn là nguồn động lực to lớn đối với các bác sĩ trên hành trình sắp tới”.

Những ông bố quân nhân đón “trái ngọt” -1
Thạc sĩ Lê Thị Thu Hiền  - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tặng quà 2 gia đình quân nhân đã sinh con thành công nhờ các gói hỗ trợ 100%.

Hiện tại, toàn quân đang có hàng nghìn trường hợp quân nhân hiếm muộn, chưa có may mắn được làm cha làm mẹ. Với đặc thù thường xuyên phải công tác xa gia đình, đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính nơi tiền tuyến xa xôi với hậu phương nơi quê nhà. Thế nhưng, còn rất nhiều chiến sĩ công tác ở hải đảo, biên giới xa xôi chưa có được niềm hạnh phúc thiêng liêng đó. Trung úy Nguyễn Văn Đồng (công tác tại Sư đoàn 395, Quân khu 3) chia sẻ, vợ anh bị buồng trứng đa nang, nên sau 3 năm lấy nhau vẫn chưa có con. Sốt ruột, họ chạy chữa khắp nơi, ai mách ở đâu có thuốc hay thầy giỏi vợ chồng họ đều tìm đến. Sau 3 lần thụ tinh nhân tạo không thành công, họ buồn bã khi không có tiền làm IVF. Biết được hoàn cảnh khó khăn đó, đơn vị của anh Đồng đã tạo điều kiện cho anh đi thăm khám. Hai vợ chồng gửi hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình được miễn phí làm IVF năm nay. “Tôi cứ tưởng mình đang mơ, bây giờ chỉ cầu mong may mắn sẽ gõ cửa với gia đình chúng tôi”, anh Đồng nói.

Nhiều gia đình đã có con  thành công trong niềm hạnh phúc thiêng liêng của cha mẹ từ Chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa”. Điều này chính là nguồn động viên, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho các gia đình quân nhân kiên trì, bền bỉ bắt đầu hành trình tìm con của mình.

Trần Hằng
.
.