Quả bóng trách nhiệm trong “cơn bão” sữa giả
Trong thời gian gần đây, thị trường thực phẩm chức năng - đặc biệt là các loại sữa cao cấp - đang bị bủa vây bởi những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là giả mạo, được quảng cáo như thần dược chữa bách bệnh.
Không ít người tiêu dùng tin tưởng mua sản phẩm sau khi xem các video quảng bá do nghệ sĩ, người nổi tiếng đăng tải trên mạng xã hội. Hệ quả là hàng ngàn người rơi vào cảnh tiền mất tật mang, trong khi các cơ quan quản lý lại “đá bóng trách nhiệm”, khiến người tiêu dùng rơi vào bẫy lừa đảo trắng trợn chẳng biết kêu ai?
Con voi chui lọt lỗ kim
Những đoạn clip quảng cáo với nội dung sữa giúp “giảm tiểu đường sau 2 tuần”, “ngăn ngừa ung thư”, “bổ sung canxi vượt trội gấp 10 lần sữa tươi thông thường”... được phát tán rộng rãi trên YouTube, Facebook và TikTok. Nhiều người nổi tiếng - từ ca sĩ, diễn viên đến MC truyền hình - tham gia quảng bá, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng.

Sự việc đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả nhắm đến người bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em bị triệt phá gây rúng động trong xã hội.
Nhiều khách hàng bức xúc bởi họ từng mua và sử dụng các sản phẩm sữa này.
Ngay lập tức nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng tham gia quảng cáo các dòng sữa đa công dụng bị cộng đồng mạng réo tên. Đáng chú ý, trong gần 600 loại sữa giả kể trên, Cilonmum là loại sữa từng được diễn viên Doãn Quốc Đam và MC Hoàng Linh từng trực tiếp quảng cáo.
Bên cạnh đó còn rất nhiều loại sữa được các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng. Mới đây, đoạn clip quảng cáo sữa Misure của diễn viên Cao Minh Đạt lan truyền trên mạng xã hội cũng khiến dư luận bức xúc. Trong clip, Cao Minh Đạt chia sẻ: “Những ai bị tình trạng mất ngủ kinh niên 10 năm, 20 năm, uống đủ loại thuốc trên đời mà không khỏi thì đây chính là sản phẩm mà các cô chú, anh chị cần phải dùng. Mình dùng đúng 2 ly mỗi ngày, một ly buổi sáng, một ly buổi tối, đảm bảo mất ngủ cỡ nào cũng sẽ hết”.
Ngoài Cao Minh Đạt, diễn viên Lý Hùng cũng quảng cáo loại sữa non này: “Thời gian vừa rồi, Lý Hùng ít xuất hiện trên màn ảnh vì bị mất ngủ trầm trọng. Một đêm chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng, có khi thức trắng cả đêm, khiến cơ thể bị suy nhược không đi quay, đi diễn được. Sau một liệu trình sử dụng sữa non, chứng mất ngủ của Lý Hùng được khắc phục rõ ràng có thể từ 80 - 90%, dường như là hoàn toàn”.
Nhiều người đang được coi là “sao” Việt cũng trở thành tâm điểm vì bài đăng quảng cáo phản cảm. Nổi bật là nghệ sĩ Cát Tường, Quyền Linh từng tuyên bố uống sữa non Diasure sẽ giúp bệnh nhân không còn lo tiểu nhiều - tiểu đêm, ngăn đường huyết cao và các biến chứng nguy hiểm… Biên tập viên Quang Minh, Vân Hugo cũng được nhắc đến bởi hai nghệ sĩ này tham gia quảng cáo cho dòng sữa Hiup - dòng sản phẩm bị phạt do vi phạm về quảng cáo.
Thực tế cho thấy phần lớn các loại sữa này không hề có chứng nhận kiểm định chất lượng từ Bộ Y tế hay bất kỳ cơ quan khoa học uy tín nào. Thành phần sản phẩm được thổi phồng, công dụng bị bóp méo. Khi sự việc bị phanh phui, đa số nghệ sĩ chỉ xin lỗi “vì đã nhẹ dạ” hoặc cho rằng mình “cũng chỉ là nạn nhân”, mà không ai chịu trách nhiệm trước hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Còn cơ quan quản lý thì “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. Hệ quả là một “vùng xám quản lý” đã hình thành, nơi các sản phẩm được tung ra thị trường mà không chịu bất kỳ sự giám sát rõ ràng nào.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ nhận trách nhiệm chỉ đạo còn việc cấp phép, hậu kiểm là trách nhiệm của các địa phương. Cụ thể, liên quan vụ việc các sản phẩm sữa làm giả mà cơ quan điều tra phát hiện, đang xử lý, Sở Y tế Hà Nội quản lý cấp phép. Trong đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thẩm định.
Còn ông Trần Hữu Linh - Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương - thì khẳng định, Bộ Công Thương chỉ có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, còn các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt hiện do Bộ Y tế quản lý?
Bộ Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group mà chỉ có thể tiến hành kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quy trách nhiệm và đưa sữa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hoạt động sản xuất các sản phẩm sữa được xếp trong nhóm thực phẩm có nguồn gốc động vật, nên chịu sự điều chỉnh đồng thời của nhiều nhóm quy định pháp luật. Cụ thể như: Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Thú y 2015; Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật ATTP (được sửa đổi bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP; Thông tư 38/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về kiểm nghiệm thực phẩm; Hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho từng nhóm sữa: sữa tươi, sữa bột, sữa đặc, sữa lên men...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc như: Có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Tuân thủ quy trình quản lý chất lượng HACCP hoặc tương đương; Công bố sản phẩm trước khi lưu hành, theo hai hình thức: tự công bố hoặc đăng ký bản công bố phù hợp quy định.
Dù khung pháp lý tương đối đầy đủ, song theo phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, vẫn tồn tại nhiều điểm yếu trong quá trình triển khai và thực thi, tạo điều kiện cho sản phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường. Cụ thể: Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, nhiều nhóm sản phẩm (như sữa tiệt trùng, sữa tươi đóng chai...) chỉ cần doanh nghiệp tự công bố, không qua thẩm định của cơ quan chức năng trước khi lưu hành. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn, khiến các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc ghi nhãn sai vẫn dễ dàng xuất hiện trên thị trường.
Hệ thống kiểm tra sau công bố hiện vẫn mang tính hình thức ở nhiều địa phương, nhất là với các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, nơi điều kiện sản xuất, bảo quản còn nhiều hạn chế. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, pha trộn nguyên liệu không đúng quy chuẩn là rất lớn.
“Hiện nay, việc quản lý thị trường sữa bị phân tán giữa Bộ Y tế quản lý chất lượng sản phẩm, cấp phép công bố; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý về thú y, chăn nuôi, an toàn nguyên liệu thô và Bộ Công Thương quản lý khâu phân phối, lưu thông sản phẩm. Sự phân tán này dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu cơ chế phối hợp, gây khó khăn trong xử lý vi phạm và thanh tra toàn diện chuỗi sản xuất - kinh doanh”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc thổi phồng công dụng của các sản phẩm sữa hoặc thực phẩm chức năng đang trở thành vấn nạn nhức nhối trên thị trường hiện nay. Hành vi này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn làm xói mòn niềm tin vào hệ thống phân phối và quản lý sản phẩm chức năng - thực phẩm đặc trị.
Dưới góc độ pháp lý, việc quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm có thể bị xử lý ở nhiều cấp độ, từ xử phạt hành chính nghiêm khắc đến truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ hậu quả.
“Tình trạng sữa giả, sữa kém chất lượng tràn lan trên thị trường không chỉ bắt nguồn từ hành vi gian dối của một số doanh nghiệp mà còn là hệ quả tất yếu của những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng - không thể tiếp tục “đổ hết lỗi cho doanh nghiệp”. Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho hay.
Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hiện là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cao nhất trong việc kiểm soát an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm, bao gồm: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ công bố sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Cấp xác nhận nội dung quảng cáo, kiểm tra ghi nhãn và hậu kiểm sau khi sản phẩm lưu hành; Chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để lọt sản phẩm kém chất lượng ra thị trường mà không được phát hiện, xử lý kịp thời. Với thẩm quyền rộng và vai trò trung tâm, Cục An toàn thực phẩm chính là cơ quan có trách nhiệm lớn nhất nếu để xảy ra sai phạm kéo dài.
Các cơ quan chức năng khác cũng có trách nhiệm khi để xảy ra “làn sóng sữa giả” trên thị trường. Cơ quan chức năng buông lỏng việc hậu kiểm, dẫn đến nhiều cơ sở sau khi được cấp phép, gần như “thả nổi” trong nhiều năm, không bị tái kiểm tra. Trong khi quảng cáo qua TikTok, Facebook, Zalo phát triển rầm rộ, cơ quan quản lý vẫn chủ yếu “phản ứng sau khi có vi phạm”. Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ trực tuyến, không cần kiểm nghiệm mẫu thực tế trước khi lưu hành, dẫn đến tình trạng “công bố ảo”, không đúng thực tế. Dữ liệu từ các khâu chăn nuôi - sản xuất - lưu thông không được kết nối, khiến việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn khi có sự cố. Thêm vào đó, khi xảy ra sai phạm, thường chỉ doanh nghiệp bị xử lý, trong khi cán bộ buông lỏng quản lý, làm việc hình thức lại không bị truy cứu trách nhiệm.
Luật sư chỉ ra rằng, để chấm dứt tình trạng “thực phẩm đội lốt thuốc”, cần cải tổ mạnh mẽ toàn bộ chuỗi giám sát bằng một số biện pháp cụ thể như: Thiết lập hệ thống dữ liệu an toàn thực phẩm liên thông giữa các bộ, ngành (Y tế - Công Thương - Nông nghiệp và Nông thôn - Công an), cho phép truy xuất và cảnh báo vi phạm nhanh; Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, đặc biệt với những sản phẩm “nhạy cảm” như sữa dành cho trẻ em, người bệnh; Siết chặt quảng cáo trên nền tảng số: Áp dụng cơ chế duyệt trước nội dung như với thuốc, tránh tình trạng “thổi phồng không kiểm soát”; Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng kéo dài, chấm dứt tình trạng “có trách nhiệm nhưng không ai chịu trách nhiệm”.
Hiện nay, theo Luật Đầu tư năm 2020, sữa không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dẫn đến hàng loạt bất cập trong quản lý thị trường. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể kinh doanh sữa, kể cả qua hình thức online, chỉ cần đăng ký hộ kinh doanh - không cần chứng minh điều kiện bảo quản, kho lạnh hay tiêu chuẩn vận chuyển. Cũng không có quy trình kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối, khiến hàng giả, hàng trôi nổi dễ dàng len lỏi vào thị trường, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Trong khi đó, sữa là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ sơ sinh, người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Do đó, việc để thị trường sữa “tự do hóa” như hiện nay là một rủi ro lớn cả về mặt y tế và pháp lý. Việc đưa sữa - đặc biệt là các dòng sản phẩm dành cho trẻ em, người bệnh - vào diện “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” là một bước đi cần thiết và cấp bách.
Các cơ quan chức năng cần thiết lập cơ chế truy xuất nguồn gốc bắt buộc đối với các sản phẩm sữa nhằm truy xuất được nguồn gốc, hạn chế hàng trôi nổi, xách tay không kiểm định như áp dụng QR code truy xuất trên từng sản phẩm: từ nguyên liệu, nơi sản xuất, kiểm nghiệm, đến khâu phân phối hay có thể học hỏi mô hình tem điện tử hiện áp dụng với rượu, thuốc lá - nhằm tạo chuỗi giám sát minh bạch và đồng bộ. Cơ sở bán sữa (online/offline) phải đăng ký ngành nghề liên quan đến dinh dưỡng, bắt buộc có hợp đồng rõ ràng với nhà phân phối chính hãng và bắt buộc kiểm định định kỳ với sản phẩm nhạy cảm (sữa trẻ em, sữa bệnh lý).
Cần có lực lượng chuyên trách hậu kiểm các dòng sản phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là sản phẩm dành cho trẻ em nhằm phát hiện, xử lý vi phạm nhanh và kịp thời. Các trường hợp làm giả sữa, pha trộn hóa chất, quảng cáo lừa đảo trục lợi cần được truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm.