SOS tiêu thụ động vật hoang dã

Thứ Ba, 17/10/2023, 08:24

Chỉ bắt 5kg ốc, người ngư dân đã bị đề nghị phạt hơn 137 triệu đồng. Và, chỉ cần tàng trữ, vận chuyển 1 quả trứng rùa biển (vích) cũng có thể bị xử phạt đến 1-5 năm tù giam... Những câu chuyện, những con số tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã cho thấy hậu quả rất nặng nề…

Vì lợi mà bất chấp

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có quyết định xử phạt ông Phạm Văn Tân (sinh năm 1988, quê Sóc Trăng, tạm trú tại Côn Đảo) hơn 137 triệu đồng. Ông này bị xử phạt vì hành vi đến khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo bắt ốc.

Trước đó, khuya 28 rạng sáng 29/9, Trạm Kiểm lâm cơ động, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã bắt quả tang ông Phạm Văn Tân đang dùng bè tự chế đi bắt ốc tại bãi Giông - hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo. Đây là phân khu phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo, nên mọi hành vi săn bắt thủy sản ở đây đều bị nghiêm cấm, theo Luật Thủy sản 2017.

SOS tiêu thụ động vật hoang dã -0
Lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện tự chế của Ông Phạm Văn Tân dùng để đánh bắt ốc trái phép.

Thời điểm bị phát hiện, trên bè gắn máy tự chế của ông Tân có 5 kg ốc ngọt (có tên khoa học là Nerita undata). Tuy ốc ngọt không phải là động vật quý hiếm nhưng hành vi đến khu bảo tồn biển để đánh bắt sản vật bị nghiêm cấm theo luật định (quy định tại khoản 4, Điều 7, Luật Thủy sản 2017). Căn cứ vào quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hành vi của ông Tân nằm ở mức xử phạt 100- 150 triệu đồng.

Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã lập biên bản về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với ông Tân. Ngoài ra, Công an huyện Côn Đảo cũng lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tạm giữ phương tiện tự chế, không có giấy phép của ông Tân. Sau đó, căn cứ vào tờ trình đề nghị của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định xử phạt ông Phạm Văn Tân như nói trên.

Đáng chú ý, đại diện Công an huyện Côn Đảo cho biết, ông Phạm Văn Tân từng bị Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo tuyên phạt 10 tháng 17 ngày tù giam về tội “Vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” (vào tháng 11/2018). Ông Tân được xem là người đầu tiên ở Côn Đảo bị phạt tù giam vì trộm, mua bán trứng vích thời điểm đó.

Cụ thể, vào thời điểm đó, ông Tân vận chuyển 17 quả trứng rùa biển (vích) và bị kiểm lâm bắt quả tang. Ngoài ra, ông này còn bị Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo xử phạt vi phạm hành chính hình thức cảnh cáo về hành vi vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng.

Một vụ việc khác, vào giữa tháng 8/2023, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng cấp đối với 4 người có liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ và vận chuyển... 4 quả trứng vích. 4 người bị khởi tố gồm: Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh năm 1975, trú tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Lê Thị Chi (sinh năm 1992, con dâu bà Hoa), Lương Kiều Tính (sinh năm 1980, ngụ Côn Đảo) và Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1997, tài xế taxi tại Côn Đảo).

SOS tiêu thụ động vật hoang dã -0
Ông Phạm Văn Tân khai nhận hành vi với cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Trước đó, vào sáng 12/6, lực lượng an ninh sân bay Côn Đảo phát hiện trong va li cá nhân của bà Đỗ Thị Lệ Hoa có 5 vật hình tròn nghi là trứng vích. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo đã gửi 5 vật hình tròn nói trên ra Hà Nội để giám định.

Kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định 4 vật hình tròn trong vali của bà Hoa là trứng vích, vật còn lại không xác định được loài vì không có kết quả trình tự ADN.

Kết quả điều tra ban đầu cho biết, sáng 11/6, bà Đỗ Thị Lệ Hoa cùng gia đình, trong đó có con dâu là Lê Thị Chi, đến Côn Đảo du lịch, nghỉ dưỡng. Đến chiều tối cùng ngày, Lê Thị Chi gọi xe taxi do Phạm Anh Tuấn làm tài xế chở mình đi gội đầu. Trên đường đi, Chi hỏi Tuấn chuyện mua trứng vích.

Tuấn bèn gọi điện cho Lương Kiều Tính để hỏi mua 5 quả trứng vích và được báo giá 250.000 đồng/trứng. Tuấn báo giá lại và Chi đồng ý mua. Tuấn cũng nói Tính luộc sẵn trứng để giao cho Chi. Đến khuya 11/6, sau khi chở gia đình bà Hoa đi ăn về, Tuấn ghé qua chỗ ở của Tính để lấy 5 quả trứng đã luộc sẵn. Về đến khách sạn, Tuấn giao trứng vích cho Chi, sau đó Chi đưa cho bố chồng để ông này mang lên phòng.

Sáng sớm 12/6, bà Đỗ Thị Lệ Hoa dậy dọn hành lý để chuẩn bị bay về thì thấy túi nilông bên trong có hộp giấy đựng 5 quả trứng. Bà Hoa cất vào vali cá nhân của vợ chồng bà, sau đó ra sân bay và bị an ninh sân bay phát hiện.

Đáng nói, đây không phải là vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép trứng vích đầu tiên bị khởi tố. Trước đó, tháng 4/2019, Công an huyện Côn Đảo phối hợp lực lượng kiểm lâm kiểm tra căn nhà của vợ chồng Võ Ngọc Trung và Trần Thị Cúc (khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo), phát hiện 20 kg nội tạng, 60 kg thịt, 60 quả trứng, 4,5 kg trứng non... của vích được giấu trong tủ đông. Với số lượng thịt, trứng như vậy, cơ quan chức năng nhận định có ít nhất 2 con vích đã bị xẻ thịt, trong đó có con đang có trứng.

Bà Trần Thị Cúc khai nhận tất cả số hàng trên là trứng, thịt, nội tạng vích do chồng bà mua về để tàng trữ bán kiếm lời. Cơ quan Công an đã lập biên bản tịch thu toàn bộ tang vật, triệu tập người chồng để điều tra. Nhưng, ông Võ Ngọc Trung đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo truy nã. Đến tháng 10/2019, Công an huyện Côn Đảo đã bắt giữ được ông Võ Ngọc Trung tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Sáng 8/1/2020, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã tuyên phạt ông Võ Ngọc Trung 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, sáng 13/4/2019, ông Võ Ngọc Trung qua cảng Bến Đầm uống cà phê thì có 2 thanh niên (không xác định được nhân thân, lai lịch) đến hỏi “có mua thịt vích không?”. Trung đồng ý mua với giá 5 triệu đồng. Khuya cùng ngày, 2 thanh niên này đã chở 2 bao tải đựng thịt, trứng, nội tạng của 2 con vích giao cho ông Trung ở ngoài đường. Ông Trung mang số thịt, trứng, nội tạng vích về nhà cất giấu trong tủ đông với mục đích bán kiếm lời.

Thực tế, ngay ngày hôm sau, ông Trung đã bán được một ít "hàng" cho một người khách. Tối 16/4/2019, Công an huyện Côn Đảo kiểm tra nhà ông Trung và phát hiện số thịt, trứng, nội tạng vích như kể trên.

Bà Cúc cũng bị truy tố và xét xử về cùng tội danh với chồng. Ngày 14/10/2019, bà Cúc đã bị Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo tuyên phạt 2 năm tù giam.

Du khách cần nâng cao ý thức

Ngoài những vụ việc trên, những năm qua, tại Côn Đảo đã phát hiện một số vụ tàng trữ, vận chuyển trứng vích và đã đưa ra xét xử, tuyên phạt các bị cáo với những mức án nghiêm minh.

Liên quan đến vấn đề này, gần đây, vào cuối tháng 8/2023, Vườn quốc gia Côn Đảo đã phát hiện xác của một con vích trôi dạt vào bãi Đất Dốc. Đây là con vích mẹ, nặng 85-90kg, dài 91cm, ngang 83cm. Đáng chú ý, bên hông phải - tức vùng ổ trứng của con vích này - có một vết mổ rạch dài khoảng 15cm, bên trong không có trứng và nội tạng. Ngoài ra, trên vây trái trước có dây dài 1,5m buộc chặt. Con vích này đang trong tình trạng phân hủy và chết cách đó khoảng một tuần.

Theo nhận định của Cơ quan kiểm lâm, đây có thể là một vụ bắt giết vích mẹ để lấy trứng. Sau đó, kẻ bắt trộm đã dùng sợi dây dài buộc vào vây trước của con vích, rồi buộc vào san hô dưới đáy biển để phi tang, tránh bị phát hiện.

Sau khoảng một tuần, phần đầu sợi dây buộc vào san hô bị bung ra, vích nổi lên, dạt vào bờ.

“Thủ đoạn, phương thức của kẻ bắt vích, mổ lấy trứng là rất tàn độc và dã man”, lãnh đạo Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, đồng thời khẳng định đây là một vụ việc có tính chất hình sự...

Thời gian qua, Vườn quốc gia Côn Đảo cùng các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự nhiều vụ việc liên quan đến tàng trữ, mua bán, vận chuyển động vật quý hiếm, nguy cấp (trong đó có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán vích và các sản phẩm của vích). Đồng thời, cũng tuyên truyền liên tục để người dân và du khách không săn bắt, tàng trữ, mua bán động vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn vận động quần chúng nhân dân tích cực cung cấp thông tin, tố giác đối tượng vi phạm cho cơ quan chức năng để ngăn chặn xử lý triệt để các hành vi mua bán, săn bắt, giết mổ động vật hoang dã và sản phẩm, nhất là loài rùa biển. Tuy vậy, đến nay tình trạng trên vẫn còn xảy ra.

SOS tiêu thụ động vật hoang dã -0
Số thịt, trứng vích tàng trữ trong nhà ông Võ Ngọc Trung.

Tại Hội thảo quốc gia về bảo tồn rùa biển và thú biển diễn ra tại Trung tâm Giáo dục môi trường, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo vào cuối tháng 7/2023, các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng khó khăn hiện nay là kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ, dự án hạn chế dẫn đến nhiều nội dung chưa triển khai hoặc thực hiện không đồng bộ nên hiệu quả không cao.

Theo ông Nguyễn Thái Hậu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, hiện nay một bộ phận du khách du lịch đến Côn Đảo thiếu sự hiểu biết về pháp luật, muốn tìm những đặc sản độc, lạ như trứng, thịt vích để thưởng thức, nhưng lại không biết bản thân họ đã vi phạm pháp luật, khi bị bắt, khởi tố hình sự mới hối hận.

Thực tế, qua những vụ việc đã điều tra, bắt giữ và xử lý hình sự như kể trên cũng như các vụ việc xảy ra trước đó, đó chính là lời cảnh tỉnh cho những du khách đến Côn Đảo cũng như những người bất chấp pháp luật thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như rùa biển.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rùa biển (vích) có tên khoa học là Chelonia mydas, lớp Bò sát (Reptilia), nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Theo đó, các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển, hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) đều bị xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật. Chỉ cần vận chuyển 1 quả trứng vích là đương sự cũng có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm tù giam hoặc bị phạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.

Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương tiên phong trong cả nước tiến hành xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thịt, trứng rùa biển, để chung tay bảo vệ loài rùa biển, cũng như khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, sự minh bạch của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vích cũng thuộc các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, ban hành kèm theo thông báo của cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.

Hiện nay, tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa biển lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên 20.000m2 (90% vích tại Việt Nam sinh sản ở địa phương này) và mô hình du lịch sinh thái thăm, xem rùa biển đã thu được những kết quả khả quan. Từ năm 2018 đến 2023, mỗi năm có gần 700 con vích lên bãi đẻ trứng và đã có hơn 145.000 vích con được thả về biển.

Phú Lữ
.
.