Trở về từ “địa ngục”

Chủ Nhật, 15/09/2024, 20:54

Thời gian vừa qua, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cảnh sát Vương quốc Campuchia giải cứu nhiều nạn nhân bị “sa bẫy” của bọn buôn người dưới thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”.

Hầu hết những nạn nhân này khi ra đi đều mang ước mơ đổi đời, nhưng thực tế đã bị các tổ chức tội phạm do người mang quốc tịch Trung Quốc giam cầm để buộc phải phục vụ các hoạt động lừa đảo và một số loại hình tội phạm khác. Hàng ngày nếu không lừa được đủ số tiền mà bọn tội phạm bắt buộc, nạn nhân lập tức bị đưa vào phòng kín đánh đập, tra tấn không thương tiếc. Trường hợp nạn nhân trong thời gian dài không đáp ứng yêu cầu của chúng hoặc có ý định bỏ trốn sẽ lập tức bị các đối tượng hoạt động tội phạm bắt cởi trần truồng rồi đánh đập, quay phim gửi về cho gia đình nạn nhân yêu cầu gửi tiền chuộc thân, thậm chí có những nạn nhân nữ dưới 17 tuổi ngoài bắt cởi hết quần áo còn bị ép quan hệ tình dục thì mới được thả về.

Trở về từ “địa ngục” -0
Nạn nhân L. trình báo quá trình mình bị lừa bán sang nước ngoài và bị buộc thực hiện hoạt động lừa đảo

Bị lột quần áo và đánh đập

Theo lời kể của anh G.M.Đ, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, sau khi bị mất việc làm trong một xưởng sản xuất do thiếu đơn hàng, đầu năm 2024, anh tìm đến nhiều công ty, nhà máy khác gửi đơn xin việc nhưng không được nơi nào tiếp nhận do có cùng khó khăn tương tự. Đang trong lúc bế tắc nhất, lướt mạng xã hội, anh phát hiện có một trang đăng tin tuyển người làm việc ở nước ngoài không đòi hỏi trình độ với mức lương dao động từ 1.000- 2.000USD/ tháng, lại còn được bao ăn, ở. Như người sắp chết đuối nước vớ được cọc, anh Đ. lập tức liên hệ và được một cô gái tên Linh hứa sẽ đáp ứng việc làm, lương bổng và chế độ đãi ngộ đúng như quảng cáo.

Không chút đắn do, anh Đ. lập tức mang chiếc xe gắn máy là tài sản đáng giá duy nhất cầm cố được 3 triệu đồng làm lộ phí rồi lập tức lên đường. Đến một quán nước gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, anh được một người đàn ông trung niên chạy xe ôm chờ sẵn chở đến một căn chòi lá nằm giữa cánh đồng biên giới. Tại đây, người này gọi điện thoại liên lạc và đến khi trời nhá nhem tối thì dắt anh Đ. ra sát đường phân định biên giới bảo anh chạy nhanh qua bên kia. Vừa đến nơi anh Đ. đã được hai người thu điện thoại trước rồi chở đến nhốt vào phòng kín của một căn nhà cao tầng ở thành phố Ba Vét tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia; bên ngoài luôn thường trực 3-4 bảo vệ mặt mày hung tợn canh gác. Sáng hôm sau, anh Đ. được áp giải đến một phòng kín khác để cùng một số thanh niên người Việt Nam khác làm quen với các thao tác trên máy tính, iPad và điện thoại di động và đến ngày hôm sau thì bị buộc phải thực hiện các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội như đầu tư tài chính lợi nhuận cao, chơi game trúng thưởng, mua hàng để được hoàn tiền. Đặc biệt khi nạn nhân phát hiện mình bị lừa và muốn đòi tiền lại thì phải tìm cách dụ dỗ người này đi lừa người khác để được hoàn trả, nếu lôi kéo thêm được nhiều người khác thực hiện hoạt động lừa đảo thì còn được nhận hoa hồng cao…

Trở về từ “địa ngục” -0
Nạn nhân Đ. trình báo hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm buôn người

Cũng theo anh Đ, thấy việc làm này mất hết đạo đức, anh quyết định cự tuyệt, nhưng ngay sau đó giới chủ đã sai bảo vệ nhốt vào căn phòng nhỏ không cho ăn uống, đồng thời mỗi ngày thực hiện hàng chục lần tra tấn, đánh đập. Nhìn ra ngoài thì thấy xung quanh đều có hàng rào bằng thép vây kín nên không muốn phải chịu những trận đòn tàn nhẫn, anh cắn răng làm điều sai trái với lương tâm rồi chờ thời cơ trốn ra khỏi cái địa ngục trần gian này. Tuy nhiên, sau nhiều tháng kiên trì mà không tìm thấy cơ hội, trong khi các đối tượng hoạt động phạm tội cứ liên tục bắt ép phải giăng bẫy lừa chính bạn bè, người thân của mình, cuối cùng anh đành cắn răng liên hệ với gia đình mang thế chấp căn nhà cấp 4 lấy 3.000 USD để chuộc thân. Một quyết định sai lầm mà phải cay đắng gánh món nợ không biết bao giờ mới trả nổi, anh Đ. quyết tâm vạch mặt đám buôn người để cảnh báo cho người khác không bị rơi vào cái bẫy này, đồng thời giải cứu những người Việt Nam khác còn đang mắc kẹt trong cái địa ngục do bọn buôn người tạo ra ở bên kia biên giới. Khi được Bộ đội Biên phòng và Công an cửa khẩu Mộc Bài hỏi chuyện, anh lập tức cung cấp mọi thông tin về các đối tượng tội phạm. Cũng chính từ thông tin trình báo của anh Đ. và một số người khác, đến cuối tháng 7/2024, Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh đã xác định Phạm Thị Kim Anh, sinh năm 2003 tại tỉnh Đồng Nai là một mắt xích quan trọng của một đường dây mua bán người xuyên biên giới và đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp khi cô ta chuẩn bị xuất cảnh. Ngoài ra còn nhờ Cảnh sát nước bạn giải cứu thành công nhiều người khác.

Không được may mắn như anh Đ, anh Nam đã bị tra tấn như thời trung cổ. Theo lời kể của anh Nam, anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bạc Liêu. Nhà không có ruộng đất nên từ nhỏ anh đã theo cha mẹ đi cày thuê cuốc mướm kiếm gạo nuôi thân. Tháng 4/2024, anh được một người bạn bỏ nhỏ rằng có một công ty ở Thái Lan đang muốn tuyển công nhân tự do với mức lương từ 20-25 triệu đồng/tháng chưa tính tiền ăn, ở; nếu muốn đi làm thì người bạn sẽ giới thiệu cho. Quanh năm, suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn thiếu trước, hụt sau, anh Nam nghĩ đây chắc chắn là cơ hội để mình có cuộc sống tươi mới nên lập tức đồng ý rồi vay tiền chòm xóm để sáng hôm sau bắt xe khách đến khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Tại đây, người bạn nói với Nam rằng tạm thời sang Campuchia trước, sau đó sẽ được chuyển tiếp đến Thái Lan rồi giao anh cho một người khác đưa vượt biên bằng xuồng máy.

Vừa cập bến trên đất Campuchia, anh Nam tiếp tục được đưa lên chiếc xe 16 chỗ ngồi có sẵn gần chục thanh niên nam nữ khác chở thẳng đến thành phố Ba Vét. Khi xe vừa đi vào trong căn hầm của một tòa nhà cao tầng, tất cả các cánh cửa sắt lập tức đóng sầm lại, ngay sau đó là hàng chục thanh niên mặt mày dữ tợn, tay lăm lăm dùi cui điện mở cửa buộc Nam và những người khác đi vào căn phòng ở tầng cao nhất. Sau khi ném cho mỗi người một chai nước cùng ¼ ổ bánh mì không, những thanh niên mặt mày dữ tợn ấy lập tức khóa chặt cánh cửa sắt rồi gằn giọng: “Ngoan ngoãn ở đó đi, nếu la hét hay quậy phá thì không ai đảm bảo mạng sống cho chúng mày đâu…”.

Trở về từ “địa ngục” -0
Lực lượng Công an và Biên phòng tỉnh Tây Ninh Tiếp nhận 18 nạn nhân của nạn buôn người trở về nước vào ngày 11/9/2024

Sau khi hướng dẫn thao tác trên các thiết bị điện tử, sáng sớm ngày thứ 3, Nam cùng những thanh niên cùng đi được đưa đến căn phòng được lắp đặt nhiều máy tính để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Bức xúc vì bị lừa, Nam cùng một vài người khác lên tiếng phản đối thì lập tức bị hơn chục bảo vệ dùng dùi cui điện và hung khí đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Để bảo vệ mạng sống của mình, mọi người đành phải cắn răng làm theo những chiêu trò lừa đảo mà đám buôn người lập trình sẵn. Hai ngày trôi qua không thực hiện được phi vụ nào, cả nhóm của Nam đã bị đám bảo vệ nhốt vào phòng, cho nhịn đói và bắt cởi trần truồng để chúng đánh đập, quay phim rồi buộc phải tìm cách lừa bạn bè, bà con chòm xóm và người thân.

“Do em và một số người đi cùng đều là dân làm thuê làm mướn, không được học hành cao khiến khả năng thao tác trên máy tính, điện thoại di động kém nên những trận đòn roi dường như trút lên đầu hàng ngày. Đau đớn là vậy nhưng nhà mình đâu có ruộng đất mà đem cầm cố để chuộc thân, khiến tinh thần em hoàn toàn suy sụp, nhiều lúc nghĩ chết quách cho xong. Đang lúc tuyệt vọng nhất thì Cảnh sát Campuchia ập vào đưa tất cả đến trụ sở cho ăn uống, thay quần áo mới, lấy lời khai rồi đưa đến cửa khẩu giao lại cho Công an, Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Thoát khỏi cái địa ngục ấy và được trở về đất nước mình, em mừng như được tái sinh…”, Nam kể câu chuyện cay đắng sau khi được giải cứu, đưa về nước vào ngày 11/9/2024 tại cửa khẩu Mộc Bài.

Muốn về phải cởi đồ quay phim, quan hệ tình dục

Trường hợp em H.T.M.L, sinh năm 2008 ở tỉnh Bình Dương mới thật đau lòng. Là bạn thân thiết từ nhỏ nên khi Đới Thị Yến Linh bỏ nhỏ vào tai rằng sẽ giới thiệu cho việc làm tốt có thu nhập cao ở nước ngoài thì L. lập tức đồng ý. Đầu tháng 4/2024, sau khi theo chân Linh đến khu rừng tràm gần cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, L. được một người đàn ông chạy xe ôm chở theo đường ruộng vượt biên sang Campuchia và điểm dừng chân cuối cùng là một căn hộ giống như chuồng cọp ở khu Venus, thành phố Ba Vét. Sau khi hướng dẫn sử dụng máy tính, lập các trang ảo trên mạng xã hội, L. được nhốt chung phòng với nhiều cô gái khác, trong đó có không ít người là dưới 17 tuổi và hàng ngày phải tập trung từ 16-18 tiếng vào việc phát tán thông tin để lừa đảo những người ở trong nước, đặc biệt là phải lừa chính những người ruột thịt trong gia đình, dòng họ…

Trở về từ “địa ngục” -0
Một nạn nhân bị băng nhóm buôn người lột hết quần áo rồi tra tấn không thương tiếc

Cũng theo lời kể của L, những ngày lừa được lượng tiền theo đúng yêu cầu mà quản lý đề ra thì mới được ngủ, nghỉ, ăn uống, tắm giặt, còn nếu không thì lập tức bị bảo vệ cho ăn đòn, roi, thậm chí dùng cả roi điện chích bầm tím hết cả người. Tất cả những cô gái bị nhốt ở đây thường xuyên bị quản lý, bảo vệ cưỡng bức, xâm hại tình dục nhưng không dám phản kháng vì còn phải bảo vệ mạng sống của mình. "Ngoài việc thường xuyên bị quấy rối tình dục, có lần hai người đàn ông là quản lý dẫn em xuống phòng, bảo em nếu muốn về nước phải cởi đồ ra quay phim và quan hệ tình dục thì mới cho mượn điện thoại để nhắn bố mẹ chuộc về. Em phản đối liền bị  đánh đòn cho đến khi có người quen đến xin, chúng mới chịu tha nhưng vẫn dằn mặt rằng hãy liệu hồn chứ lần sau thì không ai xin được đâu…", nạn nhân kể.

Ngay sau khi được giải cứu đưa về nước, L. lập tức tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Linh và đồng bọn với cơ quan Công an và Bộ đội Biên phòng và đến ngày 27/7/2024, sau khi xác định Đới Thị Yến Linh có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện lệnh giữ bắt giữ khẩn cấp đối với Linh.

Đức Cương
.
.