Trên một triền rừng hữu nghị

Thứ Ba, 17/08/2021, 09:16

Qua gần 45 năm đã từng bị coi là tuyệt chủng trên trái đất, năm 2002, nhân loại hào hứng với thông tin ghi nhận được sự xuất hiện trở lại của một đàn vượn có đặc điểm thuộc loài vượn Mào đen phương Đông ở vùng rừng biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và hạt Bang Lượng, địa khu Tĩnh Tây, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc...

Qua gần 20 năm bảo tồn trong những vạt rừng bị chia cắt thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao-vít Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và vùng rừng liền kề thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bang Lượng, Trung Quốc, quần thể thuộc loài vượn Mào đen này đã phát triển lên đến 18 đàn với gần 130 cá thể.

Ở nơi rừng có tiếng chim kêu, vượn hót

Và tất nhiên, những cư dân đặc biệt này cũng mang 2 quốc tịch, lúc sống ở Trung Quốc, khi lại kéo đàn về Việt Nam, tự do qua lại biên giới mà không cần giấy thông hành. Cũng chính nhờ có loài linh trưởng đáng yêu này mà hoạt động phối hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ rừng và loài vượn quý giữa các ban, ngành chức năng của huyện Trùng Khánh và địa khu Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc cũng gắn bó mật thiết hơn. Vì thế mà vượn Cao-vít cũng có thêm cái tên là “vượn sứ giả hữu nghị” hay “ca sĩ opera của giới động vật”.

Trên một triền rừng hữu nghị -0
 Hội đàm bên cột mốc.

Trên đường đến Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao-vít, chúng tôi dừng chân trên một đỉnh đèo. Phóng tầm mắt nhìn ra xa, thung lũng Ngọc Côn - Phong Nặm đẹp như một bức họa sơn thủy hữu tình. Từ Ngọc Côn, sông Quây Sơn “vượt biên” chảy vào lãnh thổ Việt Nam rồi uốn lượn qua núi Lũng An, núi Lũng Khuốt, Lũng Qua, Lũng Thoang, Pò Dao, Tôm Đeng... gom nước đổ dạt dào nơi thác tiên Bản Giốc, tạo nên những xóm núi lẩn khuất trong mây và những cánh đồng thơm hương nếp mới. Bên dòng nước lành và giữa thung mây ấy, cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Nùng đã bao đời sống gắn bó bên nhau, trở thành “phên giậu” nơi địa đầu hiểm yếu.

Tiếng chim vọng lại từ ngọn cây sau sau lá đỏ, cậu lính nghĩa vụ của Đồn Biên phòng Ngọc Côn còn rất trẻ người Tày nhanh miệng bảo: “Chim khó khăn khắc phục” đấy thủ trưởng ạ! Người Tày quê em mỗi sáng sớm nghe tiếng chim kêu mà trở dậy lên nương, vào rừng. Chim cứ nhắc mãi “khó khăn, khắc phục” nên dân bản không ai lười được đâu”. Thì ra cái “phương pháp luận” của đồng bào vùng biên nó giản dị mà cũng đầy biến ảo là thế. Giống như cái tên loài vượn mào đen phương Đông vậy. Chỉ đơn giản là bởi tiếng hót “cao... vít, huýt... cao... vít, huýt... huýt...” rất trong, rất vang của nó cứ luồn qua lá rừng, hòa theo tiếng suối mà đến khắp bản trên, xóm dưới, nên đồng bào Tày ở đây gọi nó là vượn Cao-vít, mà thành nổi danh bốn biển năm châu với cái tên reo vui như tiếng hót.

Nhìn tôi từ đầu đến chân, anh Nông Văn Tạo, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn cười bảo, sức nữ đồng chí này không đi vào rừng tìm vượn được đâu, ở đây có hình quay của anh em tuần rừng vừa mới mang về, mời các đồng chí cùng xem. Hóa ra anh Tạo không hề nói đùa, nhìn những thước phim điền dã được quay bằng camera cầm tay, tôi cũng phát hoảng với bước chân loang loáng của đội tuần rừng đạp trên những vạt đá sắc mỏng. Đây là vùng núi đá Karst lớn nhất thế giới, trải qua sự bào mòn của triệu triệu kỷ nguyên đã khiến cho địa hình vô cùng cheo leo, hiểm trở, mỗi mũi đá đều sắc mỏng như dao. Ấy là còn chưa kể cây bụi ẩm ướt, trơn trượt và các loài vật có độc ẩn mình dưới tầng lá mục. Hệ sinh thái Karster ở miền rừng này cũng được các nhà khoa học đánh giá là hết sức độc đáo và đa dạng.

Trên một triền rừng hữu nghị -0

Học sinh xã Phong Nặm vẽ tranh về vượn Cao-vít. 

“Chính dãy núi nhấp nhô này đã trở thành con tàu Noah trên hành trình hồi sinh của loài vượn quý” - anh Dương Giang, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên vượn Cao-vít phương Đông Bang Lượng hào hứng trả lời chúng tôi như vậy qua cuộc gọi ứng dụng Wechat. Anh cũng lấy làm tiếc là do dịch bệnh nên công tác hội đàm, gặp gỡ giữa ban quản lý của hai địa phương có phần hạn chế. Song, hai bên vẫn thường xuyên thông tin về di biến động của các đàn vượn trên khu vực rừng mà mình quản lý. Dương Giang cho biết thêm, số lượng vượn Cao-vít ở Trung Quốc hiện còn ít hơn cả loại gấu trúc, do 2/3 số đàn đã lựa chọn Việt Nam là quê hương. “Chúng tôi rất tích cực trao đổi thông tin bảo tồn, bàn thảo biện pháp bảo tồn và thực hiện chung sức bảo tồn. Tình cảm giữa những cán bộ làm công tác bảo tồn Việt Nam - Trung Quốc rất hữu hảo” - Dương Giang khẳng định.

Những sứ giả của thiên nhiên

Sau cuộc điện thoại, anh Nông Văn Tạo cho chúng tôi biết, kể từ năm 2007, với sự vào cuộc trách nhiệm của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cùng chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc, dự án trao đổi, hợp tác giữa hai nước trong việc bảo tồn loài và khu sinh cảnh vượn Cao-vít đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Đến tháng 9-2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng và Sở Lâm nghiệp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, bảo tồn xuyên biên giới loài và khu vực sinh cảnh vượn Cao-vít phương Đông.

Trên một triền rừng hữu nghị -0

Trao tặng phẩm cho những cá nhân có thành tích trong tìm hiểu, bảo vệ vượn Cao-vít của xã Phong Nặm.

Theo thỏa thuận, kiểm lâm hai nước mỗi năm giao ban 4 lần, thiết lập đường dây nóng để thường xuyên liên lạc, trao đổi những vấn đề nảy sinh trong công tác bảo vệ vượn và vùng sinh cảnh của chúng. Chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác được lãnh đạo khu bảo tồn của hai nước luân phiên chủ trì. Mỗi năm 2 lần, hai khu bảo tồn sẽ tổ chức “Hội đàm cột mốc” tại khu vực mốc quốc giới số 778 và 784 để giao lưu, nhân viên đội bảo vệ rừng của hai nước thành lập một đội tuần tra chung và thường xuyên tổ chức tuần tra để tăng cường độ ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Họ cũng thường xuyên đến giao lưu, thăm hỏi và chia sẻ khó khăn vất vả suốt những năm tháng gắn bó với vượn và rừng biên giới.

Hai bên đồng thuận cao trong việc cùng hỗ trợ những “sứ giả hữu nghị” này, tạo điều kiện tối đa để chúng có thể qua lại biên giới tự do, an toàn và trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc. Vậy là nhiều đàn vượn cứ việc ung dung tối ngủ ở Trung Quốc, sáng về Việt Nam kiếm ăn, chơi đùa rồi tối lại về Trung Quốc. “Lộ trình” xuất, nhập cảnh và sự an toàn của chúng đã có những người lính biên phòng và cán bộ kiểm lâm hai nước đảm nhiệm.

Và xứng đáng với tên gọi “sứ giả” của mình, loài vượn Cao-vít đã xe duyên cho những con người yêu thiên nhiên, tôn trọng đa dạng sinh thái và xả thân bảo vệ các loài linh trưởng của hai nước Việt - Trung, tạo nên nhiều tình bạn đẹp. Anh Nông Văn Tạo thì đã thành thói quen, thường xuyên điện đàm với anh Dương Giang, quá nửa cuộc gọi là nói chuyện “hươu vượn” theo đúng nghĩa đen. Còn anh Lã Quang Trung, người có hàng chục năm tham gia dự án bảo tồn vượn Cao-vít thì đã vô cùng thân thiết với tiến sĩ Mã Trường Dũng, giảng viên Trường Đại học Cao Sơn. Còn đồng bào Tày, Nùng ở các xã Phong Nặm, Ngọc Côn, Ngọc Chung của Việt Nam cũng nhờ vượn mà thân thiết hơn với đồng bào dân tộc Choang ở bên kia biên giới.

Trên một triền rừng hữu nghị -0
 Người dân nơi biên giới ký cam kết bảo vệ vượn Cao-vít.

Sau 14 năm triển khai hành động bảo tồn liên hợp, những khu rừng bị phá hủy của vùng biên giới Trùng Khánh - Bằng Lượng tràn đầy sức sống và hệ động, thực vật nơi đây đã phong phú hơn rất nhiều. Lực lượng kiểm lâm và đội ngũ trợ lý dự án của FFI đã cùng nhau tìm hiểu những loại cây phù hợp làm thức ăn và nơi trú ngụ cho đàn vượn và tiến hành ươm giống cây con và trồng xen dưới tán rừng tự nhiên gần 1 vạn cây giống thuộc 40 loài. Các hộ dân biên giới cũng được tạo điều kiện tham gia trồng rừng để có thêm thu nhập và hiểu biết nhiều hơn về những “người bạn” đáng yêu đang chia sẻ thiên nhiên tươi đẹp cùng với mình.

Trên một triền rừng hữu nghị -0

Vượn Cao-vít, một trong những loài linh trưởng hiếm nhất trên thế giới, tại khu rừng Trùng Khánh. (Ảnh do Tổ chức FFI cung cấp).

Hoạt động bảo tồn liên hợp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đạt được những kết quả đáng trân trọng và trở thành điển hình hiếm thấy trên thế giới. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng vào tháng 5-2021, ông Josh Kempinski - Giám đốc quốc gia Tổ chức FFI Chương trình Việt Nam khẳng định, kể từ khi FFI tham gia bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này đã luôn nhận được sự quan tâm, hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và Trung Quốc. Sự phối hợp tuyệt vời của chính phủ và lực lượng chức năng hai nước đã trở thành tấm gương cho công tác bảo tồn động thực vật xuyên quốc gia.

Ngước mắt nhìn lên thấy non xanh ngàn tuổi không già, tiếng hót của loài vượn quý cứ thoắt gần, thoắt xa như chơi trò đuổi bắt. Và thấm thía, rằng trái đất không nên chỉ là quê nhà của con người mà phải là quê nhà của muôn loài.

Đặng Tuệ Lâm
.
.