Tử thần gọi tên “thuốc gia truyền”

Thứ Bảy, 24/08/2024, 20:10

Đang lành lặn, chỉ sau khi sử dụng một bài thuốc mua trên mạng, nhiều người phải đi cấp cứu, mang thêm di chứng bệnh tật. Hệ lụy từ việc dùng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc đã được cảnh báo bằng những nạn nhân cụ thể, thậm chí có cả cái chết nhưng nhiều người vẫn cả tin, đem sức khỏe và tính mạng của mình “trêu đùa” với tử thần mang tên “thuốc gia truyền...” .

“Ma trận” thuốc gia truyền

Người quen giới thiệu, bạn bè mách hoặc xem quảng cáo trên mạng xã hội rồi đặt mua thuốc gia truyền là cách mà nhiều người đã thực hiện để mong điều trị bệnh. “Ma trận” thuốc gia truyền, thật giả lẫn lộn không khác gì liều thuốc độc ngấm ngầm tàn phá sức khỏe của con người, cho đến khi sực tỉnh ngộ thì đã rước họa vào thân.

Tử thần gọi tên “thuốc gia truyền” -0
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân T. tại bệnh viện Vũng Tàu.

Bị bệnh tiểu đường nhiều năm, bà Nguyễn Thanh H. (55 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) nghe theo lời người bạn đặt 3 thang thuốc Đông y gia truyền ở An Giang về uống. Tuy nhiên, mới uống được một tuần, bà H. bị phù nề mặt, tay chân xuất hiện nhiều vết bầm tím sau đó mệt mỏi, khó thở. Bà được đưa đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ phải can thiệp tim mạch để hồi sức cho bệnh nhân. Hơn một tháng điều trị, tình trạng bà H. có tiến triển nhưng sau đó lại xấu đi nhanh chóng do biến chứng tim. Người nhà đã xin bác sĩ cho bà H. về nhà. Bà qua đời ít ngày sau đó. Sự ra đi của vợ khiến ông Lê Thanh N. không khỏi xót xa, đau khổ.

Ông N. cho biết, lẽ ra bệnh của vợ mình chưa đến nỗi nào, tiểu đường có biến chứng sang tim, thận nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trước khi dùng thuốc Nam, bà H. vẫn đi lại bình thường và làm những công việc nội trợ.

“Uống được 3 ngày thì vợ tôi có biểu hiện mệt, mặt phù nề. Bà ấy gọi điện cho người bạn mua thuốc giùm để hỏi thì bạn trấn an, nói là do hiệu ứng đào thải của thuốc. Chỉ cần vượt qua được giai đoạn đầu, thuốc thích nghi thì sẽ cho hiệu quả rõ rệt. Ai ngờ, ngày hôm sau, vợ tôi nôn ra máu, ngất xỉu, phải đi cấp cứu. Tôi thông báo cho người bạn tình trạng của vợ thì người ta lảng tránh không nghe máy”, ông N. kể lại sự tình.

Tử thần gọi tên “thuốc gia truyền” -0
“Thuốc gia truyền” bà D. mua trên mạng.

Khi cấp cứu, bác sĩ hỏi nguyên nhân vì sao thì gia đình ông N. đã giấu không dám nói bà H. uống thuốc gia truyền điều trị tiểu đường. Sau đó, bác sĩ khám và hỏi lại một lần nữa thì ông N. mới nói rõ sự thật.

Cũng là nạn nhân của thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, nhưng bà Trần Thị V. (62 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) may mắn hơn vì thoát được tử thần. Câu chuyện của bà V. bắt đầu từ tháng 3/2024, trong một lần đi chợ Tam Bình (TP Thủ Đức). Lần đó, bà V. thấy một người đàn ông chở theo thùng nhôm với lời quảng cáo thuốc Nam gia truyền, trị tiểu đường, gan, thận, mỡ máu... Bà V. bị gan nhiễm mỡ, thận yếu mấy năm nay nên rất quan tâm đến bài thuốc. Bà được người bán rót những lời quảng cáo như mật ngọt vào tai. Nào là, thuốc đặc trị các bệnh mãn tính, thành phần là các rễ cây cổ thụ ở núi Cấm, được các thầy thuốc nổi tiếng nhất vùng bào chế, đã chữa khỏi cho hàng ngàn người. Thuốc không gây dị ứng, không tác dụng phụ, già trẻ đều có thể dùng được, thậm chí không có bệnh thì dùng để phòng bệnh và khỏe ra...

Bà V. nghe có lý, vì thuốc lá cây, rễ cây thì tương tốt lành, giống như loại rau quả ăn hằng ngày thôi. Nghĩ vậy, bà V. mua 3 thang thuốc với giá 600.000 đồng, với lời quảng cáo uống trong vòng một tháng đảm bảo khỏi bệnh. Để lấy lòng tin, người bán thuốc dạo còn cho bà V. số điện thoại, có gì thì trao đổi để “thầy” hướng dẫn.

Ngoài bà V., trong phiên chợ ấy còn có mấy bà xúm vào mua thuốc của “thầy lang”. Bà V. uống hết gần 2 thang thì thấy người phù lên, chán ăn, khó tiểu. Bà gọi điện thì được “thầy” phán, triệu chứng phù nề là tốt, tiếp tục uống để thải độc.

Dù người rệu rã, mệt lả, mất ngủ cả đêm nhưng bà V. vẫn kiên trì uống cho bằng hết 3 thang thuốc. Lúc này, cơ thể bà suy nhược, tím tái, gia đình phải chở đi cấp cứu trong đêm. Tại bệnh viện, huyết áp của bà có lúc không đo được, nguy cơ ngừng tim, suy gan, suy thận tăng. Các bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và lọc máu cấp cứu ngay tức thì cho bệnh nhân. May mắn, sau hơn một ngày, bà V. tỉnh táo trở lại và hồi phục tim.

Sau trận “thập tử nhất sinh”, hiện bà V. vẫn phải đi bệnh viện thăm khám và điều trị thường xuyên các bệnh lý về tim, thận và huyết áp. Tuy nhiên, bà cảm thấy mình vẫn may mắn khi sống sót. Quay lại ông “thầy lang” bán thuốc dạo ở chợ Tam Bình, con trai của bà V. đã gọi điện thông báo kết quả chữa bệnh bằng thuốc gia truyền và người đàn ông này đã hoảng sợ, chối cãi: “Tôi chỉ là người đi bán thuốc, chứ không phải lương y bốc thuốc gì cả. Tôi bán cho nhiều người rồi, chưa thấy ai phản hồi tiêu cực cả. Có lẽ, cơ địa bà V. không hợp với thuốc này”. Sau cú điện thoại đó, “thầy lang” trốn biệt, không còn liên lạc được nữa.

Tử thần gọi tên “thuốc gia truyền” -0
“Thuốc gia truyền” trị tiểu đường không địa chỉ, không nhãn mác bán tràn lan trên mạng.

Hệ lụy nặng nề

Hệ lụy khi dùng thuốc gia truyền trôi nổi khiến không ít bệnh nhân bị tàn phá cơ thể, sức khỏe, tinh thần suy sụp. Bài học xương máu qua những sự việc thực tế đã có, nhưng bằng cách nào đó, thuốc gia truyền rởm vẫn có đất sống để tiếp tục có thêm những nạn nhân mới.

Bà Lê Xuân D. (50 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị tiểu đường, thoái hóa cột sống nhiều năm nay, bà chủ yếu uống thuốc Tây, điều trị vật lý trị liệu và uống thuốc Đông y ở bệnh viện y học cổ truyền. Bệnh tình của bà không tiến triển nặng thêm nhưng cơn đau thì hành hạ liên miên, bà mất ngủ thường xuyên. Một ngày rảnh rỗi, bà xem trên điện thoại thấy quảng cáo loại thuốc gia truyền chữa xương khớp, tiểu đường, hồi phục giấc ngủ chỉ sau một liều dùng. Bà đặt mua với ý định “thử xem tác dụng thế nào, uống một liều chắc không ảnh hưởng gì”. Thuốc dạng viên nén, một liều của bà D. có giá 200.000 đồng, uống trong vòng 3 ngày.

Tử thần gọi tên “thuốc gia truyền” -0
Bệnh nhân biến chứng khi dùng “thuốc gia truyền”.

Uống ngày đầu tiên thấy ngủ ngon, bà mừng thầm trong lòng. Ngày thứ hai cũng ngủ tốt và ngày thứ ba thì mặt nổi mụn đỏ, ngứa ngáy. Cơn ngứa lan khắp người, bà gãi đến tóe máu. Bà nghĩ mình bị dị ứng thuốc nên bôi dầu gió vào cho đỡ. Càng ngày, mụn đỏ phồng rộp trên da, chảy máu mủ khiến bà D. không thể chịu đựng nổi. Bà đi bệnh viện khám và được chẩn đoán nhiễm độc gan cấp, nếu chậm trễ sẽ dẫn đến suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng. “Tôi may mắn vì mới dùng có 1 thang, nếu dùng 3 thang theo “chỉ định” của “lương y” mạng thì không biết còn ngồi đây nói chuyện được nữa không”, bà D. buồn bã kể. 

Ngoài bà D., lại một bệnh nhân suýt chết vì “thuốc gia truyền” mua trên mạng. Theo đó, ngày 21/8, Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cứu sống nam bệnh nhân Nguyễn Văn T. (43 tuổi, ngụ phường 5, TP Vũng Tàu) sau khi ngưng tim 2 lần trong vòng một tiếng do dùng thuốc gia truyền trị tiểu đường nghi có thành phần phenformin. Người nhà bệnh nhân cho biết, anh T.  mắc bệnh tiểu đường và đã được bác sĩ chỉ định chích thuốc tiểu đường. Tuy nhiên bệnh nhân không tuân thủ mà nghe theo quảng cáo nên đã mua “thuốc gia truyền” trị tiểu đường trên mạng về uống.

Hậu quả, khi uống xong thang thuốc, anh T. đau bụng dữ dội, nôn ói, người nhà đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu. Trong thời gian làm xét nghiệm máu thì bệnh nhân đột ngột ngưng tim, được hồi sức tim. Nhưng, chỉ một tiếng sau, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim lần 2 nhưng lại được hồi sức tim thành công.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, trong “thuốc gia truyền” trị đường huyết mà bệnh nhân uống có chất phenformin. Đây là một chất dùng trong thuốc trị bệnh tiểu đường ban đầu và đến nay đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Thuốc có thành phần phenformin ban đầu sẽ làm bệnh nhân hạ đường huyết. Tuy nhiên, thuốc hay gây biến chứng và thường là các biến chứng nặng nề, dẫn đến khả năng tử vong rất cao nếu như bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đối với bệnh nhân Nguyễn Văn T. chắc chắn là do uống thuốc Nam có trộn chất phenformin dài ngày nên diễn tiến mới nặng, ngưng tim. Sau khi điều trị, chăm sóc tích cực bằng lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch, sức khỏe đã dần ổn định.

Tử thần gọi tên “thuốc gia truyền” -0
Bà V. nói mình may mắn vì mới dùng thử một liều “thuốc gia truyền”.

Tác hại của “thuốc gia truyền” trôi nổi trên mạng hoặc do thầy lang bán dạo không rõ nguồn gốc đã để lại những hậu quả nặng nề cho người dùng. Không chỉ “thuốc gia truyền” mua ở chợ trời, mà ngay cả những cây thuốc trên rừng, nếu bệnh nhân không hiểu hết tác dụng, tự ý sắc uống cũng trở thành tai nạn chết người. Trường hợp của bệnh nhân N.T.T (trú tại Hà Tĩnh) là một ví dụ đau lòng. Đầu tháng 7/2024, bà T. sắc thuốc rễ cây phơi khô uống để chữa bệnh đau đầu, mất ngủ. Chỉ sau 10 phút uống thuốc, bà bị méo miệng, mệt lả, bệnh nhân vào trạm xá xã, sau đó chuyển bệnh viện huyện. Trên quãng đường kéo dài khoảng 15 phút, ý thức bệnh nhân giảm dần, gọi hỏi không đáp ứng. Bà T. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn. Dù đã được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Mây Hồng, Trưởng Khoa Nội tiết (Bệnh viện Thống Nhất), người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, chia sẻ: “Không ít bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ khiến cho “tiền mất tật mang”, bệnh trở nặng. Đối với những trường hợp dùng thuốc không rõ nguồn gốc, khi biến chứng mới đến bệnh viện thì đã muộn, nguy cơ tử vong cao. Các loại thuốc điều trị đái tháo đường trôi nổi trên thị trường thường có chứa hoạt chất phenformin (đã bị cấm lưu hành) và được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên thuốc gia truyền, thuốc tễ... Việc dùng bất kỳ loại thuốc gì chữa bệnh cũng đều phải thận trọng, theo chỉ định của lương y, bác sĩ chứ không tùy tiện để tránh hậu quả đáng tiếc.

Ngọc Thiện
.
.