Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Phát huy, lan tỏa tinh thần, ý chí Điện Biên

Thứ Tư, 08/05/2024, 08:57

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Những ký ức hào hùng

Tôi gặp ông Phạm Ngọc Hòa (sinh năm 1936, trú tại xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) tại cuộc gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do tỉnh Nghệ An tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Đây không phải lần đầu ông xa nhà, cũng không phải lần đầu tham dự hội nghị quan trọng nhưng tâm trạng có sự khác lạ vô cùng. Ông hồi hộp, bồn chồn, xen lẫn sự phấn khởi, niềm tự hào, hãnh diện. Bởi, đây là chuyến đi mang lại nhiều kỷ niệm, ông gặp lại những đồng đội của mình thời là những chàng trai, cô gái tuổi mười bảy, đôi mươi, hăm hở lên đường... Những thanh niên một thời hiên ngang, bất khuất giành từng tấc đất, trận địa với kẻ thù tại chiến trường ác liệt ở Điện Biên Phủ.

Phát huy, lan tỏa tinh thần, ý chí Điện Biên -0
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và là niềm tự hào, biểu tượng sức mạnh của Việt Nam.

Năm 1953 là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công, liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Trước khí thế của quân dân ta, hòng xoay chuyển cục diện, địch đã tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với 16.200 quân, được tướng Navarre coi như “một pháo đài không thể công phá”, “bất khả xâm phạm”, là nơi “chiếc cối nghiền thịt”, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Navarre.

Cả nước tập trung sức mạnh, dồn trí, lực và quyết tâm cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Trong khí thế sôi sục và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, tháng 10/1953, chàng trai Phạm Ngọc Hòa (khi ấy mới 17 tuổi) cùng hàng ngàn thanh niên tỉnh Nghệ An làm đơn tình nguyện, hăng hái lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cùng đồng đội nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường và phá bom nổ chậm tại đỉnh đèo Pha Đin.

“Ngày ấy, cả xóm tôi có hơn 50 người xung phong, song chỉ có tôi và 3 người nữa được chọn. Rừng núi Tây Bắc thời điểm này khó khăn, gian khổ không thể kể hết. Chiến sự ngày càng ác liệt, song, tôi cùng đồng đội không hề nao núng mà luôn giữ tinh thần hăng hái, ý chí sắt đá, bản lĩnh kiên cường, sự sáng tạo. thanh niên xung phong chúng tôi làm việc không kể ngày đêm mở đường, phá bom nổ chậm, san lấp hố bom ở đèo Pha Đin. Nhiều tuyến bị Pháp đánh bom, lực lượng thanh niên xung phong phải mở đường mới, làm mọi cách để cho xe và người qua được. Đó là tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men ra chiến trường Điện Biên Phủ”, ông Hòa nhớ lại.

Phát huy, lan tỏa tinh thần, ý chí Điện Biên -0
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn kể về “56 ngày đêm” Chiến dịch Điện Biên Phủ muôn vàn gian khổ, hi sinh, song hào hùng.

Kỷ niệm mà ông mãi không quên là hình ảnh người mẹ Tây Bắc chịu thương, chịu khó, đã yêu thương, đùm bọc ông cùng đồng đội trong thời gian hành quân. Ông kể, khi hành quân tới huyện Mường La (tỉnh Sơn La), đơn vị của ông được bản làng của bà con đồng bào Thái cho mượn nhà để nghỉ qua đêm. Khi thấy vai áo của ông bị rách, người mẹ đồng bào Thái đã vội vàng đi tìm kim chỉ để may cho “con”. Hình ảnh ấy khiến ông nhớ đến người mẹ ruột ở quê nhà, và rồi, trong phút giây xúc động ấy, ông đã viết tặng người mẹ Mường La những vần thơ mộc mạc mà trân quý: “Áo vá xong con mặc vào thấy ấm/ Lòng xốn xao thương mẹ quá đi hoài/ Tây Bắc, Điện Biên, Na Sản, Mường La/ Có những mẹ già trái tim nhân ái...”.

Dù 70 năm đã trôi qua, nhưng với Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn (sinh năm 1928, trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh) thì những kỷ niệm cùng đồng đội trong những trận đánh ở Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên. Trong những ngày đất nước hân hoan kỷ niệm chiến thắng là thời gian ông thường nhớ nhiều nhất về chiến trường xưa, đồng đội cũ... Sau khi được vinh dự kết nạp Đảng khi tròn 22 tuổi, ông Nguyễn Cảnh Thìn đã xung phong nhập ngũ và tham gia hầu hết các chiến dịch như chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Lai Châu và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thìn là cán bộ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu ở đồi Cháy, đồi A1 trong suốt 56 ngày đêm cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

“Ngày đó, chúng tôi tham gia chiến dịch với tinh thần tiến công, không quản ngại hy sinh, khó khăn, gian khổ. Vào chiến trận là hừng hực khí thế xông lên, đầy quyết tâm. Niềm vui lớn nhất đó là khi nhìn thấy quân địch giương cờ trắng đầu hàng và lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch...”, đôi mắt người lính già ánh lên niềm tự hào, nhớ lại một thời hoa lửa hào hùng. Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn chia sẻ thêm, để có được chiến thắng lịch sử, tạo nên “vành hoa đỏ, thiên sử vàng”, phải nói đến sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng chỉ huy linh hoạt, sát đúng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra đường lối kháng chiến, với tài lược quân sự biến hóa, cùng nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

Trở về sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như nhiều đồng đội khi ấy, trước kẻ thù mới và để bảo vệ những thắng lợi đã qua, hoàn thành ước mong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Thìn tiếp tục ở lại quân ngũ và tham gia nhiều chiến dịch khác. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia công tác giảng dạy tại Học viện Chính trị quân sự. Với vốn kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhất là trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thìn đã vận dụng, truyền giảng cho nhiều thế hệ học viên của nhà trường. Đó không chỉ là bài học về ý chí, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết và nhiệt huyết, sẵn sàng khắc phục khó khăn, gian khổ, khát vọng hướng đến thắng lợi cuối cùng mà còn là những bài học nghệ thuật quân sự độc đáo, hiếm một đội quân nào có được cho thế hệ bộ đội Cụ Hồ sau này.

Tri ân và phát huy, lan tỏa tinh thần, ý chí Điện Biên Phủ

70 năm về trước, Nghệ An là hậu phương vững chắc cho các chiến trường của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ tháng 2/1954, thực hiện lệnh tổng động viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên Nghệ An hăng hái tham gia nhập ngũ. Dốc sức phục vụ chiến dịch, chỉ trong một thời gian ngắn, hậu phương Nghệ An đã nhập kho 1.460 tấn thóc phơi khô, quạt sạch; vận chuyển 5.000 tấn lương thực cho tiền tuyến Điện Biên. Bên cạnh đó, thanh niên xung phong Nghệ An sát cánh với quân dân cả nước vượt qua đèo cao, suối sâu và bom đạn quân thù tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực cho bộ đội.

Chỉ trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1954, có 32.000 dân công tỉnh Nghệ An, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới nô nức lên đường ra tiền tuyến. Chỉ với phương tiện thô sơ, chân đất, áo vải đơn sơ “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non”, những người con xứ Nghệ 70 năm trước bằng ý chí thép, “gan không núng, chí không mòn!”, quyết tâm không tiếc máu xương, góp sức đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng.

Phát huy, lan tỏa tinh thần, ý chí Điện Biên -0
Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình những chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến.

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành Nghệ An đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà và tỏ lòng biết ơn những hi sinh, mất mát của các chiến sĩ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người từng cố hiến sức lực, máu thịt của mình để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Chương trình gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của tỉnh Nghệ An tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã xúc động khi được gặp mặt, lắng nghe chia sẻ và cảm nhận khí thế Điện Biên từ các đại biểu có mặt tại chương trình; bày tỏ lòng biết ơn những cống hiến, hi sinh đầy tự hào của các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để nhân dân cả nước khi ấy bước vào một giai đoạn mới đầy hào hùng và oanh liệt; là biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trước ngoại xâm. Với ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lớn lao, bất diệt đó, đồng chí đã đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần.

Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa...”, dù đã 70 năm trôi qua, những vần thơ reo mừng niềm vui chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà thơ Tố Hữu như đã làm sống lại thời khắc hào hùng của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc Việt Nam đã chứng minh với cả thế giới rằng: Không có pháo đài nào không thể công phá, chỉ có lòng dân và tinh thần, ý chí dân tộc mới bất khả xâm phạm. Những câu chuyện về ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng cũng đầy tự hào của những người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa như ông Hòa, ông Thìn... mãi là trang sử hào hùng để thế hệ trẻ hôm nay khắc ghi, học tập, phát huy để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh và giàu mạnh hơn...

Phạm Thủy
.
.