Tổ quốc nhìn từ biển

Thứ Năm, 20/02/2025, 10:00

Tháng Giêng, biển lặng sóng, chúng tôi trở lại quần đảo Hải Tặc, cái tên dữ dằn thoạt nghe ai cũng nổi da gà, sởn gai ốc nhưng đảo bây giờ mang vẻ đẹp bình yên đến nao lòng, gắn với cuộc sống no đủ của bà con ngư dân vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

1. Quần đảo Hải Tặc là tên gọi cửa miệng của bà con ngư dân 16 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Hà Tiên (xã Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Đảo lớn nhất và đông dân cư nhất là hòn Đốc, dân địa phương hay gọi là đảo hòn Tre, kế đến là các đảo nhỏ như: hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giang, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Đồi Mồi... Những tên gọi mĩ miều ấy khiến người phương xa thích thú, gợi lên cảm giác tò mò, lạ lẫm.

Hơn chục năm trước, cũng vì sức hút đặc biệt của cái tên Hải Tặc mà chúng tôi đã liều mình đi thuyền đánh cá của ngư dân ra đảo. Ngày ấy, sóng gió mùa biển động đã quật cho chúng tôi tơi tả vì những cơn say. Phải mất hơn 2 tiếng tròng trành giữa biển, chúng tôi mới tới đảo. Nhưng, khi vừa đặt chân lên dải đất này, sự hoang sơ đã chiếm trọn trái tim khiến cho bao mệt mỏi, rã rời tan biến.

Tổ quốc nhìn từ biển -0
Một cột mốc chủ quyền được lưu giữ như chứng nhân lịch sử.

Điều đầu tiên chúng tôi muốn tìm hiểu chính là nguồn cội của cái tên Hải Tặc. Có nhiều cách kể khác nhau, nhưng tài liệu ghi chép của nhà sử học Trương Minh Đạt (đã qua đời vào cuối tháng 10/2024), chuyên gia nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên, Kiên Giang là đáng tin cậy nhất. Sử gia Trương Minh Đạt kể rằng, cướp biển hoành hành ở vùng biển này từ thời thực dân Pháp chiếm đóng. Quân Pháp cũng không dẹp nổi, ngược lại còn bị cướp biển liên tục quấy phá. Cướp biển thường ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại khu vực vịnh Hà Tiên - Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan. Cái tên Hải Tặc được người Pháp dùng để gọi tên quần đảo khi lập bản đồ Việt Nam. Dấu ấn còn lại trên quần đảo này là ngọn hải đăng ở hòn Khoai, với tháp đèn cao 15,7m nằm trên độ cao 318m so với mặt nước biển.

Những gia đình sống qua nhiều thế hệ trên đảo đều thuộc lòng câu chuyện cướp biển. Ông Sàu Hào (59 tuổi, đảo hòn Tre) kể: “Cha mẹ tôi lên vùng hoang đảo này vào những năm 1950. Khi đó, vùng đảo này rất hoang vu, trở thành điểm đến của dân nghèo khắp nơi tới khai hoang lập nghiệp. Sau này, dân cư về sống đông đúc, khi có bàn chân con người đến khai phá những đảo hoang trên quần đảo Hải Tặc thì không còn thấy bóng dáng của cướp biển cũng như dấu tích nào về căn cứ một thời của chúng trên hoang đảo này”.

Tổ quốc nhìn từ biển -0
Cụ Ba Nhàn đã sống gần trọn đời người trên đảo nhỏ giữa biển khơi.

Dù thời tăm tối ấy đã lùi xa, nay quần đảo đã có tên hành chính là xã Tiên Hải, nhưng người dân vẫn quen gọi theo tên cũ là quần đảo Hải Tặc. Đảo Hải Tặc cách đất liền 18 km, phương tiện di chuyển là tàu cao tốc hết khoảng 35 phút. Sự tiện lợi này đã thu hút du khách tìm đến để chiêm ngưỡng và khám phá hòn đảo xinh đẹp nơi địa đầu Tổ quốc. Ngư dân trên các đảo nhỏ cũng dần trở thành người hiện đại so với những năm tháng đảo còn hoang sơ, mịt mù, muốn vào đất liền trao đổi hàng hóa phải đi bằng xuồng ghe thô sơ tốn nhiều thời gian, lại gặp rủi ro và nguy hiểm.
Đảo Hải Tặc bây giờ được ví như viên ngọc của vùng biển Tây Nam đã dần được mài giũa sáng trong. Ở đó có điện lưới, trường học, trạm sá, có cảng âu tàu... Cuộc sống bình yên nhưng không kém phần hiện đại.

Nhớ khi quần đảo Hải Tặc chưa có điện lưới, mọi thứ khó khăn, người ra đảo làm ăn, sinh sống hay du lịch ít ỏi. Nhà nước đã có chính sách ưu đãi để hỗ trợ giữ chân người dân bám đảo. Năm 2019 điện lưới quốc gia được câu ra, quần đảo Hải Tặc thay da đổi thịt. Đó thực sự là ngày hội vui nhất của bà con sau bao năm bền gan vững chí bám đảo, sống đời gian khó, thiếu thốn.
Trở về từ biển cả, ngư dân Lê Văn Đời (52 tuổi, đảo hòn Tre) manh nha suy nghĩ về cơ hội thay đổi cuộc đời, làm giàu trên vùng biển quê mình. “Hơn 30 năm ngụp lặn giữa biển khơi, trải qua vô vàn dông gió, bão tố và sự hiểm nguy, tôi chưa bao giờ muốn bỏ biển. Nhưng, bây giờ sản vật của biển đã vơi cạn đi nhiều, tàu ra khơi không còn ăm ắp sản vật như ngày xưa, tôi nghĩ cần phải cho biển nghỉ ngơi để tái tạo lại sức sinh sản của đại dương”, ông Đời chia sẻ.

Nhiều đêm dài suy nghĩ, tính toán, ông Đời đã đưa ra một quyết định táo bạo, nuôi cá trong lồng bè trên chính vùng biển thân thuộc của mình. Ông đi vay mượn vốn liếng, lặn lội tìm đến những bậc tiền bối có kinh nghiệm về lĩnh vực này để học hỏi. Ban đầu, ông nuôi thử nghiệm một lượng nhỏ để xem sự thích nghi của loài cá, khi thấy ổn định, ông mới xuống tay một mẻ lớn. Nhờ mạnh dạn làm kinh tế dựa vào biển, ông Đời và nhiều ngư dân khác của đảo hòn Tre và các đảo nhỏ lân cận đã có cuộc sống khấm khá. “Mình là ngư dân, dòng máu biển luôn chảy trong người. Ngày chăm sóc lồng bè, đêm mình vẫn lặn ngụp xuống biển bắt cua ốc, mình vẫn thường bơi thuyền thúng đi câu mực và giăng lưới. Biển vẫn ở bên mình và nỗi nhớ đại dương cũng vơi bớt khi không còn thường xuyên ra khơi nữa”, ông Đời kể, đôi mắt nhìn về khoảng biển xanh thẳm trước mặt.

2. Từ đảo lớn hòn Tre, chúng tôi lên thuyền của ngư dân Bé Sáu để tới hòn Ụ, nơi ở của gia đình “chúa đảo” Ba Nhàn. Biển tháng Giêng dìu dặt, hiền hòa, con thuyền đánh cá băng qua những đợt sóng nhỏ. Ngồi trên mũi tàu, chúng tôi nếm được cảm giác rát mặn đầu lưỡi khi những bọt sóng biển tung lên. Nhìn ra khoảng trời bao la, thật kinh ngạc, giữa chốn trùng khơi, những cột điện khổng lồ bằng sắt cắm thẳng xuống biển lừng lững đội sóng nhô lên. Những dây tải điện khổng lồ được câu từ hòn Đốc, hòn Ụ, hòn Giang giăng ra như nối vòng tay lớn đoàn kết, thủy chung của ngư dân khắp các hòn trên quần đảo.

Tổ quốc nhìn từ biển -0
Ngư dân Lê Văn Đời hạnh phúc với cuộc sống nuôi cá lồng bè trên biển.

Ngư dân Bé Sáu kể, lúc quần đảo chưa có điện, chi phí sinh hoạt ở các đảo nhỏ thường cao gấp 2-3 lần so với đất liền, do đó ít gia đình có thể kham nổi để bám trụ. Họ chỉ sống một thời gian ngắn rồi dời tới các đảo lớn hoặc vào đất liền sinh sống. Những người ở lại chỉ có thể bằng tình yêu biển đảo mãnh liệt. Họ âm thầm bám đảo, như những cột mốc chủ quyền quốc gia nơi miền biên ải và nay thì đã được thời gian đền đáp.

“Bây giờ, chính những hòn đảo khó khăn ấy trở thành viên ngọc quý khi du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Mấy năm nay, người ta tìm đến đảo mua đất nhiều khiến cho giá trị sống tăng lên rõ rệt. Nhiều ngư dân chỉ cần bán đất đi cũng trở thành tỷ phú nhưng chẳng mấy ai làm thế, họ vẫn thủy chung với từng tấc đất của đảo, sống kiên cường bằng nghề biển”, ngư dân Bé Sáu nói, nụ cười của anh giòn tan hòa vào cánh sóng.

Thuyền chạy giữa làn nước xanh thẳm, nhìn từ xa, hòn Ụ như một con cá khổng lồ lừng lững nổi lên giữa đại dương. Hơn một thập niên gặp lại “chúa đảo” Ba Nhàn, ông không còn được vạm vỡ, cường tráng như xưa ở cái tuổi ngoài 90 cũng là lẽ thường của tạo hóa. Nhưng, có một thứ bất diệt vẫn hiện hữu trong tình yêu của ông, đó là biển cả. Trên làn da rám nắng của người ngư dân lão luyện, đã thấm vị mặn của biển và sức bền của bao mùa gió chướng. Cuộc đời ông là một hành trình dài của biển, sóng trăm năm trắng xóa mạn tàu.

“Chúa đảo” Ba Nhàn tên thật là Ngô Văn Tỵ, sinh năm 1932, ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ông sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, chiến tranh loạn lạc, một người anh đã mất tích trong quá trình tập kết ra Bắc năm 1954, người khác hi sinh khi tham gia cách mạng và một người nữa thất lạc bên Campuchia đến nay vẫn biền biệt, cuối cùng còn mỗi Ba Nhàn ở lại quê hương lấy vợ, sinh con. Ngày Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tràn về làng, Ba Nhàn tham gia du kích xã, cùng dân làng vác súng đánh mấy trận với giặc.

Những năm đầu thập niên 1960, chiến sự ở miền Nam ngày càng gay go, với những trận càn, tìm diệt khốc liệt của địch. Nhân dân phải di tản khắp nơi tìm chỗ an toàn, Ba Nhàn dắt theo vợ con đi về phía Hà Tiên rồi theo thuyền đánh lưới ra hòn Ụ, tên gọi nguyên thủy cư dân đặt cho hòn đảo tách biệt ở mạn Đông Bắc quần đảo Hải Tặc. Đảo hoang không một bóng người, chỉ có rắn rết và những loài chim biển trú ngụ nên gia đình Ba Nhàn bình yên, không bị giặc tìm tới.

Tổ quốc nhìn từ biển -0
Một góc hòn Ụ xinh đẹp.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những năm tháng làm “Robinson” trên đảo hoang không một bóng người vẫn hằn sâu trong ký ức của cụ Bà Nhàn. “Hồi đó nước ngọt không có là điều khắc nghiệt nhất. Cứ 3 ngày, tôi lại đeo vỏ can nhựa 30 lít vào người rồi bơi ra những con tàu đánh cá gần đó đổi cá tôm lấy nước. Sau này quen, họ thấy tình cảnh gia đình tôi khó khăn nên đánh tàu vào tận đảo đổi nước ngọt và gạo. Tôi chỉ cần hai thứ đó, còn lại đều tự cung tự cấp hết”. Ông một mình khai hoang, chặt cây làm chòi cho vợ con có chỗ trú mưa nắng. Những bữa ăn thì toàn là cá tôm, cua, ốc, ăn nhiều đến mức người mấy đứa nhỏ đỏ loét cả da, tróc cả vảy.

“Khổ ải, cô độc không kể xiết, vậy mà vợ tôi vẫn sinh được 14 đứa con, đàn con lớn lên bằng bản năng sinh tồn là chính. Những thời điểm khó khăn tưởng như không vượt qua nổi, vợ tôi khóc rất nhiều, tôi động viên phải nhìn về tương lai vững tin lên, chim chóc còn sống được huống chi con người”, cụ Ba Nhàn kể, ánh mắt thoáng buồn khi nhớ lại hình bóng thân yêu của người vợ tao khang năm xưa.

Thời gian nhuộm trắng tóc người, cây trái năm xưa cụ Ba Nhàn trồng giờ đã thành cổ thụ, hàng dừa xanh buông mình rủ bóng xuống bờ cát trắng, bao phủ phần lớn diện tích hòn Ụ khiến đảo trở thành cột mốc xanh vững chãi nơi địa đầu biển cả.

Sống hơn nửa thế kỷ trên đảo, bây giờ cụ Ba Nhàn đã thanh thản, mãn nguyện với cuộc đời. Cụ cười, móm mém tiết lộ: “Vừa qua, gia đình được Nhà nước thống kê hơn 200 công đất (1.000 m2/công) nguồn gốc do gia đình khai phá. Mấy người ở đất liền hay trêu tôi là tỷ phú rồi. Tôi lại không ham mấy cái danh đó, mình một đời ngư dân thì mãi mãi là ngư dân. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đảo là xương, biển là máu thịt. Khi nằm xuống, tôi nguyện làm một phần của tiếng sóng để đêm ngày được vỗ lao xao”.

Ngọc Hoa - Kỳ Phương
.
.