Nơm nớp sống cạnh mỏ đá

Thứ Tư, 16/02/2022, 07:53

Nhiều năm qua, hàng trăm người dân xóm Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng từ các mỏ khai thác đá. Không chỉ ô nhiễm không khí, người dân nơi đây còn phải chịu ô nhiễm tiếng ồn từ máy móc và tiếng mìn nổ.

Chuyện nhà cửa nứt nẻ, đất đai sụt lún, vỡ mái tôn… đã không còn là chuyện hiếm. Ai nấy đều cảm thấy bất an, sợ hãi vì không biết khi nào hiểm họa sẽ đổ xuống đầu mình.

Khi bất an luôn rình rập

Xóm nhỏ Đồng Om nằm tiêu điều bên những dãy núi đá nham nhở đủ màu sắc. Thấy có phóng viên đến tìm hiểu về chuyện nổ mìn khai thác đá, bà Bạch Thị Dậu, (49 tuổi) nói mà như khóc: “Đã nhiều năm nay nhà tôi không bao giờ dám mở cửa. Có con có cháu mà chúng nó cũng chẳng dám về thăm bố mẹ, ông bà mà cũng đâu có trách chúng nó được. Vì về nhà trong tình trạng ô nhiễm nặng thế, dọn mâm cơm ra chưa kịp ăn, bụi đã phủ trắng rồi thì ai nỡ ép chúng nó về chứ.

a1.jpg -0
Cảnh nổ mìn khai thác đá do người dân cung cấp.

Hiện ở nhà chỉ có hai vợ chồng tôi thôi, chồng tôi thì bệnh tật đau ốm suốt. Nói thật, cứ ở đây lâu thì người khoẻ cũng thành người bệnh vì đâu chỉ có ô nhiễm, nó còn tiếng ồn của máy móc khai thác đá, tiếng mìn nổ cũng đủ bị bệnh rồi. Đến nuôi con lợn, con gà cũng chẳng thấy lớn. Mỗi lần nổ mìn xong, cả xóm không chỉ rung lắc như động đất mà còn bao phủ lớp bụi trắng xóa mù mịt không thở nổi”.

Nói xong bà Dậu đưa tay chỉ vào các đồ dùng trong gia đình, chúng đều được phủ một lớp bụi trắng xóa. Ngay trước mặt nhà bà Dậu là bãi tập kết đá thành phẩm của Công ty Phú Đỉnh, không một phương án bảo vệ môi trường, tiếng máy xúc hoạt động bất kể giờ giấc, cho chúng tôi cảm nhận như mình đang đứng giữa một đại công trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào khu vực khai thác đá, cũng là đường vào xóm Đồng Om bụi phủ trắng xóa cây cối bên đường, hàng đoàn xe trọng tải lớn (30-40 tấn) ra vào tấp nập khiến cho con đường vào xóm oằn mình chống chọi. Những ổ voi lớn, sống trâu liên tục xuất hiện khiến cho việc di chuyển vô cùng khó khăn, tiềm ẩn mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Sơn Đông (30 tuổi) không giấu được bức xúc nói: “Đã từng có lần trong lúc nổ mìn tảng đá rơi xuống giữa sân nhà tôi nhưng may mắn là không trúng vào ai. Nhưng chuyện nhà cửa nứt nẻ, sụt lún, vỡ mái tôn, xi măng thì xảy ra như cơm bữa… Cuộc sống của chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng bị đe dọa, nguy hiểm”.

Với vị trí hiện nay của xóm Đồng Om có thể thấy bao bọc xung quanh là cả chục mỏ khai thác đá, phía giáp đường mòn là Công ty đá Cao Dương, phía trong là hàng loạt mỏ đá như Mỏ đá số 7, mỏ đá số 5, mỏ đá số 9, mỏ đá công ty Phú Đỉnh…

bs.jpg -0
Chủ tịch UBND xã Cao Dương Nguyễn Văn Khiêm trong buổi làm việc với phóng viên

Điều này cũng lý giải cứ vào thời điểm 11h trưa, các mỏ đá đồng loạt nổ mìn gây ra cảnh cả xóm Đồng Om chìm trong khói bụi, mà theo lời anh Nguyễn Văn Tư (40 tuổi): “Đất đá bay mù mịt, đứng gần vẫn không nhìn thấy mặt nhau, tiếng nổ mìn ầm ầm rung chuyển cả khu vực, nhà cửa chao đảo. Cảnh tượng này diễn ra đã mấy năm rồi. Hơn 20 hộ dân với trên 100 nhân khẩu bị kẹt trong cả chục mỏ đá đang hoạt động, khai thác hết công suất hàng ngày.

Khi được hỏi, đã từng bao giờ có ý kiến với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hay với các đơn vị khai thác đá chưa, thì những người dân nơi đây nói rằng: “Chúng tôi đơn thư cũng nhiều, lên đến cả huyện nhưng không được giải quyết. Quá bất lực nên nhiều lần chúng tôi đã ra đường chặn không cho xe chạy vào các mỏ nhưng chính quyền xuống ngăn cấm nên cũng chả đi đến đâu. Nếu được chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương chuyển người dân xóm Đồng Om đi nơi khác thì may cuộc sống của chúng tôi mới được đảm bảo”.

Lấy dẫn chứng, gia đình anh Nguyễn Sơn Đông sau khi bị đá rơi trúng sân nhà, gây lún nứt đã gửi đơn kiến nghị. Chính quyền địa phương xuống lập biên bản từ ngày 29-3-2021 chỉ rõ những thiệt hại, số tiền bồi thường và doanh nghiệp phải giải quyết xong trước ngày 5-4-2021… Nhưng đến nay vẫn không thấy thực hiện.

Có một sự thật là tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng tại khu vực xóm Đồng Om do cả chục mỏ khai thác đá đang ngày đêm hoạt động. Xóm Đồng Om với hơn 20 hộ dân trên 100 nhân khẩu đang kẹt giữa các mỏ đá này, người dân đang sống mỏi mòn, chịu cảnh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đặc biệt tính mạng của bà con cũng luôn đối diện với nguy hiểm rình rập.

Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên, người dân buồn rầu kể về 2 trường hợp tử nạn khi khai thác đá cho công ty là anh Nguyễn Văn B. và Nguyễn Văn T. Cả hai ra đi khi tuổi đời mới chỉ trên dưới 30. Cả anh B. và anh T. đều là những lao động trụ cột trong gia đình, tuy nhiên không có vụ tử nạn nào bị khởi tố để điều tra làm rõ.Theo tìm hiểu của phóng viên, hai trường hợp tử vong này đều được các chủ đá cho người thuyết phục người nhà nạn nhân để nhận một khoản tiền, không khiếu nại, tố cáo. Do đó hàng năm trên địa bàn vẫn tiếp tục xảy ra những vụ tai nạn thương tâm tại các mỏ khai thác đá mà chẳng mấy ai hay.

Người dân chưa từng được quan tâm?

Sau khi tìm hiểu thực tế, phóng viên đã có mặt tại UBND xã Cao Dương nghe chính quyền địa phương trả lời về công tác kiểm tra, giám sát tại các mỏ đá trên địa bàn. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khiêm cho rằng, từ khi đảm nhận cương vị này, lần nào tiếp xúc cử tri ông cũng được nghe người dân kêu cứu, tuy nhiên thuê máy móc về đo đều cho kết quả đạt quy định về môi trường. Chính vì điều này,  chính quyền địa phương cũng không biết làm thế nào.

a2.jpg -0
Vị trí tảng đá rơi giữa sân nhà anh Đông

Qua tìm hiểu, trên địa bàn xã Cao Dương có 14 mỏ được phép hoạt động khai thác tài nguyên, khoảng sản, trong đó có 13 mỏ đang hoạt động. Theo như lời ông Khiêm, việc kiểm tra do huyện Lương Sơn phụ trách, chính quyền xã chỉ phối hợp. Khi kiểm tra xong xã cũng không nhận được kết quả hay biên bản kiểm tra. “Việc nổ mìn cũng không thể tránh được khói bụi, còn khu sản xuất vẫn đảm bảo máy nghiền phun nước theo quy định. Chúng tôi có kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo, không có vi phạm”, ông Khiêm cho biết thêm.

Trong biên bản làm việc ngày 19-3-2021 có đầy đủ ban ngành đại diện chính quyền địa phương với kết quả kiểm tra hiện trường: Công ty TNHH MTV Thạch Kim chỉ cách 1 đường bê tông, có khoảng cách dưới 120m nằm trong khoảng cách mất an toàn khi nổ mìn gây hư hỏng tài sản của gia đình ông Nguyễn Văn Đông buộc công ty phải sửa phần mái nhà, bồi thường kinh phí và báo cáo kết quả thực hiện về UBND xã. Nhưng cho tới nay đã gần 10 tháng trôi qua, cả phía công ty và chính quyền đều không có bất kỳ động thái nào. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khiêm cho rằng đây là biên bản thỏa thuận giữa 2 bên, xã cũng không nắm được công ty có thực hiện hay không?

Theo lời của Chủ tịch UBND xã Cao Dương thì việc kiểm tra, giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương chỉ có chức năng phối hợp khi huyện và tỉnh có đoàn về làm việc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã, cụ thể: xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn… Hằng năm phải tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường; Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Cũng theo Luật Khoáng sản 2010 quy định trách nhiệm của UBND cấp xã: Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khai thác theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản… Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền…

dau.jpg -0
Bà Bạch Thị Dậu mắt rơm rớm khi nói về những gì mà gia đình mình đang phải chịu khi sống cạnh mỏ đá

Đặc biệt, tại điều 17 Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình ngày 2-4-2018 về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng quy định rõ: UBND cấp xã phải báo cáo định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản và báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho UBND cấp huyện để báo cáo UBND tỉnh. Thế nhưng vị Chủ tịch UBND xã Cao Dương lại trả lời phóng viên khi được đề nghị cung cấp các văn bản liên quan này là: Xã không có và cũng chưa khi nào làm?

Câu hỏi mà lâu nay người dân đặt ra là: Chính quyền địa phương đã làm đúng trách nhiệm của mình hay chưa? Khi mà xã Cao Dương là nơi tập trung số lượng lớn mỏ khai thác đá lớn nhất tỉnh Hòa Bình nhưng chưa từng có kết luận kiểm tra, thanh tra về hoạt động của các mỏ đá tại đây.

Cho dù người dân đã và đang kêu cứu về ô nhiễm môi trường, về tiếng ồn và vấn nạn nổ mìn gây nguy hiểm đến an toàn, tính mạng trong những năm qua nhưng vẫn chưa một cơ quan nào giải quyết. Đặc biệt hơn, tại các mỏ đá này đã nhiều lần xảy ra tai nạn chết người, nhưng cũng chưa từng có một kết luận nào về nguyên nhân xảy ra tai nạn, trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động và chính quyền địa phương.

Tại điều 6 Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày 29-4-2016 của Bộ Tài chính quy định: Công khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Chậm nhất là trước ngày 31-3 hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai: Số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.

Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu của phóng viên, các mỏ đá chưa có hỗ trợ gì, việc phí bảo vệ môi trường xã cũng chưa từng nhận lần nào. Bà Bạch Thị Dậu khẳng định: “Chúng tôi nhiều năm sống trong cảnh ô nhiễm nhưng chưa hề được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ địa phương cũng như doanh nghiệp khai thác đá. Người dân cũng đã nhiều lần gửi đơn đến các mỏ đá đề nghị hỗ trợ hàng năm để khám chữa bệnh nhưng cũng không được giải quyết”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Huyện Lương Sơn có 49 mỏ đá được UBND tỉnh phê duyệt, hiện có 36 mỏ đang hoạt động, còn lại những mỏ khác dừng hoạt động không hiểu vì lý do gì. Trong quá trình hoạt động không thể tránh khỏi việc nổ mìn gây tiếng ồn, gây khói bụi, rung chấn, ảnh hưởng đến tài sản và đời sống của người dân. Vì các mỏ đá này thuộc quyền cấp phép của UBND tỉnh, UBND huyện Lương Sơn và chính quyền địa phương chỉ phối hợp với các Sở, Ngành của tỉnh giám sát việc hoạt động và quản lý nhà nước trên địa bàn. Đối với cấp ủy, chính quyền huyện Lương Sơn, cụ thể là Bí thư, Chủ tịch đã tổ chức đối thoại với người dân về các hoạt động khai thác mỏ đá. Liên quan đến sự phản ảnh của người dân, UBND huyện đều có sự chỉ đạo bằng văn bản”.

Phong Anh
.
.