Tàn khốc cuộc đua content

Thứ Tư, 28/05/2025, 14:45

Trong cơn lốc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, ngày càng nhiều bạn trẻ bất chấp nguy hiểm, liều lĩnh quay video mạo hiểm để câu view, dẫn đến những tai nạn đau lòng. Mạng xã hội là cơ hội, nhưng cũng là cái bẫy nếu thiếu kỹ năng, thiếu nhận thức. Những cú nhảy để nổi tiếng, những thử thách “gây sốc” đang trở thành canh bạc sinh tử, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về trách nhiệm giáo dục, quản lý và xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Mặt trái đau xót 

Các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội thiếu kiểm soát vẫn liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Điển hình, ngày 15/1, tại thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, vụ tai nạn nghiêm trọng đã khiến dư luận bàng hoàng: một thanh niên đã tử vong sau khi rơi từ mái nhà xuống đất trong lúc quay video TikTok vào giờ nghỉ trưa. Nạn nhân là một TikToker có tiếng, với hơn 140.000 người theo dõi trên nền tảng này. Khi đang ghi hình tại vị trí mái tôn cao khoảng 10 mét, do phần mái yếu và mỏng, đã bất ngờ bị thủng khiến anh rơi xuống, dẫn đến cái chết thương tâm.

Tàn khốc cuộc đua content -0
Chiếc xe máy được 2 thiếu niên tại Đắk Lắk dùng để “biểu diễn”.

Chỉ vài tháng sau, vào ngày 16/5, tại tỉnh Đắk Lắk, 2 thiếu niên đã bị lực lượng Công an xử lý nghiêm khắc sau khi quay clip biểu diễn hành vi lái xe máy bằng chân, vi phạm nghiêm trọng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và có nguy cơ cao gây ra tai nạn thảm khốc. Qua điều tra, một trong 2 thiếu niên khai nhận động cơ thực hiện hành vi này đơn giản chỉ là để “khoe lên mạng xã hội cho vui”. Lời thú nhận ấy phơi bày thực trạng đáng báo động về sự thiếu nhận thức, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ, những người đang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ trào lưu sống ảo và chạy theo lượt tương tác trên không gian mạng.

Những vụ việc trên là minh chứng đau đớn cho thực trạng báo động: sự liều lĩnh, bất chấp tính mạng để theo đuổi sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Chỉ một phút sai sót nhỏ cũng có thể cướp đi sinh mạng người trẻ, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội. 

Không thể phủ nhận, mạng xã hội mở ra cơ hội rộng lớn cho tự thể hiện và sáng tạo với chỉ một chiếc điện thoại. TikTok, YouTube, Facebook... đã trở thành sân chơi đa dạng văn hóa, phát hiện và phát triển nhiều tài năng trẻ.

Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ là trào lưu video mạo hiểm, phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật và đạo đức. Không ít người leo lên nóc nhà cao tầng, lao mình xuống dòng nước xoáy, giả tạo tai nạn, tham gia các thử thách tử thần như blackout challenge đã gây tử vong tại nhiều quốc gia. Những trào lưu này không chỉ đe dọa tính mạng người tham gia mà còn kích động sự liều lĩnh, thiếu suy nghĩ nơi giới trẻ, dễ bị cuốn theo bởi hiệu ứng đám đông.

Đối với nhiều bạn trẻ, đó là “cú hích” để nổi tiếng nhanh chóng, nhưng thực tế là nhiều cú hích ấy trở thành cú ngã định mệnh, kết thúc cuộc đời và để lại ám ảnh lâu dài cho gia đình và xã hội. Những cái chết thương tâm ấy chính là hồi chuông cảnh báo cấp thiết về giáo dục kỹ năng sống, nâng cao nhận thức an toàn số và phát triển văn hóa truyền thông lành mạnh. Đồng thời, đặt lên vai các nền tảng mạng xã hội trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt và ngăn chặn nội dung nguy hiểm, độc hại.

Tàn khốc cuộc đua content -0
Youtuber Nga “Sumo” nổi tiếng với khả năng ăn không no của mình.

Cuộc đua content nếu không được định hướng nghiêm túc sẽ không chỉ gây hệ lụy tiêu cực cá nhân mà còn làm méo mó chuẩn mực xã hội. Nó khiến một bộ phận giới trẻ lệ thuộc vào sự công nhận ảo, quên đi trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội, đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội, cơ quan quản lý và người dùng, cùng chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh, nhân văn và có trách nhiệm. Nhà trường và gia đình cần mạnh mẽ hơn trong giáo dục kỹ năng số, nhận thức truyền thông và văn hóa ứng xử trên mạng.

Chỉ khi sự phối hợp đồng bộ giữa người dùng, nhà trường, gia đình, các đơn vị quản lý và các nền tảng công nghệ được củng cố, mạng xã hội mới thực sự trở thành môi trường tích cực, sáng tạo và an toàn, góp phần phát triển con người toàn diện trong thời đại số.

Không ai an toàn tuyệt đối trước rủi ro

Một quan niệm phổ biến trong giới trẻ hiện nay là “tai nạn chỉ xảy ra với ai đó, không phải mình”, hoặc “mình đủ tỉnh táo và bản lĩnh để kiểm soát mọi thứ”. Thế nhưng, thực tế cho thấy rủi ro không chừa một ai, đặc biệt khi tham gia các hoạt động ngoài trời, dưới nước, trên cao hoặc liên quan đến phương tiện giao thông, thiết bị nguy hiểm... Dù có thành thạo kỹ năng, sức khỏe tốt hay dày dạn kinh nghiệm đến đâu, thì chỉ một giây phút chủ quan hay một biến cố bất ngờ cũng có thể khiến hậu quả vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trước đó, năm 2021, một học sinh lớp 10 ở TP Hồ Chí Minh đã tử vong sau khi trèo lên mái nhà tầng 5 để quay clip “vượt giới hạn độ cao” đăng TikTok và không may trượt ngã. Một sinh mạng non trẻ ra đi, để lại nỗi mất mát đau đớn cho gia đình và thầy cô. Năm 2022, tại Bắc Giang, một thanh niên lái xe máy với tốc độ cao trong lúc livestream trên Facebook, đã đâm vào dải phân cách và tử vong tại chỗ, kết thúc cuộc sống trong một khoảnh khắc “trình diễn trực tiếp”.

Ngày càng nhiều trào lưu nguy hiểm du nhập từ nước ngoài được giới trẻ Việt Nam học theo một cách mù quáng. Như năm 2023, một nam thanh niên tại Đà Nẵng đã tử vong khi tham gia thử thách “uống cạn một chai rượu mạnh trong 30 giây” theo trend trên TikTok. Tại Hà Nội, nhóm thanh niên trèo lên nóc tàu hỏa đang chạy qua cầu Long Biên để ghi hình cảnh “đi trên mái tàu” như trong phim hành động - kết quả là một người bị điện giật bất tỉnh, những người còn lại bị xử phạt hành chính. Đầu năm 2024, một nam sinh ở Quảng Trị cũng mất mạng sau cú nhảy từ cầu xuống sông theo thử thách “free jump” mà không có áo phao hay người hỗ trợ, tất cả chỉ để quay video “gây sốc” đăng mạng.

Ngoài các thử thách mạo hiểm, một số “nhà sáng tạo nội dung” còn bất chấp sức khỏe để làm video ăn uống vô độ nhằm câu lượt xem. Trong thế giới mukbang, Nga “Sumo”, cô gái sinh năm 1990 tại Đồng Nai nổi tiếng với khả năng ăn uống cực kỳ “ấn tượng”. Kênh YouTube của cô có hơn 337.000 người đăng ký, với hơn 548 video, trong đó có video “Hôm nay Nga đói, may mà có 5 đĩa cơm to cỡ 10 người ăn”, thử thách ăn hết 5 đĩa cơm khổng lồ chỉ trong một bữa khiến nhiều người sửng sốt. Video nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau vài giờ đăng tải.

Một video khác gây chú ý là “Cùng thánh ăn chợ phiên anh Hải Sapa TV, thưởng thức tô phở có 102 ở chợ phiên vùng cao”, với hơn 758.000 lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận. Đỉnh điểm gần đây là màn thử thách ăn 80 quả trứng vịt lộn tại một khu chợ tạm, xung quanh là những tiếng cổ vũ, tiếng máy quay và ánh đèn flash như thể một buổi biểu diễn của người nổi tiếng. Trong vỏn vẹn 10 phút, Nga “Sumo” đã hoàn thành toàn bộ thử thách và video thu hút hơn 200.000 lượt xem chưa đầy một ngày. Cô cũng từng ăn 47 bát tiết canh dê trong 15 phút khiến dân mạng vừa trầm trồ, vừa lo ngại.

Những thử thách tưởng như “giải trí”, “vui nhộn” ấy lại đang cướp đi sinh mạng của không ít người trẻ chỉ vì mong muốn nổi bật, gây ấn tượng hay chạy theo lượt xem. Đó không còn là sự sáng tạo nội dung mà là những canh bạc đầy mạo hiểm. Khi những mất mát vẫn chưa kịp nguôi ngoai, lại có thêm một mạng người đánh đổi vì “một cú nhảy để nổi tiếng”. Và, nếu không có biện pháp đủ mạnh, những cú nhảy ấy sẽ tiếp tục nối dài danh sách nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và thiếu tỉnh táo trên không gian mạng.

Nguy hiểm hơn, những nội dung mạo hiểm này có khả năng lan tỏa nhanh chóng, kích thích tâm lý bắt chước, đặc biệt là với lứa tuổi vị thành niên, nhóm đối tượng chưa có đủ nhận thức và kỹ năng phòng ngừa rủi ro. Các thuật toán đề xuất nội dung tương tự của mạng xã hội lại khiến các video kiểu này dễ dàng tiếp cận hàng triệu người dùng. Khi một người liều lĩnh khởi xướng một “trend”, chính họ đang vô hình trung đẩy cộng đồng vào vòng nguy hiểm, vì mỗi lượt chia sẻ là thêm một người muốn thử, muốn được chú ý, nhưng không lường được hậu quả.

Tàn khốc cuộc đua content -0
Nam thanh niên ở Sapa (Lào Cai) trong quá trình quay video TikTok đã không may rơi từ mái nhà xuống đất, tử vong.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà danh tiếng có thể đến rất nhanh - nhưng đôi khi, phải đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Hiểu rõ rủi ro, biết điểm dừng và tự trang bị kỹ năng đánh giá tình huống không chỉ là trách nhiệm với chính mình mà còn là cách góp phần bảo vệ cộng đồng. Bởi, không ai được miễn nhiễm trước tai nạn, kể cả bạn, dù bạn có nghĩ mình “kiểm soát được tất cả”.

Ở góc nhìn tâm lý, Thạc sĩ Ngô Thu Trang - chuyên gia tâm lý ứng dụng tại Hà Nội, cho biết: khi giới trẻ chứng kiến những nội dung sốc, mạo hiểm đến mức đánh đổi cả mạng sống để nổi tiếng, họ dễ bị lôi cuốn vào một dạng tâm lý bắt chước và cạnh tranh ngầm. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, độ tuổi mà năng lực kiểm soát hành vi và phân tích hậu quả chưa phát triển hoàn thiện. “Sự sáng tạo đích thực phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, phải biết phân biệt giữa cái "độc đáo" và cái "độc hại", giữa sự "dấn thân" và sự "liều mạng". Muốn ngăn chặn các vụ việc đau lòng tiếp diễn, cần xây dựng một môi trường sáng tạo an toàn, có đạo đức và nhân văn, nơi mà tất cả các bên đều đóng vai trò quan trọng”, bà Trang nhấn mạnh.

Sự ra đi của những người trẻ không chỉ để lại nỗi đau cho người thân, gia đình mà còn là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về giới hạn của tự do sáng tạo trong thế giới ảo. Trong thời đại mà ai cũng có thể trở thành “người ảnh hưởng”, thì trách nhiệm cá nhân càng phải được đề cao. Không có video triệu view nào đáng để đánh đổi một sinh mạng. Không có danh tiếng ảo nào có thể lau khô nước mắt của cha mẹ hay người thân, và không một khoảnh khắc dại dột nào nên trở thành phút cuối cùng của một cuộc đời.

Bảo Phương
.
.