Tết Việt với những người bạn quốc tế
Khi những nụ đào gọi xuân hồng trên cành khô, những cánh mận mỏng manh hé trong gió se và nắng lóng lánh như tảng mật ong non, ấy là khi thiên nhiên báo hiệu Tết đến xuân về. Đối với nhiều người nước ngoài có thời gian công tác tại Việt Nam, những trải nghiệm trong ngày Tết cổ truyền của người Việt luôn là những kỷ niệm đẹp mà qua đó, họ cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa, tâm hồn và những giá trị thiêng liêng của người Việt.
Ngày hội của mọi người
Cuối năm ngoái 2021, tiết trời se lạnh, chúng tôi có mặt trong một sự kiện vô cùng ấm áp và ý nghĩa tại tư gia của nữ đại sứ Na Uy do 4 nữ đại sứ của các nước Na Uy, Bulgaria, Thụy Điển, New Zealand tại Việt Nam tổ chức. Với tình yêu Việt Nam và mong muốn thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, năm 2020, 4 vị đại sứ xinh đẹp và tài năng này đã có sáng kiến tổ chức Mạng lưới phụ nữ quốc tế nhằm quy tụ những phụ nữ tài giỏi trong các lĩnh vực tại Việt Nam để cùng chung tay thay đổi tích cực trong lĩnh vực mình hoạt động và trong xã hội nói chung.
Là một phụ nữ mạnh mẽ, Đại sứ Na Uy Grete Lochen đã có một nhiệm kỳ hoàn hảo tại Việt Nam trước khi bàn giao lại nhiệm vụ cho bà Hilde Solbakken vào tháng 10/2022 vừa qua. Sự nỗ lực của bà đã góp thêm ân tình trong quan hệ ngoại giao giữa Na Uy và Việt Nam. Bà đã đón 4 mùa xuân tại Việt Nam và Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết cuối cùng của bà trên cương vị đại sứ. Và để ghi dấu sự kiện đó, bà đã đi chợ hoa, mua thật nhiều cành đào để trang trí Đại sứ quán cũng như tư gia của mình tại phố Trần Hưng Đạo.
Bà chia sẻ: “Qua nhiều năm công tác tại đất nước các bạn, tôi hiểu thêm nhiều điều về tâm hồn và tư chất của người Việt. Đó là ngày lễ dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế… Tết năm 2019, nhóm nữ đại sứ chúng tôi đã cùng nhau đến thăm các em nhỏ khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Hôm đó, trời rất lạnh nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng ấm áp vì sự thân thiện, và hiếu khách của các em nhỏ. Tôi đã rất xúc động khi được chứng kiến niềm vui và sự thích thú của các em khi được tự mình gói bánh chưng, cảm nhận gạo nếp, thịt mỡ, lá dong… không phải bằng mắt thường mà bằng bàn tay và qua lời mô tả của các anh chị tình nguyện viên”.
Đại sứ Grete Lochen cũng rất yêu không khí của Thủ đô Hà Nội những ngày giáp Tết. Khi đó, mọi con đường đều rực rỡ sắc màu và mọi người ai cũng bận rộn trên “những chiếc xe máy chở mùa Xuân” – bà ví von đầy hình tượng về những chiếc xe chở đào quất bán rong trên phố và hàng trăm chiếc xe đạp chở những mẹt hoa có tới hàng chục loại khác nhau dọc các tuyến đường. Gương mặt mọi người khi ấy bừng lên một niềm vui khó tả dù thời tiết vẫn giá rét.
Tiếp nối vai trò của người tiền nhiệm, Đại sứ Hilde Solbakken cũng rất háo hức đón chờ ngày Tết cổ truyền. “Tôi mới đến Việt Nam và rất vui mừng khi có được những người bạn mới. Tôi đã được Đại sứ Grete Lochen chia sẻ nhiều điều và tôi hi vọng sẽ có nhiều ký ức tốt đẹp về Việt Nam và được đón một cái Tết Quý Mão 2023 trọn vẹn bên những người bạn mới. Hy vọng năm mới sẽ đem tới cho chúng ta sức mạnh, cùng nhau làm nên những điều tốt đẹp cho đất nước Na Uy - Việt Nam” - bà bày tỏ.
Luôn trân quý tình cảm của các bạn Việt Nam
Giản dị, nồng hậu và quả cảm là những điều mà tôi cảm nhận được từ bà Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Tatiana Pugh Moreno. Bà đến Việt Nam nhận nhiệm vụ từ cuối năm 2019 và tạo được nhiều thiện cảm đối với các cơ quan chức năng và những người có dịp được làm việc, trò chuyện cùng bà. Cho tôi xem những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng chụp chuyến thăm khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lệ Thủy, Quảng Bình, bà Tatiana Pugh Moreno bày tỏ rằng đất nước Việt Nam thật đẹp và con người Việt Nam cũng rất hồ hởi, vui vẻ, thể hiện tâm hồn đẹp đẽ và trong sáng. Nữ đại sứ cũng ca ngợi Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến tấm gương của một dân tộc anh hùng không ngừng vươn lên giành thắng lợi.
Nói về Tết cổ truyền Việt, bà đại sứ đặc biệt ấn tượng ngay trong lần đầu tiên tham dự lễ đón năm mới do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đại sứ các nước. Và bà đã nỗ lực cùng đội thi của mình gói được 20 chiếc bánh chưng vuông vắn. Bà cũng đã rất ngạc nhiên khi dọc con đường Lạc Long Quân về Đại sứ quán, từ đầu tháng 1 Dương lịch, hoa đào đã nở rực rỡ trong giá lạnh. Và những ngày giáp Tết, mọi tuyến đường đều đông đúc, tấp nập, người người chen nhau, vậy mà sáng Mùng 1, tất cả trở nên trái ngược hoàn toàn. Cả thành phố trở nên tĩnh lặng, thanh bình, nhẹ nhàng để đón ngày đầu tiên của năm mới, ngày đoàn viên của gia đình, bè bạn.
“Đại sứ quán của tôi nhiều phụ nữ, nên ngày Tết Việt Nam, hai bạn cán bộ người Việt cũng trang hoàng đôi chút cho không khí ấm áp. Sắc màu của cành đào, câu đối Tết đan xen với góc văn hóa là những vật phẩm handmade được chúng tôi mang từ Venezuela sang tạo nhiều cảm xúc khác lạ. Vừa gần gũi lại vừa đồng điệu, giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Nhưng tấm gương của Việt Nam giúp chúng tôi thêm vững tâm rằng, hiện nay đất nước của chúng tôi vô cùng khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua được, người dân của chúng tôi cũng sẽ được đón những năm mới no ấm, hạnh phúc trong tương lai không xa” – Đại sứ Tatiana Pugh Moreno chia sẻ
Tết Việt đã thay đổi nhiều
Gắn bó với Việt Nam và “sứ mệnh” kết nối văn hóa của hai dân tộc Việt – Hàn đã gần 30 năm, đến nay, nhà nghiên cứu, dịch giả Hana Choi thực sự coi Việt Nam là quê hương thứ 2. Bà còn có một cái tên Việt rất dễ thương là Minh Hà và có bạn bè thân thiết ở khắp 3 miền, thậm chí là rất nhiều Việt kiều đang sinh sống ở hải ngoại. Hana cho biết, mình may mắn vì là người học tiếng Việt ngay từ những ngày Việt Nam - Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao (1992) và thường xuyên sang Việt Nam để học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Luận văn thạc sĩ của Hana bảo vệ năm 2011 được hội đồng chuyên môn của Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao và đạt điểm tuyệt đối. Gần đây, bà đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu “Hợp tác phát triển Hàn - Việt qua ODA” và đang chờ xuất bản trong thời gian tới.
Bà nhớ rất rõ những năm đầu sang Việt Nam, thời đó kinh tế còn khó khăn, nhưng ngày Tết rất ấm áp vì được đón nhận những tình cảm của thầy cô, bè bạn. Năm đó cũng là năm đầu tiên Việt Nam cấm đốt pháo. Điều làm bà bất ngờ nhất khi đó là đêm giao thừa, mọi người đổ ra đường rất đông, và rồi thời khắc sang canh, ai nấy đều vội vàng bẻ cây lá làm cành lộc. “Có người còn trèo lên cây để bẻ và cầm theo những cây hương đỏ lửa để vào chùa xin lộc, cầu bình an cho năm mới. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi thấy những hàng cây xanh non, trong giây lát trụi hết cành. Nhưng rồi tôi hiểu đó là một phong tục của đất nước bạn. Vậy là những năm sau, tôi lại chen trong dòng người đông nghịt để xem bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm, khi ở TP. Hồ Chí Minh thì ra đại lộ Nguyễn Huệ xem đường hoa, cũng hái lộc mang về nhà...” - Hana cười kể lại.
Hana hầu như đã đi khắp đất nước Việt Nam và có trí nhớ rất tốt đối với lịch sử Việt Nam. Bà có thể kể nhiều câu chuyện về truyền thống ăn Tết của các vùng, miền khác nhau và cho rằng, ngày Tết bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi do điều kiện kinh tế của người dân nói chung đều đã khá hơn. Mọi người đón Tết cũng văn minh hơn, dành nhiều thời gian để thăm hỏi người thân, quây quần bên gia đình sau một năm bận rộn. Bà nói rằng mình rất thích cái lạnh trong đêm Giao thừa ở miền Bắc để cảm nhận khoảnh khắc giao mùa thiêng liêng. Còn ngày Tết phương Nam thì ấm áp, rực rỡ với các loại hoa. Món ăn ngày Tết mà bà yêu thích là nồi măng hầm với chân giò.
“Năm nay, tôi sẽ lại đưa cha mẹ sang thăm Việt Nam để tận hưởng những ngày xuân tại đất nước các bạn. Tôi đã có một căn nhà ấm áp tại Hà Nội để có thể đón tiếp bạn bè và để tiếp tục hoạt động nghiên cứu, dịch thuật. Tôi muốn “hiểu thấu đáo hơn về Việt Nam và làm vai trò cầu nối giữa hai đất nước Hàn - Việt, đồng thời làm điều gì đó đóng góp cho Việt Nam” - bà Hana chia sẻ.