Tràn lan thiết bị kích giun đất trên chợ mạng
Thời gian qua, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện săn bắt giun đất với số lượng lớn để bán kiếm lời. Nạn “giun tặc” hoành hành có sự tiếp tay không nhỏ của các đối tượng rao bán thiết bị kích giun đất. Đặc biệt, việc mua bán các thiết bị này công khai, tràn lan trên các mạng xã hội, ai cũng dễ dàng mua về để sử dụng.
Dễ dàng mua bán
Từ đầu năm 2023 đến nay, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện để săn bắt giun đất bán cho các thương lái. Đặc biệt, tại những vùng trồng trọt, đất đai tươi xốp, màu mỡ, vấn nạn “giun tặc” còn trở thành nỗi ám ảnh của các chủ trang trại trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2 m2 các loại giun to nhỏ sẽ ngoi lên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, một máy kích điện có thể bắt được từ 5 đến 10kg giun tươi.
Rất nhiều người khi được hỏi giun đất sấy khô có tác dụng gì, thu mua với mục đích gì, hầu như không ai biết. Họ chỉ cần biết bán giun ra tiền, thu lợi nhuận về thì sẵn sàng đi kích giun để bán. Theo tìm hiểu của phóng viên, giun đất tươi bán với giá 45 đến 50 nghìn đồng/kg. Giun sau khi thu mua sẽ được sấy khô. Trung bình khoảng 13 kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1 kg giun khô. 1 kg giun khô được các “đầu nậu” bán với giá 700 nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng. Trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng. Với lợi nhuận lớn, không mất nhiều công sức vì giun đất dễ tìm, dễ kích, nhiều người còn chủ động đầu tư, mua sắm máy kích điện, thuê người đi săn giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá vài chục nghìn đồng/kg.
Quả thật, việc tìm mua thiết bị kích giun đất khá dễ dàng, chỉ cần gõ cụm từ “thiết bị kích giun đất” trên các nền tảng mạng xã hội sẽ cho ra rất nhiều gian hàng giao bán thiết bị này. Thậm chí, còn có nhiều hội nhóm mua bán, trao đổi, sửa chữa thiết bị kích giun. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá một chiếc máy kích giun dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy chất lượng, linh kiện, công suất và diện tích đánh bắt. Ngoài máy kích, các hội nhóm cũng công khai rao bán các phụ kiện khác như máy mổ giun, dao mổ, thuốc ướp.
Một gian hàng thương mại điện tử rao bán máy kích giun trùng đất với lời quảng cáo “Máy điện tử đánh 4 cọc, loại 4 tụ siêu khủng hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là linh kiện nhập khẩu lắp ráp tại Việt Nam, hàng siêu bền, công suất cực khủng, đánh mọi loại giun trùng đất. Sản phẩm kích đánh giun trùng đất trên mọi loại địa hình, chất đất. Tuyệt đối an toàn khi sử dụng, công suất cực khủng. Cắm 4 cọc xuống đất ở khoảng cách mỗi cọc cách nhau tối đa 2,5 mét, điều chỉnh theo chất đất và điều kiện thời tiết để đánh kích hiệu quả nhất. Cọc cắm xuống đất sâu tối thiểu 30 cm”. Đồng thời người bán cam kết bảo hành 3 tháng cho người mua. Chỉ cần người mua đặt hàng ở Hà Nội thì chỉ sau 15 phút sẽ nhận được hàng, còn ở tỉnh xa chỉ mất 1-2 ngày.
Liên hệ với một người bán tên H.T.G thì người này cho biết, thị trường có nhiều loại máy kích giun, nếu người mua muốn kích giun làm thức ăn chăn nuôi thì sử dụng loại công suất nhỏ, vài trăm nghìn đồng. Còn kích giun để bán thì dùng loại công suất lớn, thời gian lên đến 15-18 tiếng. Một số mẫu mã còn có màn hình hiển thị thông số và điều khiển từ xa. Ngoài ra, nếu muốn rẻ và hiệu quả thì người mua có thể mua linh kiện về để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn thiện.
Trên TikTok, những clip ngắn hướng dẫn sử dụng máy kích giun và rao bán máy kích giun vẫn công khai. Để khách mua mục sở thị tác dụng của máy, người bán còn trực tiếp kích giun ngay tại chỗ. Điều đáng nói, những sản phẩm kích giun này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, với những âm thanh phát ra rất khó chịu.
Theo anh Hoàng Văn Dũng (Hà Nội), chuyên gia kỹ thuật điện thì máy kích giun có cơ chế hoạt động tương tự máy kích cá nhưng thời gian hoạt động liên tục hơn, cường độ dòng điện phóng ra đều và thấp hơn. Mỗi mẫu máy tùy giá tiền sẽ có công suất để khuếch đại năng lượng, biến áp và tụ phóng dùng để nâng dòng điện từ 12V lên hàng nghìn V, rơ-le tự ngắt khi quá nguồn, cùng một số linh kiện khác.
Cần mạnh tay với “giun tặc”
Theo các nhà khoa học, việc bắt giun bằng kích điện sẽ làm hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa dạng sinh học làm giảm chất lượng đất canh tác, giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến môi trường và vật nuôi.
Hiện, các địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất; vận động người dân không sử dụng thiết bị điện đánh bắt giun và không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun; tăng cường kiểm tra hoạt động của các đại lý buôn bán thiết bị kích điện bắt giun đất và các cơ sở thu gom, sơ chế, sấy khô, mua bán giun đất tự nhiên để nhận diện, làm rõ các hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác giun đất tự nhiên trái phép; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đại lý, đối tượng buôn bán thiết bị kích điện đánh bắt giun đất và cơ sở mua bán giun đất tự nhiên trên địa bàn.
Mới đây, ngày 27/8, Công an huyện Cao Phong, Hòa Bình đã phát hiện 2 xe ô tô chở giun đất lưu thông trên địa bàn và đã thu giữ. Cụ thể, trưa ngày 27/8, tại Km 89+300, quốc lộ 6 (thuộc địa phận khu 6, thị trấn Cao Phong), lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe tải do ông Hoàng Văn Khánh (sinh năm 1966, trú tại Đăng Cương, An Dương, Hải Phòng) điều khiển. Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 32 kg giun đất tự nhiên tươi không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đựng trong các thùng xốp.
Tại công an huyện, Hoàng Văn Khánh thừa nhận 32 kg giun đất tự nhiên mua của người dân xã Hợp Phong không rõ tên tuổi, địa chỉ và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cùng ngày, tại Km 90+100 thuộc địa phận khu 7, thị trấn Cao Phong, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xe ô tô do Dương Sinh Quang (sinh năm 1994, trú tại phường Thái Bình, TP Hòa Bình) điều khiển.
Tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe có 70 kg giun đất tự nhiên tươi đựng trong các xô nhựa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Dương Sinh Quang khai làm nghề lái xe dịch vụ và được bà Trần Thị Hoa (sinh năm 1969, trú huyện Kim Bôi, Hòa Bình) thuê chở vào huyện Cao Phong để thu mua giun đất tự nhiên. Bà Hoa khai nhận mua giun tại xã Tây Phong của người dân không rõ tên, tuổi, địa chỉ và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các trường hợp nêu trên nhận rõ hành vi của mình là sai phạm, tự nguyện giao nộp toàn bộ số giun đất cho Công an huyện Cao Phong để tiêu hủy và ký cam kết không tái phạm.
Trước đó, Công an tỉnh Lạng Sơn đã thu giữ số lượng lớn giun đất khô không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn chuẩn bị vận chuyển qua biên giới tiêu thụ. Ngày 19/8/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội CSGT Công an huyện Lộc Bình tiến hành tuần tra kiểm soát tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ô tô tải do lái xe Sần A Chặng (sinh năm 1996, trú tại xã Đại Dực, huyện Tân yên, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Tiến hành dừng xe kiểm tra, phát hiện 26 bao tải dứa màu xanh chứa khoảng 1.300 kg giun đất sấy khô. Lái xe không xuất trình được giấy tờ có liên quan chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng hóa.
Hiện nay nhu cầu sử dụng giun đất khô trong Đông y tại thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh, lợi nhuận từ việc bán giun đất khô cao nên nhiều người dân tìm mọi cách để thu mua mặt hàng này bán sang Trung Quốc.
Nhằm góp thêm tiếng nói trong việc chung tay giải quyết vấn nạn tận diệt giun đất đang hoành hành tại nhiều địa phương, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi thư kiến nghị tới 3 nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và 2 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada), đề nghị các bên rà soát, loại bỏ sản phẩm máy kích giun trên toàn hệ thống bán hàng, góp phần ngăn chặn nguồn cung cấp công cụ/thiết bị khai thác giun theo hướng tận diệt.
Theo PanNature, vấn nạn khai thác giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân. Một trong những công cụ "tiếp tay" cho hành động này là máy kích giun.
Bằng việc gửi thư kiến nghị, PanNature đề nghị các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử thực hiện hiệu quả chính sách bán hàng đã công bố, đồng thời cân nhắc cập nhật, bổ sung và áp dụng một số biện pháp cấp bách gồm rà soát và loại bỏ mặt hàng máy kích giun trên toàn bộ hệ thống sàn thương mại điện tử/nền tảng mạng xã hội; rà soát và loại bỏ tất cả các nhóm sản phẩm gây hại tương tự như: Máy kích điện dùng để bắt cá, bẫy động vật...; có cơ chế cảnh báo, xử lý đối với các tài khoản đăng bán các sản phẩm này.
Tiếp nhận thư kiến nghị của PanNature, hai sàn thương mại điện tử là Shopee và Lazada đã tiến hành gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm. Tuy nhiên, trên các hội nhóm, trên TikTok, các thiết bị kích giun vẫn được bày bán công khai. Trước đây, tại một số tỉnh, thành phố đã từng xảy ra tình trạng các thương lái thu gom những sản phẩm lạ như lá điều, lá sắn, lá khoai lang non, rễ tiêu, ốc bươu vàng... thậm chí là phân trâu, móng trâu, đỉa... hay những sản phẩm quý hiếm như cây kim cương, cây sưa, lá chua ke... với giá cao nhưng sau một thời gian ngắn giao dịch, những thương lái bất ngờ không thu mua nữa, để lại cho người dân hàng tấn thành phẩm mà không biết bán cho ai, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và hủy hoại môi trường. Còn những loại cây quý sau một thời gian bị lùng mua đã rơi vào danh sách thực vật nguy cấp quý hiếm.
Việc thu mua giun đất mà người bán, người mua không biết để làm gì sớm muộn cũng giống như những vụ thu mua các sản phẩm độc lạ đó. Bởi vậy, người dân hãy luôn cảnh giác, nhìn nhận đúng bản chất sự việc, tránh vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống sau này.