Rừng Ea Sô kêu cứu!

Thứ Ba, 19/10/2021, 13:35

Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhưng có đường ranh giới tiếp giáp với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian gần đây lâm tặc tìm cách thâm nhập vùng lõi để khai thác các loại gỗ quý, săn bắt động vật trái phép, gây nguy cơ phá vỡ sự đa dạng sinh học, đặc biệt là việc bảo vệ rừng đầu nguồn sông Hinh và sông Krông H’năng...

Bất chấp pháp luật

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại Ban quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, một điểm “nóng” xâm hại rừng của tỉnh Đắk Lắk thời gian gần đây để tìm hiểu sự thật. Ngay tại trung tâm của ban quản lý, nhìn hàng trăm chiếc xe máy độ chế của lâm tặc bị bắt giữ nằm chất đống trong kho cũng có thể tưởng tượng mức độ tàn phá rừng ở đây nghiêm trọng như thế nào. “Với mỗi chiếc xe độ chế này, lâm tặc có thể vận chuyển được từ 5-10 khúc gỗ, nặng khoảng 150-300 kg. Không những vậy, việc dùng xe máy độ chế lâm tặc có thể di chuyển cũng như tẩu tán tang vật trong rừng một cách dễ dàng mỗi khi bắt gặp lực lượng chức năng”, ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết.

Rừng Ea Sô kêu cứu! -0
Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng ở Khu bảo tồn Ea Sô.

Cũng theo ông Tiến, đây là một trong những thủ đoạn mà lâm tặc thường xuyên sử dụng để vào vùng lõi của khu bảo tồn chặt hạ gỗ quý trong thời gian qua. “Trước đây, địa bàn giáp ranh của khu bảo tồn là những cánh rừng nguyên sinh, lá chắn cho việc bảo vệ vùng lõi nhưng đến nay, những vùng giáp ranh này đã bị cạo trọc dẫn đến lâm tặc ngoại tỉnh luôn tìm cách xâm nhập vào để khai thác gỗ quý, săn bắt động vật quý hiếm. Phương tiện chủ yếu là dùng xe máy độ chế vừa di chuyển nhanh, lại khó bị phát hiện nên việc giữ rừng ở khu bảo tồn đang rất đáng báo động”, ông Tiến phân tích.

Để kiểm chứng việc phá rừng nơi đây, chúng tôi theo chân Đội kiểm lâm cơ động của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có mặt tại chốt bảo vệ rừng 616 nằm giáp ranh giữa hai huyện Krông Năng (Đắk Lắk) và Krông Pa (Gia Lai). Theo quy định, việc ra vào khu bảo tồn khá nghiêm ngặt, chỉ những người có trách nhiệm mới được vào.

Nhưng, theo quan sát, ngay tại địa bàn này có đến hàng chục lối mòn dẫn vào rừng được cánh lâm tặc mở ra. Thậm chí, nhiều cây cầu bắc qua suối được lát gỗ khá kiên cố. “Đây là những lối mòn do lâm tặc tự mở nhằm mục đích vận chuyển, khai thác gỗ lậu. Do địa bàn giáp ranh nên việc truy bắt những đối tượng này hết sức khó khăn vì cần có sự phối hợp lực lượng giữa các tỉnh. Chính vì vậy, nhiều lần anh em bắt gặp lâm tặc nhưng không thể xử lý, bởi họ bỏ chạy qua địa bàn tỉnh bạn”, anh Trần Văn Khánh (nhân viên Trạm kiểm lâm số 2, Khu bảo tồn Ea Sô, được tăng cường vào chốt bảo vệ rừng 616) cho biết.

Rừng Ea Sô kêu cứu! -0
Một nhóm lâm tặc dùng xe độ chế chở gỗ bị bắt giữ.

Cũng theo anh Khánh, hiện trung bình mỗi ngày có hàng chục nhóm vào khu vực bảo tồn để lấy gỗ. “Đa số họ đi bằng xe máy độ chế, gỗ khai thác chủ yếu là gỗ cẩm lai, đinh hương có đường kính từ 20-40 cm. Đây là loại gỗ rất được các đầu nậu tại tỉnh Phú Yên và Gia Lai ưa chuộng thu mua để đóng đồ dân dụng. Mỗi kg gỗ này có giá lên đến hàng trăm ngàn đồng nên lâm tặc bất chấp tất cả để khai thác.

Ngoài kiểu phá rừng tận diệt là đào cả gốc gỗ quý mang đi, một số lâm tặc còn khai thác gỗ tạp kéo ra sông Krông H’năng kết thành bè thả xuôi về theo dòng sau đó tập kết tại bến trên địa bàn xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên”, anh Khánh cho biết thêm.

Trong lúc thông tin với phóng viên thì anh Khánh nhận được tin báo, có một nhóm lâm tặc đang chở gỗ từ khu bảo tồn đi ra. Ngay lập tức, 5 cán bộ trực chốt cùng chúng tôi nhắm thẳng hướng địa bàn giáp ranh xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đón lõng. Khi gần đến nơi, gặp hàng chục chiếc xe máy độ chế chở gỗ lao như tên bắn nhắm thẳng hướng Gia Lai. Thấy vậy, nhóm cán bộ bảo vệ rừng Ea Sô đuổi theo. Khi đoàn cán bộ vừa đuổi kịp thì nhóm lâm tặc này cũng đã sang đến địa phận tỉnh Gia Lai và quay lại cự cãi.

- “Đây là đất của Gia Lai mà, các anh không có quyền” - một lâm tặc cao giọng.

Một cán bộ trong đoàn công tác cương quyết: “Các anh phạm tội quả tang thì ở đâu chúng tôi cũng bắt giữ”.

Và cứ thế, cuộc tranh cãi giữa lực lượng bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với nhóm lâm tặc diễn ra rất căng thẳng. Các đối tượng vào rừng bảo tồn Ea Sô khai thác gỗ quý và bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, truy đuổi nhưng đã kịp di chuyển sang địa phận tỉnh Gia Lai. Lâm tặc có lợi thế đông người, gần 20 đối tượng, trong khi lực lượng bảo vệ rừng của khu bảo tồn chỉ có 5 người. Khi bị lực lượng bảo vệ rừng làm căng, đám lâm tặc này cự cãi không được thì đã gọi điện, huy động thêm hàng chục đối tượng mang hung khí đến giải vây cho đồng bọn. Trước sự manh động của nhóm lâm tặc, lực lượng bảo vệ rừng đành bất lực cho bọn chúng đi.

Sau gần một ngày lội rừng, nhóm chúng tôi chuẩn bị di chuyển về trạm bảo vệ rừng nằm gần đó để nghỉ thì được anh em trong đoàn báo động có lâm tặc đang chuẩn bị vận chuyển gỗ ra. Khoảng 20 phút sau, một nhóm hơn 10 chiếc xe máy độ chế xuất hiện, trên xe chở những lóng gỗ đã được cắt xẻ gọn gàng. Khi phát hiện chúng tôi, một số đối tượng vứt xe cùng tang vật bỏ chạy vào rừng, số còn lại ngang nhiên đứng ra thách thức, thậm chí có đối tượng còn rút dao ra đe dọa. Trước sự ngang ngược của nhóm lâm tặc, đoàn công tác buộc phải dùng công cụ hỗ trợ để áp giải về trạm xử lý.

Anh Trần Văn Khánh cho biết, việc bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh này gặp nhiều khó khăn. Lâm tặc thường xuyên lợi dụng việc lực lượng bảo vệ rừng ở khu bảo tồn mỏng nên thâm nhập khai thác trộm gỗ quý, săn bắn thú rừng. Đồng thời, tại vùng giáp ranh này, việc bắt đối tượng vi phạm khó khăn về tính chính danh, pháp lý. Trong khi đó, ở phía tỉnh Gia Lai không có lực lượng đóng chốt ở địa bàn, chỉ phối hợp khi anh em bắt giữ được lâm tặc và gọi điện cầu viện. Tuy nhiên, để đến được hiện trường, lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai phải mất hàng giờ đồng hồ. Chính vì lẽ đó, nhiều lần lâm tặc đã kéo đồng bọn đến giải vây, giải tán hết.

Trong những ngày thâm nhập địa bàn, chúng tôi nhận thấy, không chỉ rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị chặt phá mà khu vực rừng giáp ranh thuộc địa phận huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cũng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng thuộc quản lý của xã, của công ty lâm nghiệp hay rừng của ban quản lý rừng phòng hộ hầu hết đã bị phá trắng, xâm canh đến ngay sát Khu bảo tồn Ea Sô.

Rừng Ea Sô kêu cứu! -0
Một nhóm lâm tặc trên đường di chuyển vào khu bảo tồn để chặt phá rừng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Minh Tiến cho biết thêm, để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, ngoài 9 trạm quản lý bảo vệ rừng, đơn vị còn lập thêm 3 lán tạm, mỗi lán có từ 5-7 cán bộ kiểm lâm chốt chặn ở những điểm “nóng”, triển khai các đợt truy quét, tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi săn, bắn, bẫy động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép. Kiểm lâm khu bảo tồn cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm, vùng giáp danh giao nộp vũ khí, súng tự chế, cam kết không chặt phá gỗ rừng, săn bắt động vật rừng.

“Tuy nhiên, trước những nguồn lợi quá lớn mang lại, nhiều đối tượng không chỉ ngang nhiên phá rừng một cách tràn lan, công khai mà còn liều lĩnh chống lại lực lượng chức năng, thậm chí một số đối tượng dùng cả súng để bắn trả mỗi khi bị truy đuổi. Đã có nhiều lần chúng hành hung, thậm chí còn có ý định tước đi mạng sống của cán bộ khu bảo tồn. Đã có 2 trường hợp anh em bị bắn, 3 trường hợp khác bị chúng đâm trọng thương khi đang nằm nghỉ trong lán trại. Hiện, lâm tặc còn cất giấu rất nhiều súng trong Khu bảo tồn Ea Sô nhưng khó phát hiện được”, ông Tiến nêu.

Cần sự phối hợp thống nhất hơn giữa các địa phương

Cũng theo ông Lê Minh Tiến, ranh giới khu bảo tồn tiếp giáp với tỉnh Gia Lai lên đến gần 50 km. Tình trạng xâm hại rừng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây trở nên “nóng” hơn, lâm tặc ồ ạt kéo vào rừng bảo tồn mỗi ngày. Để bảo vệ được rừng Ea Sô, lúc này cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng tỉnh Gia Lai trong việc tuần tra, kiểm soát, truy quét lâm tặc ở vùng giáp ranh.

“Về việc này, đơn vị đã nhiều lần báo cáo với cấp trên, với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng như kiến nghị với các ban, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tại vùng giáp ranh thực hiện pháp luật về lâm nghiệp cũng như tuần tra, truy quét các tuyến đường người dân khu vực tỉnh bạn xâm nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Rất mong là các ngành chức năng tỉnh bạn tăng cường việc tuần tra, cũng như chốt chặn để các đối tượng không thể xâm nhập. Nếu xâm nhập lén lút thì cũng không thể đưa tang vật ra được”, ông Tiến kiến nghị.

Rừng Ea Sô kêu cứu! -0
Xe độ chế, bẫy thú rừng bị thu giữ tại Ban quản lý rừng Ea Sô.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2017, 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên đã ký quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh. Tuy nhiên, qua các vụ việc phá, xâm hại rừng ở Ea Sô thời gian qua cho thấy, việc phối hợp vẫn còn những bất cập. “Nhiều vụ việc truy bắt lâm tặc nhưng lực lượng bảo vệ rừng Đắk Lắk chỉ biết đứng nhìn khi lâm tặc đã ra khỏi địa bàn”, ông Hưng thừa nhận.

Theo ông Hưng, có cầu mới có cung, gỗ quý ở rừng Ea Sô bị lâm tặc khai thác trộm chắc chắn sẽ được đầu nậu ở vùng giáp ranh thu gom. Chỉ cần các tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là Cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm đầu nậu ở những vùng giáp ranh này thì nhất định tình trạng xâm hại rừng bảo tồn sẽ giảm. “Lực lượng công an cần phối hợp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm, nhất là phía tỉnh Gia Lai, Phú Yên. Khi sự phối hợp này có hiệu quả thì việc bắt và xử lý lâm tặc này không khó. Những vụ phá rừng bắt được cứ đưa ra xét xử lưu động ngay địa phương, lấy đó làm răn đe. Mình không làm được thì lâm tặc xem thường, nhờn với luật”, ông Hưng dẫn chứng.

Cũng theo ông Hưng, vừa qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh như Công an, Kiểm lâm và UBND huyện Krông Pa tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng tỉnh Đắk Lắk để tổ chức và duy trì thường xuyên lực lượng tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp.

Liên quan đến tình trạng phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, từ cuối năm 2020 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành vào cuộc điều tra, khởi tố, bắt giữ tổng cộng 40 đối tượng. Trong đó, có 37 đối tượng là nhóm lâm tặc có địa chỉ thường trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên về tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; 2 đối tượng là Trạm trưởng, Trạm phó của Trạm kiểm lâm số 3 Khu bảo tồn Ea Sô cùng 1 đối tượng là người dân thường trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar về tội nhận hối lộ. 

Văn Thành
.
.