Từ người chiến sĩ an ninh đến vị tướng biên phòng

Thứ Hai, 04/04/2022, 11:52

Năm 1968, khi vừa tròn 15 tuổi, Thiếu tướng Trần Đình Dũng (nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng) đã xung phong nhập ngũ, trở thành một chiến sĩ an ninh vũ trang Quảng Trị chiến đấu trong lòng địch...

Từng vào sống ra chết trong những lần “diệt ác, phá kìm” cùng các chiến sĩ giải phóng quân Lào, rồi miệt mài năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau ngày hòa bình, ông đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phân giới cắm mốc và đối ngoại biên phòng...

Chiến sĩ an ninh “nhí”

“Hồi ấy, các chú, các bác chỉ huy của Ban An ninh vũ trang cứ sợ tôi hy sinh nên cho vào đơn vị tiếp cận, bảo vệ lãnh đạo khu ủy ở vùng Tà Rụt (Đakrông, Quảng Trị). Ai cũng nghĩ trên cứ là an toàn, nhàn nhã nhưng thực tế, đó mới là chỗ ác liệt. B-52 thả bom suốt ngày đêm. C-130 rải chất độc hóa học mù mịt. Thám báo, biệt kích luôn vây bắt, tìm diệt cán bộ ta. Bên cạnh đó là đói. Nguồn tiếp tế từ đồng bằng bị cắt đứt.Nguồn sống ở rừng như rau củ quả, thịt rừng, cá suối cũng bị bom đạn, chất độc phá hủy. Có khi hàng tháng trời, tôi không biết hạt gạo là gì.Anh em kiệt sức, lả hết”, Thiếu tướng Trần Đình Dũng bắt đầu câu chuyện về đời binh nghiệp của mình bằng những ký ức khó quên ấy.

Từ người chiến sĩ an ninh đến vị tướng biên phòng -0
Thiếu tướng Trần Đình Dũng.

Cuối năm 1971, Trần Đình Dũng được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ “Bảo vệ lãnh đạo tỉnh ra Hà Nội công tác, kết hợp đi học chuyên môn”. Sau nửa tháng hành quân, Trần Đình Dũng ra tới Hà Nội và được bố trí học lớp điệp báo cấp tốc, trong thời gian 6 tháng rồi tiếp tục quay lại “chảo lửa” Quảng Trị để chiến đấu. Cũng trong năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, Dũng được Ban An ninh Quảng Trị kết nạp đảng.

Đầu tháng 5-1972, chiến sĩ Trần Đình Dũng kết thúc khóa học điệp báo, trở lại quê hương. Thấy cấp trên đưa mình về phòng chuyên ngành, Trần Đình Dũng nằng nặc: “Tôi đi học để về chiến đấu”. Rút cục, lãnh đạo tỉnh phải đưa Dũng về làm phó phân đội trưởng thuộc đội trinh sát an ninh vũ trang, chuyên làm nhiệm vụ “diệt ác trừ gian” tại địa bàn 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong.

Những tháng ngày sau đó, Trần Đình Dũng và đồng đội đã chiến đấu trong lòng địch, diệt ác, phá kìm vào bảo vệ an toàn cho khu ủy, tỉnh ủy và tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thị xã và thành cổ Quảng Trị, đơn vị của Trần Đình Dũng và Đội trinh sát an ninh vũ trang thị xã Quảng Hà bị thương vong nhiều khi cùng quân chủ lực bảo vệ thị xã Quảng Trị, kiên cường đánh bại cuộc tái chiếm “Sóng thần” của địch...

Ngày thống nhất, Trần Đình Dũng được phong quân hàm thiếu úy và điều động về công tác tại Công an nhân dân vũ trang Gia Lai - Kon Tum để tham gia bảo vệ biên giới, diệt trừ Fulro và tàn quân Việt Nam Cộng hòa lẩn trốn trong rừng biên giới. Tại đây, năm 1977, ông đã cùng đồng đội tham gia hỗ trợ nhân dân Campuchia chạy tị nạn khỏi thảm họa diệt chủng của Khmer Đỏ, giúp họ dựng nhà, làm rẫy và huấn luyện chiến thuật chiến đấu để quay về bảo vệ quê hương. Tháng 5-1978, Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn ký quyết định thành lập Đoàn 578, ở bên cạnh Ủy ban Khởi nghĩa Đông Bắc Campuchia để cố vấn về mặt quân sự, chính trị... cho bạn, Trần Đình Dũng chuyển sang Đoàn 578 với chức danh cố vấn quân sự.

Năm 1979, ông được cử sang tỉnh Ratanakiri làm chuyên gia về an ninh giúp bạn. Giữa đường hành quân, do gặp đồng hương, ông xin phép nán lại trò chuyện, còn chuyến xe ấy khi vừa chạm đất bạn đã bị Khmer Đỏ phục kích, toàn bộ anh em hi sinh. Tin về hậu cứ, cán bộ quân lực đối chiếu danh sách người trên xe, cộng thêm do đặc thù hoạt động bí mật của Đoàn 578 nên ai cũng nghĩ là Trần Đình Dũng đã hi sinh.

Vậy là suốt nhiều năm, vợ ông, cô giáo Hoàng Thị Lộc, khi ấy mới hơn 20 tuổi đã phải lập bàn thờ khấn vọng với niềm tin “Anh ấy không thể chết”. Năm 1980, Trần Đình Dũng tiếp tục phối hợp với Trung đoàn 20 bộ đội biên phòng tình nguyện, đóng quân ở tỉnh Preah Vihear, Campuchia làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị và đấu tranh với các nhóm Pol Pot trá hình trong dân vùng ven biên giới.

Giữa năm 1981, khi đang chuẩn bị tiêu diệt căn cứ hậu cần 3 kho trên dãy núi Đăng Rếch, ông được gọi về Việt Nam đào tạo tại Học viện Chính trị quân sự, sau đó về công tác tại Cục Biên phòng Quân khu 5, mọi người mới biết ông còn sống.

Sau nhiều năm chiến đấu, công tác và phấn đấu không mệt mỏi, ông Trần Đình Dũng được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị. Trước thực trạng biên giới nơi đây vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, đói nghèo dai dẳng, bọn phản động người Việt lưu vong móc nối xâm nhập qua Thái Lan rồi về Việt Nam hoành hành, bộ đội biên phòng không còn cách nào khác là phải giành lại niềm tin của nhân dân với cách mạng, giáo dục tuyên truyền về an ninh biên giới, tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Từ người chiến sĩ an ninh đến vị tướng biên phòng -0
Thiếu tướng Trần Đình Dũng kiểm tra công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2013.

Người kết nối tình hữu nghị

Do lịch sử để lại, lòng người dân hai bên biên giới sinh sống với nhau lâu đời không có đường biên, thậm chí có những giai đoạn, hai bên cùng đứng chân xen kẽ qua nhau, tạo nên tập tục sinh sống của cư dân hai bên biên giới. Sau khi phân định lại biên giới Việt Nam - Lào, các cụm dân cư biên giới ở nơi này thường xuyên vướng phải những mâu thuẫn gây chia rẽ, ảnh hưởng đến tình đoàn kết giữa hai bên. Sau khi nghiên cứu, nắm bắt tình hình cũng như nguyện vọng của bà con, Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị Trần Đình Dũng đã có ý tưởng kết nghĩa các bản giáp biên. Vậy là từ năm 1994 đến 1995, ông đã cùng các cơ quan chuyên trách nghiên cứu, lập đề án khoa học để tham mưu với tỉnh Quảng Trị và chính quyền các tỉnh phía bạn Lào về chủ trương kết nghĩa bản - bản.

Kể từ đó, việc đối ngoại giữa hai quốc gia ở vùng biên này trở thành những việc rất cụ thể của làng, của xã, của các dòng họ hai bên biên giới.Danh hiệu lưỡng quốc già làng cũng ra đời ở đây, khi các già đứng ra dàn xếp chuyện lớn chuyện nhỏ của cả hai bên. Mâu thuẫn có gay gắt mấy rồi cũng được giải tỏa êm xuôi chỉ bằng những cuộc gặp mặt, những bữa cơm, tiệc rượu, hay ngày hội vui giữa hai bản. Sau gần 20 năm, mô hình này đã được nhân rộng ra cả 3 tuyến biên giới và có tên gọi mới là “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư biên giới”. Song, người ta vẫn quen gọi tắt là “kết nghĩa bản - bản” như cái tên khởi thủy của nó từ biên giới Quảng Trị.

Ông Trần Đình Dũng cũng là người đầu tiên tổ chức phối hợp giữa Bộ đội biên phòng Quảng Trị với lực lượng Công an Lào trong đấu tranh phòng chống ma túy. Thời điểm ấy, với quyết tâm phối hợp với bạn đánh án ma túy từ xa, vừa đảm bảo yếu tố bất ngờ, đạt hiệu quả hơn, đồng thời giúp bạn huấn luyện nghiệp vụ, ông Trần Đình Dũng đã xin gặp mặt Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương và báo cáo rằng: “Đánh ma túy từ xa sẽ bất ngờ, hiệu quả và cũng là để giúp lực lượng bạn biết cách đánh”. Sự tự tin và bản lĩnh dám chịu trách nhiệm đã thuyết phục được Bộ trưởng Lê Minh Hương ủng hộ: “Ma túy là tội phạm quốc tế. Quốc gia nào cũng phải có trách nhiệm phòng, chống”. Từ đó, công an và biên phòng Việt Nam đã cùng lực lượng chức năng nước bạn triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn qua biên giới, được Nhà nước Việt Nam và Lào khen thưởng.

Cuối năm 2007, ông Trần Đình Dũng được bổ nhiệm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng và thăng quân hàm thiếu tướng. Một khởi đầu mới không kém phần gian nan, thử thách đối với ông khi công tác quản lý, bảo vệ biên giới có những đòi hỏi mới và hoạt động phân giới cắm mốc đi vào giai đoạn cam go, quyết liệt trên thực địa. Theo phương châm là ta không lấy của bạn một tấc đất, cũng không để mất một tấc đất nào của Tổ quốc, Thiếu tướng Trần Đình Dũng trực tiếp đến từng điểm vướng mắc, lắng nghe ý kiến của cơ quan tham mưu, cân nhắc xem xét địa hình để cùng các các ngành, các cấp liên quan tìm phương án đàm phán hợp lý, công bằng. Ông cũng đặc biệt lưu tâm triển khai tuần tra song phương và cho rằng, đây là dịp để lực lượng bảo vệ biên giới của hai quốc gia có điều kiện gần gũi, gặp nhau thường xuyên hơn ngoài những buổi họp giao ban hội đàm trong nhiệm sở. Lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng rất đồng thuận với chủ trương này và tích cực phối hợp để hoạt động tuần tra song phương đi vào nền nếp, chính quy hơn.

Từ người chiến sĩ an ninh đến vị tướng biên phòng -0
Chiến sĩ an ninh Trần Đình Dũng (người đội mũ) năm 18 tuổi tại chiến trường Quảng Trị.

Đặc biệt, năm 2013, Thiếu tướng Trần Đình Dũng đã cùng Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tham mưu cho Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức ký kết với Bộ Quốc phòng Trung Quốc về “Thỏa thuận hợp tác biên phòng bổ sung, sửa đổi” và “Quy chế phối hợp biên phòng 3 cấp” với Bộ Công an Trung Quốc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các vấn đề trong quan hệ biên phòng giữa hai nước.

Thiếu tướng Vũ Đông Lập - Cục trưởng Cục Quản lí biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc nhận xét: “Để có được một biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển thì lực lượng bộ đội biên phòng hai nước là lực lượng nòng cốt trong việc đảm bảo thực hiện tốt các hiệp định về quy chế biên giới và các thỏa thuận cấp cao đã kí giữa hai nước. Hoạt động kết nghĩa “Đồn, trạm hữu nghị, biên giới bình yên” tại các khu vực biên giới, cửa khẩu trọng điểm sẽ là minh chứng cho sự tin cậy, đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng hai nước chúng ta”.

Hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, người kết nối nhịp cầu hữu nghị ấy vẫn nhiệt thành với các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào nghèo nơi biên giới hai nước Việt Nam - Lào trên miền Tây Quảng Trị. Ông bảo, ông luôn tri ân bà con đã bao bọc, chở che ông cùng đồng đội trong những năm chiến tranh ác liệt, đồng lòng ủng hộ, giúp đỡ trong những ngày tháng biên giới khó khăn, thiếu đói. “Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức đúng về việc nhân dân làm chủ vận mệnh quốc gia. Hình thù của đất nước, sự phát triển của quốc gia - dân tộc, được hình thành từ làng bản, cụm dân cư nên quyền và trách nhiệm của con người cũng ở đó. Bộ đội biên phòng phải đứng cạnh người dân để bảo vệ họ, trở thành niềm tin yêu của mọi người dân biên giới” - vị tướng quân hàm xanh này luôn nhấn mạnh như vậy khi nói về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Phạm Vân Anh
.
.