Nữ bác sĩ thú y và tình yêu với những “chiến sĩ” bốn chân
Gắn bó với Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đã gần 10 năm, Đại úy Hà Thu Trang trải qua chừng đó thời gian vui buồn cùng những chú chó nghiệp vụ vốn được cô gọi vui là những “người bạn đặc biệt”.
Tốt nghiệp đại học ngành thú y, công việc trước khi trở thành cán bộ Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động của Trang đơn thuần là điều trị cho các loại vật nuôi gia đình. Năm 2014, tình cờ thông qua một người thân, Trang biết đến đơn vị đặc biệt này của Bộ Công an, vốn sẵn có tình yêu với những chú chó nên cô nộp đơn ứng tuyển.
Tự nhận là đã gặp may mắn khi được tuyển dụng, cũng như đã có chút kinh nghiệm điều trị nhiều loại vật nuôi trước đó, song công việc tại trung tâm cũng thực sự khiến Trang bất ngờ. Bởi, đối tượng mà cô và đồng nghiệp cần chăm sóc tại trung tâm rất đặc biệt. Theo các cán bộ tại trung tâm chia sẻ, do yêu cầu về nhiệm vụ chiến đấu cần sức khỏe và sự dẻo dai, chó nghiệp vụ thường là chó đực với bản năng dữ tợn, từ đó đòi hỏi kỹ năng chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, khác với các loại chó được người dân nuôi ở bên ngoài, những chú chó tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phần lớn đều là các giống có nguồn gốc tại những quốc gia ôn đới. Dù được chăm sóc cẩn thận nhưng với thời tiết nhiệt đới gió mùa của Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, nhiều chú chó nghiệp vụ vẫn mắc bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Theo Đại úy Hà Thu Trang, những chiến sĩ bốn chân này dễ đổ bệnh nhất vào thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển từ nóng ẩm sang lạnh khô đột ngột khiến cơ thể các chú chó không thích ứng kịp và bị ốm. Ngoài ra, do việc luyện tập, chiến đấu, nhiều chú chó nghiệp vụ có thể bị suy nhược, bị thương..., thậm chí, có con bị ung thư, động kinh... Cán bộ tại trung tâm từng cấp cứu chó nghiệp vụ bị trúng đạn trong quá trình chiến đấu với tội phạm. Tương tự con người, mỗi chú chó nghiệp vụ khi bị ốm cũng được chăm sóc và nếu chuyển nặng hoặc gặp các bệnh khó điều trị thì sẽ phải đến bệnh viện.
Khu bệnh xá của Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động có thể xem là bệnh viện đa khoa tuyến cuối dành cho chó nghiệp vụ, không chỉ của lực lượng Công an mà là trên toàn quốc. Gặp chúng tôi, Thiếu tá Phan Đình Thiện, Đội trưởng Đội Chăn nuôi thú y Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ nói đùa rằng, công việc hằng ngày của anh và đồng đội tại khu bệnh xá này tương tự như các y, bác sĩ tại những bệnh viện đa khoa dành cho con người ở bên ngoài. Các “ca bệnh” tại đây cũng chia thành cấp độ nặng nhẹ khác nhau, có ca phải điều trị dài ngày, có ca phải cấp cứu khẩn cấp... Không chỉ điều trị chó nghiệp vụ bị ốm, bị thương, các cán bộ tại khu bệnh xá này cũng không ít lần phải trở thành những “bà đỡ” khi chó mẹ sinh khó, phải tiến hành mổ đẻ.
Do đặc thù công việc, mỗi chú chó nghiệp vụ khi đến khu bệnh xá sẽ được một bác sĩ điều trị. Vị bác sĩ này sẽ phải theo dõi ca bệnh từ đầu cho đến khi chú chó có thể rời bệnh xá. Hơn một thập niên gắn bó với trung tâm, Đại úy Hà Thu Trang cũng không nhớ chính xác bản thân đã tham gia điều trị cho bao nhiêu chú chó nghiệp vụ. Dẫu vậy, một kỷ niệm mà Trang cho biết sẽ rất khó quên, đó là ca bệnh đầu tiên khi cô mới trở thành cán bộ của trung tâm. Đó là ca một chú chó nghiệp vụ của Công an tỉnh Yên Bái bị viêm phổi nặng, bỏ ăn, suy nhược cơ thể nghiêm trọng. “Cán bộ huấn luyện đã có ý định thay chó mới, bởi chú chó đó gần như đã suy kiệt hoàn toàn và có thể tử vong bất cứ lúc nào”, Đại úy Hà Thu Trang nhớ lại.
“Tôi và đồng đội lập tức tiến hành cấp cứu và nỗ lực phục hồi khẩn cấp, sau đó cố gắng cho chú chó này ăn”. Quá trình cho chó nghiệp vụ ăn lúc bình thường đã nhiều vất vả, với lúc chó bị ốm còn gian nan hơn nhiều. Chưa có kinh nghiệm nhiều về chữa trị cho chó nghiệp vụ nhưng cô cán bộ thú y Hà Thu Trang vẫn cố gắng hết sức để níu kéo sự sống cho “chiến sĩ bốn chân” này. Phải đút cho chú chó này từng thìa cháo, đồng thời liên tục túc trực bên cạnh để theo dõi. Ca bệnh này cũng khiến Hà Thu Trang có đêm đầu tiên phải ở lại trung tâm. Những nỗ lực mà cô và đồng đội bỏ ra đã được đền đáp khi chú chó tự ăn được, dần phục hồi và có thêm vài năm nữa phục vụ cho lực lượng Công an. “Nhìn chú chó lúc đầu đã ở gần ngưỡng tử vong nhưng sau đó phục hồi khỏe mạnh trở lại, tôi và đồng đội có cảm giác như vỡ òa”, Đại úy Hà Thu Trang chia sẻ và không giấu được sự tự hào.
Không chỉ thực hiện công tác chăm sóc và điều trị bệnh cho chó nghiệp vụ, Đại úy Hà Thu Trang cũng là một huấn luyện viên tại trung tâm. Hành trình trở thành nữ cảnh sát huấn luyện chó nghiệp vụ đầu tiên và duy nhất của Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ cũng như toàn lực lượng Công an của Trang gắn liền với với một chú chó nghiệp vụ có tên là Ben. Trang chia sẻ, cô gặp chú chó giống Malinois (Becgie Bỉ) đó theo một cách khá tình cờ. Hôm đó, Ben bất ngờ rút được chốt cửa chuồng để chạy ra ngoài đúng lúc Trang di chuyển qua khu vực đó. Bình thường, chó nghiệp vụ sẽ không để người lạ chạm vào nhưng thật kỳ lạ là hôm đó Ben dù chưa gặp Trang một lần nào trước đó lại để cô vuốt ve rồi dắt trở lại khu nuôi nhốt.
Như một cơ duyên, khi chuyển sang công tác huấn luyện thì chú chó mà Trang được giao lại chính là Ben. “Sau một thời gian làm việc tại trung tâm, tôi quyết định thử sức mình với một công việc mới”. Đã có kinh nghiệm điều trị và chăm sóc chó nghiệp vụ, song quyết định này cũng khiến Trang khá phân vân bởi huấn luyện chó nghiệp vụ là một công việc khá nặng nhọc, ngay cả với các nam huấn luyện viên chứ đừng nói với một phụ nữ như cô.
Qua chia sẻ của Đại úy Hà Thu Trang, chúng tôi mới hiểu, để có một chú chó nghiệp vụ đạt đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và khả năng phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự cần một quá trình chuẩn bị công phu. Theo đó, những chú chó nghiệp vụ được sinh ra từ chó giống tại trung tâm sẽ được phân loại từ lúc 6 tháng tuổi. Những con đạt tiêu chuẩn sẽ được nuôi dưỡng và huấn luyện theo chế độ đặc biệt nhằm kích thích một số khả năng cần thiết cho quá trình phục vụ công tác như khứu giác, hay tìm kiếm đồ vật... Quá trình phân loại đối với chó được nhập từ bên ngoài còn được tiến hành cẩn thận hơn nữa nhằm chọn ra nguồn chó dự bị tốt nhất.
Khi những chú chó được một năm tuổi, công tác huấn luyện mới thực sự bắt đầu. Cả huấn luyện viên và chó sẽ bước vào một thời gian khổ luyện kéo dài nhiều tháng. Thông thường, vào giai đoạn này, các huấn luyện viên sẽ có một lịch trình làm việc dày đặc. Một ngày làm việc sẽ bắt đầu từ 5h30, khi các huấn luyện viên phải xuống chuồng chó từ sáng sớm để làm vệ sinh và sau đó dắt chó đi dạo trước khi bắt đầu luyện tập. Một việc tưởng như đơn giản, song đây là phần quan trọng giúp huấn luyện viên và chó nghiệp vụ tạo mối liên kết chặt chẽ, qua đó hỗ trợ đắc lực trong quá trình huấn luyện và chiến đấu sau này. Phần tập luyện buổi sáng thường kết thúc lúc 10h30, huấn luyện viên và chó sẽ được nghỉ. Buổi chiều, huấn luyện viên và chó lại có thêm những bài tập kéo dài từ 13h-16h. Có những thời điểm, huấn luyện viên và chó nghiệp vụ sẽ có bài tập bổ sung vào lúc 20h hoặc thậm chí đi hành quân xuyên đêm.
Trang khẳng định, bản thân may mắn khi được làm việc với người bạn đặc biệt này, không chỉ vì những thành tích trong công việc mà cả hai cùng nhau đạt được mà còn bởi chú chó này đã trở thành một người bạn thân thiết với cô. Trang chia sẻ, quá trình huấn luyện chó nghiệp vụ với bản thân cô giống như dạy dỗ một đứa trẻ, ngược lại Ben cũng thấu hiểu được cảm xúc của cô. “Ben rất thông minh, bộc lộ tính ham vật ngay từ đầu (một đặc tính quan trọng của chó nghiệp vụ). Chỉ cần cho một quả bóng tennis, nó có thể chơi cả ngày, khả năng xác định đường hơi cũng vô cùng chính xác. Trong quá trình huấn luyện, Ben dường như thấu hiểu phần nào cảm xúc của huấn luyện viên. Khi tôi vui, Ben cũng tỏ ra phấn khích và ngược lại, nó sẽ hơi trầm xuống mỗi khi tôi có nỗi buồn”, Đại úy Hà Thu Trang kể về chú chó nghiệp vụ mà cô ấn tượng nhất trong hơn 10 năm công tác tại trung tâm.
Có lần, Trang thử chơi trốn tìm với Ben. Dựa vào khả năng xác định nguồn hơi xuất sắc, Ben tìm đúng phòng mà Trang đang ở nhưng chờ mãi mà không thấy huấn luyện viên ra. Sau nhiều lần sủa gọi mà không thấy hồi âm, Ben quyết tâm đứng chờ ngoài cửa. “Khi ra khỏi phòng, nhìn mặt nó, thấy thật tội nghiệp”, Trang chia sẻ và bật cười như một cô giáo khi nói về những trò tinh nghịch của một cậu học sinh. Chú chó này cũng đặc biệt tỏ ra quyến luyến với nữ huấn luyện viên của mình. Trong một lần Trang được nghỉ phép về thăm gia đình, chú chó nghiệp vụ này đã bỏ ăn. Tình hình nghiêm trọng đến mức cán bộ tại trung tâm phải gọi Trang trở lại để dỗ dành Ben. Nhờ thành tích trong công tác chăm sóc và huấn luyện chó nghiệp vụ, năm 2018, Đại úy Hà Thu Trang đã trở thành một trong hơn 100 gương điển hình tiên tiến được Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động vinh danh
Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, năm 2018, Ben bất ngờ qua đời vì mắc bệnh xuất huyết nội. Trang chia sẻ, lúc đó cô đang được tăng cường cho bộ phận thú y của trung tâm và phải nhờ một cán bộ khác chăm sóc Ben. Đại úy Hà Thu Trang cho biết, bản thân cô gần như bị sốc khi hay tin Ben ra đi một cách đột ngột như vậy. Sau sự ra đi của Ben, Trang quay lại với công việc thú y. Tuy nhiên, nỗi nhớ chú chó Ben thì chưa bao giờ nguôi với cô. “Nhiều lúc tôi chỉ muốn thấy lại Ben, dù không huấn luyện nó nữa cũng được. Chỉ cần được trông thấy nó còn sống khỏe mạnh là vui rồi”, Đại úy Hà Thu Trang nói chuyện với chúng tôi bằng một giọng buồn, đầy sự tiếc nuối. Đại úy Hà Thu Trang cho biết, bản thân rất hy vọng cơ duyên có thể gặp được chú chó như Ben trong tương lai.
Hiện tại, Đại úy Hà Thu Trang đang thực hiện công tác chăm sóc và điều trị chó nghiệp vụ tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Trang cho biết, với công việc này, cô mong muốn dành sự chăm sóc tốt nhất cho những chú chó nghiệp vụ để không phải chứng kiến sự ra đi đột ngột nào nữa giống như Ben - người bạn bốn chân mà cô khẳng định sẽ không bao giờ quên khi gắn bó với nghề nghiệp đặc biệt này.