Oái oăm thiết bị vô tuyến trôi nổi

Thứ Ba, 04/07/2023, 08:10

Thời gian qua, tại một số khu vực, tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội bị "nhiễu sóng" vô tuyến khiến cho các thiết bị sử dụng điều khiển từ xa của người dân như smartkey xe máy, ô tô, hay cửa cuốn... lâm vào tình trạng "đơ" tạm thời. Truy tìm nguyên nhân, cơ quan chức năng phát hiện thủ phạm là các thiết bị phát sóng vô tuyến (như điều khiển từ xa dùng để bật/tắt máy bơm nước, hộp cửa cuốn, bảng quảng cáo điện tử...).

Cơ quan chức năng cảnh báo, người dân khi sử dụng các thiết bị vô tuyến trôi nổi trên thị trường có thể gây nhiễu sóng, ảnh hưởng đến các thiết bị điều khiển từ xa xung quanh khu vực, thậm chí có thể trở thành "mồi ngon" cho tội phạm.

Bỗng dưng... "tắt điện"

Những ngày cuối tháng 6/2023, tại một số tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra những hiện tượng “lạ” khiến người dân "toát mồ hôi". Điển hình như tại khu vực phố Vọng giao với phố Nguyễn An Ninh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Oái oăm thiết bị vô tuyến trôi nổi -0
Một trường hợp "toát mồ hôi" khi không mở được khóa xe tại đoạn ngã ba phố Vọng - Nguyễn An Ninh.

Theo chị Phạm Thị Phương (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) trưa ngày 22/6 chị đi uống cà phê với bạn tại một quán ở cuối phố Vọng. Lúc ra về, bất ngờ khi chị bấm smartkey để khởi động xe ôtô thì không thấy có tác dụng. Bấm mãi không được, chị gọi về cho chồng để cầu cứu thì anh đoán chìa khóa hết pin nên đã cho số điện thoại của một thợ khóa, nhờ họ đến thay pin. Ngồi uống nước gần một giờ đồng hồ, chị Phương mới thấy thợ đến. Song, thay pin chìa khóa vẫn “đơ" như thể bị hỏng. Đang nghĩ đến phương án gọi xe cứu hộ thì chồng chị Phương gọi điện đến bảo thử dùng chìa khóa cơ thì xe lại mở được cửa và nổ máy như thường.

Giống như chị Phương, anh Nguyễn Quang Tùng đỗ ôtô trước ngôi nhà số 315 phố Vọng, khi quay ra không thể mở bằng chìa khóa thông minh. Loay hoay hơn 10 phút, anh Tùng quyết định thay pin cho chìa khóa. "Nhưng, vẫn không được, tôi định gọi xe cứu hộ để mang đi sửa. Cuối cùng, tôi thử dùng chìa khóa cơ thì mở cửa xe bình thường", anh Tùng kể.

Một chủ quán cà phê trên phố Vọng cho biết, tất cả khách sử dụng phương tiện có khóa thông minh (ôtô, xe máy) đều không thể khởi động xe khi ra về. Sau khi tìm hiểu chỉ đoạn ngã ba Nguyễn An Ninh - Phố Vọng bị như vậy, quán đã khuyến cáo khách không khóa cổ xe. "Tuy nhiên, nhiều người lo mất an toàn và do quen tay khóa cổ xe, khi ra về đều phải dắt bộ hơn 10 m ra khỏi khu vực này thì chìa khóa mới hoạt động bình thường", anh này kể.

Oái oăm thiết bị vô tuyến trôi nổi -0
Siêu trộm Nguyễn Thành Dương nhiều lần mua thiết bị dò sóng vô tuyến để "bẻ khóa" cửa cuốn nhằm đột nhập trộm cắp.

Hiện tượng “lạ" trên còn xảy ra tại nhiều khu vực, tuyến phố khác trên địa bàn TP Hà Nội. Như tại phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) - đoạn phố khoảng 100 m nằm phía sau Bệnh viện Mắt Trung ương - người dân khi sử dụng smartkey cũng “tê liệt". Hay khu vực trước cửa Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc (số 286 Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cũng có hiện tượng tương tự. Tất cả ôtô, xe máy sử dụng khóa smartkey khi dừng trước cửa bệnh viện đều không thể khởi động trở lại. Chung số phận, một số khách tới cửa hàng Circle K đối diện Bệnh viện Thu Cúc cũng khó mở khóa xe. Nhiều người phải lấy chìa khóa gí sát vào ổ mới có tín hiệu. Tình trạng tương tự cũng gặp ở trước cửa hàng C. ở đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hay điểm gửi xe trên phố Quang Trung giao với Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm...

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) đã liên hệ với Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng Công an TP Hà Nội phối hợp kiểm tra.

Chiều 22/6, cán bộ Cục Tần số vô tuyến điện và lực lượng công an đã xuống dùng thiết bị đo cả ngoài đường lẫn trong nhà dân. Sau khi đo tại 3 nhà, đoàn kiểm tra phát hiện nguồn gây nhiễu là thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến để bật, tắt máy bơm nước tại một hộ gia đình ở phố Vọng.

Thiết bị này không rõ nguồn gốc, không có tem chứng nhận hợp quy, có chất lượng phát xạ không đảm bảo quy định trên tần số 433.9 MHz, băng thông 37.5 Khz. Sau khi tắt thiết bị, các xe máy, ôtô đã có thể mở được khóa thông minh

Còn tại trước cửa hàng C. trên đường Lạc Long Quân, các chuyên gia đã phát hiện bảng quảng cáo điện tử bằng đèn LED của đơn vị này có bức xạ trên tần số 433.845 MHz gây nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị khóa thông minh. Trung tâm Tần số vô tuyến khu vực 1 đã xử lý và theo yêu cầu của cơ quan quản lý, cửa hàng này đã dừng hoạt động bảng quảng cáo gây nhiễu.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện) các cửa cuốn, bảng điện tử LED, khóa thông minh... thường có chung băng tần. Người dân nếu mua hàng nhập lậu, trôi nổi trên thị trường, có chất lượng phát xạ không đảm bảo, khi phát sóng liên tục có thể gây nhiễu sóng, ảnh hưởng đến các thiết bị điều khiển từ xa xung quanh các khu vực này trong bán kính khoảng 200 m. Cục Tần số vô tuyến điện đề nghị người dân mua bán, sử dụng thiết bị vô tuyến điện có nguồn gốc, xuất xứ, đã được chứng nhận hợp quy và thực hiện đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với trường hợp không được miễn cấp phép.

Oái oăm thiết bị vô tuyến trôi nổi -0
Ông Nguyễn Phương Đông trao đổi với báo chí về vấn đề can nhiễu smartkey tại Trung tâm Giám sát và điều hành của Trung tâm tần số vô tuyến điện Khu vực I, Cục Tần số vô tuyến điện.

Dùng thiết bị dò sóng cửa cuốn để trộm cắp

Thời gian gần đây người dân sử dụng các thiết bị được điều khiển từ xa như cửa cuốn, bộ thiết bị điều khiển tự động cho bơm nước, công tắc điện... ngày một phổ biến. Nhất là theo trào lưu “smarthome" (nhà thông minh), ngày càng nhiều thiết bị trong nhà được điều khiển từ xa, tự động. Tuy nhiên, nếu người dân thiếu cảnh giác, sử dụng thiết bị trôi nổi, chất lượng thấp hoặc thiếu đi phương án chống trộm thì rất có thể một ngày sẽ tự biến mình thành miếng mồi cho tội phạm.

Vụ trộm cắp xảy ra mới đây ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là một ví dụ. Theo tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an, rạng sáng ngày 8/3/2023 anh Hoàng Đình H. (chủ cửa hàng điện thoại di động H. H. có địa chỉ tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) tái mặt khi phát hiện bị kẻ gian đột nhập. Các đối tượng đã lấy đi nhiều tài sản gồm điện thoại di động, máy tính bảng iPad các loại, nhiều thẻ cào điện thoại và tiền mặt với tổng giá trị tài sản khoảng 700 triệu đồng. Trình báo tại Cơ quan công an, anh H. tỏ ra rất bất ngờ vì nghĩ rằng trước khi về nhà đã bấm cửa cuốn mà anh này tin là rất an toàn rồi.

Cơ quan công an nhanh chóng làm rõ và bắt giữ cặp đôi Nguyễn Thành Dương (sinh năm 1989) và Nguyễn Ngọc Trường (sinh năm 1996) cùng trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, là thủ phạm gây ra vụ trộm. Các đối tượng khai nhận, do không có việc làm ổn định, Dương đã rủ Trường đi trộm cắp. Vốn là kẻ “có nghề", Dương đi tăm tia tại một số cửa hàng điện thoại, điện máy ở địa bàn ngoại thành. Phát hiện cửa hàng anh H. có sử dụng cửa cuốn, Dương đã mua thiết bị dò sóng vô tuyến trên mạng với giá khoảng 1 triệu đồng. Tiếp đó đối tượng mang đến gần cửa hàng anh H., chờ lúc anh này bấm điều khiển để mở cửa thì dò được tần số và lưu lại. Hôm sau, lợi dụng trời tối, Dương và đồng bọn đột nhập vào cửa hàng để thực hiện hành vi trộm cắp.

Cũng theo Công an TP Hà Nội, nhiều năm trước, chính Nguyễn Thành Dương đã gây ra một vụ trộm từng gây xôn xao dư luận, cũng với kịch bản mua thiết bị vô tuyến trôi nổi để dò sóng cửa cuốn rồi đột nhập cửa hàng, trộm tài sản. Do cần tiền ăn chơi khi đi qua khu vực phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhìn thấy rất nhiều cửa hàng bán máy ảnh, đồ điện tử đắt tiền, Dương nảy ý định trộm cắp tài sản của những cửa hàng trên. Gã dành nhiều ngày ngồi uống nước trước cửa hàng máy ảnh D. trên phố Hàng Bài, phát hiện thấy cửa hàng có 2 cửa cuốn và 1 cửa kính ở trong thì về nhà lên mạng Internet tìm hiểu cách phá khóa.

Sau đó, Dương lên mạng gọi điện thoại hỏi mua thiết bị điều khiển cửa cuốn của một đối tượng người Trung Quốc. Các đối tượng hẹn giao hàng và nhận tiền trước cửa hàng bán máy ảnh trên. Trước khi cầm số tiền 10 triệu đồng và bỏ đi, đối tượng người Trung Quốc này còn hướng dẫn tỉ mỉ cho Nguyễn Thành Dương cách dùng thiết bị dò sóng và phá sóng mở cửa cuốn.

Chờ khi mọi người ngủ say, Dương một mình đi bộ đến trước cửa hàng dùng thiết bị dò sóng từ và phá sóng để mở cánh cửa cuốn. Khi cửa cuốn cuộn lên, đối tượng chui vào trong mở cửa kính và đóng lại. Nguyễn Thành Dương lục lọi trong cửa hàng, trộm cắp số tài sản gồm 6 máy ảnh, 10 ống kính máy ảnh và các thiết bị phụ kiện khác tổng giá trị khoảng 700 triệu đồng. Sau khi trộm cắp được số tài sản trên, đối tượng vận chuyển ra ngoài và tiếp tục dùng thiết bị điện tử đóng cửa cuốn lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra tại cửa hàng này. Phần lớn số tài sản đối tượng trộm cắp được Dương vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Dương sau đó bị kết án nhiều năm tù giam. Mãn hạn, ngựa quen đường cũ, Dương tiếp tục quay lại nghề trộm cắp và rủ thêm bạn đồng hương thực hiện hành vi.

Oái oăm thiết bị vô tuyến trôi nổi -0
Tang vật vụ trộm do Nguyễn Thành Dương và đồng bọn gây ra.

Theo Công an TP Hà Nội, hiện nay rất nhiều hộ gia đình cũng như cơ sở kinh doanh còn sử dụng các bộ cửa cuốn có công nghệ lạc hậu, mã khóa đơn giản. Kẻ gian rất dễ sử dụng thiết bị dò mã để mở cửa, đột nhập, trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn chủ quan không bố trí bảo vệ trông coi vào ban đêm và lại hay đăng tải quảng cáo hình ảnh cơ sở lên mạng xã hội. Đây cũng là sơ hở để các đối tượng theo dõi lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ quan công an khuyến cáo, trên thị trường có rất nhiều thiết bị, ứng dụng chống phá mã cửa cuốn hiện đại. Nó có thể sinh ra rất nhiều mã khác nhau trong quá trình vận hành. Đồng thời, những cửa cuốn này còn có chức năng thông báo khi có người xâm nhập. Từ đó, giúp gia chủ có thể yên tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi, cập nhật các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp để thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa.

Yên Chi
.
.