Trọn vẹn màu áo trắng thiện lương

Thứ Năm, 24/02/2022, 20:50

Những ngày dịch bệnh đỉnh điểm, tất cả họ đều xung phong vào điểm “nóng”. Người không giành được suất đi sẽ ở lại bảo vệ “lõi xanh”, gánh vác phần công việc cho đồng đội đi bệnh viện dã chiến. Gom nỗi nhớ cha mẹ già, con thơ góp thành sức mạnh, quyết tâm đánh đuổi dịch bệnh...

1. Thành phố Hồ Chí Minh những ngày này đang dần hồi sinh sau đại dịch, lực lượng y tế xung kích ngày nào cũng đã trở về nhịp sống bình thường mới. Và, hôm nay, tôi gặp lại họ, những chiến binh blouse trắng đã nở nụ cười sau lớp khẩu trang, lòng đã dịu trước những buồn thương của ngày hôm qua.Tất cả đều nói với tôi rằng, đó là khoảng thời gian bi tráng nhất của đời người.

Những ngày tháng 7-2021, TP Hồ Chí Minh bước vào cao trào chống dịch, các bệnh viện dã chiến thành lập đồng nghĩa với việc huy động một lực lượng y tế hùng hậu từ các bệnh viện đóng trên địa bàn. 18 điều dưỡng tại Khoa Điều trị cán bộ cao cấp của Bệnh viện Thống nhất đồng loạt xung phong “ra trận” ngay từ đợt đầu.

Để bảo vệ bản thân an toàn nhất cho ngày đi dã chiến, điều dưỡng trưởng Nguyễn Trọng Cường không dám ra ngoài cắt tóc, anh nhờ mẹ vợ và vợ “gọt” đầu trọc lốc để sẵn sàng xung kích. Tuy nhiên, sát giờ “G”, cấp trên thông báo anh không được đi dã chiến mà phải ở lại bảo vệ “lõi xanh”, là Khoa Điều trị cán bộ cao cấp của bệnh viện. Nơi này, những tháng ngày dịch giã khốc liệt, tình thế căng như dây đàn, quân số còn lại của khoa rất mỏng nhưng phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là vừa bảo đảm thông suốt, liên tục và an toàn trong việc khám và điều trị cho cán bộ cao cấp khu vực phía Nam và nhân dân mắc bệnh mãn tính, nan y, hiểm nghèo vừa chạy đua với cuộc chiến bao phủ vaccine cho toàn thành phố.

Trọn vẹn màu áo trắng thiện lương -0
Bác sĩ Trần Thanh Bình tất bật với chồng bệnh án.

Cũng như anh Cường, những ngày ấy, cô điều dưỡng nhỏ nhắn, mảnh mai Trần Thị Thu Trang làm việc với 200% sức lực, đi tiêm vaccine hết khu phố này lại tới điểm trường khác, đi cho đến ngày tận cùng của năm cũ. Hai đứa con bé nhỏ dưới Bến Tre mấy tháng trời mẹ không về thăm, chúng nhớ như ngây như dại.     

Như lời tâm sự của PGS, TS, bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống nhất, đó là khoảng thời gian lực lượng y tế làm việc không có phút giây ngơi nghỉ, không một ai có được giấc ngủ trọn vẹn nhưng không một lời than thở. 

Thầy thuốc nhân dân, GS, TS, bác sĩ Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam, không là chiến binh dã chiến nhưng ông có mặt xuyên suốt trong “chảo lửa” tâm dịch, trực tiếp tham gia tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 và cùng đồng nghiệp tận tụy cứu chữa người bệnh. Nói về hy sinh vất vả của lực lượng y tế, có lẽ chẳng có ngôn từ nào tả xiết. Lời của GS Công gửi qua những vần thơ nghẹn ngào: “Mỗi đêm về lại nhớ con da diết/ Qua online nước mắt lệ nhòa/ Vì mọi người mẹ phải tạm xa/ Con ngoan nhé hiểu cho lòng mẹ/ Cha mất rồi mà con không thể/ Về chịu tang ơn nghĩa sinh thành/ Kiếp con người sao bé nhỏ mong manh/ Tha lỗi cho con, cha ơi... nghẹn đắng...”.

Trọn vẹn màu áo trắng thiện lương -0
Dù ở mặt trận nào thì Giáo sư Nguyễn Đức Công cũng tận tụy với nghề y.

2. Trong đoàn quân “áo trắng” đi bệnh viện dã chiến có ThS, bác sĩ Trần Thanh Bình, Khoa Điều trị cán bộ cao cấp Bệnh viện Thống nhất. Bác sĩ Bình có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 8 do Bệnh viện Bình dân và Bệnh viện Thống nhất phụ trách, đóng trên địa bàn TP Thủ Đức. Mỗi ngày, từ trên lầu 3 của bệnh viện nhìn qua khung cửa sổ, bác sĩ Bình đều thấy cảnh những đoàn xe cứu thương, xe ô tô chở đoàn người áo xanh dừng lại nơi cửa tiếp đón, họ là những bệnh nhân từ khắp nơi trong thành phố được đưa về điều trị, người già có, trẻ em có, những mặt người rệu rã khuất sau lớp khẩu trang và đồ bảo hộ. Con số không ngừng tăng lên trong khoảng thời gian “đỉnh dịch”. 700 nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 8 có thời điểm điều trị chăm sóc trên 4.000 bệnh nhân.

Ngày mới vận hành, bệnh viện còn thiếu thốn trang thiết bị, máy móc và cả con người. Khu hồi sức do Bệnh viện Thống nhất phụ trách có sức chứa 50 giường nhưng chỉ có 20 chiếc giường được kê, còn lại là ghế bố. Những ca trực hồi sức của bác sĩ Bình chưa bao giờ dễ thở.Mỗi ngày, bệnh nhân hồi sức tăng cao, ê-kíp trực phải làm việc bằng 200% sức lực của mình.Sự sống và cái chết ở phòng hồi sức, đặc biệt là hồi sức COVID- 19 mỏng manh như sương khói. Nó ám ảnh vào trong ánh mắt, trong trái tim và sâu thẳm ký ức của người bác sĩ.

Phòng hồi sức được ví như đường đua nghiệt ngã của số phận con người, ở đó, người chạy đua chính là bác sĩ. Giai đoạn đầu, mỗi kíp trực tại phòng hồi sức Bệnh viện Thống nhất phụ trách chỉ có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, sau này tăng lên 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng liên tục “gánh” trên vai 50 bệnh nhân nặng. Đều đặn 2 giờ sáng, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ cũng là lúc bác sĩ Bình đi nhận tua, anh đi về phía ánh đèn sáng rực của phòng hồi sức, ở đó chỉ có tiếng máy thở đều, dồn dập, lòng luôn thổn thức bởi thực tại quá khốc liệt.

Trọn vẹn màu áo trắng thiện lương -0
Các điều dưỡng Trần Thị Thu Trang và Lê Thị Nhung trở lại công việc quen thuộc sau những ngày lao vào cuộc chiến chống dịch.

Vượt qua tất cả thiếu thốn về trang thiết bị, khó khăn về con người, bác sĩ hồi sức phải tận dụng triệt để từng khoảnh khắc để cứu chữa, giành giật sự sống về cho bệnh nhân. Bác sĩ Bình bảo rằng, suốt kíp trực 6 tiếng ở phòng hồi sức, anh quay mình như chong chóng, hết bóp bóng lại mở nội khí quản, ép tim, sốc điện, anh trải mình trong từng hơi thở của bệnh nhân, nhen nhóm niềm vui khi bệnh nhân hồi tỉnh nhưng nhiều lúc bất lực, tuyệt vọng khi phải “buông tay” một người. Xong ca trực trở về phòng thay tấm áo bảo hộ mới thấy toàn cơ thể mồ hôi như tắm, nhìn qua tấm gương soi mới thấy những vết hằn khẩu trang đã in màu máu trên khuôn mặt.

Tròn 1 tháng trong “chảo lửa” hồi sức, bác sĩ Bình trở thành F0.Ngày nhận tin, lòng anh rối bời, có chút hoang mang và lo sợ, bởi bác sĩ đã chứng kiến sự khủng khiếp cũng như mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Anh nhớ tới cha mẹ già, những người thân yêu của mình, chắc chắn họ sẽ lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi biết tin anh bị nhiễm bệnh. Suy nghĩ một hồi, bác sĩ Bình quyết định không thông báo cho bất kỳ ai biết.

Anh ngồi lặng yên, lắng nghe từng nhịp thở và anh chấp nhận sự thật, một mình đương đầu và chiến đấu.“Trước khi xung phong đi dã chiến, tôi đã xác định và lường trước những gì có thể xảy ra với mình.Ở phòng hồi sức, bác sĩ bị phơi nhiễm là chuyện bình thường.Phòng của tôi có 4 nhân viên y tế, người bị trước, người bị sau, cuối cùng thì ai cũng bị”, bác sĩ Bình tâm sự.Nở một nụ cười nhẹ nhõm, bác sĩ Bình xách ba lô lên lầu 6 gia nhập cộng đồng F0.

Trọn vẹn màu áo trắng thiện lương -0
Em bé 3 tháng tuổi được điều dưỡng chăm sóc khi bà ngoại trở nặng tại bệnh viện dã chiến.

3. Nói về “chiến binh” dã chiến phải kể đến điều dưỡng Lê Thị Nhung, Khoa Điều trị cán bộ cao cấp Bệnh viện Thống nhất. Chị Nhung lên đường đi dã chiến vào trung tuần tháng 7, thời điểm dịch bệnh COVID-19 “đỏ rực” cả thành phố. Nhiệm vụ đầu tiên của điều dưỡng Nhung tại bệnh viện dã chiến số 8 là cùng với nhân viên y tế, bộ đội, dân quân, dọn vệ sinh, lau chùi, chà rửa, thu gom rác, cứ việc gì tới tay thì làm, lúc đó chẳng ai nghĩ mình là bác sĩ, điều dưỡng hay y tá, cố gắng nhanh nhất có thể để đón tiếp bệnh nhân vào điều trị.

Những cuộc đảo quân, chuyển người, thay ca liên tục để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi và được trở về bên gia đình nhưng điều dưỡng Lê Thị Nhung luôn xin được ở lại.Có điều gì ở dã chiến khiến chị không muốn trở về, tôi hỏi. Chị Nhung lặng đi một lát rồi trả lời: “Tôi khao khát được về nhà, ăn một bữa cơm gia đình và ôm hai đứa con vào lòng. Nhưng, tôi nghĩ, người mẹ nào cũng nhớ con, yêu gia đình, đi dã chiến đồng nghĩa với việc xa cách.Tôi đã ở dã chiến nhiều ngày, tôi quen rồi”.

Nỗi nhớ con được người mẹ dồn nén vào tua trực 12 tiếng bịt bùng trong bộ đồ bảo hộ, chị sống cùng những lo lắng, chia sẻ nỗi đau, sự đơn độc cùng với bệnh nhân chiến đấu vượt qua sợ hãi. “Có người bà ôm cháu ngoại mới 3 tháng tuổi vào viện, chúng tôi cảm nhận rõ sự mệt mỏi, thất thần và hoang mang của bệnh nhân.Khi nhìn thấy chúng tôi, bà mừng như gặp được người thân đi xa lâu ngày. Rồi bà chuyển nặng, phải thở oxy, chúng tôi thay nhau ẵm em bé, thay tã, tắm rửa, bón đút từng hớp sữa, canh chừng từng giấc ngủ cho em”, điều dưỡng Lê Thị Nhung kể.

Làm bảo mẫu bất đắc dĩ là điều không ai muốn nhưng nó mang lại cảm xúc tuyệt vời đối với một người mẹ xa con lâu ngày. Chăm sóc em bé trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, ngột ngạt và đượm mùi mồ hôi, mùi thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và cũng không thể thực hiện lâu dài trong hoàn cảnh này được. Các điều dưỡng đã hỏi thăm và tìm được cha mẹ của bé đang cách ly tập trung tại một trường học ở Q.3, đưa về bệnh viện dã chiến để đoàn tụ và chăm sóc con.

Trọn vẹn màu áo trắng thiện lương -0
Đêm về là khoảng thời gian điều dưỡng Nhung nhớ con da diết.

Thành phố mở cửa vào ngày 1-10, nhìn dòng xe nô nức hối hả ngoài đường, bất chợt nỗi nhớ con bùng cháy trong lòng người mẹ. Không kìm nén được nữa, điều dưỡng Nhung nhờ người bạn chở về nhà. Chị đứng thật xa ở gốc cây ven đường gọi cho bà ngoại đưa hai đứa nhỏ ra cửa để mẹ con nhìn thấy nhau, vẫy tay chào nhau một lát cho thỏa thương nhớ.

Khu C Bệnh viện dã chiến số 8 hoàn thành sứ mệnh, điều dưỡng Lê Thị Nhung nhẹ lòng gói ghém hành lý trở về nhà. Đứa con út ôm lấy vali của mẹ, vân vê từng tấm vải cũ và nằng nặc giữ lấy như thể sợ mẹ lại đi tiếp. Gần 4 tháng trong bệnh viện dã chiến, có những nụ cười hồi sinh nhuốm nước mắt nhưng cũng có nỗi đau chỉ muốn chôn sâu vào lòng điều dưỡng Lê Thị Nhung.Với chị, những ngày tháng xung trận nơi tuyến đầu “đỏ lửa” sẽ mãi là những ngày đáng nhớ nhất trong đời.

Ngọc Hoa
.
.