Tết của những người lính Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Tết là dịp để những người đi làm ăn xa xứ trở về cố hương, tề tựu bên người thân trong gia đình, dòng họ đón thời khắc giao hòa của đất trời, chia sẻ những thành quả trong cuộc sống. Tuy nhiên với những cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) thì đây là thời điểm tập trung cao độ, tăng cường tập luyện, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Đến Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hồ Chí Minh vào đầu giờ chiều một ngày trung tuần tháng Chạp, trong cái nắng hanh khô của mùa đông Nam bộ rang nóng như muốn vắt cạn mồ hôi, nhưng CBCS đơn vị vẫn miệt mài luyện tập kỹ thuật phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu. Gạt vội mồ hôi trên gương mặt sạm do ảnh hưởng của những lần tiếp xúc với khói, tro bụi và nhiệt độ cao của lửa từ những đám cháy, Thiếu tá Phạm Văn Thắng bảo, gần tết cường độ tập luyện tăng thêm, vất vả hơn một chút, nhưng ai cũng phấn khởi và rất tự hào. Mỗi ngày cứ 5 giờ sáng là anh em thức dậy tập thể dục, ăn sáng xong đến 7h30 thì giao ban, sau đó dành 15-30 phút kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị rồi tập luyện nghiệp vụ, thể lực cho đến 11h trưa.
Buổi chiều, anh em cũng dành trọn thời gian ôn luyện các kỹ chiến thuật, nghiệp vụ PCCC&CNCH để sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ của các tổ này là khi có đám cháy xảy ra, sẽ đến hiện trường đầu tiên để trinh sát bên trong và ngoài, ghi nhận nhanh tất cả những chi tiết, báo cáo chỉ huy để có phương án chữa cháy kịp thời. Trong thời gian trinh sát, nếu phát hiện có người mắc kẹt bên trong thì trưởng nhóm trinh sát sẽ lập tức ra lệnh cho các thành viên đột kích vào trong đám cháy đưa người ra ngoài, đồng thời hướng dẫn những người còn khỏe đi ra chỗ không có khói, khí độc để các tổ công tác khác đưa ra ngoài an toàn.
Giống như hầu hết các đồng đội, trong gần 20 năm làm công tác PCCC&CNCH, Thiếu tá Phạm Văn Thắng chưa lần nào được đón một cái tết trọn vẹn bên gia đình, vợ con. Năm đầu khi mới đám cưới, hai vợ chồng lên lịch tranh thủ cùng nhau đi sắm sửa, trang hoàng nhà cửa thì chỉ huy gọi điện lập tức về đơn vị chuẩn bị trang thiết bị đi mò một khẩu súng tang vật của một vụ án ở kênh rạch thuộc quận Bình Thạnh. Giao hết chuyện sắm tết, chăm sóc cha mẹ, cúng giỗ ông bà, tổ tiên cho vợ, Thiếu tá Thắng lập tức lên đường.
Con rạch từ lâu không được nạo vét, lại bị người ta ném đủ thứ, từ rác thải sinh hoạt cho đến kim tiêm, chai lọ vỡ, xác động vật, cặn hóa chất… khiến cho dòng nước hôi thối, đặc quánh, đen kịt, nên khi lặn xuống đáy, Thiếu tá Phạm Văn Thắng cùng anh em trong tổ không thể sử dụng kính để nhìn, mà phải dùng tay nắn bóp từng nắm bùn để cảm nhận. Sau hai ngày miệt mài lặn ngụp dưới đáy dòng kênh thối, tổ công tác đã tìm thấy tang vật giao cho Ban chuyên án, nhưng anh cùng tổ bị kim tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, sắt phế liệu đâm, cứa làm cho nhiều chỗ trên cơ thể ứa máu nên đã được yêu cầu trở lại đơn vị để chăm sóc y tế và theo dõi nhằm tránh bị viêm nhiễm.
Thấy chồng hai ngày liền không liên lạc về nhà, vợ Thiếu tá Phạm Văn Thắng xót xa lắm nên đã chạy đến đơn vị tìm chồng mới biết anh cùng đồng đội trong phòng y tế với nhiều vết trầy, xước trên cơ thể khiến lòng chị đau như cắt.
Khi hiểu rõ công việc vất vả của chồng, vợ ủng hộ hết mình, nhưng hai đứa con nhỏ thì cũng có những lúc hờn trách ba. Còn nhớ ngày 30 Tết vừa rồi, anh Thắng hứa với các con rằng sau khi xuống ca trực sẽ về đưa đi mua giày mới, rồi đến chiều tranh thủ ra đường hoa chụp ảnh. Nhưng sáng sớm hôm ấy khi vừa tập thể dục xong thì nhận thông báo tại số nhà 91/17 đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức xảy ra đám cháy và có người mắc kẹt bên trong.
Tổ công tác của anh Thắng nhận lệnh lập tức lên đường và đến gần trưa thì hoàn thành công việc, nhưng khi trở về đơn vị, do mệt quá nên anh em ngủ thiếp đi. Đến khi tỉnh dậy thì đã gần đến giờ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ trực giao thừa tại khu vực bắn pháo hoa nên đành gọi điện thoại về nhà năn nỉ, giải thích với các con. Cậu út bắt điện thoại vừa khóc thút thít vừa bảo: “Ba hứa hoài mà không giữ lời… Con giận rồi, nghỉ chơi ba luôn…”.
Khi xuống ca trực, anh Thắng lập tức về nhà dỗ dành con nhưng cu cậu vẫn không chịu nói chuyện, chỉ đến khi vợ anh Thắng lại ôm con rồi chỉ lên loạt ảnh treo đầy trên tường nhà bảo: “Con nhìn này, đây là lúc ba xông vào đám cháy dập lửa, đây là ba cứu người rồi cõng ra khỏi đám cháy, còn kia là lúc ba lặn xuống sông cứu người bị đuối nước… Với mẹ, ba là anh hùng, nên các con phải tự hào…”. Lúc nghe mẹ khuyên thì cậu con trai mới hết giận chạy đến sà vào lòng ba Thắng đòi đưa cả nhà đi chúc tết ông bà nội, ngoại.
Cũng chưa có cái tết nào trọn vẹn bên gia đình nhưng Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt (Tổ phó Tổ CSCC&CNCH đặc biệt tinh nhuệ) không cho đấy là thiệt thòi mà ngược lại còn cảm thấy rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Cảnh sát PCCC&CNCH, được góp chút sức lực bảo vệ an toàn cho người dân. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt bảo: “Để vợ gánh vác công việc quán xuyến gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái là khá vất vả, bản thân phải hy sinh hạnh phúc riêng tư nên lòng mình rất áy náy. Tuy nhiên, khi đứng trước đám cháy, trước lằn ranh sinh tử cùng đồng đội dập tắt lửa, cứu những tài sản còn lại cho người dân thì hạnh phúc riêng tư mà em và vợ con phải hy sinh không uổng công, vô ích”.
Cũng theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt, mặc dù thường xuyên tuyên truyền về công tác PCCC đến từng cơ sở, lập trang zalo để nhắc nhở từng hộ dân, nhưng mỗi năm trên địa bàn thành phố đều xảy ra trên dưới 450 vụ cháy. Tuyên truyền, nhắc nhở là vậy, nhưng qua thực tế ghi nhận tại những vụ cháy cho thấy nguyên nhân là do bà con để những vật liệu dễ cháy gần nguồn gây cháy hoặc cắm sạc xe điện qua đêm nên khi bị chập điện, xì bình gaz gây đám cháy thì ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, khó kiểm soát.
Ngoài ra còn nhiều hộ gia đình không có lối thoát hiểm, lại dùng rào sắt bịt kín nhà theo kiểu “chuồng cọp” nên khi đám cháy xảy ra sẽ gây cản trở không nhỏ cho công tác chữa cháy và cứu người bị mắc kẹt bên trong. Mặc dù phải trải qua khá nhiều khó khăn, vất vả, nhưng trong gần 20 năm công tác, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt cùng đồng đội đã giải cứu thành công hàng trăm người bị mắc kẹt trong các đám cháy, bị đuối nước và các tình huống khác.
Trong số những lần cứu người thành công, hạnh phúc nhất có lẽ là lần phát hiện và giải cứu cháu bé đi lạc người thân đang trong tình trạng thiếu khí thở vào dịp tết dương lịch năm 2021 tại điểm bắn pháo hoa ngoài Bến Bạch Đằng, quận 1. Thời điểm ấy, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt cùng đồng đội đang trực chiến thì phát hiện một cháu bé vừa cố gắng lê từng bước chân yếu ớt qua rừng chân của những người đi xem bắn pháo hoa vừa thều thào gọi mẹ. Thấy cháu bé có nguy cơ bị ảnh hưởng đến tính mạng do thiếu khí thở, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt cùng đồng đội lập tức tiếp cận, nhanh chóng đưa lên buồng lái của xe cứu hỏa nhằm tạo không gian thông thoáng cho bé.
Bắn xong pháo hoa, các anh dùng loa thông báo, nhưng đến khi những người cuối cùng đã rời khỏi khu vực mà vẫn không thấy ai đến nhận con. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Việt cùng đồng đội đã đưa cháu bé đến Công an phường sở tại, đồng thời phối hợp với các đơn vị tham gia bảo vệ an ninh trật tự cùng đi tìm người thân cho cháu. Những nỗ lực của các anh đã được đền đáp khi vào đầu giờ sáng hôm sau, cha mẹ cháu bé đã đến nhận con trong niềm hạnh phúc vỡ òa…
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của cả nước, tập trung nhiều cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức xã hội, cơ quan ngoại giao của nước ngoài, các tòa nhà siêu cao tầng chọc trời, cơ sở dịch vụ công cộng tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ cháy... Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và TP Hồ Chí Minh, Ban giám đốc Công an thành phố đã quyết định thành lập hai tổ Cảnh sát Chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (CSCC&CNCH) đặc biệt tinh nhuệ trên cạn và dưới nước, có nhiệm vụ đi đầu giải quyết các vụ hỏa hoạn, sự cố, tai nạn có tính chất phức tạp, đặc thù trên cạn và dưới nước; sẵn sàng chi viện và tham gia các nhiệm vụ chữa cháy, CNCH quốc tế khi có yêu cầu theo sự phân công.
Các thành viên được lựa chọn là những CBCS có phẩm chất, đạo đức chuẩn mực, được đào tạo bài bản, trang bị phương tiện đầy đủ, kỹ năng chuyên môn cao, có khả năng xử lý các tình huống phức tạp, cứu sống được nhiều người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn cho bản thân và người dân trong quá trình cứu nạn cứu hộ. Đây cũng là lực lượng được huấn luyện chuyên sâu để kịp thời nắm bắt những kinh nghiệm thực tiễn, công nghệ hiện đại, công tác quản lý điều hành hệ thống PCCC, hệ thống cảnh báo, phòng chống thiên tai, cách phòng tránh tai nạn, rủi ro với tàu điện ngầm,… phục vụ cho công tác PCCC&CNCH đối với hệ thống đường sắt đô thị và các công trình phụ trợ gắn liền mà Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng.
Phía trước là những nhiệm vụ khó khăn và vất vả, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đòi hỏi mỗi CBCS Tổ cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tinh nhuệ phải không ngừng nâng cao bản lĩnh và kỹ năng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.