Những thầy cô lái thuyền ở hồ Ba Bể…

Thứ Bảy, 20/11/2021, 15:00

7 giờ sáng, cả vùng hồ lặng như tờ, lạnh cóng và mờ mịt hơi sương. Từ bờ bên kia, chiếc thuyền máy xé nước lao vút đi. Trên thuyền, thầy giáo Đào Thiện Khiêm - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu, huyện Ba Bể đang chăm chú bẻ lái, chở theo 8 thầy, cô giáo băng qua hồ đến lớp...

Một lúc sau, gần tới bến, thầy Khiêm tắt máy, cho thuyền từ từ trôi vào một bến nước nhỏ cạnh trường. Các thầy cô rời thuyền, men theo lối bậc thang lên đến điểm trường chính. Con đường này, bến nước này với họ đã trở nên quen lắm. Thầy cô thường được ví như người chèo đò. Ở ngôi trường này, xét ở nghĩa nào, thầy cô cũng là những người lái thuyền thực thụ...

Những “tay lái lụa”

Xã Nam Mẫu nằm trọn trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể nên việc đi lại được xếp vào diện khó khăn nhất huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Toàn xã có 9 thôn bản chia thành 4 thôn vùng thấp và 5 thôn vùng cao. Vùng thấp bị chia cắt bởi hồ rộng, chủ yếu bà con đi lại bằng đường thủy. Vùng cao đồi núi hiểm trở không có đường đi, phải đi nhờ đường các xã bạn. Đi lại khó khăn thế, việc dạy và học của thầy và trò cũng lắm gian nan.

Những thầy cô lái thuyền ở hồ Ba Bể… -0
Thầy giáo Nông Văn Biện phụ trách lớp ghép 4-5 tại điểm trưởng Khau Qua, xã Nam Mẫu.

Điểm trường chính của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu nằm sát hồ Ba Bể. Dù là trường liên cấp nhưng chỉ có một dãy nhà 2 tầng chật hẹp. Vì nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể nên khuôn viên trường không thể mở rộng thêm. Tất cả không gian được tận dụng để cải tạo thành phòng học. Ở đây, để bám trường lớp, các thầy, cô giáo ngoài chuyên môn còn phải có thêm nhiều “tài lẻ”. Đầu tiên là phải biết lái thuyền máy. 9 thầy cô thường xuyên di chuyển qua hồ đến lớp đều biết lái thuyền. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm họ hẹn nhau đi xe máy từ nhà đến bến, gửi xe và cùng đi thuyền băng qua hồ. Chiều đến, 5 giờ lại cùng nhau lái thuyền trở về cung đường cũ.

Thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào Thiện Khiêm nói với tôi, nếu như các thầy, cô giáo vùng hồ lái xuồng thiện nghệ thì thầy cô trên các bản vùng cao lái xe máy cũng “lụa” không kém. Bởi ngoài điểm trường chính còn có 4 điểm trường lẻ nằm chon von trên núi cao. Điểm trường xa nhất cách trung tâm xã 45 km. Bởi vậy, không chỉ các thầy mà các cô chân yếu tay mềm cũng phải luyện tay lái băng rừng vượt dốc. Cứ ngày này qua ngày khác, tay lái họ cứng dần, thuộc nằm lòng từng khúc cua, đoạn dốc.

Chưa hết, các thầy cô phải dày công tự bổ túc tiếng của bà con. Bởi 359 học sinh của trường thuộc 5 dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng và Kinh. Thầy cô ở đây thường nói đùa rằng, ở Nam Mẫu, dân tộc Kinh là dân tộc ít người bởi trường chỉ có duy nhất một em học sinh người Kinh. Có biết tiếng bà con thì thầy cô mới có thể giao tiếp với học sinh và phụ huynh, mới vào bản làm công tác dân vận được. Mỗi khi thấy học sinh có nguy cơ nghỉ học thì thầy cô phải vượt đường xa đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và vận động, giải thích để bố mẹ thay đổi quyết định. Làm mọi cách cũng chỉ mong mỏi các em bám lớp bám trường, sau này cuộc sống đỡ nhọc nhằn.

Những thầy cô lái thuyền ở hồ Ba Bể… -0
Các em học sinh trong khu bán trú của nhà trường.

Đường về nhà rất xa...

Chúng tôi đến thăm Trường Nam Mẫu vào thời điểm chỉ còn một tuần nữa là đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ban đầu tôi cứ nghĩ dịp này, nhà trường chắc sẽ có buổi mít-tinh dành cho thầy và trò. Chẳng ngờ, thầy Khiêm đáp: “Năm nay trường chỉ tổ chức buổi tọa đàm cho các thầy, cô giáo. Còn các em học sinh dịp cuối tuần phải về nhà lấy lương thực”. Câu chuyện học sinh bán trú ở Nam Mẫu cũng là nỗi trăn trở đêm ngày của các thầy cô.

Dãy nhà bán trú nằm trong khuôn viên trường, tuy nhỏ hẹp nhưng cũng đủ phòng ở, phòng ăn, khu vệ sinh và khu bếp. Thầy Phùng Văn Thế, giáo viên dạy lớp 3 kiêm phụ trách quản lý học sinh bán trú cho biết, ngoài giờ dạy học, các thầy cô thay nhau chăm lo cho các em. Ban ngày thì nấu nướng phục vụ các em 3 bữa ăn, tối đến, thầy cô chia nhau ở lại trường để trông các em. Cuối tuần, chỉ cần một học sinh còn ở lại trường thì thầy cô vẫn còn nhiệm vụ.

Ở bán trú trong trường an toàn là thế nhưng có một nghịch lý là phần đông các em được hưởng chế độ bán trú lại không được ở. Là vì khi không ở bán trú trong trường, bố mẹ các em sẽ được nhận trực tiếp tiền và gạo hỗ trợ. Nhận rồi, thay vì để lại cho con thì họ... mang về nhà. Còn con, họ thuê nhà dân cho ở trọ. Trong những căn phòng trọ lụp xụp, tối tăm, các em ở chen chúc, tự túc tất cả mọi việc, từ chẻ củi, nấu ăn, tắm giặt và học hành. Xót xa khi chứng kiến bữa cơm của các em chỉ có cơm, vài hạt muối, vài cọng rau và chan nước lọc, thầy cô lại vào bản vận động bố mẹ cho con ở bán trú trong trường. Nhưng, những cuộc vận động vẫn thường xuyên thất bại, bởi, bố mẹ nghèo sẽ cần tiền, cần gạo của các con hơn.

Ở xã Nam Mẫu, do địa hình quá khó khăn nên học sinh chẳng bao giờ được bố mẹ đón đưa. Tuần nào các em cũng tự đi bộ về nhà để lấy lương thực mang lên nhà trọ. Bởi thế mà sáng Thứ bảy nào thầy hiệu trưởng cũng linh động xếp thời khóa biểu học 3 tiết để các em nghỉ sớm còn về nhà. Từng tốp học sinh rủ nhau đi từ trưa, những đôi chân nhỏ thoăn thoắt vừa đi vừa chạy, dù là hai mươi, ba mươi hay bốn mươi cây số, đi mãi cũng về đến nhà. Ngủ với bố mẹ buổi tối Thứ bảy, sáng Chủ nhật, từ các thôn bản, những cô bé cậu bé lại hẹn nhau lên trường, trên lưng mang theo gạo và rau cho cả tuần.

Ngày của thầy cô, mong các em bám lớp

Cô bé Thào Thị Dẩu nhà ở thôn Khau Qua đang học lớp 8 Trường Tiểu học - THCS Nam Mẫu ngoài trung tâm xã đã mấy hôm nay không đến lớp. Khi nhận được thông tin từ thầy cô ngoài điểm trường chính, thầy giáo Nông Văn Biện - điểm trưởng kiêm tổ trưởng chuyên môn của điểm trường lẻ Khau Qua vội vã tìm đường đến nhà học sinh. Thì ra, đang ngày mùa bận bịu, em Dẩu phải ở nhà giúp bố mẹ. Nghe thầy Biện khuyên nhủ cho con đến lớp, người mẹ vừa địu đứa con nhỏ trên lưng vừa tuốt lúa bỗng bật khóc nức nở. Chị bảo cũng muốn cho con đi học lắm nhưng bố Dẩu sức yếu, còn mỗi mẹ gồng gánh nên không biết phải làm sao. Dẩu đi học thì lấy ai chăn trâu chăn bò, kiếm đâu ra gạo để ăn... Đã không biết bao nhiêu lần thầy Biện và các thầy cô ở vùng hồ Ba Bể đến nhà học sinh như thế, niềm vui cũng nhiều khi vận động được bố mẹ cho các em trở lại trường nhưng nỗi buồn không phải là ít.

Những thầy cô lái thuyền ở hồ Ba Bể… -0
Học sinh trọ ngoài trường phải tự túc nấu ăn sau giờ học.

Khi chúng tôi vượt 20 cây số vào đến điểm trường Khau Qua cũng là lúc thầy Biện từ nhà học sinh về đến nơi. Con đường trở về thấp thểnh, nét mặt người thầy nặng trĩu những ưu tư. Điểm trường Khau Qua nằm trên khoảnh đất cao, bốn bề là ruộng bậc thang đang mùa lúa chín. Chỉ có duy nhất dãy lớp học được xây dựng chắc chắn, còn khu nhà ăn, phòng nghỉ tạm cho các thầy cô ghép gỗ tạm bợ, nằm lúp xúp quanh chiếc sân đất con con.

Điểm trường này có 4 thầy cô giáo phụ trách 3 lớp tiểu học và 1 cô giáo dạy mầm non. Tất cả các em đều là người dân tộc Mông. Lớp 2 tách thành lớp riêng vì năm nay là năm đầu tiên học theo chương trình mới. Còn lại là lớp ghép học chương trình lớp 1 và lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Lớp ghép nào cũng có 2 chiếc bảng, 2 bàn giáo viên đặt ở hai đầu. Thầy cô giáo thoăn thoắt đi lại, nhịp độ dạy học không lúc nào ngơi.

Dạy học ở xã Nam Mẫu đã được 8 năm, thầy Biện hồ hởi khoe với tôi rằng đến tận năm ngoái mới có con đường đẹp vào điểm trường Khau Qua. Trước kia, thầy cô phải mất 2 tiếng đồng hồ vượt quãng đường vòng vèo 50 km sang các xã khác mới ra đến điểm trường chính họp hành. Giờ đây, thời gian rút ngắn, các cô tay lái yếu đi mất 1 tiếng, các thầy chỉ 40 phút là đến nơi. “Con đường đẹp” mà thầy Biện nói chính là con đường chúng tôi vừa đi qua để đến được điểm trường. Do nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể nên việc mở đường vô cùng hạn chế, dù đã đổ bê tông nhưng “siêu” nhỏ bé, đoạn đường rộng nhất khoảng 80cm, chỗ hẹp nhất chỉ 20cm nằm cheo leo trên vách đá. Có đoạn dốc đứng, hiểm trở, tưởng như chỉ ngoặt tay lái là lao xuống vực sâu.

Nhiều đoạn trên cung đường thót tim ấy, tôi đã không đủ can đảm ngồi trên xe máy, đành xuống đi bộ. Cũng chính trên cung đường ấy, chiếc xe máy chúng tôi mượn ngoài trung tâm xã đã đứt xích dọc đường, cứ thế trôi tuột xuống chân dốc. Mấy anh em ái ngại nhìn nhau nhưng lòng thì vẫn quyết tâm vào thăm thầy trò ở Khau Qua. May nhờ một người dân nhiệt tình chữa xe giúp nên chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình... Vào đến điểm trường rồi mà tôi vẫn không thể hình dung nổi các cô giáo chân yếu tay mềm lấy đâu dũng khí để có thể phóng xe băng băng vào bản.

Những thầy cô lái thuyền ở hồ Ba Bể… -0
Thầy giáo Đào Thiện Khiêm - Phó Hiệu trưởng phụ trách hằng ngày phải lái thuyền máy băng qua hồ Ba Bể đến trường.

Ở Khau Qua cũng giống như các điểm trường khác, thầy cô dạy học cũng đồng thời là thầy cô nuôi. Từ tờ mờ sáng các thầy cô đã rời nhà đi mua thực phẩm mang đến điểm trường. Dạy học sinh đến gần trưa, thầy cô vội vã xuống bếp nấu ăn để kịp giờ. Các đơn vị tài trợ hỗ trợ mỗi em mức kinh phí 8 nghìn 500 đồng/bữa cơm. Nhờ có sự tận tâm của thầy cô mà các em được ăn những bữa cơm trưa nóng sốt, có rau có thịt. Cũng chính bữa ăn bán trú buổi trưa đã giữ các em ở lớp cả ngày thay vì về nhà rồi nghỉ học luôn. Đổi lại, nhịp làm việc của thầy cô lúc nào cũng vội vã và cực nhọc.

“Ngày Nhà giáo đã đến rất gần, thầy ước muốn điều gì?”, tôi khẽ hỏi thầy giáo Biện. Từ trong căn phòng ghép gỗ chật chội, thầy cười hiền: “Mong mỏi lớn nhất là các em đi học đều, có đồ dùng học tập đầy đủ. Thêm nữa, tôi mong muốn khoảnh sân đất kia sẽ được đổ bê tông, để mỗi sáng Thứ hai các em đứng chào cờ, để giờ ra chơi các em được chơi đùa sạch sẽ”. Ở Nam Mẫu, mọi ngả đường đến trường đều chênh vênh, con chữ ở đâu cũng mong manh lắm. Bởi vậy, các thầy, cô giáo luôn là người thắp lửa, bền bỉ và nỗ lực để những trang viết dày lên từng ngày, để mỗi ngả đường đều in dấu chân nhỏ bé của học trò đến lớp.

Huyền Châm
.
.