Tràn lan “lò” đào tạo chuyên gia thẩm mỹ “chui”

Thứ Sáu, 18/08/2023, 10:40

Liên tiếp nhiều vụ biến chứng vì tiêm filler diễn ra trong thời gian gần đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ “rởm”, tràn lan. Chỉ cần vài tháng theo học một khóa đào tạo thẩm mỹ là bất cứ ai cũng có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp.

Dễ học dễ làm?

Khi đời sống được nâng cao, nhu cầu làm đẹp của người dân cùng tăng cao. Một trong những phương pháp làm đẹp được ưa chuộng hiện nay là tiêm filler. Đây là biện pháp đơn giản, nhẹ nhàng, thời gian nhanh gọn, nghỉ dưỡng ngắn, chi phí cũng không quá cao.

Chính vì thế tiêm filler đang trở thành một nghề “hot” có thể tạo ra một nguồn thu nhập khủng cho các spa, phòng khám. Đây chính là lý do ngày càng nhiều cơ sở, phòng khám phát triển dịch vụ này. Bởi với nhiều người, học tiêm filler tốt không những có thể tự làm đẹp cho bản thân mà còn có thể làm đẹp cho người khác.

ảnh 1.jpg -0
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Cũng chính vì lý do này nên có rất nhiều các khóa học tiêm filler đã xuất hiện. Các lớp học được tổ chức một cách nhanh chóng, đa dạng các thành phần học viên. Người đứng lớp có thể là bác sĩ hoặc chỉ đơn giản là người có nhiều kinh nghiệm tiêm filler. Và không chỉ tiêm filler mà các thủ thuật khác cũng được quảng cáo trên mây, rằng “kiếm trăm triệu không hề khó, học viên được cầm tay chỉ việc”… Điều này khiến cho chúng ta phải đặt câu hỏi liệu rằng các khóa học tiêm filler này có thực sự chất lượng như quảng cáo hay không?

Quả thật chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “học tiêm filler” sẽ cho ra nhiều hội nhóm, fanpage quảng bá các khóa học, đào tạo tiêm filler, botox, spa làm đẹp. Từ các học viện thẩm mỹ với những cái tên mỹ miều cho đến cả những cá nhân tự xưng là chủ spa uy tín, nhiều năm kinh nghiệm. Theo lời quảng cáo của một học viên thì việc theo học đại học mất rất nhiều thời gian, chưa kể việc nặng về lý thuyết, trong khi học nghề (mà cụ thể ở đây là nghề spa - PV) rút ngắn được thời gian học hành, lại được học những gì “tinh túy” nhất, tiết kiệm chi phí học hành, ăn ở... và quan trọng là được thực hành vừa học vừa làm, có thể đi làm được ngay sau khi kết thúc khóa học. Bất cứ ai cũng có thể học tiêm filler, từ bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, đến cả thợ cắt tóc, gội đầu. Chính vì thế mà bên cạnh việc tuyển học viên, nhiều cơ sở thẩm mỹ còn liên tục tuyển mẫu để học viên thực hành. Các mẫu vừa có cơ hội làm đẹp miễn phí, vừa được chăm sóc, bảo hành miễn phí tại cơ sở do chính chủ cơ sở tay nghề cao thực hiện.

Một nick T.H thì khẳng định chắc nịch khi quảng cáo cho học viện thẩm mỹ của mình: “Không dạy học viên ồ ạt, kèm chắc cho đến khi nào cứng tay nghề mới cho ra. Học viên được lên mẫu không giới hạn, liên tục tuyển mẫu. Khóa học tiêm filler, botox, các bạn học viên được học các nội dung sau: Ba buổi lý thuyết về tiêm filler, các filler dùng cho từng vùng trên khuôn mặt. Cách pha thuốc botox, giảm béo hiệu quả. Cách tránh né biến chứng khi tiêm filler, botox; Một buổi học về cách xử lý biến chứng khi tiêm filler, chữa lỗi tiêm sai về kĩ thuật. Đặc biệt học viên được học những kỹ thuật tốt nhất an toàn nhất, giải phẫu khối cơ mạch máu. Đặc biệt học viên trọn khóa được học thêm kĩ thuật tiêm tạo hình đỉnh cao. Filler châu Âu chính hãng, filler hàng vip, cao cấp. Nói không với filler kém chất lượng, filler mẫu tiêm tan nhanh, filler và silicon tạp chất”, một nick quảng cáo.

Tuy nhiên điều dễ nhận thấy sau mỗi status quảng cáo là một loạt những comment khen ngợi, cám ơn thẩm mỹ viện nọ, người giảng dạy kia đã tận tâm, “cầm tay chỉ việc”, nhưng thực chất đó chỉ là những lời tự đánh bóng của các nick ảo hay chính là các nhân viên của cơ sở thẩm mỹ đó với mục đích tăng độ uy tín và thu hút thêm học viên cũng như khách hàng.

Tràn lan “lò” đào tạo chuyên gia thẩm mỹ “chui” -0
Tràn lan quảng cáo đào tạo tiêm filler trên mạng

Trên thực tế, hiện có rất nhiều trung tâm đào tạo filler liên tục tuyển học viên mà không yêu cầu các bằng cấp liên quan. Ngay cả những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa có trong tay bằng tốt nghiệp cấp 3 cũng có thể học tiêm filler và được cấp “chứng chỉ”.

Do yêu cầu không cao nên những lớp học này thường thu hút được sự chú ý của đông đảo các bạn trẻ, số lượng người đăng ký theo học rất đông. Kết quả là họ có thể đào tạo ra hàng loạt những người có khả năng tiêm filler nhưng không phải là bác sĩ.

Hậu quả là tiêm filler được nhưng lại không nắm được giải phẫu da, không hiểu rõ về ứng dụng của filler và không thể nắm bắt, sửa chữa các biến chứng liên quan. Chính việc đào tạo ồ ạt đã khiến cho dịch vụ tiêm filler có nhiều “biến tướng” và có biến chứng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một khóa học tiêm filler thường có giá từ chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Thậm chí có cơ sở còn quảng cáo giảm đến 80%  một khóa học chỉ sau 2-3 tháng. Có học viện thẩm mỹ còn “hét” giá 30-35 triệu đồng cho một khóa học có hỗ trợ filler, còn không hỗ trợ filler giá 25 triệu đồng. Trong vai một người có nhu cầu học kỹ thuật tiêm filler, botox và chăm sóc da cơ bản, phóng viên liên hệ với một page chuyên dạy tiêm filler, botox thì người tư vấn cho biết, một khóa học cơ bản có giá 10 triệu đồng (đã giảm giá 30%). Theo lời quảng cáo của người này, học viên sẽ được học 1 kèm 1, không giới hạn thời gian học, sẽ để học viên học đến khi thành thạo, thực hành trên người mẫu của spa đồng thời sẽ được tặng một khóa học spa cơ bản, cách marketting, quảng cáo, chụp hình sản phẩm để thu hút khách hàng. Chỉ sau vài tháng là có thể tự tin “hành nghề”. Người này không quên giới thiệu giáo viên là các bác sĩ hàng đầu tại các bệnh viện thẩm mỹ lớn, từng đào tạo rất nhiều bác sỹ, điều dưỡng.

Chỉ bác sĩ mới được học và tiêm filler

Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 155/2018/NĐ-CP bổ sung Điều 23a Nghị định 109/2016/NĐ-CP, tiêm filler chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay ở Việt Nam, chỉ có một số cơ sở của Bộ Y tế như trường Đại học Y, bệnh viện chuyên khoa da liễu mới được cấp mã đào tạo về chuyên ngành da liễu thẩm mỹ làm đẹp. Những cơ sở này có những chuyên gia, thầy thuốc đầu ngành về thẩm mỹ, mới được đào tạo chuyên sâu về tiêm filler, botox.

Tràn lan “lò” đào tạo chuyên gia thẩm mỹ “chui” -0
Tràn lan “lò” đào tạo chuyên gia thẩm mỹ “chui” -1
Một ca biến chứng vì tiêm filler được Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chữa trị

Với việc nở rộ các dịch vụ đào tạo thẩm mỹ xuất hiện tràn làn trên các trang mạng như hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về các “lò” đào tạo “chui” khiến tình trạng biến chứng xảy ra ngày càng nhiều. Đơn vị nào cũng tự nhận mình là cơ sở đào tạo tốt nhất, bằng cấp, chứng chỉ hợp pháp, có giá trị toàn quốc… Để thu hút học viên, các trung tâm đào tạo liên tục đưa ra các gói khuyến mại như giảm giá từ 20 - 50%, tặng kèm các khóa học spa cơ bản.  Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động một cách hợp pháp và không phải mọi chứng chỉ nào được in ra, trao tay cho học viên cũng có giá trị pháp lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, hiện nay khi người dân đã đủ ăn đủ mặc, kinh tế khá lên thì họ có nhu cầu làm đẹp nên thị trường làm đẹp đang rất “béo bở” nhưng cũng rất bát nháo, ai cũng muốn nhảy vào. “Bác sĩ đúng chuyên ngành cũng làm, bác sĩ không đúng chuyên ngành cũng làm và người không được đào tạo về y tế cũng làm. Để xin được một giấy phép hoạt động của phòng khám rất khó khăn, phải có chứng chỉ hành nghề, phải hoạt động 54 tháng. Nhưng các spa hiện nay mở ra dễ vì chỉ cần một giấy phép hoạt động kinh doanh là chăm sóc da. Tuy nhiên họ làm “chui” bên trong thì không ai biết. Tất cả các thủ thuật tiêm filler hay tiêm meso đều phải là bác sĩ thực hiện và bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo về chuyên môn lĩnh vực đó. Chứ không phải ai cũng làm được kể cả bác sĩ chuyên ngành khác. Chưa nói đến spa. Nhân viên spa không được thực hiện các biện pháp xâm lấn”, bác sĩ Quân cho biết.

Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, hiện nay đa số các ca tiêm filler hỏng, lỗi đều bắt nguồn từ các spa, từ những người thực hiện thủ thuật không phải bác sĩ cũng như không có sự đào tạo bài bản từ trường lớp. Đó là một nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng y tế cũng như chất lượng của ngành thẩm mỹ, và hậu quả để lại có thể ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người được thực hiện dịch vụ.

“Thậm chí không phải bác sĩ nào cũng có thể thực hiện thủ thuật tiêm filler này, vì dù tốt nghiệp bằng bác sĩ ra, nhưng nếu chúng tôi không tham giá khóa học tại trường lớp và các bệnh viện lớn được cấp phép đào tạo và có chứng chỉ, thì những bác sĩ đó cũng không được cấp phép thực hiện dịch vụ.

Vì thế, việc đào tạo tràn lan, cầm tay chỉ việc hay những khóa đào tạo ngắn hạn dù do bác sĩ hay không phải bác sĩ nhưng không được cấp phép, hoặc đào tạo cho những người không có bằng cấp bác sĩ thật sự rất nguy hiểm. Chúng tôi vẫn luôn thấy lo lắng cho chính những người có mong muốn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ an toàn, nhưng chưa có đủ hiểu biết để lựa chọn cơ sở uy tín, bởi lẽ, chỉ một lựa chọn sai lầm có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của họ, như các bạn đã nhìn và thấy, rất nhiều ca bị mù mắt, hoại tử sau tiêm filler… Thậm chí vì sự kém hiểu biết về chuyên môn, mà các cơ sở thẩm mỹ chui còn làm các dịch vụ không đúng chỉ định, liều lĩnh, gây ảnh hưởng đến tính mạng của khách hàng”, bác sĩ Nhung cho biết.

Cũng theo bác sĩ Nhung, không chỉ Bệnh viện Hồng Ngọc, nhiều bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ lớn đã từng bị giả mạo khá nhiều trong việc quảng cáo đào tạo học viên cũng như các dịch vụ làm đẹp. “Chúng tôi rất lo lắng việc giả mạo đó có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tình trạng của khách hàng và cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng của khách hàng đến thương hiệu của bệnh viện.

Mong muốn của các bác sĩ chúng tôi là những khách hàng hãy đủ sáng suốt để lựa chọn dịch vụ phù hợp với bản thân, và cơ sở cũng như bác sĩ đủ kinh nghiệm để điều trị cho mình. Cũng như mong muốn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể giám sát chặt chẽ hơn những cơ sở spa, những nơi đào tạo chui để tránh việc đào tạo thêm những “đao phủ” trong ngành làm đẹp”, bác sĩ Nhung cho biết thêm.

Mai Ngọc
.
.