Sấp ngửa mùa hoa Tết
Tết Nguyên đán đến gần, nhiều hộ dân ở các làng trồng hoa cảnh miền Trung đang tất bật chăm sóc cây với hy vọng hoa sẽ nở đúng dịp. Nỗi lo mùa vụ thất bát vì thiên tai cũng là nỗi lo của cả gia đình với gánh nặng Tết.
Trông vào vụ hoa Tết
Tại các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định trong 2 tháng qua ảnh hưởng bởi bão lũ khiến cho vụ hoa cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân các làng hoa kiểng vẫn tất bật khắc phục thời tiết để vào mùa hoa Tết phục vụ thị trường. Mưa lũ kéo dài trong những tháng 10 và 11 ở miền Trung khiến người trồng cố công chăm tưới để “cứu” những vườn hoa cảnh đang bị hư hại nặng với nỗi lo thất bát của vụ mùa.
Trồng hoa Tết là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, thế nhưng để có một mùa bội thu là chuyện không dễ. Năm nay, thời tiết thất thường khiến nhiều loại hoa nở sớm hoặc hư hại nặng khiến người trồng hoa thấp thỏm lo lâu. Những ngày lũ vừa qua, nước vây tứ phía, hàng trăm ngàn cây hoa cảnh ở miền Trung trong tình trạng ngập sâu trong nước nên hư hỏng nặng.
Nước lũ đã rút cách đây hơn một tháng, nhưng hậu quả để lại của nó vẫn hiện hữu trong nhà những hộ dân trồng hoa, cây cảnh ở 3 “vựa hoa” ở miền Trung là Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Trên những con đường vào các vùng trồng hoa cảnh, đến thời điểm này dù sự tất bật vẫn hiện hữu, nhưng trong đó là nỗi lo và sự hoang mang cho vụ hoa Tết.
Làng hoa Phú Mậu thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tập trung ở các thôn: Vọng Trì, Thế Vinh, Thanh Tiên và đặc biệt là Tiên Nộn với 13 ha đất trồng hoa. Đây là vựa hoa lớn nhất, cung cấp hoa cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh lân cận. Hoa Phú Mậu được trồng quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào vụ Tết Nguyên đán. Ở vụ hoa này, người dân gieo giống từ tháng 8 âm lịch và tập trung chăm bón trong suốt 4 tháng, để khoảng 23 tháng Chạp có hoa đẹp phục vụ khách.
Để có được một bông hoa chất lượng, người dân phải dầm mưa dãi nắng trong suốt 4 tháng trời ròng rã, mặc dù xuống giống với số lượng hoa lớn, nhưng hầu hết các cây, chậu hoa đều được chăm sóc cẩn thận để tăng sức cạnh tranh với các đơn vị khác trên thị trường hoa Tết. Để chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, các nhà vườn trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đã phải đầu tư nhiều kinh phí cho việc mua phân để bón thúc, sử dụng thuốc kích cho hoa nhanh chóng phát triển, kết nụ, lắp đặt các hệ thống mái che, đèn chiếu sáng với công suất lớn để điều tiết sự sinh trưởng của hoa.
Bà Hồ Thị Hương (55 tuổi, trú thôn Tiên Nộn) trồng hơn 7.000 gốc hoa cúc cho hay, so với các năm trước, năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng với kinh nghiệm lâu năm chuyên trồng hoa Tết cùng với kỹ thuật học hỏi được về cách chăm sóc từng loại hoa, thì vườn hoa nhà bà vẫn kịp nở vào dịp Tết để phục vụ bà con. Hoa trồng chủ yếu nhập giống từ Đà Lạt về và bắt đầu gieo trồng từ tháng 8 âm. Những loại hoa truyền thống ở làng Phú Mậu gồm có: Cúc, hồng, vạn thọ, thược dược, đồng tiền...
Ngoài ra, những năm gần đây, người dân Phú Mậu còn trồng nhiều loài hoa nhập khẩu nhằm phục vụ thị trường và cải thiện thu nhập. Hiện nay, ở Phú Mậu có hơn 20 hộ trồng hoa tập trung theo công nghệ cao, còn lại hầu hết các nhà đều có vườn trồng hoa riêng, quy mô tùy thuộc vào diện tích đất của mỗi hộ. Vụ hoa năm nay, Phú Mậu có hơn 2.000 hộ tham gia trồng hoa cúc, tulip, ly, đồng tiền, phong lan ngoại, vạn thọ, hoa hồng và 10 hộ trồng cây cảnh các loại cung cấp cho thị trường với tất cả hơn 11 ha.
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng hoa cúc vàng, hoa công nghệ cao phục vụ Tết trên địa bàn TP Đà Nẵng bị hư hỏng gần như hoàn toàn, thiệt hại rất lớn. Trong đợt lũ giữa tháng 10/2022, hơn 200.000 chậu hoa Tết ở các địa phương thuộc huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn bị ngập sâu. Bà Nguyễn Thị Hữu - một người trồng hoa ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) buồn phiền khi lũ đến, hơn 500 chậu hoa cúc của bà bị nhấn chìm trong lũ. Lũ vừa dứt, gia đình dốc sức cứu hoa. Ông Lý Phước Dạng (tổ trưởng tổ hợp tác hoa Dương Sơn Hòa Châu, tổ 1, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) cho biết: “Năm nay, không ai nghĩ mưa lũ lại gây ngập sâu đến thế. Bà con ai nấy đều dồn công sức cho hoa cúc vàng và hoa công nghệ cao phục vụ Tết, nhưng bị thiệt hại nặng. Gần một tháng qua, bà con đang phải cấp tập xuống giống cho kịp thời điểm Tết Nguyên đán!”.
Cùng với đó, một người nông dân trồng hoa cảnh tại Hội An cho biết, trung bình mỗi ha trồng khoảng 200.000 cây cúc, mỗi cây 3.000 đồng, mỗi vụ Tết ước tính tổng thu được khoảng 3 tỉ đồng. Do mưa lớn nên đợt xuống giống trước bị hư hại hết, nhiều nhà vườn vừa phải xuống giống lần 2, “thúc” thêm nhiều phân bón và thuốc với hy vọng hoa ra kịp bán Tết. Tranh thủ những ngày thời tiết nắng lên, người dân trồng hoa đang hối hả, tất bật chạy đua với thời gian để chăm sóc, vun trồng với mong muốn hoa bung nở đúng dịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán đang cận kề.
Hy vọng mùa bội thu
Năm nay quất cảnh tại thủ phủ quất Hội An lại được mùa, được giá. Ông Nguyễn Tấn Hùng, chủ một vườn quất lớn cho biết năm nay có giá cao hơn khoảng 30-40% so với năm ngoái. Đến nay, thương lái từ các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế... đến các vườn đặt mua quất rất nhiều, các vườn quất đẹp đã được thương lái đặt mua hết rồi. Dự kiến đến giữa tháng Chạp thì thương lái sẽ đến vườn để vận chuyển đi bán, phục vụ thị trường. Điều này giúp cho người trồng quất ở Hội An rất phấn khởi. Năm 2022, phường Thanh Hà có khoảng 111.000 cây quất đất, quất giống; quất chậu là gần 56.000 chậu; diện tích trồng quất toàn phường khoảng 160.000 m2.
Tại thị xã An Nhơn (Bình Định), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng miền Trung, những ngày này, làng mai đang tất bật vào vụ. Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023, các chủ vườn mai ở thủ phủ mai vàng Bình Định đang tất bật thuê người vặt lá cho hoa nở đúng ngày. Làng mai cảnh Nhơn An, thị xã An Nhơn từ lâu nổi tiếng với nghề trồng mai Tết. Địa phương này được công nhận là làng nghề với hơn 1.000 hộ trồng mai, chiếm 65% số hộ dân trong xã. Mỗi năm, vụ mai Tết mang về cho người trồng mai khoảng 25 đến 30 tỷ đồng.
Tại thôn Háo Đức, xã Nhơn An, cây mai tràn ngập từ ngoài đường đến trong nhà, đi đâu cũng thấy cảnh những người đàn ông tất bật vận chuyển mai ra đường để bán, còn những người phụ nữ thì cặm cụi vặt lá để mai ra hoa trúng Tết. Ông Đặng Xuân Ngữ (trú thôn Háo Đức) chia sẻ, gia đình ông trồng hơn 2.000 chậu mai, mỗi dịp Tết, gia đình ông bán khoảng vài trăm cây. Để mai nở đúng Tết, ông phải thuê người từ thôn khác tới vặt lá với chi phí 120 ngàn/ngày. Hình ảnh người dân chật vật ôm từng chậu hoa vượt lũ trong nước mắt. Vì bị ngập sâu nên nhiều chậu hoa lá úa, trơ rễ, héo rụi dần. Sau đó, người nông dân lại phấp phỏng lo âu khi hoa bị sâu hại, trằn trọc hằng đêm để chăm sóc... Đó là những hình ảnh hết sức đau lòng.
“Người muốn nhưng trời không chiều, thiên nhiên không ưu đãi thì đành phải chịu. Ai chống được ông trời?”, một người trồng hoa ở Đà Nẵng ngậm ngùi nói. Ông Lý Phước Dạng (tổ trưởng tổ hợp tác hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu) cho biết: “Đợt mưa kéo dài đã hư một số cây, úng thân, qua quá trình lao động chỉnh sửa, phun thuốc phòng bệnh đã ổn định để có thể phục vụ Tết. Nếu thời tiết nắng thuận lợi thì có hi vọng khả quan hơn. Năm trước hoa cúc đóa bán được giá, năm nay có khả năng giá sẽ tăng, do ngày công lao động tăng, phân bón và thuốc đã tốn kém nhiều để chăm sóc hoa sau mưa lũ. Trừ các chi phí thuê đất đai, điện, nước,... còn khoảng 60% là công của chủ nhà và lãi”.
Theo hầu hết người trồng hoa ở miền Trung thời điểm này, nếu may mắn và thời tiết thuận lợi từ giờ tới cận Tết thì có thể cung ứng được khoảng 80% số hoa kiểng. Để có được những mẫu hoa ưng ý, cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán thì cuối tháng 11 âm lịch được xem là thời điểm quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của cả vụ hoa. Nhiều nhà vườn đang hối hả kích thích để hoa gượng dậy sau đợt mưa lũ kéo dài. Với người trồng hoa, mỗi vụ hoa Tết đều xen lẫn niềm vui và nỗi buồn. Thành công năm nay chưa chắc đã là bảo chứng cho năm sau, niềm vui của người này có thể là nỗi buồn của người khác.