Tầm nã giữa mùa dịch

Thứ Hai, 31/01/2022, 09:56

Với lính “tầm nã” thì nguy hiểm luôn tiềm ẩn, khó nhận diện. Các đối tượng bị truy nã luôn mang tư tưởng trốn chạy nên sẽ liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ. Trong mỗi cuộc truy bắt đối tượng truy nã, các trinh sát phải cùng nhau xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân , đưa ra nhiều tình huống để có phương án ứng phó.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, công tác tầm nã có thêm những khó khăn, vất vả không thể lường trước.

Tổ truy nã đặc biệt

Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh An Giang mở đầu câu chuyện về những khó khăn, vất vả trong công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Tầm nã giữa mua dịch -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh An Giang khắc phục khó khăn, làm tốt công tác truy nã trong mùa dịch

“Tổ truy nã đặc biệt được Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh lựa chọn những trinh sát có năng lực, giỏi nghề, chịu khó, tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, sau đó tùy vào sở trường sẽ bố trí vào 3 bộ phận: truy bắt, đảm bảo hậu cần và tuyên truyền. Ngoài công tác nghiệp vụ, CBCS làm nhiệm vụ truy nã phải khôn khéo, tranh thủ sự giúp đỡ của quần chúng, kể cả người thân của đối tượng để thuyết phục đối tượng nhận rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình, thấy rõ chính sách khoan hồng của Nhà nước để họ ra đầu thú, tự giác khai báo hành vi phạm tội của mình”, Thượng tá Huỳnh Văn Đảm chia sẻ.

Tổ truy nã đặc biệt được hình thành vào tháng 9-2021, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động đã thực hiện truy bắt, vận động đầu thú 41 đối tượng truy nã (gồm 36 đối tượng lẩn trốn trên địa bàn tỉnh và 5 đối tượng trốn ở các tỉnh, thành khác) và phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang tổ chức liên ngành thanh loại 7 đối tượng truy nã. Đồng thời, phát hiện, bắt, vận động đầu thú hàng trăm bị can và triệu tập các đối tượng truy tìm trong vụ án. Hiệu quả được nâng cao khi các trinh sát được Ban chỉ đạo Tổ công tác quan tâm, tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực, sở trường.

Thượng úy Lê Trọng Đạt, cán bộ Văn phòng CSĐT Công an tỉnh An Giang được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ truy nã đặc biệt với 4 thành viên. Tổ công tác này đã bắt và vận động đầu thú được gần 30 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, hỗ trợ Công an các địa phương bắt bị can và triệu tập các đối tượng truy tìm trong vụ án.

Tầm nã giữa mua dịch -0
Tầm nã giữa mua dịch -1
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh An Giang hỗ trợ tiền và thực phẩm cho người thân các đối tượng truy nã bị bắt có hoàn cảnh khó khăn

Thượng úy Đạt chia sẻ, thời gian cả nước thực hiện giãn cách phòng, chống dịch, công tác truy bắt đối tượng truy nã gặp rất nhiều khó khăn. Từ công tác chuyên môn, phối hợp với các đơn vị đến nơi ăn chốn ở, Tổ công tác phải cố gắng linh hoạt, thích ứng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các đối tượng sau khi gây án sẽ tìm cách trốn đến những nơi tập trung đông người nhập cư như: khu công nghiệp hoặc những nơi vắng vẻ ở các vùng nông thôn và thường xuyên thay đổi tên tuổi, dùng giấy tờ giả qua mặt cơ quan chức năng. Trong đợt dịch, các đối tượng lợi dụng trốn vào các địa phương có nhiều ca nhiễm, để tránh sự truy tìm của cơ quan chức năng.

Có những vụ án tưởng chừng bị lãng quên, đối tượng đã “cao chạy xa bay”, ẩn mình trong lớp vỏ bọc hoàn hảo, nhưng bằng sự mưu trí, kiên trì, các trinh sát đã đưa những đối tượng truy nã ra chấp hành bản án của pháp luật. Đó là đối tượng Hồ Tấn Quẩn, năm nay đã 65 tuổi, trốn truy nã ròng rã suốt 21 năm, phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức lừa thuê xe ôtô để mang đi cầm cố. Quẩn đã thay đổi tên họ, làm giấy tờ giả với nhân thân, lai lịch giả là một người dân ở Hà Tiên (Kiên Giang).

Khi mọi thông tin về đối tượng đều đi vào ngõ cụt thì được tin Quẩn đang ở địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tổ công tác do Thượng úy Đạt làm Tổ trưởng lập tức lên đường để xác minh, truy bắt. Trên địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có hơn 1.000 nhà trọ, lượng công nhân cư trú rất đông, nên vô cùng khó khăn.

Thượng úy Đạt đưa ra phương án, phối hợp với chính quyền địa phương gọi điện đối tượng lên UBND xã nhận tiền hỗ trợ. Đối tượng xác nhận chưa nhận tiền và cho biết sẽ đến UBND xã vào đầu giờ chiều. Nhưng đến 1h, đối tượng gọi điện cho biết là do bị chốt kiểm soát phòng, chống dịch không cho qua địa bàn khác. Tổ công tác nhanh chóng triển khai đến chốt kiểm soát, nhận định đúng đối tượng Quẩn, mời về cơ quan Công an làm việc. Tại cơ quan Công an, đối tượng Quẩn khai nhận tội nhưng tỏ ra khá bất ngờ khi bị bắt giữ. Đối tượng khai, với chiếc ba lô và xe máy, đối tượng Quẩn đã lẩn trốn 21 năm, qua trên 40 tỉnh, thành…

Năm 2000, Công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ra quyết định truy nã Trần Văn Tệt về tội “Tham ô tài sản”. Sau khi bỏ trốn khỏi địa phương, Tệt đã đi nhiều nơi, đồng thời thay tên đổi họ để trốn truy nã của cơ quan Công an. Hơn 20 năm sau, ngày 24-9-2021, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ truy nã đặc biệt đã phát hiện, bắt Tệt về quy án khi hắn đang lẩn trốn tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Lan tỏa tính nhân văn

Bên cạnh việc đấu tranh, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt các đối tượng truy nã, lực lượng Công an luôn chú trọng công tác vận động đầu thú để đối tượng nhận được sự khoan hồng của Nhà nước. Tuy nhiên, để vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú phải đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì thuyết phục và tạo được niềm tin cho đối tượng cũng như gia đình, người thân, bạn bè của đối tượng. Trong quá trình bắt giữ các đối tượng truy nã, có nhiều trường hợp các đối tượng bị bắt giữ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, CBCS làm nhiệm vụ đã chia sẻ, góp tiền hỗ trợ cho những trường hợp người thân, con nhỏ của đối tượng để họ thêm tin tưởng vào tính nhân văn của pháp luật.

Tầm nã giữa mua dịch -0
Tầm nã giữa mua dịch -1
Các đối tượng truy nã bị bắt

Chẳng hạn như trường hợp Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh bắt và di lý đối tượng Lê Trịnh Thị Hồng Liên, 26 tuổi, trú tại xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang từ Bà Rịa – Vũng Tàu về tới địa phương để chấp hành án theo quyết định truy nã. Liên bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời điểm bị bắt giữ, Liên sống cùng chồng là Trần Văn Sang Em, 29 tuổi, trú tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang và 2 con nhỏ. Qua xác minh, Sang Em cũng là đối tượng đang bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp truy nã về tội: “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” nên Tổ công tác cũng đã tiến hành bắt giữ Sang Em, bàn giao cho Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xử lý theo quy định.

Ngay sau khi đưa Liên cùng 2 con nhỏ về đến An Giang, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh bàn giao 2 cháu nhỏ cho ông Trịnh Công Cường (ông ngoại 2 cháu) chăm sóc. Trước gia cảnh khó khăn của ông Cường, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã hỗ trợ 3 triệu đồng và Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh hỗ trợ 50kg gạo cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu để ông Cường chăm sóc các cháu. Tổ công tác đã hỗ trợ xe đưa 3 ông cháu về đến địa phương và trao đổi nhờ Công an cơ sở quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc 2 cháu nhỏ.

Từ khi thành lập cho đến nay, Tổ truy nã đặc biệt đã nỗ lực khắc phục những khó khăn của dịch bệnh, làm tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc truy bắt các đối tượng truy nã, các trinh sát cũng sẵn sàng giúp đỡ những người thân của đối tượng phạm tội khi gặp hoàn cảnh khó khăn, đã lan tỏa tính nhân văn đến người thân đối tượng, góp phần làm đẹp hình ảnh người chiến sĩ CAND.

Trần Lĩnh
.
.