Những vụ trọng án từ mê tín dị đoan

Thứ Bảy, 25/05/2024, 16:37

Ở địa bàn Lai Châu, trong tín ngưỡng, phong tục của người dân ở các bản vùng cao, khi có người trong nhà đổ bệnh, hoặc gặp chuyện không đúng ý, họ thường làm lễ, làm lý, yểm bùa, cúng ma... nên nơi đây có nhiều vụ trọng án khởi phát từ niềm tin tín ngưỡng mù quáng.

Giết người do mê tín dị đoan khởi phát thường có 2 dạng, thứ nhất là người dân vì hủ tục, khi thân nhân ốm đau hoặc chính họ bị ốm, họ nghĩ người nào đó làm hại người bằng thả ma chài. Họ tin ma chài là người bình thường, biết làm phép để cho người khác bị ốm. Vì vậy, phải giết người thả ma chài thì mình mới khỏi ốm. Dạng thứ hai là những đối tượng lợi dụng lòng tin, tín ngưỡng của nạn nhân để giết người vì mục đích nào đó.

Mượn bạc làm lý, bị thầy mo sát hại

Chật vật vượt qua con đường đầy cua dốc, chúng tôi đến Sìn Hồ, một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu. Trên đường đi, chúng tôi được anh Tẩn Lưu Ngan, Phó Viện trưởng VKSND huyện Sìn Hồ chia sẻ, vùng đất này hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng của 14 dân tộc, đặc biệt là Mông, Dao, Thái... đi kèm với đó là sự hiện diện văn hóa bản sắc thì vẫn còn tồn tại những hoạt động mê tín, dị đoan. Các nghi lễ như bói toán, yểm bùa, cúng ma, trừ tà, phù phép chữa bệnh và làm lý vẫn đang tồn tại và ngày càng trở nên tinh vi, khó kiểm soát.

Những vụ trọng án từ mê tín dị đoan -0
Công an tỉnh Lai Châu cùng các ban ngành chức năng họp báo cáo các vụ án có khởi phát từ mê tín, dị đoan

Xe dừng lại ở Trung tâm xã Tả Phìn, chúng tôi cuốc bộ vào bản Bành Phán. Trên đường vào bản, trải nghiệm cái nắng vàng hanh hao của bản địa, cùng với bầu trời xanh ngăn ngắt, mát mẻ. Sìn Hồ được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm mát mẻ. Cái bình yên của bản làng khắc họa như một bức tranh, những người già ngồi tắm nắng, thêu thùa.

Càng vào sâu trong bản, đường càng khó đi, bởi cách xây dựng chắp vá của người dân, kèm với đó nó mùi khăn khẳn của phân bò, phân lợn, bởi cái nhầy nhụa, tắc nghẽn của đường nước thải từ chăn nuôi và sinh hoạt không được xử lý. Đi qua những rãnh nước thải xung quanh nhà, chúng tôi tìm vào nhà anh Tẩn A San. Thấy có khách, một thiếu nữ chừng đôi mươi đang địu ru con giật mình vào gọi chồng.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng những đau thương và mất mát vẫn phủ bóng đen lên cuộc sống gia đình bà Chẻo Mý Nải - nạn nhân trong một vụ án rúng động tại địa phương. Trong câu chuyện của anh Tẩn A San (con trai bà Nải), vụ án năm xưa vẫn còn in hằn trong tâm trí. Trong ký ức của con trai bà Nải, bà là người có niềm tin mạnh mẽ vào tín ngưỡng. Khi còn sống, bà Nải luôn tìm đến sự giúp đỡ của thầy mo từ việc con trai vướng vòng lao lý, người thân mắc bệnh, cho đến những tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Nải và hàng xóm...

Theo lời kể, 10h ngày 11/10/2021, anh Chảo A Quẩy  trú tại xã Tả Phìn phát hiện một tử thi tại khu rừng cấm, thuộc bản Seng Láng, xã Tả Phìn. Hiện trường của vụ án là khu vực rừng cấm của người dân tộc Dao, người Dao tuyệt đối không vào rừng cấm, chỉ vào rừng chặt cây làm đòn khiêng khi có người nhà mất. Vậy tại sao bà Chẻo Mý Nải lại vào rừng cấm để rồi tử vong? Có nhiều nhận định khác nhau, có ý kiến cho rằng nạn nhân tự tử, cũng có ý kiến nhận định hay là nạn nhân bị bệnh lý?

Những vụ trọng án từ mê tín dị đoan -0
Gia đình anh Tẩn A San, con trai nạn nhân Chẻo Mý Nải

Trung tá Lê Quang Hòa,  Đội trưởng Đội 1, phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu chia sẻ: Hiện trường không để lại dấu vết, trên người tử thi không có dấu tích gì. Quá trình xác minh, nắm được, trước khi đối tượng bị chết thì có mang theo khối lượng tài sản rất lớn. Sau khi khám nghiệm tại hiện trường thì không thấy khối lượng tài sản đâu. 

Tuy nhiên, ngày 16/10/2021, Viện Pháp y quốc gia có bản kết luận giám định pháp y, nhận định, nạn nhân Chẻo Mý Nải chết do trúng độc Alacaloid của cây lá ngón, có tìm thấy rượu trong máu. Sau khi khoanh vùng, cơ quan tố tụng nhận định đối tượng nghi vấn là thầy cúng đang làm lý, làm ma cho nạn nhân. Tại Cơ quan điều tra, Triệu Vạn Phúc khai báo, Phúc được bà Nải nhờ cúng giải hạn nhiều lần. Lần này, bà Nải đặt vấn đề nhờ Phúc làm cho một cái lý to để giải hạn. Đang lúc túng quẫn, cần tiền tiêu, Phúc đã yêu cầu bà Nải mang theo lễ vật là vàng, bạc lên tới trên 1 tỉ đồng để làm lý thì mới có hiệu quả. Khi bà Nải đồng ý, Phúc đã xây dựng một kế hoạch, kịch bản rất tỉ mỉ, chi tiết để thực hiện hành vi giết nạn nhân, cướp tài sản.

Phúc lên rừng chọn cây lá ngón về nấu cô đặc thành nước, pha với rượu rồi cho đưa cho bà Nải uống. Bà Nải tử vong, Phúc chiếm đoạt số trang sức trên 14 kg bạc mà bà Nải đem đến làm lễ vật cúng có tổng giá trị gần 1,1 tỉ đồng. Khi bản án được đưa ra xét xử công khai, Phúc được nhận định là đối tượng gian manh, xảo quyệt, bị kết án tử hình với 3 tội danh: giết người; cướp tài sản; vu khống... Lúc này người dân nơi đây mới vỡ lẽ, trước nay họ đã đặt niềm tin tín ngưỡng của mình vào một kẻ tội phạm.

Giết chú ruột vì nghi là... ma chài

Bản Ma Can thuộc xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, là một bản xa xôi hẻo lánh, nằm trên đỉnh núi, đường dẫn vào bản quanh co, hiểm trở, chỉ có lối  mòn dân sinh. Người dân nơi đây đa phần là dân tộc Dao.

Đại úy Trần Thành Nam, Điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu kể, từ trung tâm xã Dào San vào bản Ma Can chỉ bằng cách đi bộ, với người đi quen thì mất khoảng 2 giờ đồng hồ, đi không quen có thể lâu hơn. Ở bản, các thiết bị điện tử như tivi, máy giặt không có, vì để vận chuyển bằng đường bộ vào thì không đảm bảo thiết bị này không bị hư hỏng. Nơi đây, bà con nhận thức pháp luật còn hạn chế. Đồng bào có niềm tin tín ngưỡng từ tổ tiên, cha ông để lại về việc có ma chài. Họ tin ma chài là có thật, là người bình thường, biết làm phép để cho người khác bị ốm. Vì vậy, chỉ cần nghi ngờ ai là ma chài là họ đánh để khai con ma giấu ở đâu.

Những vụ trọng án từ mê tín dị đoan -0
Đối tượng Triệu Vạn Phúc và tang vật vụ án

Khoảng 20h tối ngày 11/8/2022, khi các gia đình đang quầy tụ bên mâm cơm cúng rằm, bỗng có tiếng gọi lớn của một nhóm thanh niên “anh em trong bản ra đánh ông ma chài này”. Cùng với đó là tiếng gọi, tiếng chửi, tiếng cãi vã phát ra từ khu vực nhà ông Chẻo Chỉn Phụ (dân tộc Dao, sinh năm 1970) trong bản. Tò mò và hiếu kỳ, người dân kéo đến nhà ông Phụ, chứng kiến, nhóm thanh niên dùng nhiều hung khí đánh ông Phụ, vừa đánh vừa lớn tiếng quát nạt yêu cầu ông Phụ thu lại ma chài. Không một ai lên tiếng can ngăn, vì vậy nhóm thanh niên đã hành hung và đánh cho tới khi nạn nhân gục xuống, tử vong.

Tuy nhiên, khi tiến hành lấy lời khai nhanh của một số nhân chứng, điều tra viên nhận được thông tin rất nhỏ giọt, không có giá trị, mặc dù nhiều người nắm rõ được nhóm đối tượng gây án, nhưng không ít người dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác, cá biệt có người còn hả hê vì ai đó đã "giúp" bản giết đuổi "con ma" đi.

Ngày 12/8/2022, một nhóm gồm 6 đối tượng gồm: Tẩn Chin Khoa, Chẻo Lao Lở, Chẻo Láo Lở, Tẩn Lao Tả, Tẩn Chỉn Lìn... cùng trú tại bản Ma Can ra đầu thú. Xem xét lời khai của các đối tượng gây án, điều tra viên đặt nhiều giả thuyết về động cơ gây án, xét về nhân thân, các đối tượng gây án và nạn nhân là chú cháu, anh em họ hàng, ruột thịt thân thiết trong bản.

Từ lời khai của các đối tượng, nguyên nhân ban đầu của vụ án mạng dần được hé lộ. Theo đó, bà Chẻo Lở Mẩy và Lý San Mẩy là mẹ và vợ của Tẩn Chin Khoa bị ốm lâu không khỏi, Khoa nhờ ông Chẻo Chỉn Phụ là chú ruột của Khoa về cúng để hồn người ốm không nhập vào mẹ và vợ của Khoa nữa. Tuy nhiên, sau khi cúng, mẹ và vợ của Khoa không khỏi ốm. Nghĩ là ông Chẻo Chỉn Phụ làm phép thả ma chài, Khoa gọi điện thông báo và rủ anh em, họ hàng đi đánh ông Phụ để ông Phụ khai ra chỗ giấu con ma chài.

Điều tra viên nhận thấy, các đối tượng này luôn tin ông Phụ là ma chài, gây ốm đau, xúi quẩy cho người nhà, là “nỗi nhục” và điều đáng xấu hổ cho cả họ. Họ đồng lòng đi đánh người để giết ma chài. Vì vậy, để các đối tượng nhận thức được hành vi phạm tội, cơ quan tố tụng vừa làm sáng tỏ vụ án, vừa giải thích, tuyên truyền, vận động.

Đại úy Trần Thành Nam cho biết: Điều tra viên đưa ra những bằng chứng khoa học về bệnh lý của con người. Bằng cách, sử dụng kết luận giám định pháp y của Chẻo Chỉn Phụ để giải thích, dùng cái này đánh, dùng cái này đập, dùng cái này trói thì sẽ dẫn đến những vết thương như thế này. Nếu như các anh chỉ dùng bát hương, ngồi ở nhà, khấn vái vài câu mà cho người khác bị những thương tích đấy thì không bao giờ có được. Chúng tôi lên kế hoạch tỉ mỉ, có dẫn chứng logic và khoa học thì mới thay đổi được nhận thức, cả một quá trình chứ không phải ngay lập tức họ sẽ hiểu.

Sau nhiều lần hỏi cung, tuyên truyền, vận động, nhận thức của các bị can thay đổi. Trong buổi tổng cung, cả sáu đối tượng đều xin phép được nói trước một câu, các đối tượng đã hiểu ma chài không có thật, đó chỉ là hủ tục mê tín, dị đoan của con người. Xin Cơ quan điều tra cho phép khắc phục thiệt hại, bồi thường cho nạn nhân.

Bản án được tuyên, 6 đối tượng bị tổng mức án trên 60 năm tù về tội “giết người”, nhưng hệ lụy để lại trong một dòng họ, ở một bản làng, là nỗi đau của 7 gia đình, 1 gia đình mất người thân, 6 gia đình có người thân vướng vòng lao lý, chỉ vì hủ tục mê tín mù quáng.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ án xảy ra tại địa bàn xuất phát từ một bộ phận nhân dân thiếu sự định hướng về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nên nhận thức chưa đúng đắn xảy ra tại địa bàn. Ngoài ra còn có các vụ án như: Giàng A Mình ở bản Hua Cưởm, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, vì nghi ngờ hàng xóm thả ma làm hại gia đình mình nên đã ném lựu đạn vào nhà hàng xóm; vụ Chảo Cáo Chán ở bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, nghi ngờ bố mẹ vợ là ma chài đã dùng gậy sát hại 2 người; vụ  Lý Xa Pen nghi ông Tẩn Vần Quang thả ma chài làm Pen đau đầu nên lấy cuốc đánh vào đầu ông Quang.... 

Vì vậy, vấn đề đặt ra với các cơ quan tố tụng trên địa bàn vừa giải quyết án, vừa kết hợp công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức cho bà con nhân dân. Đại tá Phan Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Đối với các trọng án liên quan mê tín dị đoan, khi chúng ta khám phá ra thì cũng đặt ra vấn đề đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng  bào dân tộc thiểu số, tránh xa các hủ tục  mê tín dị đoan. Điều này cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, và sự đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Với sự vào cuộc quyết liệt, kiên quyết của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhận thức của người dân về các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đang ngày càng tích cực chuyển biến, giảm dần những vụ trọng án để lại những hệ lụy đau lòng do khởi phát từ hủ tục mê tín dị đoan trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Hà Nhân
.
.