Trên đỉnh núi hoa vàng

Thứ Hai, 18/11/2024, 13:27

Những con đường nhuộm vàng một sắc hoa, như biểu tượng của cả cao nguyên mùa gió lạnh. Loài hoa báo đông như hừng hực nở một mùa lễ hội trong lời chào mời của đất và người Tây Nguyên.

Huyền thoại một loài hoa

Mỗi độ đầu mùa khô vào chừng tháng 11, cả vùng núi Tây Nguyên lại chìm trong sắc vàng của một loài hoa báo đông, mà nơi đây vẫn gọi với cái tên là hoa dã quỳ. Vào mùa này, cả cao nguyên ngập tràn trong sắc vàng của dã quỳ. Loài hoa này sinh sôi tại vùng cao nguyên, nơi luôn hòa cùng mây trắng lãng đãng bay mỗi sớm. Trong không gian lạnh buốt, chân tay tê cóng, nhiều người như được sưởi ấm với một rừng sắc vàng. Những con đường đất đỏ dốc chênh vênh mùa này được phủ kín bởi vạt hoa xinh xinh, rực rỡ có thể mê hoặc bất cứ người nào ghé thăm. Buổi tối, say men bên ché rượu cần cùng điệu múa xoang và bếp lửa bập bùng, người người lại có cảm giác như đang miên man cùng huyền thoại dã quỳ.

Hoa dã quỳ là tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt và một tình yêu chung thủy. Sự tích về loài hoa màu vàng rực trong sắc nắng. Không thơm như hoa sen, hoa hồng hay nhẹ nhàng, tinh khôi như hoa loa kèn. Loài hoa này gắn với câu chuyện tình buồn giữa chàng K’lang và nàng H’limh xinh đẹp. Truyền thuyết được các già làng kể rằng, ngày xửa ngày xưa, nơi buôn làng nọ có chàng trai tên là K'Lang đem lòng yêu thương nàng H'Limh. Họ đang hướng tới ước mơ cháy bỏng đó bên bếp lửa hồng hằng đêm quây quần múa hát cùng dân làng. Nhưng rồi, thuở ấy, trời làm hạn hán gay gắt, vạn vật héo khô. Chàng trai sức khỏe như voi, cái nghĩ trong như nước suối, cái bụng thẳng như cây rừng, vì thương dân làng nên quyết ra đi tìm nguồn nước. Chàng từ biệt người yêu bên bờ một con suối cạn rồi cứ nhằm những ngọn núi sương mù bao phủ phía dãy Thiên Đường mà đi, hy vọng nơi có sương mù sẽ là nơi có nước. 

Trên đỉnh núi hoa vàng -0
Chư Đang Ya được công nhận là một trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới, do tạp chí TIME của Anh bình chọn năm 2018.

Bao mùa trăng đi qua, cô gái ra ngồi bên bờ suối cạn ngóng tin người yêu, nhưng đáp lại chỉ có tiếng hú của đại ngàn. Đến một ngày kia, chờ mãi mà không thấy bóng dáng K'Lang trở về, nàng H’Limh quyết định rời buôn làng đi tìm người yêu. Nàng đi ngày đêm qua bao nhiêu con suối, ngọn núi... mùa giá rét căm căm khi trời lập đông trên vùng cao nguyên làm cho nàng H'Limh thêm lạnh lẽo hiu quạnh và cô đơn tuyệt vọng. Ngày qua ngày, vượt qua bao ghềnh thác, đến được những ngọn núi trên dãy Thiên Đường thì H’Limh kiệt sức. Nơi cô gái nằm xuống mọc lên loài cây lạ, trổ hoa vàng rực, người đời sau gọi là hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ tượng trưng cho ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh, sức sống mãnh liệt, tình yêu thủy chung son sắt của con người cao nguyên. 

Từ đó, cứ độ tháng 11, nơi nàng H'Limh nằm lại đã nở một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ. Truyền thuyết để lại cho đến ngày nay người cao nguyên gọi là hoa dã quỳ. Dã có nghĩa là hoang dã, quỳ có nghĩa là quỳ gục xuống. Dã quỳ có nghĩa là chết trong rừng hoang.

Trên đỉnh núi hoa vàng -0
Hoạt động nghệ thuật tại Lễ hội hoa dã quỳ 2024.

Cây hoa dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh. Những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy của nàng H'linh. Dã quỳ mọc nhiều ven hai bên đường đi, đó là thế giới của loài hoa này. Những sắc vàng óng chiếm lấy cảm tình của những người từng đặt chân đến miền cao nguyên đầy nắng gió và cả những phóng khoáng vùng đất đỏ bazan này. Vào mùa khô, trăm loài cỏ cây khát cháy, duy chỉ có dã quỳ vẫn bền bỉ trổ hoa. Sắc vàng óng ả như bung ra từ bản năng sức sống tiềm tàng.

Và, ở Gia Lai, có một ngọn núi lửa đã tắt mỗi năm bừng rực dã quỳ vàng cả đất trời. Nơi ấy được chọn làm địa điểm để tổ chức lễ hội hoa dã quỳ hằng năm, thu hút rất đông người đến thăm. Mùa hoa dã quỳ thường kéo dài khoảng một tháng và đẹp nhất vào giữa tháng 11. Thời điểm bình minh ló dạng, sương vẫn còn đọng trên lá cũng chính là khoảnh khắc tuyệt vời để ngắm hoa. 

Mùa hoa trên đỉnh núi

Đến hẹn lại lên, cứ vào những ngày cuối năm, hoa dã quỳ đồng loạt nở rộ khắp Tây Nguyên nói chung và núi lửa Chư Đăng Ya trên cao nguyên Gia Lai. Màu vàng của loài hoa này như một dải lụa óng ả phủ khắp ngọn núi đã ngủ yên hàng triệu năm trên cao nguyên Gia Lai như báo hiệu một mùa mới bắt đầu - mùa nắng lạnh. Cao nguyên Gia Lai thời điểm này được bao phủ bởi tiết trời hanh, khô, lạnh đã tạo điều kiện cho nhiều loài hoa vươn mình trong nắng. Đó không chỉ là mùa đẹp nhất, lãng mạn nhất trong năm nhờ nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc mà còn là mùa Gia Lai có rất nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như: Biển Hồ nước, núi Hàm Rồng, đập Tân Sơn, núi lửa Chư Đăng Ya.

Mùa này hoa dã quỳ đang nhuộm vàng những cung đường ở Gia Lai trên tiết trời se lạnh. Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2024, trọng tâm của chuỗi sự kiện tập trung từ ngày 8 đến 10/11 với văn hóa, ẩm thực đặc trưng. Cùng với đó, tại sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya) cũng diễn ra lễ trao nhận kỷ lục Việt Nam cho màn đồng diễn cồng chiêng có số lượng người tham gia đông nhất đang mang đến cho nhiều người đến đây những trải nghiệm thú vị.

Nhìn từ trên cao, núi lửa Chư Đăng Ya như một lòng chảo khổng lồ. Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú, lý tưởng để phát triển nông nghiệp. Nhằm khai thác tiềm năng du lịch của núi lửa vào mùa dã quỳ nở, từ năm 2017, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Leo núi Chư Đăng Ya; lượn dù quanh núi lửa; tham quan trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân bản địa; mua sắm đặc sản địa phương; thưởng thức các hoạt động nghệ thuật mang đậm chất Tây Nguyên...

Trên đỉnh núi hoa vàng -0
Lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát khu vực diễn ra lễ hội.

Với những du khách thích khám phá, đây cũng chính là dịp để nghiên cứu, tìm hiểu sâu về không gian văn hóa cồng chiêng, các loại hình nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm... của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Đây là sự kiện nổi bật tôn vinh giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất Bắc Tây Nguyên đầy nắng và gió, một trong những lễ hội được chờ đợi nhất năm của du khách và người dân phố núi. 

Với chủ đề “Vũ khúc dã quỳ - Chư Đang Ya năm 2024”, tỉnh Gia Lai tiếp tục giới thiệu hình ảnh hoa dã quỳ gắn với núi lửa Chư Đang Ya đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) bình chọn “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai”, trong đó miệng núi lửa Chư Đang Ya được công nhận là một trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới, do Tạp chí Time của Anh bình chọn năm 2018. Các hoạt động diễn ra cùng lúc tại nhiều địa điểm ở xã Nghĩa Hưng, khu Biển Hồ Pleiku và khu vực Chư Păh, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm cảnh sắc Gia Lai và tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm độc đáo, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Đến với lễ hội, du khách không chỉ được ngắm một trong những ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới, thắng cảnh nổi bật của du lịch Gia Lai, mà còn được hòa mình vào không khí lễ hội, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc, xem nghệ nhân trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc và hướng dẫn du khách trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân gian tại lễ hội như múa sạp dân gian, tham gia hội thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya, trình diễn cồng chiêng, phục dựng nghi lễ mừng lúa mới, dệt thổ cẩm truyền thống, tạc tượng, giã gạo chày đôi.

Trên đỉnh núi hoa vàng -0
Thiếu nữ cao nguyên bên hoa dã quỳ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trưởng ban tổ chức Tuần lễ hoa cho biết, lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya được duy trì trong những năm qua đã góp phần tạo nên thương hiệu du lịch cho tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Chư Păh nói riêng. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, nội dung phong phú, hấp dẫn, Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Hoa dã quỳ ở Chư Đăng Ya có màu rực rỡ và tàn muộn hơn so với nhiều nơi khác. Trải dài miên man từ hai bên đường đến chân đồi, tới miệng núi lửa, tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên Chư Đăng Ya thêm ấn tượng hơn. Qua trăm ngàn mùa hoa, cuộc sống người dân dưới chân núi lửa ấy dù đã đổi mới hoàn toàn, nhưng chiếc gùi ấy, màu thổ cẩm ấy và nhất là sắc hoa dã quỳ rực rỡ trên những cung đường đèo hút gió... mãi mãi mang vẻ đẹp và ý nghĩa như một thông điệp vĩnh hằng của vùng “đất thiêng” mà không phải nơi nào cũng có được.

Tiêu Dao
.
.