Tết ấm với gia đình Liệt sĩ CAND

Thứ Ba, 23/01/2024, 08:00

Thời khắc Tết đến, xuân về, thay vì chộn rộn mong ngóng những người con, người chồng trở về quây quần, sum họp bên mâm cơm ngày đầu năm mới sau những ca trực như thường lệ, những người cha, người mẹ, người vợ trẻ lại lặng lẽ thắp nén tâm hương cho người nằm xuống vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tết trong những ngôi nhà Liệt sĩ CAND giữa thời bình cũng vì thế mà có những nốt lặng hết sức đặc biệt.

1. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, hơn 8 mùa xuân trôi qua kể từ ngày cậu con trai thứ là Đại úy Lê Ánh Sáng nhận công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng, vợ chồng ông Lê Ngọc Vĩnh và bà Hoàng Thị Xuyến (trú tại thôn Phái Nam, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã quen với việc con không về đón Tết với gia đình trong những ngày đầu năm mới. Từng là người công tác và trưởng thành trong quân đội nên ông Vĩnh thấu hiểu và chia sẻ với con trai, khi công tác ở lĩnh vực đặc thù của lực lượng CAND là người chiến sĩ CSGT, ngày lễ của nhân dân là ngày trực của chính mình, “gác cho dân ngủ, thức cho nhân dân vui chơi”. Song, với tâm thức của một người mẹ, bà Xuyến luôn đau đáu nỗi niềm, dù biết công việc của con trai vừa là trọng trách, vừa là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý mà ngành đã giao phó.

Tết ấm với gia đình Liệt sĩ CAND -0
Tết ấm với gia đình Liệt sĩ CAND -1
Cán bộ, chiến sĩ Công an cơ sở luôn bên cạnh, quan tâm và chia sẻ với thân nhân Liệt sĩ CAND.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cũng những công việc cũ để tất bật đón năm mới, nhưng năm nay khác so với những mùa xuân năm cũ. Hai ông bà vẫn biết chắc một điều rằng, xuân này sẽ vắng bóng con trai, từ nay về sau vẫn vậy, mãi mãi không còn sự hiện hữu của Sáng, bởi máu thịt của anh đã hòa vào đất mẹ. Anh đã dũng cảm hy sinh, ngã xuống vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân trong sự cố thiên tai tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), xảy ra cuối tháng 7/2023. Đồng đội, nhân dân và Tổ quốc ghi tên anh.

Năm tháng cũng dần trôi qua, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng với đấng sinh thành, sự mất mát và nỗi đau ấy hẳn sẽ còn dài lâu. Bà Xuyến chia sẻ, những năm trước đây đã quen với việc những ngày Tết đến xuân về không có bóng dáng con trai trong ngày đoàn viên vì đặc thù công việc, nhưng từ mùa xuân năm nay, Sáng sẽ luôn hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ thân yêu, dù là ở một thế giới vô hình khác. Dù đau đớn, bà cũng như các thành viên khác trong gia đình sẽ cố gắng để tập quen, vì người mẹ này biết rằng, sự hy sinh của con trai mình không vô nghĩa.

Ông Vĩnh kể, bản thân ông công tác trong quân đội, song từ nhỏ, Sáng đã yêu thích sắc màu của lực lượng CAND và tự mình lựa chọn ngành nghề, tương lai cho chính mình. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, Lê Ánh Sáng được điều động về nhận nhiệm vụ tại Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng. Cũng từ đó đến nay, Sáng chưa một lần về quê đón Tết cùng bố mẹ. Lần cuối cùng anh về thăm gia đình là khoảng tháng 6/2023, kết hợp để chuẩn bị làm lễ cưới, dự kiến tổ chức tại TP Đà Lạt vào đầu tháng 8. Ông Vĩnh, bà Xuyến mừng lắm, vì gia đình chuẩn bị có thêm thành viên mới. Nhưng rồi, ngay trước hôm cưới 3 ngày, Lê Ánh Sáng đã ngã xuống khi đang cùng đồng đội nỗ lực điều tiết giao thông, cứu nạn cứu hộ trên đèo Bảo Lộc.

Với tâm nguyện, để vơi bớt nỗi xót xa mỗi lần nhìn thấy sắc phục của lực lượng Công an, gia đình đã đề xuất nguyện vọng và cuối năm 2023 vừa qua, em trai của Liệt sĩ Lê Ánh Sáng là Lê Vũ Hiệp đã được Công an tỉnh Lâm Đồng hoàn tất hồ sơ để đứng vào hàng ngũ CAND, công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Đó là sự tiếp nối, sự tri ân và bù đắp để tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những người ở lại vào chính sách, đãi ngộ của lực lượng CAND cho những người đã nguyện câu thề “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, và vì họ xứng đáng!

Tết ấm với gia đình Liệt sĩ CAND -0
Bố mẹ Liệt sĩ Lê Ánh Sáng bên kỷ vật của con trai.

2. Đã 3 mùa xuân trôi qua kể từ ngày Liệt sĩ, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa ngã xuống trong quá trình đối mặt với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào, trong căn nhà nhỏ của bố mẹ già ở bản Liên Bận, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), vẫn chưa quen được với sự thiếu vắng của anh, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về.

Trở thành vợ liệt sĩ giữa thời bình khi chưa bước qua tuổi 30, chị Phan Thị Quỳnh ngày ngày lấy việc nuôi giữ trẻ của một cô giáo mầm non và chăm sóc đứa con gái duy nhất - cháu Sầm Gia Hân để vượt qua nỗi đau, cũng như bù đắp lại sự mất mát, thiếu thốn khi không còn người chồng yêu dấu bên cạnh.

Liệt sĩ Sầm Quốc Nghĩa ngã xuống lúc con gái đầu lòng mới hơn 2 tuổi. Mấy năm nay, ngoài mẹ Quỳnh, cháu Gia Hân có thêm những người mẹ đặc biệt, đó là những người mẹ đỡ đầu, hiện đang công tác tại Công an tỉnh Nghệ An. Ngoài vật chất, sự quan tâm, động viên bằng tinh thần cũng bù đắp phần nào những thiệt thòi mà cháu cũng như gia đình phải trải qua trong suốt thời gian qua, cũng như quãng đường phía trước.

Ký ức về người con trai cứ rõ mồn một trong tâm trí ông Sầm Quốc Vinh. Thường xuyên công tác xa nhà, lại trong lĩnh vực nhức nhối là đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ở tuyến biên giới Việt - Lào nên Nghĩa rất ít khi có thời gian dành cho gia đình, đặc biệt là trong những ngày đoàn viên sum họp. Tết nào cũng vậy, vội vội vàng vàng về nhà rồi lại vội vã đi ngay khi có sự việc cần giải quyết ở đơn vị. Vào sáng định mệnh ngày 22/3/2020, khi cùng đồng đội truy bắt một số đối tượng người Lào vận chuyển ma túy từ biên giới tại khu vực rừng núi xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, Nghĩa bất ngờ bị 2 đối tượng dùng hung khí tấn công. Dù trọng thương, anh vẫn tiếp tục truy đuổi và phối hợp với đồng đội khống chế, bắt giữ đối tượng. Do vết thương quá nặng, Nghĩa đã hy sinh. Máu đào, thịt xương anh đã hòa vào đất mẹ.

Đã 3 năm trôi qua, 3 mùa xuân ngôi nhà nhỏ thiếu vắng bóng con trai, người chồng, người bố trong gia đình, ông Vinh trở thành chỗ dựa tinh thần, luôn cố gắng tỏ ra cứng rắn để động viên vợ và con dâu, cháu nội vượt qua để bước tiếp. Song, cứ mỗi độ hoa đào nở, cánh én báo hiệu mùa xuân, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng có những lúc trong lòng người cha già trĩu lại, khắc khoải nhớ về ngày xưa sum họp, khi những ngày đầu năm mới, Nghĩa trở về quây quần với gia đình, thời khắc đó dù ít ỏi nhưng ấm áp. Ông Vinh bảo, Tết năm nay là năm thứ tư, các thành viên trong gia đình cũng đã tập quen với việc từ nay về sau, những ngày Tết này sẽ không còn sự hiện hữu của Nghĩa trong thời khắc đoàn viên nữa. Buồn có, chạnh lòng có nhưng không ai hối tiếc vì biết rằng, sự nằm xuống của Nghĩa đã mang lại mùa xuân yên vui cho nhân dân. Đó, cũng là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thái, khi có một người con anh dũng vì nước, vì dân mà hy sinh, tận hiến.

Tết ấm với gia đình Liệt sĩ CAND -0
Những người mẹ đặc biệt của con gái Liệt sĩ Sầm Quốc Nghĩa.

3. Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua các thời kỳ khác nhau, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Tĩnh từ năm 1983 đến nay, khi đất nước đã lặng yên tiếng súng, thế nhưng trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội, giữ gìn an ninh trật tự, đã có 10 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các anh đã ngã xuống để mang lại bình yên cho nhân dân.

Tiêu biểu là Liệt sĩ Trần Đức Kháng và Liệt sĩ Nguyễn Xuân Khang, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Hà Tĩnh hy sinh khi giải cứu em bé 3 tuổi bị tên cướp bắt giữ làm con tin. Hay, đó là Liệt sĩ Lê Hồng Nam, cán bộ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh hy sinh trên đường làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm về ma túy. Liệt sĩ Nguyễn Văn Huế và Liệt sĩ Võ Xuân Đại, cán bộ Phòng CSGT hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 8A trong mưa lũ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, Liệt sĩ Võ Linh Thuận, cán bộ Công an huyện Vũ Quang và Liệt sĩ Trần Thế Đại, Công an xã Đức Liên, huyện Vũ Quang hy sinh khi giúp dân chạy lũ trong đợt bão năm 2011. Trong đó, Liệt sĩ Võ Linh Thuận, lúc đó là Trung sĩ, mới về nhận công tác tại Công an huyện Vũ Quang được 2 ngày.

Giữa thời bình, chiến trường không tiếng súng, nhưng đâu đó trong cuộc sống này, vì bảo vệ bình yên và hạnh phúc cho nhân dân, vẫn có những chiến sĩ CAND ngã xuống, máu đào thấm đẫm cầu vai. Đảng và Nhà nước ghi công các anh, nhân dân đời đời ghi nhớ khi các anh đã lựa chọn hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng đội và vì gia đình. Các anh ngã xuống nhưng trang sử vàng truyền thống vẻ vang ấy vẫn tiếp tục được viết tiếp, khi những người con, người chồng, người vợ tiếp tục khoác lên mình bộ quân phục của lực lượng Công an, để tiếp nối sự cống hiến, làm nên những mùa xuân của cuộc đời.

Thiện Thành
.
.