Rộng mở lối về

Thứ Hai, 16/08/2021, 06:25

Những ngày này, ở các trại giam trong cả nước, nhiều phạm nhân có tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Nhiều người vui mừng vì được vào danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá sau thời gian cải tạo tốt...

Tại Trại giam Vĩnh Quang ở xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, gần 100 người hân hoan mong chờ ngày được trở về với gia đình, cộng đồng sau những tháng năm xa cách, sau những tội lỗi mà họ đã phải trả giá. Họ tích cực học những kỹ năng sống, các quy định của pháp luật để khi trở về với cộng đồng, họ không còn bỡ ngỡ.

Rộng mở lối về -0
 Đồng chí Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ nhất.

1. Là người Nigieria, phạm nhân Sylvester Zazy Nlemonwu đến thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang hơn 3 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Anh ta béo hơn hồi mới bị bắt bởi sau khi lừa đảo, biết bị công an truy lùng, Zazy mất ăn, mất ngủ trốn chui lủi khiến sức khỏe xuống dốc không phanh. Khi bị bắt, Zazy lo lắng, nhớ quê hương, nhớ gia đình, lại không biết quãng đời sắp tới như thế nào, sẽ bị giam giữ ra sao.

Học chưa hết cấp phổ thông, Zazy theo chúng bạn ăn chơi, đua đòi rồi hư hỏng, bỏ quê hương sang các nước châu Á để tìm “chân trời mới”. Tại châu Á, Zazy câu kết với một số đối tượng người bản địa trong đó có người Việt Nam để thành lập đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Biết ở Việt Nam có nhiều phụ nữ cô đơn, giàu có nhưng nhẹ dạ, cả tin, Zazy sang Việt Nam rồi bắt mối với những đối tượng lừa đảo qua mạng ở đây.

Trong những nạn nhân của Zazy và đồng bọn có chị Trần Thị M. ở Hà Tĩnh. Trong vai người đàn ông ngoại quốc giàu có, bị bệnh nặng muốn tặng lại tài sản triệu đô, Zazy cùng đồng bọn là Đinh Thị Thu Thủy và Lê Thị Mai thực hiện 10 lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiền của chị Trần Thị M. với tổng giá trị chiếm đoạt là 771,5 triệu đồng. Sau đó, Zazy và đồng bọn bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên án 6 năm tù giam.

Ở trại tạm giam, được ăn ở trong môi trường tốt, Zazy đã thấy vui mừng nhưng vẫn lo lắng không biết đi chấp hành án sẽ ra sao. Tuy nhiên, khi về Trại giam Vĩnh Quang, Zazy thấy thoải mái và yên tâm vì cán bộ thân thiện, luôn tạo điều kiện cho phạm nhân cải tạo, học tập, làm lại cuộc đời.

Rộng mở lối về -0
 Phạm nhân Sylvester Zazy Nlemonwu.

“Ở Trại giam Vĩnh Quang, tôi được học làm mây tre đan, khâu bóng. Ở nước tôi không có những việc này, nhất là mây tre làm thủ công. Cái đó làm rất khó, đòi hỏi phải khéo léo nên lúc đầu tôi không làm được nhưng được cán bộ hướng dẫn tận tình từng bước, tôi dần làm được. Giờ tôi đã đan được các giỏ mây rất đẹp.

Nói rồi, Zazy giơ cho tôi xem chiếc giỏ bé xíu mà anh ta vừa làm. Anh ta bảo, chiếc bé này là anh ta tận dụng mây thừa, làm một số chiếc để sau xin được mang về nước làm kỷ niệm.

“Tại đây có món ăn rất ngon, hợp khẩu vị, các chế độ phạm nhân đầy đủ nhất là về chăm sóc y tế rất tốt, ví dụ như: Mỗi lần có trường hợp phạm nhân cấp cứu, cán bộ đều có mặt rất nhanh, chăm sóc chu đáo, ân cần. Ở Việt Nam chính sách rất quan tâm đến những người phạm tội, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời” - Zazy cho biết. Anh ta còn hát cho tôi nghe “Quốc ca Việt Nam” khá dõng dạc và tình cảm.

Zazy bảo, ở trại, dù là người nước ngoài nhưng tuần nào cũng được hát “Quốc ca Việt Nam”, được nghe cán bộ nói chuyện thời sự, được tham gia các hoạt động dành cho phạm nhân như đọc sách báo, đọc truyện, văn nghệ...

“Tôi cảm ơn các cán bộ đã giúp tôi nhận ra rằng, dù ở đâu trên thế giới này đều phải lao động chân chính mới có thể sống yên ổn, an vui, mới không phải trả giá cho những lỗi lầm. Nếu được đặc xá lần này, tôi sẽ cố gắng sử dụng tốt nghề mây tre đan mà tôi học được trong quá trình cải tạo để khi về nước lấy nó làm nghề thu nhập chính. Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở công ty và tôi trực tiếp đào tạo cho công nhân những kinh nghiệm mà tôi đã học được như: mây tre đan, khâu bóng...

2. Phạm nhân Hà Văn Lên ở xóm Lải Tràn, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên lại là trường hợp đặc biệt với tội danh hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân trong vụ án là con của bạn Lên nên anh ta mặc cảm rất lớn. Lên là lao động chính trong gia đình có bố mẹ già, vợ ly hôn và 1 con nhỏ đang được ông bà nội nuôi. Với tâm lý mang trong mình bản án 13 năm dài đằng đẵng chưa biết ngày về, lại xấu hổ về những gì mình đã gây ra, Lên suy sụp không chút niềm tin và hi vọng, đã từng tìm cách kết thúc cuộc đời nhưng không thành.

Ngày 22-2-2013, Lên có quyết định thi hành án phạt tù tại Trại giam Vĩnh Quang. “Tại đây tôi đã được Ban giám thị, Hội đồng cán bộ giảng dạy kiến thức pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ, những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đồng thời quan tâm, động viên, giúp tôi bỏ qua những mặc cảm, tự ti, lỗi lầm mà mình gây ra để sớm trở về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Tôi nhận ra rằng, cho dù tôi gây ra tội đáng xấu hổ nhưng cán bộ không bỏ rơi tôi, thường xuyên động viên, giúp đỡ tôi. Bố mẹ già cũng cần tôi, nếu không có tôi thì sau này bố mẹ qua đời, con tôi sẽ không nơi nương tựa. Vì thế, tôi đã cố gắng vượt qua mặc cảm để cải tạo”.

Trong quá trình cải tạo, Lên luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao, tham gia nghiêm túc các buổi học tập, học nghề với mục tiêu xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, nên từ năm 2013-2021 anh ta luôn xếp loại khá, không có quý trung bình và được giảm 5 năm lần với tổng thời gian giảm 40 tháng.

Rộng mở lối về -0
 Cán bộ trại giam Vĩnh Quang hướng dẫn phạm nhân lao động.

“Khi biết tin tôi được nằm trong diện đủ điều kiện đề nghị đặc xá năm 2021, tôi rất phấn khởi vì mục tiêu hoàn lương đang ở trước mắt. Tôi cũng xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có các chính sách khoan hồng cho những người lầm lỗi như chúng tôi làm lại cuộc đời. Khi trở về địa phương, bản thân tôi chưa có dự định gì, tuy nhiên tôi sẽ tìm một công việc phù hợp với sức lực của mình, có lẽ là làm nghề điện. Bởi trong thời gian chấp hành án tôi đã được Trại giam Vĩnh Quang mở các lớp học nghề cho phạm nhân trong đó có tôi học nghề điện tử dân dụng” - Hà Văn Lên cho biết.

3. Phạm nhân trẻ tuổi nhất được đề nghị đặc xá lần này ở Trại giam Vĩnh Quang là Trần Văn Tuyến, SN 2002 ở xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Tuyến vốn con nhà nghèo, không chịu học hành mà theo đám bạn xấu chơi bời. Dù ở Hà Nội nhưng cậu ta cũng chỉ học lớp 3/12 rồi bỏ học lêu lổng. Năm 2019, Tuyến 17 tuổi đã cùng nhóm bạn rủ nhau đi cướp giật dây chuyền của các cháu học sinh tiểu học. Cả bọn giật được 2 sợi dây chuyền của 2 cháu học sinh, bán được 900 nghìn đồng, chia nhau mỗi đứa 300 nghìn. Dù số tiền không lớn nhưng với hành vi cướp giật tài sản, Tuyến và đồng bọn phải trả giá, trong đó, Tuyến bị tuyên mức án 1 năm 8 tháng tù giam. Đến ngày 6-8 - thời điểm được đề nghị đặc xá, Tuyến đã chấp hành án được 6 tháng 23 ngày.

Tuyến cho biết, là người phạm tội dưới 18 tuổi, chưa hiểu đời nên khi bị bắt đã rất run và lo sợ. Khi được chấp hành án phạt tù tại Trại giam Vĩnh Quang, tưởng chừng đó sẽ là một cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng cậu ta rất bất ngờ vì mọi người rất gần gũi, hòa đồng giữa các phạm nhân với nhau và hơn nữa sự quan tâm của Ban giám thị, hội đồng cán bộ đối với trẻ vị thành niên.

“Các bác, các cô chú đã động viên, tạo điều kiện cho cháu rất nhiều trong quá trình cải tạo. Ở đây cháu còn được học về nội quy, các chế độ của phạm nhân, hay được giải đáp thắc mắc của bản thân trong quá trình cải tạo. Vì thế, cháu luôn cố gắng sửa chữa lỗi lầm mà mình đã gây ra, mong muốn sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời. Khi biết mình nằm trong diện đủ điều kiện đề nghị đặc xá năm 2021, cháu xúc động và vui mừng khi Đảng và Nhà nước có những chính sách khoan hồng cho những người lầm lỡ như cháu. Nếu được về nhà, cháu sẽ xin đi học bổ túc cho hết lớp 9 rồi học nghề, sau đó tìm việc gì phù hợp để giúp gia đình. Giờ cháu mới biết rằng, cho dù làm bốc vác, dù là thợ xây kiếm tiền khó khăn nhưng đó là những đồng tiền trong sạch, những đồng tiền đó mới quý. Cháu sẽ không bao giờ lang thang, chơi bời, làm khổ bố mẹ nữa” - Tuyến cho biết.

Rộng mở lối về -0
 Phạm nhân Trại giam Vĩnh Quang đọc sách tại thư viện.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết: “Để việc xét duyệt được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, ngoài việc tuyên truyền, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2021 chuyển lên hội đồng xem xét 105 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá để hội đồng của trại xét duyệt. Kết quả ban đầu, hội đồng xét đề nghị đặc xá Trại giam Vĩnh Quang đã xét đề nghị cho 96 phạm nhân đảm bảo đúng pháp luật, công khai, dân chủ, khách quan; bảo đảm các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.

Công tác đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đối với người bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội. Từ năm 2009 đến 2016, thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho 87.111 người (85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù).

Ngoài ra, trong các năm 2014, 2015, 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Mặc dù số lượng người được đặc xá lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây ra.

Phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội tương đối thấp (trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, có 1.024 người trong tổng số 87.111 người được đặc xá vi phạm pháp luật tái phạm tội, chiếm 1,18%).

Công tác đặc xá những năm qua đã góp phần thực hiện tốt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.

P.A

Thu Thủy
.
.