Thăm thẳm lời ru buồn

Thứ Sáu, 20/09/2024, 08:50

Các em phải làm mẹ khi còn là những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”. Làm mẹ khi tiếng ầu ơ còn không thuộc, câu ca còn bỡ ngỡ. Trong xô bồ và náo nhiệt ở chốn thị thành, lời ru buồn dường như chìm nghỉm vào hỗn tạp…

“Cháu ở nhà ngoan lắm”

Cho đến bây giờ, khi đang ẵm bồng đứa cháu ngoại được hơn 5 tháng tuổi, vợ chồng chị Lê Như N. (38 tuổi, ngụ Đắk Lắk) vẫn chưa thể chấp nhận đó là sự thật. Trần Thị Như P. (16 tuổi) là con gái đầu của chị N. Dưới P. còn em gái và một em trai. Bắt đầu lên cấp hai, P. có biểu hiện lơ là học hành, hay đi học về muộn. Cho đến năm lớp 8 thì chị N. phát hiện P. có người yêu. Vợ chồng chị N. vừa khuyên nhủ nhưng cũng cứng rắn, đe dọa không được yêu đương nữa, nếu tiếp tục sẽ có biện pháp mạnh. Cũng từ đó, mỗi giờ tan học, anh Trần Văn T. lại đứng chờ sẵn ở cổng trường để đón con gái về, tuyệt đối không cho la cà, đàn đúm với bạn bè.

h2.jpg -0
Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, khi sinh con xong, những người mẹ trẻ đã gửi con cho các mái ấm.

Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, P. vẫn “sổ lồng” được. Lên lớp 9, lấy cớ học thêm, đi sinh hoạt đoàn đội, tập văn nghệ, học nhóm…P. tranh thủ hẹn hò yêu đương với bạn trai 19 tuổi, đã bỏ học hai năm nay.

Vì yêu điên cuồng, mê muội mà kết quả học tập của P. bết bát, cuối năm lớp 9, P. không đủ điểm vào trường cấp 3 mà phải học bổ túc. Nghĩ đến điều đó, P. nằng nặc không chịu đi học và được vợ chồng chị N. chấp nhận cho nghỉ. Sau đó, P. xin đi làm phục vụ quán ăn ở Bình Dương để phụ giúp bố mẹ tiền nuôi hai em nhỏ. Làm được hơn hai tháng, P. về nhà với lý do công việc cực nhọc, thu nhập thấp, nơi ăn chốn ở không đảm bảo. P. ở nhà, nhận bóc tách hạt điều cho một xưởng sản xuất nhỏ, thỉnh thoảng P. xin bố mẹ đi ra ngoài uống trà sữa với đứa bạn gái cùng xóm. “Từ ngày nghỉ học cháu nó ngoan và nghe lời bố mẹ, đi đâu cháu cũng xin phép và về rất sớm, nhưng ai ngờ…”.

Chị N. kể về con gái rồi khựng lại, đôi mắt đỏ hoe. Ai ngờ con gái có thai gần 3 tháng mà không ai hay biết, bản thân P. cũng không hề biết mình mang thai. Trong một lần tâm sự với em gái, P. có chia sẻ về chu kỳ sinh lý của mình không bình thường. Cô em đi kể với mẹ, chị N. nghe xong giật mình, rồi lặng lẽ quan sát các biểu hiện của con. Mấy ngày sau, chị N. nhờ mẹ chồng hỏi khéo tình hình sức khỏe của cháu nội. P. cũng thật thà kể, rồi còn hồn nhiên nói: “Dạo này cháu thấy mình mập hơn, bụng cứ to ra”. Nghe xong, cả bà nội lẫn vợ chồng chị N. tá hỏa, đưa con gái đi kiểm tra và kết quả như tiếng sét ngang tai.

Thăm thẳm lời ru buồn -0
Ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh.

Cái thai trong bụng đã lớn và tác giả được khai nhận là cậu người yêu mới quen biết trong thời gian P. đi Bình Dương làm phục vụ. Cậu này 20 tuổi, nhà ở Bình Phước. Xác định đúng đối tượng, gia đình chị N. đã gọi điện thông báo cho gia đình cậu kia để nói chuyện cưới xin. Tuy nhiên, cha mẹ chàng trai từ chối, với lý do, chúng nó quen chơi qua đường, mới 16 tuổi cưới về biết làm gì.

Bên nhà chị N. kéo quân sang tận Bình Phước dọa: “Không nhận dâu thì cũng phải cưới, nếu không cậu kia sẽ đi tù vì quan hệ với trẻ tuổi vị thành niên”. Trước áp lực lao lý, mẹ anh chàng phải “xuống nước” nhưng với điều kiện: “Chỉ tổ chức cưới bên nhà gái, còn nhà trai xem như không có chuyện gì xảy ra. Cưới xong thì ai ở nhà đó, khi nào sinh em bé sẽ tính tiếp”. Vì danh dự và mặt mũi với làng xóm, gia đình chị N. buộc phải tổ chức đám cưới một chiều. Không đưa dâu, không đón rước và không có bất cứ một nghi lễ nào giữa hai bên thông gia, một đám cưới đong đầy nước mắt tủi hổ của bậc sinh thành.

P. sinh con, một tay vợ chồng chị N. chăm bẵm, nuôi cả hai mẹ con trong khi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Đất sản xuất không có, họ quanh năm đi làm thuê làm mướn. “Con dại thì cái mang, lỗi tại mình không biết dạy bảo nó, giờ tôi chỉ biết khóc mà thôi”, chị N. thổ lộ. P. làm mẹ khi chưa thuộc hết lời ru, chưa biết cách thay tã, đóng bỉm cho con, người mẹ ngơ ngác như một đứa trẻ tuổi mới lớn.

Nhưng đó vẫn còn là điều may mắn, khi P. có gia đình để tựa vào, ít ra đứa trẻ sinh ra có người thân bên cạnh bao bọc, chăm sóc. Trong khi ngoài kia, có không ít những người mẹ trẻ em và nhiều đứa trẻ bất hạnh, vừa chào đời đã bị cho đi.

Những ngày này, trong căn phòng trọ nhỏ hẹp ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), chị Lê Thị D. (41 tuổi, quê Bình Định) vẫn đều đều đi nhập trái cây chợ Bình Điền về bán ở vỉa hè cho công nhân. Chị D. sinh được cô con gái duy nhất là Lê Thùy L. (17 tuổi), là kết quả của mối tình ngang trái với người đàn ông đã có gia đình. Chị D. một mình nuôi con, nhưng cuộc sống bấp bênh nên không thể cho L. đi học đến nơi đến chốn. L. theo học trường tình thương của bà giáo về hưu mở tại quận 8, cách phòng trọ hai mẹ con khoảng hơn 3 cây số. L. luôn tỏ ra là đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời và rất mực yêu thương mẹ.

h3.jpg -0
Từ ngày có cháu ngoại, chị N. phải bỏ công ăn việc làm để ở nhà chăm sóc hai mẹ con.

L. thường tâm sự với mẹ, khi nào đủ 18 tuổi sẽ đi xin việc ở công ty để có thể giúp mẹ trang trải cuộc sống. Cuối năm 2023, chị D. thấy con gái có biểu hiện khác thường, cô bé xanh xao và chán ăn. Chị D. hỏi thì bé nói dạo này mệt lắm, trong người nôn nao khó chịu. Chị D. đưa bé đi truyền nước biển và mua ít thuốc bổ cho con. Nghi ngờ, bác sĩ yêu cầu kiểm tra sức khỏe thì phát hiện L. đang mang thai gần 4 tháng. Chết lặng, chị D. gặng hỏi con vì sao lại thế, yêu đương ai mà ra nông nỗi này? L. chỉ khóc, mãi mới kể thời gian mẹ về quê giỗ ông nội, L. đi sinh nhật bạn trong lớp có uống bia rồi say. Sau đó, L. được hai người bạn trai cùng nhóm đưa về phòng trọ ngủ đến sáng mới tỉnh.

L. có thai khi chưa bước qua tuổi 16. Chị D. hoang mang không biết phải làm sao. Sau nhiều ngày mất ngủ, buồn bã, chị D. quyết định giữ đứa trẻ lại và có ý định sau khi sinh xong, sẽ gửi cháu cho một mái ấm nuôi dưỡng, khi nào con đủ lớn sẽ xin về. “Tôi không đủ khả năng nuôi cháu, mẹ cháu thì lo cho thân nó còn chưa xong thì làm sao nuôi nổi con. Gửi cháu đi là cách tốt nhất lúc này”, chị D. nhớ lại ngày mang đứa cháu vừa chào đời đi gửi vào mái ấm tình thương.

Về phần người mẹ thiếu niên, dù đã là mẹ nhưng L. vẫn như đứa trẻ non dại, chưa nhận ra bất hạnh của bản thân và đứa con của mình. L. cũng không còn đến học lớp tình thương nữa mà ở nhà nấu cơm, phụ mẹ nhặt rau, quét phòng trọ. Chị D. không cho con gái ra ngoài giao tiếp với xã hội nhiều, sợ nó lầm lỡ một lần nữa...

Thực trạng “trẻ em sinh trẻ em”

Có nhiều nguyên nhân khiến những đứa trẻ “tuổi trăng rằm” phải làm mẹ. Nhiều em vì hoàn cảnh gia đình, lao ra đời kiếm sống, va chạm, tiếp xúc rồi sa ngã vào những cuộc tình non dại, vụng trộm. Nhưng cũng có một bộ phận còn đang mặc tấm áo học sinh đã trở thành mẹ…

Sau vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP Hồ Chí Minh) bị phanh phui, có một thực trạng nhức nhối là hầu hết trẻ tại mái ấm này đều bị những người mẹ mang thai ngoài ý muốn bỏ rơi vì không thể nuôi dưỡng con của mình. Trong đó, 10 em bé có mẹ là… học sinh, là những cô bé còn ở độ tuổi trẻ em đã phải sinh ra trẻ em. Các em vì một lý do gì đó mà lỡ mang thai, sinh con khi chưa đến tuổi thành niên và không có khả năng nuôi dưỡng con nhỏ, đành bỏ con lại Mái ấm Hoa Hồng.

Vào tháng 3/2024, “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" đã ra đời, đặt tại Bệnh viện Hùng Vương với mong muốn thông qua công tác khám và điều trị sẽ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại để cung cấp các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho trẻ em.

Vào thời điểm sơ kết, mô hình đã hỗ trợ 51 ca là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục. Đáng nói trong đó, có tới 48/51 ca là trẻ vị thành niên. Cụ thể hơn, có 14 ca 14 tuổi, 16 ca 15 tuổi và nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi. Các chuyên gia về công tác trẻ em rất quan ngại về thực trạng này, bởi những đứa trẻ mới 13 - 14 tuổi đã phải đối diện với việc mang thai và sinh con. Việc này đặt ra nhiều thách thức không chỉ về vấn đề sức khỏe mà còn về việc các em sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao. Chưa kể, đó chỉ là thống kê ở Bệnh viện Hùng Vương chứ chưa phải toàn bộ các bệnh viện khác ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước.

h4.jpg -0
Có những người mẹ trẻ khi sinh con xong phải ôm con ra ngoài đường ăn xin.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, gồm cả người lao động phổ thông, trình độ dân trí thấp cho tới những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội.

“Lập hồ sơ cho các trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, viết đến đâu tôi nổi da gà đến đấy. Nhiều em chỉ mới 10 - 11 tuổi, còn tuổi ăn tuổi chơi nhưng bị xâm hại và mang thai. Đa số các trường hợp nạn nhân đồng thuận với người xâm hại. Người xâm hại các em lại chính là người thân, hoàn cảnh rất đáng thương", Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh).

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh Phạm Đình Nghinh, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em là điều nhức nhối và đáng lo ngại trong toàn xã hội. Hành vi phạm tội này để lại hậu quả nặng nề về cả thể xác, tinh thần với nạn nhân và gia đình. Nếu được thăm khám và điều trị tâm lý kịp thời bởi chuyên gia và bác sĩ tâm lý, nạn nhân cũng phải mất khoảng thời gian khá dài để có thể trở lại bình thường.

Để ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em, rất cần sự quan tâm của gia đình và chung tay của cộng đồng, xã hội. Trong đó, cần phát huy tốt vai trò của nhà trường, gia đình trong việc bảo vệ trẻ em; có biện pháp quản lý, giám sát trẻ phù hợp để ngăn chặn các nguy cơ; giáo dục cho trẻ biết cách nhận diện và tự vệ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục. Chính quyền địa phương, các hội đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần ngăn chặn và đấu tranh với nạn xâm hại tình dục trẻ em…

Ngọc Hoa
.
.