Phải cấm thuốc lá điện tử!
Thuốc lá điện tử gây nguy hại đến hệ thần kinh và sức khỏe của cả thế hệ thanh, thiếu niên nếu sản phẩm độc hại này tiếp tục xâm nhập và được sử dụng rộng rãi. Bằng chứng đã có nhiều học sinh, sinh viên bị đột quỵ, tổn thương cả hai bên não, nguy kịch đến tính mạng… khi sử dụng...
Du nhập vào Việt Nam từ năm 2015 và chưa được phép lưu hành, nhưng đáng quan ngại là tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi thanh, thiếu niên lại gia tăng. Đặc biệt, xu hướng lại tăng cao ở trẻ em gái, khi nhóm này dùng nhiều gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.
Hôn mê, suy tim do thuốc lá điện tử
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi học sinh THCS và THPT diễn ra khá nhiều tại Hà Nội. Một vị phụ huynh có con đang học lớp 8 ở Hà Nội chia sẻ: “Có lần con đánh rơi một vật giống như chiếc bút, lúc đầu tôi không chú ý, sau trong cặp sách con có chiếc bật lửa kiểu dáng lạ mắt, tôi mới để tâm và lên mạng tìm đọc thì nghi đó là thuốc lá điện tử. Về sau, có người bạn mách, nếu con hút thuốc lá điện tử, trên người lưu hương thơm rất lâu và tôi tìm hiểu thì quả đúng như vậy. Lúc đầu con chối, sau đó mới thừa nhận được bạn cho hút thử, sau này đã trở thành thói quen”. Một phụ huynh khác ở Yên Bái sau khi phát hiện trong cặp sách con có thuốc lá điện tử, con nói rằng “mua hộ bạn”, vị này đã tin.
Thuốc lá điện tử đã xâm nhập vào lứa tuổi học sinh và trở thành mối nguy hại khi các em chưa lường hết hậu quả của nó. Cùng với đó, rất nhiều phụ huynh có con ở lứa tuổi vị thành niên tỏ ra lo lắng. Chị Phạm Phương Nhung (Đống Đa, Hà Nội) lo ngại: “Con tôi học lớp chọn, nhưng về kể trong lớp có vài bạn sử dụng thuốc lá điện tử, có cả bạn gái, nên tôi rất lo”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông đã điều trị cho nhiều học sinh, sinh viên bị ngộ độc rất nặng do thuốc lá điện tử, nên rất lo ngại, nếu thuốc lá điện tử được phép lưu hành, sẽ dẫn đến một thế hệ thanh, thiếu niên của Việt Nam bị tàn phá sức khỏe, đặc biệt là các loại ma túy thế hệ mới núp bóng thuốc lá điện tử, sẽ khiến các em nghiện ngập và có thể tử vong.
BS Nguyên đưa ra dẫn chứng, tại Trung tâm chống độc đã điều trị cho nữ sinh viên 20 tuổi, hút thuốc lá điện tử chứa cần sa, phải vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương gan, suy thận, tổn thương cả hai bên não rất nặng. Bạn của nữ sinh viên này cho biết, đây là lần đầu nữ sinh hút thuốc lá điện tử, chỉ một thời gian ngắn sau thì bất tỉnh, được đưa vào bệnh viện gần đó cấp cứu. Sau khi đặt ống thở, nữ sinh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu.
Hay, trường hợp bệnh nhân 30 tuổi, đến viện trong tình trạng đột quỵ, tổn thương não rộng. Hoặc, bệnh nhân trẻ khác vừa xuất huyết não, vừa phù não do ma túy thế hệ mới gây co mạch liên tục và gây thiếu máu, dẫn đến máu không tới được não và nguy cơ vỡ mạch máu não. “Thậm chí, có bệnh nhân 22 tuổi ngộ độc thuốc lá điện tử gây suy tim, hôn mê rất sâu, hiện vẫn đang rất nguy kịch, có nguy cơ phải can thiệp ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo”, BS Nguyên cho biết.
Theo BS Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm chống độc, trong quá trình cấp cứu, điều trị đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới, là chất độc như 5F-ADB, ADB-BUTINACA... “Thuốc lá điện tử là nơi để cho các loại ma túy mới tồn tại và trú ngụ không thể phát hiện được. Hiện có hàng trăm chất cần sa tổng hợp, ma túy tổng hợp thế hệ mới cũng có gần 200 chất, còn nhiều chất nữa thay đổi hằng ngày, trong khi labo xét nghiệm tại các bệnh viện không thể nghiên cứu và chạy theo được các dạng ma túy này”, BS Nguyên cảnh báo.
Nhóm trẻ em gái sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng
BS Nguyễn Thị An, Giám đốc quốc gia Tổ chức nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam chia sẻ: “Là một người mẹ của 2 trẻ vị thành niên và là một bác sĩ, tôi thật sự quan ngại và lo lắng khi hằng ngày bắt gặp thanh, thiếu niên ngồi trong quán nước, sử dụng thuốc lá điện tử. Vì sao thuốc lá điện tử lại dễ dàng tiếp cận và xâm nhập lứa tuổi thanh thiếu niên? Bởi mẫu mã sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thay đổi liên tục với kiểu dáng nhỏ gọn như cái bút, USB, thỏi son... với thiết kế ấn tượng như kèm theo phát sáng, hình ảnh bắt mắt đã thu hút giới trẻ. Trong khi đó, sản phẩm có giá cả đa dạng, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt, chúng được quảng cáo, rao bán tràn lan trên mạng xã hội và sử dụng chính giới trẻ, người nổi tiếng để quảng cáo, tiếp thị. Một khảo sát cho thấy, 18,4% thanh, thiếu niên từ 13-15 tuổi đã nhìn thấy thông tin, quảng cáo thuốc lá điện tử”.
BS An cũng bày tỏ quan ngại về xu hướng tăng cao sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái, sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi. Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần, lên khoảng 3,6%.
Riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái, cũng theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Phải cấm
Đánh giá về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên, Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây có sự gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” hàng hóa tiêu dùng thông thường, nổi lên là các đối tượng thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Thượng tá Cương cho biết thêm, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy đã xử lý nhiều vụ cần sa tổng hợp chế dưới dạng thảo mộc, dung dịch “núp bóng” thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, công an các tỉnh, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tác hại và các phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn bán ma túy bằng nhiều biện pháp như: Cách nhận biết, các loại mặt hàng ma túy núp bóng để kịp thời bắt giữ, xử lý. Năm 2022, lực lượng Công an trên toàn quốc đã điều tra, bắt giữ 51 vụ với 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử; riêng ma túy núp bóng dưới dạng thuốc lá điện tử đã bắt giữ 32 vụ, với 58 đối tượng, thu giữ hàng chục kg ma túy tổng hợp, nhiều lít dung dịch có chứa ma túy núp dưới tinh dầu để cho vào thuốc lá điện tử.
Từ đầu năm 2023 đến nay, công an nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang, Đắk Nông đã phát hiện các vụ việc liên quan đến ma túy núp dưới dạng thuốc lá điện tử. Riêng Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 5 lít dung dịch chứa ma túy sử dụng làm tinh dầu cho vào thuốc lá điện tử. Bộ Công an đã và đang chỉ đạo công an các địa phương thường xuyên nắm chắc địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện cá nhân, tập thể kinh doanh, buôn bán thuốc lá điện tử trái phép, các chất ma túy thế hệ mới, đồng thời, tăng cường tuyên truyền về cách nhận biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để quần chúng phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn; kiện toàn các tổ liên ngành để kiểm soát, không để tồn tại các tụ điểm kinh doanh lợi dụng để hoạt động mua bán các chất ma túy trái phép.
Thượng tá Nguyễn Minh Cương nhấn mạnh: “Thuốc lá điện tử bình thường đã có tác hại rất lớn, tội phạm lợi dụng để hoạt động mua bán trái phép các chất ma túy. Vì vậy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề xuất Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Kiến nghị Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hàng hóa ký gửi. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nghiêm quy định cấm học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử”.
Theo các chuyên gia, không chỉ nguy hiểm khi sử dụng thuốc lá điện tử chứa chất ma túy, mà sử dụng thuốc lá điện tử còn gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ, thậm chí là ung thư. Hiện nay, nhiều nước, trong đó Trung Quốc vào tháng 10/2022 đã cấm thuốc lá điện tử. “Nếu không cấm mà để thanh, thiếu niên sử dụng sẽ hỏng cả một thế hệ. Đến lúc đó các em bé ai cũng cầm điếu thuốc lá điện tử mà trong đó có ma túy hay không thì không biết”, BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định. Và, ông mong muốn Việt Nam có sự lựa chọn thông minh nhất, ngăn chặn giới trẻ trước nicotine, bảo vệ trẻ em trong tương lai.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định: “Quan điểm, định hướng chính sách của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) vì có hại cho sức khỏe. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là các chất gây nghiện và ma túy, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”.