Nơi ấy Bạch Long Vĩ

Thứ Năm, 25/05/2023, 12:08

Là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vĩ có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Hơn 30 năm thành lập, chính quyền và nhân dân trên đảo đã từng bước xây dựng Bạch Long Vĩ từ một hòn đảo hoang vu, khô cằn thành huyện đảo trù phú.

Tiếp thêm nguồn lực, mới đây đoàn thiện nguyện "mang chất Trường Sa ra Bạch Long Vĩ" đã tổ chức một chuyến đi với những hoạt động hết sức ý nghĩa..

1. Cảng thủy nội địa Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) sáng hôm ấy náo nhiệt hơn thường lệ. Những bóng áo xanh hòa lẫn màu áo cờ đỏ sao vàng của đoàn thiện nguyện (gồm các cựu cán bộ đoàn Khối cơ quan Trung ương, cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam, các phóng viên, bác sĩ, luật sư...) hối hả khuân vác những thùng quà to nhỏ lên boong hết sức khẩn trương.

Ngoài những món quà thường thấy như sữa đậu nành, sách truyện, vở viết... thì còn có một “nhân tố” đặc biệt. Đó là một cây bàng vuông được ươm mầm từ huyện đảo Trường Sa, nay được mang ra trồng tại đảo Bạch Long Vĩ.

Nơi ấy Bạch Long Vĩ -0
Đồng chí Đào Minh Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện (thứ 6, từ trái sang) cùng đại diện đoàn công tác trồng cây bàng vuông được Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền tặng đảo Bạch Long Vĩ.

Nói về ý tưởng kết nối giữa huyện đảo nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc với huyện đảo nằm xa bờ nhất vịnh Bắc Bộ, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Là người rất yêu biển đảo, anh không ít lần đưa các đoàn công tác đi làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, cũng như các huyện đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc. Sau những chuyến đi trên, anh nảy ra ý tưởng có thể lấy những loài cây, con đặc biệt từ huyện đảo này mang đến nuôi, trồng tại đảo kia, nhằm tạo sự gắn bó, gieo trồng niềm tin giữa cán bộ, nhân dân của các huyện đảo với nhau. Ý tưởng này lại rất trùng hợp với suy nghĩ của nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. Cả hai đã lên kế hoạch, thu xếp thời gian nhằm tổ chức đoàn thiện nguyện đến với Bạch Long Vĩ.

Tuy nhiên, không dưới 2 lần - vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan - mà việc tổ chức đoàn thiện nguyện chưa thành. Mãi cho đến những ngày đầu tháng 5/2023, hai anh một lần nữa “set up" chương trình, kết nối với Thành đoàn TP Hải Phòng, Tổng đội thanh niên xung phong, kêu gọi nhà tài trợ... và đến lần này thì đã thành công.

2. 7 giờ sáng ngày 19/5/2023, con tàu Bạch Long rúc lên hồi còi bắt đầu chuyến hải trình. Cây bàng vuông - nhân tố được nâng niu từ khi “ngồi” trên chuyến xe khách chở đoàn thiện nguyện từ Hà Nội ra bến cảng - đã được an vị tại một góc khuất gió, khuất sóng nhất trên tàu.

“Đàn bà đi biển tháng tư", cứ ngỡ đoàn công tác sẽ có một hành trình thuận buồm xuôi gió thì mới ra khỏi cửa sông, các thành viên đã được nếm mùi sóng gió. Sóng bạc đầu liên tiếp đẩy con tàu chao đảo, lắc lư. Có ngọn sóng cao tới 4m, ập vào thành tàu, tạt ướt những hành khách ngồi gần cửa. Khá nhiều chị em bị say sóng, nằm ngổn ngang trên sàn tàu... Rất may, nhân tố đặc biệt vẫn an toàn, không rụng một chiếc lá.

Nơi ấy Bạch Long Vĩ -0
Đồng chí Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký biên tập Đài tiếng nói Việt Nam (thứ tư, từ phải sang) đại diện đoàn trao tặng quà cho liên đội thanh niên xung phong huyện đảo Bạch Long Vĩ.

3 giờ chiều tàu mới cập bến, muộn khoảng 2 giờ so với lịch trình. Các thành viên dù say sóng vẫn hồ hởi vận chuyển hàng hóa lên bờ, chuyển về địa điểm tập kết là khu nhà của Liên đội thanh niên xung phong huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Tiếp đó, nhiều hoạt động thiện nguyện được nối tiếp nhau hết sức khẩn trương. Từ tặng quà cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, các thanh niên xung phong; nghe cán bộ Tổng đội thanh niên xung phong ôn lại quá trình hình thành, phát triển của huyện đảo từ khi còn là những bãi đá, rừng cỏ hoang sơ cho đến một thị trấn trù phú như hiện nay; dâng hương tại chùa Bạch Long; thăm công trình điện gió, hải đăng...

8 giờ tối đã thấy những con đường đổ bóng hàng cây vắng lặng, đảo chìm vào sự yên bình, tịch mịch.

3. 5 giờ sáng, hừng đông ló dạng. Một vẻ yên bình có lẽ là rất đỗi quen thuộc với người dân trên đảo, song lại vô cùng đặc biệt với những ai vốn đang sống nơi phố thị tấp nập.

Sóng biển êm ru, những làn gió nhẹ chỉ đủ để khẽ lay những bông trúc đào. Khắp nơi chỗ nào cũng có thể nghe tiếng họa mi, chích chòe líu lo gọi bạn (có lẽ vì thế mà trên một số bản đồ, người Pháp gọi Bạch Long Vĩ là “Nightingale” (tức đảo họa mi). Còn những “cậu khuyển” thì uể oải nhìn người lạ một cách ơ hờ, vẻ như: "Có trộm thì cũng chạy đằng giời, thoát làm sao được với cậu!”.

Lang thang ở đoạn công viên Tuổi trẻ sông Hồng, tôi gặp lại ông Trần Văn Hiên, Liên đội trưởng Liên đội thanh niên xung phong huyện đảo đang ngồi tư lự. Tôi biết tên ông bởi tối hôm trước ông đại diện cho thanh niên xung phong của đảo lên nhận quà từ các nhà tài trợ. Tôi bắt chuyện: “Đảo mình tuy xa đất liền song cũng có vẻ đầy đủ các dịch vụ quá anh nhỉ". Rồi câu chuyện với người đàn ông đầy nhiệt huyết với đảo cứ miên man không dứt.

Ông Hiên chính là một trong 60 thanh niên xung phong đầu tiên của Tổng đội thanh niên xung phong TP Hải Phòng nhận nhiệm vụ xây dựng đảo từ những ngày đầu tiên (tháng 3/1993). Trước đó, do từng là một cậu lính trẻ của đơn vị bộ đội đóng trên đảo nên ông Hiên cơ bản nắm được tình hình nơi đây.

Nơi ấy Bạch Long Vĩ -0
Đoàn công tác tặng quà và cờ tổ quốc cho ngư dân trên đảo.

Những ai có mặt tại đảo từ ngày ấy có lẽ đều không thể tin được lại có một ngày huyện đảo trù phú như bây giờ. Khi thành lập, hòn đảo hoang hầu như chỉ có sỏi đá và cỏ dại mọc thành rừng. Duy nhất một đơn vị bộ đội đồn trú tại khoảnh đất nhỏ, cứ 3 tháng lại có tàu của đơn vị trong đất liền chở lương thực, thực phẩm tiếp tế... Điện không có, nước cũng không, 60 thanh niên xung phong đã phải vượt mọi khó khăn để có thể thực hiện nhiệm vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảo...

Biết bao thế hệ thanh niên xung phong chung lưng đấu cật xây dựng đảo, cùng sự hậu thuẫn của cải vật chất từ chính quyền TP Hải Phòng và nhân dân cả nước đã dần dà làm thay da đổi thịt cho hòn đảo hoang thuở nào.

Lấy vợ, rồi sinh con đẻ cái tại đây, ông Hiên còn nổi tiếng với sự ham học. Sau khi công tác hơn chục năm tại Liên đội thanh niên xung phong, ông được cấp trên tạo điều kiện đi học đại học tại chức tại TP Hải Phòng. Vậy là suốt 4 năm dài đằng đẵng, ông vừa học, vừa làm. Tổng số quãng đường mà chàng sinh viên phải trải qua lên tới 17 ngàn km, thuộc dạng kỷ lục cho quãng đường đèn sách của một cử nhân. Lấy vợ cũng là một thanh niên xung phong, ông Hiên cùng vợ có hơn 30 năm sống và làm việc trên đảo - cũng là một kỷ lục của đảo.

Hỏi về tình hình an ninh, trật tự trên đảo, ông Hiên cho biết do nằm xa đất liền, số lượng dân cũng không nhiều (trừ thời điểm các tàu đánh cá tại ngư trường vịnh Bắc Bộ vào tránh bão) nên suốt mấy chục năm trên đảo gần như không có vụ việc gì đáng kể.

4. Công an huyện đảo Bạch Long Vĩ - đơn vị trực tiếp giữ gìn an ninh, trật tự trên đảo là đơn vị rất đặc biệt. Đây là đơn vị công an cấp huyện, song lại không có công an cấp xã. Tất cả mọi công việc các anh đều làm trực tiếp với người dân.

Trong thời gian ngắn ngủi trên đảo, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Khắc Hoàng Minh, cán bộ Đội An ninh tổng hợp, Công an huyện. Trước khi nhận công tác tại đây, Minh từng là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Hải Phòng, rồi sau đó là bộ phận pháp chế, quản lý khoa học của Công an thành phố. Năm 2022, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Minh làm đơn xin tình nguyện ra công tác tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, dù ở đất liền anh còn người vợ trẻ và 3 đứa con thơ. Có đọc lá đơn của Minh, chúng tôi mới thêm hiểu và cảm phục tinh thần, nhiệt huyết của người chiến sĩ công an trẻ tuổi. Anh khao khát được rèn luyện từ thực tế để có thể đúc kết kinh nghiệm, cống hiến nhiều hơn nữa cho nhân dân, cho ngành Công an.

Trên chuyến hải trình từ Bạch Long Vĩ về đất liền, ngoài những ấn tượng về một huyện đảo xinh đẹp, trù phú thì hình ảnh của Liên đội trưởng thanh niên xung phong Trần Văn Hiên, cùng chàng công an trẻ Nguyễn Khắc Hoàng Minh - một người sắp nghỉ hưu, còn một người mới nhận nhiệm vụ tại đảo chưa lâu - khiến tôi đặc biệt tin tưởng rằng, Bạch Long Vĩ vẫn sẽ luôn vững chãi, là "lá chắn thép" ở vịnh Bắc Bộ.

Mang chất Trường Sa về đảo Bạch Long Vĩ

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), nhằm tuyên truyền, lan tỏa phong trào thanh niên làm theo lời Bác, góp phần thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ban liên lạc cựu cán bộ đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP Hải Phòng phát động chương trình thiện nguyện "Mang chất Trường Sa về đảo Bạch Long Vĩ".

Nơi ấy Bạch Long Vĩ -0
Cây bàng vuông - nhân tố đặc biệt của đoàn công tác.

Khi biết chương trình này, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã gửi tặng cho đoàn cây bàng vuông Trường Sa với mong muốn thông qua chương trình mang ra trồng tại huyện đảo, đồng thời hỗ trợ phương tiện cho đoàn. Đây là hành động mang ý nghĩa gieo trồng niềm tin, sự quan tâm và tình yêu thương đối với đất nước và những hòn đảo hoang sơ của chúng ta.

Thiếu tá, nhà báo Lò Anh Hiếu, Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị Báo CAND vừa có chuyến đi công tác tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hồi đầu năm, khi nhận được thông tin về chương trình thiện nguyện nêu trên, chị đã kết nối với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để gửi tặng 2 cây bàng vuông ra trồng tại huyện đảo. Hiện, 2 cây bàng đã được trồng tại chùa Bạch Long Vĩ.

Cựu cán bộ đoàn Khối các cơ quan Trung ương và Tạp chí Thương gia và Thị trường tặng các gia đình thanh niên xung phong, đối tượng chính sách trên đảo tổng số tiền là 110 triệu đồng. Bên cạnh đó, đoàn thiện nguyện đã gửi tặng đảo Bạch Long Vĩ 3 cây bàng vuông Trường Sa; trao 100 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân, thanh niên xung phong, lực lượng biên phòng; 600 quyển vở và 1 tủ sách do Công ty Canon Lê Bảo Minh tài trợ; 33 thùng sữa đậu nành Vinamilk; 1.000 sách truyện thiếu nhi do Trường Tiểu học Mễ Trì ủng hộ; thuốc, nhu yếu phẩm trị giá 2 triệu đồng và 15 kg chè Thái Nguyên tặng các đơn vị. Ngoài ra, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã mở các lớp tập huấn về sơ, cấp cứu cho các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Long Vĩ, giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở trên đảo...

Minh Tiến
.
.