Phần quà giúp “những người cơ nhỡ đặc biệt” giữa mùa dịch
Không chỉ hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, những công nhân, sinh viên thuê phòng trọ, những lao động mắc kẹt tại các công trình, những ngày qua, Công an thành phố Đà Nẵng cũng dành sự giúp đỡ thiết thực cho những người nước ngoài cư trú trên địa bàn, không để trường hợp nào thiếu đói trong thời gian thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19.
1. Sáng 29-8, Trung tá Hoàng Thanh Thiên, Trưởng Công an phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) trực tiếp mang quà là lương thực, thực phẩm trước khi mang đến cho vợ chồng anh Jadon James và chị Cecarya Lamaque (quốc tịch Nam Phi) cùng một số người nước ngoài khác đang tạm trú tại kiệt 234 Đỗ Bá. Mỗi phần quà gồm 10kg gạo, 2 vỉ trứng, nhiều rau xanh và cả một ít trái cây tươi. Ngoài ra, còn có 1 phong bì 500.000đ. Tất cả các phần quà trên đều do CBCS Công an phường vận động và đóng góp.
Với khả năng tiếng Anh lưu loát, Trung tá Hoàng Thanh Thiên thăm hỏi, chúc vợ chồng Jame vượt qua những khó khăn trước mắt. Mừng vui đón lấy phần quà, Jame càng cảm động khi anh Thiên tiếp tục trao thêm một phong bì và cho biết, đó là khoản tiền lương theo tuần, lần đầu tiên gửi cho Jadon Jame từ đất nước Nam Phi.
Vợ chồng Jame đều là giáo viên Trường Tiểu học Brendon ở Nam Phi. Đầu năm 2020, vợ chồng anh đi du lịch và tham quan Đà Nẵng, thuê căn hộ để ở và vẫn dạy học online tại ngôi trường nói trên. Đầu tháng 8-2021, gần khu vực đôi vợ chồng này trú ngụ xuất hiện các ca nhiễm COVID-19; khu vực đường Đỗ Bá cũng bị phong tỏa chặt để bảo vệ “vùng xanh”. Lương thực, thực phẩm dự trữ dần cạn sạch nhưng chủ nhà ở Hà Nội không thể giúp đỡ và vẫn đòi tiền thuê nhà. Trong khi đó, đã 4 tháng vợ chồng Jame không thể liên lạc được với người bạn từng cho mượn nhờ tài khoản để nhận lương từ Nam Phi. Do sợ dịch COVID-19, hai vợ chồng đóng chặt cửa, không dám ra ngoài, không chịu đi xét nghiệm COVID-19 khi tổ dân phố gửi thông báo. Nghe cảnh sát khu vực báo cáo sự việc, Trung tá Hoàng Thanh Thiên trực tiếp xuống tận nơi, dùng loa gọi, yêu cầu mở cửa kiểm tra, buộc vợ chồng Jame phải tuân thủ việc xét nghiệm COVID-19.
Qua nói chuyện, nắm bắt được hoàn cảnh của Jame, lãnh đạo Công an phường Mỹ An đã đưa đôi vợ chồng này vào danh sách người nước ngoài cần hỗ trợ. Anh Thiên trực tiếp lên mạng tìm hiểu và liên hệ với trường Brendo ở Nam Phi. Với xác nhận của vợ chồng Jame, trường Brendon đã đồng ý trả lương cho Jame số tiền tương đương 6 triệu đồng/tuần, thông qua tài khoản do Công an phường Mỹ An cung cấp. Đến ngày 29-8, Công an phường đã mang quà tặng cùng khoản tiền vừa nhận được đến cho vợ chồng Jame.
Ngoài vợ chồng anh Jame, trong ngày 29-8, Công an phường Mỹ An đã mang những phần quà đến với vợ chồng anh Chung Um và chị Phattana Paphatsone, đang tạm trú tại hẻm 234/51 đường Đỗ Bá. Vợ chồng Chung Um đều là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sa Năn Na Khét (Lào), sang Việt Nam học tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng và kẹt lại do dịch COVID-19.
Rời nhà trọ của anh Chang Um, Công an phường Mỹ An tiếp tục chuẩn bị để đến với những vị khách vừa nhắn tin có tên như Nicole trú tại 21 An Thượng 4; Rozziee, trú 25 An Thượng 10; Sharon cùng Kevin và Ann, trú tại 168 Châu Thị Vĩnh Tế... Những người này nằm trong khu vực bị phong tỏa y tế nhiều ngày và đến nay vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên họ cũng khó khăn, thiếu lương thực, thực phẩm.
Trung tá Thiên cho biết, trên địa bàn phường Mỹ An có đến 880 người nước ngoài đang cư trú, chiếm gần 20% người nước ngoài đang cư trú tại Đà Nẵng. Nhiều người bị kẹt lại do dịch bệnh và lâm vào cảnh thiếu hụt lương thực, thực phẩm. Từ cuối tháng 7-2021, hàng chục người đã tìm đến UBND phường hoặc Công an phường xin hỗ trợ. Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo và giao Công an phường làm đầu mối tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động giúp đỡ.
Hiện nay, có 145 người nước ngoài thường xuyên giữ liên lạc với Công an phường Mỹ An, chủ yếu thông qua nhóm Zalo “LEGAL ADVISORY FOR FORGEINERS - trợ giúp pháp lý dành cho người nước ngoài” do Công an phường Mỹ An thành lập. Trong đó, có đại diện cho các nhóm người nước ngoài ở Mỹ An và 1 số phường xã khác trên địa bàn thành phố, 2 người đại diện cho nhóm người nước ngoài ở Hội An, Quảng Nam. Công an phường cũng có mời một số chuyên gia trên các lĩnh vực: quản lý xuất nhập cảnh, visa, pháp luật, y tế... tham gia và hỗ trợ tư vấn.
Thời gian qua, Công an phường Mỹ An đã dịch và thông báo kịp thời 147 văn bản của lãnh đạo thành phố, quận và phường về công tác phòng, chống dịch, phong tỏa, thủ tục đi lại, xuất nhập cảnh trong thời gian giãn cách xã hội... để người nước ngoài biết, thực hiện đúng; tiếp nhận 325 câu hỏi trên các lĩnh vực liên quan, đã trả lời 100% và hướng dẫn thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Công an phường hỗ trợ 52 suất quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm; liên hệ với 17 công ty, cơ quan, trường học nơi người nước ngoài đang làm việc (online) làm thủ tục chuyển lương cho những người có thể nhận tại các ATM trên địa bàn TP Đà Nẵng; cùng ban điều hành các tổ dân phố đi chợ mua nhu yếu phẩm giúp hơn 200 lượt; tìm và trao trả giấy tờ, tiền và tài sản khác cho 2 người làm mất; tham mưu tổ chức xét nghiệm tập trung 2 lần, xét nghiệm tại khu dân cư 3 lần cho hơn 700 lượt người nước ngoài đang lưu trú trên địa bàn... Công an phường cũng hỗ trợ 40 chuyến xe, chở 115 người đi từ Mỹ An đến huyện Hòa Vang (đường tránh Nam Hải Vân) đi ôtô ra Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh để bay về nước.
2. TP Đà Nẵng đang có hơn 4.850 người nước ngoài tạm trú. Trong đó, người mang quốc tịch Hàn Quốc chiếm tỉ lệ cao nhất với 20,5%, quốc tịch Mỹ 10,5%, quốc tịch Trung Quốc 10,1%...
Cũng như Công an phường Mỹ An, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều đơn vị công an phường đã giúp đỡ những trường hợp người nước ngoài bị mắc kẹt lại thành phố.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) cho biết, trên địa bàn hiện có 200 người nước ngoài tạm trú. Công an phường thường xuyên nắm bắt tình hình để kịp thời giúp đỡ những người nước ngoài bị kẹt lại do dịch COVID-19 và có hoàn cảnh khó khăn. Những ngày qua, Công an phường đã phối hợp với UBND phường An Hải Tây hỗ trợ nhiều trường hợp. Trong đó đã hỗ trợ anh Pramanik Sudipta Sekhar (quốc tịch Ấn Độ) đang thuê nhà tại đường Nguyễn Văn Siêu đã được hỗ trợ lương thực, thực phẩm 4 lần. Anh Castro Ruano Juan Pablo, quốc tịch Ecuado, trọ tại 54A cao Bá Quát được hỗ trợ 3 lần.
Tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, chính quyền và Công an phường đã quan tâm kịp thời đối với 61 người nước ngoài đang cư trú, trong đó có 25 người khó khăn. Lãnh đạo phường Nại Hiên Đông đã hỗ trợ hàng chục suất quà phù hợp với ẩm thực của người nước ngoài, đồng thời thông báo cho các chủ trọ phải chăm lo cho người nước ngoài về thực phẩm. Mới đây, Công an phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cũng phát hiện 7 người Hàn Quốc không đăng ký tạm trú và đang thiếu lương thực. UBND quận Sơn Tra đã trợ giúp những người này 20kg gạo cùng mì ăn, sữa, dầu ăn, nước mắm, rau củ... và hướng dẫn họ đăng ký tạm trú theo quy định.
Người xưa có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vì thế những phần quà được đưa đến đúng lúc khó khăn khiến những người nước ngoài xúc động và giúp họ hiểu hơn về một Việt Nam thân thiện, mến khách, sẵn sàng sẻ chia những lúc khó khăn, dù họ là người mang quốc tịch nào.
TP Đà Nẵng đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho hàng ngàn người nước ngoài đang tạm trú trên địa bàn. Để kịp thời hỗ trợ những người gặp khó khăn do dịch COVID-19, ngày 27-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ thiết lập đường dây nóng với số điện thoại di động và hộp thư điện tử phân chia theo địa bàn các quận, huyện để tiếp nhận phản ánh của người nước ngoài; giao Sở Công thương và các đơn vị liên quan xử lý những khó khăn của người nước ngoài trên địa bàn, lưu ý hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Kể từ lúc thành lập đường dây nóng, Sở Ngoại vụ đã tiếp nhận 40 trường hợp là người nước ngoài đề nghị hỗ trợ, chủ yếu về lương thực, thực phẩm.