Những phận người sống dựa cõi âm

Thứ Năm, 27/01/2022, 10:38

Giữa một không gian mênh mông, u tịch, nơi âm khí nhuốm đặc ấy, có những con người hằng ngày cần mẫn lao động. Họ dọn dẹp, lau chùi bia mộ, đốt vàng mã, cúng giỗ thuê cho người đã mất như thể đó là chính thân nhân mình. Vượt qua nỗi sợ hãi của những ngày đầu, những “ô sin” cho người đã mất vẫn lựa chọn công việc đặc biệt này như thể cái nghiệp đã vận vào thân.

Nhớ chi tiết từng bia mộ

Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên những ngày cận Tết, giữa lưng chừng đồi là những ngôi mộ nằm lặng lẽ dưới làn khói hương nghi ngút. Không gian lạnh lẽo, u tịch như ấm lên bởi sự chăm chút đặc biệt của những người vốn được xem là “ô sin” cho người chết.

Nói về những người đặc biệt này, ông Nguyễn Phúc Hào, Trưởng ban Quản lý Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên cho hay: “Nhiều năm nay họ chăm sóc những ngôi mộ ở đây như chính người thân của mình. Có vài chục chị em làm nghề này, họ đều xuất thân là những người nông dân nên rất cần cù và có trách nhiệm. Mọi người đều gọi họ là “ô sin” cho người đã khuất”.

A2-1643168466252.jpg
Chị Bình đã gắn bó với nghề đặc biệt này gần 10 năm

Chị Bùi Thị Thêm (sinh năm 1984) làm ở nghĩa trang này đã 6-7 năm nay. Nhà cách nơi làm việc không xa,  nhưng do yêu cầu công việc cuối năm nên chị Thêm phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, con cái gửi cho ông bà nội chăm lo. Mùa đông bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chiều bắt đầu từ 1 giờ đến 17 giờ. Càng đến gần tết thì công việc của các chị càng bận rộn hơn, nhất là vài năm gần đây khi dịch COVID-19 hoành hành thì nhiều gia đình ở xa không thể về thăm mộ, tảo mộ cuối năm. Họ đành gửi gắm qua các gói cúng giỗ online của các công ty nghĩa trang. Công việc chính của chị Thêm là chăm sóc khuôn viên khu mộ, chăm sóc cây cối, lau chùi phần mộ, bón, cắt tỉa tưới nước cho cây...

Chị Thêm kể, thông thường cứ trước tết tầm 1-2 tuần, người nhà đi tảo mộ nườm nượp nhưng dạo gần đây vì dịch COVID-19 nên vắng hẳn. Chính vì thế công việc của những người chăm sóc phần mộ như chị Thêm lại tăng lên vì không chỉ làm việc theo yêu cầu của công ty mà còn làm việc theo yêu cầu của người nhà. Nhiều gia đình còn gửi cả chìa khóa tủ đựng đồ lễ trong khuôn viên, nhờ các chị mở cửa thắp hương mùng 1, ngày rằm. Chị bảo cứ thành tâm thôi, khấn ở nhà như thế nào thì khấn ở đây như vậy.

Chị Nguyễn Thị Địu (sinh năm 1976), đồng nghiệp với chị Thêm cũng cho hay, công việc của những người chăm sóc mộ phần như chị cuối năm khá bận rộn. Do các khu mộ ở cách xa nhau, nước lại thiếu nên mỗi lần tưới cây, chị phải kéo đường ống dẫn nước cả trăm mét. Những ngày tết, các chị thay nhau trực, vừa là để thắp hương cho các phần mộ, vừa là đề phòng có đám hiếu đột xuất, người nhà muốn có chỗ an nghỉ nhanh nhất, tiện nghi nhất cho người thân của mình.

Những phận người sống dựa cõi âm -0
Thời gian đầu làm công việc này, đêm nào chị Hiền cũng nằm mơ

Vào làm ở đây đã 4 năm, đến bây giờ thì chị Nguyễn Thu Hiền đã quá quen với việc một mình “cai quản” cả một khu mộ. Công việc của chị mỗi ngày là tưới, cắt tỉa cây, lau dọn mộ phần của người chết. Chị Hiền chia sẻ: “Thời gian đầu khi mới xin vào làm tại đây, tháng đầu tiên, đêm nào tôi cũng mơ ngủ thấy cảnh nghĩa trang và các hồn ma bay lượn. Mỗi lần choàng tỉnh, mồ hôi thường ướt đầm áo. Thú thật cũng nhiều lần tôi đã có ý định bỏ nghề nhưng rồi lại tự trấn an là “mình có làm gì sai trái đâu, mình đang chăm sóc cho những người chết cơ mà. Họ chẳng phù hộ mình thì thôi, đời nào lại làm hại mình”. Chính bởi suy nghĩ ấy mà chị Hiền đã vượt qua được sự sợ hãi và theo nghề đến tận ngày hôm nay.

Mặc dù ít tuổi hơn chị Hiền nhưng chị Hoàng Thị Bình (33 tuổi, Lương Sơn, Hòa Bình) đã có tới gần 10 năm trong nghề chăm sóc mộ phần. Khi được hỏi lý do vì sao lại lựa chọn cái nghề “không giống ai” này, thì chị Bình cho biết: “Trước em đi làm công ty nhưng sau khi sinh con nhỏ, nhiều khi con ốm con đau hay nhà có công việc gì, xin nghỉ rất khó khăn nên em đành bỏ và xin vào đây làm. Ở đây dù thu nhập không cao nhưng có thể linh hoạt trong công việc nên em quyết định gắn bó với nghề này lâu dài”. Đến bây giờ, chị Hiền có thể ngồi một chỗ đọc tên người đã khuất, quê quán, năm sinh ngày mất của từng mộ.

Quả thực, công việc “ôsin” cho người đã chết không dành cho người yếu bóng vía. Chị Bùi Thị Hòa (thị trấn Cao Phong, Hòa Bình), người đã có thâm niên 4 năm làm nghề nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh. “Ngày đầu tiên làm cũng sợ lắm, một mình đứng giữa hàng nghìn ngôi mộ trên lưng chừng đồi gió lộng. Đặc biệt là vào những buổi trưa vắng vẻ, hoặc chiều tối, lúc đó chỉ muốn chạy thật nhanh xuống để gặp ai đó trò chuyện. Đặc biệt là chuẩn bị đến ngày lễ, Tết,  chị em phải tăng ca, có hôm phải tới khuya công việc mới kết thúc. Cảm giác đang làm có người nhìn, hoặc đi có người đi theo. Thậm chí đêm về còn nằm mơ, có tiếng thì thầm bên tai: “Lau chùi nhà của cô sạch sẽ vào nhé”, hay “Chúng nó cả năm chẳng về thăm chú gì cả, may mà có cháu quanh quẩn cho đỡ buồn…”.

Thế rồi thời gian gắn bó càng dài, những “ôsin” đặc biệt không còn cảm giác sợ hãi, cho dù đó là những ngôi mộ mới chuyển đến. “Ở đây chúng tôi luôn coi đó là những ngôi nhà của người đã khuất. Chị em bảo nhau, tưới cây, dọn vệ sinh hay cắm hoa đều phải có cách đi đứng thế nào cho phải phép, đúng quy cách. Nhất là khi lau chùi bát hương, không được làm cho bát hương xê dịch, nhỡ may ảnh hưởng đến người thân của họ”, chị Hòa nói.

Tâm sự với họ, chúng tôi hiểu họ đã coi đây là công việc mà mình sẽ gắn bó lâu dài. Với những người phụ nữ này, động lực lớn nhất chính là được thân nhân của người đã khuất gọi điện cảm ơn. Đặc biệt khi lên thăm mộ người thân, thấy khang trang sạch sẽ, họ lại nhận được những cái bắt tay, cái ôm đầy biết ơn.

Chịu khoảng cách vô hình từ xã hội

“Sống chung với người chết” là một nghề đặc biệt, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu và cảm thông cho họ. Họ vẫn dùng sức lao động, sự tâm huyết của mình để kiếm tiền nhưng đôi lúc vẫn có sự kỳ thị, xa lánh. Khi tiếp xúc với xã hội, các chị luôn cảm nhận được một khoảng cách vô hình mà người đời dành cho.

Những phận người sống dựa cõi âm -0
Cần mẫn lau dọn từng mộ phần

Vừa lau ngôi mộ mới được chôn cất, chị Hiền ngậm ngùi nói: “Thực sự người ta không nói ra nhưng em cảm nhận được một khoảng cách, cái nhìn không mấy thiện cảm mọi người dành cho mình. Đặc biệt là những ngày Tết, em ngại không muốn đi chơi ở đâu, ba ngày Tết chỉ loanh quanh ở nhà. Bởi nhiều người quan niệm làm việc ở nghĩa trang thì trong người luôn nặng âm khí, mang đến điều không may mắn cho gia đình, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ trong cả năm. Nhiều lúc cũng tủi thân lắm, mỗi lần về quê chẳng dám nói mình làm nghề này đâu. Nhất là con gái đi học, bạn bè hỏi mẹ làm gì, cháu kể là mẹ làm việc ở nghĩa trang, thế là bạn bè xa lánh”.

Câu chuyện của chị Lê Thị Hà, người làm nghề  tại nghĩa trang Bất Bạt (Ba Vì, Hà Nội) cũng khiến không ít người phải xót xa. Chị Hà ngoài 40 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại nghĩa trang. Nhắc đến chuyện chồng con, chị Hà lại rưng rưng: “Khó lắm. Người ta chê mình làm ở nghĩa trang, chê mình âm khí nặng nên chẳng ai lấy đâu”. Hai mươi năm trước, chị yêu và quyết định lấy một người đàn ông trong làng. Mọi chuyện thuận buôm xuôi gió cho đến ngày hôn lễ thì gia đình người đàn ông đột ngột từ chối mà không rõ lý do. Mãi sau này chị Hà mới biết là vì chị làm trong nghĩa trang. “Thực sự tôi cũng không tiếc, đơn giản vì nếu người ta yêu thương mình thực sự thì mình có làm bất cứ nghề gì miễn không phạm pháp. Từ ngày đó tôi cũng chẳng còn tha thiết gì đến chuyện lập gia đình. Coi công việc dọn dẹp, chăm sóc những phần mộ làm niềm vui của mình”, chị Hà nói.

Những phận người sống dựa cõi âm -0
Do dịch COVID-19 nên số người trực tiếp đến nghĩa trang thắp hương cho người thân giảm nhiều

Nhưng ác cảm không chỉ dành cho chính những người trực tiếp làm nghề này mà cả thân nhân. Cuối năm ngoái, con gái chị Hoa đưa bạn trai về nhà ra mắt, một anh chàng đẹp trai, nghề nghiệp ổn định. Sau khi giới thiệu và được biết mẹ vợ tương lai của mình làm ở nghĩa trang, chàng trai tỏ ra không bằng lòng. Thế là từ đó không còn thấy anh chàng này qua lại với con gái mình nữa. Gặng hỏi thì được biết, hai đứa đã chia tay nhau vì lý do chàng trai đưa ra là: Con gái chị nói dối, trước khi quen, nói là mẹ làm nội trợ nhưng sau mới nói làm nghề lau mộ nghĩa trang.

Nói đến đây chị thở dài: “Có phải ai cũng hiểu và thông cảm cho công việc của chúng tôi đâu, Bản thân tôi cũng là nạn nhân của chuyện này. Bà Hoa cũng bỏ hẳn nghề rồi, bà ấy không muốn vì mình mà con gái lại lỡ dở tình duyên”.

Chiều muộn, những gia đình thăm mộ người thân đã lên xe trở về nhà, để lại bầu không khí tĩnh mịch hơn, âm u hơn. Những người phụ nữ vẫn len lỏi quanh nghĩa trang, vẫn cần mẫn quét dọn, lau chùi bên những ngôi mộ với cả tấm lòng thành kính.

Trâm Anh
.
.