Từ vụ ngộ độc hy hữu đến căn nhà ấm áp

Thứ Năm, 27/04/2023, 10:40

“Bây giờ thì vợ chồng tôi đã có nhà rồi, một căn nhà đúng nghĩa. Trước kia, tôi chả bao giờ dám nghĩ đến. Tôi biết ơn Báo Công an nhân dân và các nhà hảo tâm…”, anh Lữ Văn Thái ở bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An nói những lời xúc động trong buổi bàn giao nhà tình nghĩa vào tháng 3 vừa qua.

Giọng anh run run, ngắt quãng, bàn tay phải bối rối nắm chặt cẳng tay trái cụt ngủn. Ba đứa trẻ con anh dường như không để ý đến vẻ xúc động của người cha, cứ sải chân chạy nhảy, cười đùa từ trong nhà ra ngoài sân, từ cửa trước luồn cửa sau…

Khó khăn chồng khó khăn

Tháng 10/2022, cả tỉnh Nghệ An xôn xao trước vụ ngộ độc hy hữu của bố con anh Thái người dân tộc Thái ở bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Chuyện là một buổi sáng vào rừng, anh Thái thấy ổ trứng nhìn qua giống trứng ếch, mừng quá vội mang về chế biến cho các con ăn. Những tưởng các con sẽ có một bữa ăn ngon, nào ngờ đó lại là trứng cóc khiến anh và hai đứa con bị ngộ độc nặng, phải đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, có dấu hiệu suy thận và nôn kéo dài.

Từ vụ ngộ độc hy hữu đến căn nhà ấm áp -0
Thượng tá Lê Thị Thanh Bình (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Lữ Văn Thái (tháng 3/2023).

Ngộ độc do không có cái ăn, gặp gì ăn nấy như nhà anh Thái, thì đúng là cùng cực. Cũng từ vụ ngộ độc này mà hoàn cảnh bi đát của gia đình anh Thái mới trở nên “nổi tiếng” trên báo chí. Cuộc sống của gia đình anh bao năm qua luôn trong tình cảnh tạm bợ, cái ăn cho các con là mối quan tâm lớn nhất của ông bố nghèo khổ này. Thượng tá Lê Thị Thanh Bình, Trưởng ban Chuyên đề, Báo CAND khi đó nhận được thông tin về anh Thái, đã lập tức liên hệ với chính quyền UBND xã Châu Phong để nắm bắt tình hình và biết được rằng gia cảnh túng bấn đã đẩy anh Thái cận kề với cái chết. Nếu cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng, thì rất có thể vụ ngộ độc này sẽ không chỉ xảy ra một lần.Chị lên kế hoạch gấp gáp để đến thăm và vận động các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ gia đình anh Thái.

Từ Hà Nội, Thượng tá Bình và đoàn công tác đến thẳng Công an huyện Quỳ Châu, được các đồng chí Công an huyện dẫn đường xuống xã Châu Phong. Xe ôtô đến đầu bản Lìm thì đành dừng lại. Đoàn tiếp tục cuốc bộ, men theo con đường đất lầy lội vào rừng. Nếu không có người dẫn đường, có lẽ đoàn khó mà tìm được căn chòi lá tạm bợ của vợ chồng anh Thái. Gọi là nhà, nhưng thực ra là một căn lều xiêu vẹo, lụp xụp. Mái lá cũ kĩ và bạc phếch, những phên nứa quây bốn phía xuyên nắng xuyên mưa. Trong nhà chỉ có chiếc giường ọp ẹp, bếp củi đã nguội ngắt, chỏng chơ mấy cái xoong méo mó, tất cả đều trống huơ, trống hoác. Cả đoàn ái ngại trước cảnh nhà anh Thái. Ông Lương Văn Năm - Chủ tịch UBND xã đăm chiêu nói với cả đoàn: “Anh Thái lấy vợ ở xã Châu Hoàn, cách đây hơn 10km. Hoàn cảnh khó khăn, nên hai vợ chồng lúc thì di cư về bìa rừng này, lúc lại về quê vợ. Vì không ở cố định nên chính quyền xã cũng rất khó trong việc quản lý nhân khẩu”.

Trên chiếc chõng tre, anh Thái vừa xuất viện về nhà, vẫn còn mệt sau vụ ngộ độc, mặt hốc hác, xanh như tàu lá. Đôi mắt trũng sâu ánh lên vẻ bất ngờ, bởi anh không nghĩ rằng đại diện Báo CAND và các nhà hảo tâm lại biết đến hoàn cảnh của anh mà đến thăm. Hai trong số ba đứa trẻ con anh sau trận ngộ độc bé xọm người, mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi. Chị Vi Thị Thanh vợ anh Thái người nhỏ bé, gầy yếu, ôm đứa con trong lòng. Chị không nói được tiếng phổ thông nên chỉ lặng im, ánh mắt ngập tràn âu lo. May mắn là cả ba bố con đều qua khỏi, nhưng cảnh nhà thì điêu đứng.

Trước những lời thăm hỏi của đoàn công tác, anh Thái nói từng câu khó nhọc và đứt quãng. Anh kể rằng trước đây, trong một lần xẻ gỗ, lưỡi cưa đã khiến bàn tay trái của anh đứt lìa. Chỉ còn một bên tay, người lại gầy yếu, anh Thái không đủ sức khỏe để lao động. Chị vợ cũng không có việc làm nên không có nguồn thu để nuôi ba đứa con lóc nhóc lần lượt 4, 5, 6 tuổi. Hàng ngày anh vào rừng tìm được gì thì ăn nấy. Bản thân anh Thái và ba con không có bảo hiểm y tế. Gia đình anh cũng không có sổ hộ khẩu, các con anh không có giấy khai sinh và không được đến trường.

Từ vụ ngộ độc hy hữu đến căn nhà ấm áp -0
Gia đình anh Thái rơi vào hoàn cảnh bi đát sau trận ngộ độc hy hữu.

Hôm ấy, anh Lữ Văn Đoàn - anh trai anh Thái cũng có mặt. “Nhà chúng tôi đông anh em, trong đó Thái là khó khăn nhất. Nhìn hoàn cảnh của em trai mà tôi bất lực, thương các cháu mà không biết làm sao. Nhà tôi cũng chẳng dư dả gì, chỉ có thể hỗ trợ ít gạo và chút thức ăn nuôi các cháu. Còn những thứ to lớn, lâu dài hơn thì tôi cũng không kham nổi”, anh Đoàn nói những lời gan ruột.

Qua chính quyền xã, Thượng tá Bình biết được rằng anh Thái đã từng có những lỗi lầm trong quá khứ và đã phải trả giá bằng bản án và những năm tháng sau song sắt nhà tù. Trong quá trình thụ án, anh Thái cải tạo tốt và được giảm án. Sau khi về địa phương một thời gian anh mới xây dựng gia đình với chị Vi Thị Thanh. Nên mặc dù anh chị đã gần 50 tuổi nhưng ba con vẫn còn rất nhỏ. Vợ chồng anh Thái sống lương thiện, không vi phạm pháp luật.

Từ vụ ngộ độc hy hữu đến căn nhà ấm áp -0
Trước đó gia đình anh Thái sống trong túp lều rách nát ở bìa rừng.

Sực nhớ ra điều gì, anh Thái gượng dậy, với tay lên ban thờ buộc tạm bợ trên vách nứa, lấy xuống bọc nilon cũ kĩ phủ đầy bụi. Cẳng tay cụt ngủn của anh Thái lần giở một cách thận trọng và nâng niu. Tất cả những ai có mặt trong căn lều hôm ấy đều đoán được rằng sau lớp nilon kia sẽ là một vật gì đó rất quan trọng với người đàn ông này. Đó là một cuốn sổ rách nham nhở, giấy đã ố vàng, quăn mép, là phần thưởng của Trại giam số 3, Tân Kỳ, Nghệ An dành cho anh. Trang đầu cuốn sổ đề tặng cá nhân cải tạo tốt 6 tháng đầu năm 2011 cho anh Lữ Văn Thái. Trong cuốn sổ đó, những bài thơ ý nghĩa, câu chuyện, những lời chiêm nghiệm về cuộc sống được chép tay rất đẹp. Anh Thái bảo anh đã giữ gìn cuốn sổ suốt bao nhiêu năm nay như một “tài sản” quý giá, đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, bởi đó là món quà vô giá minh chứng cho những nỗ lực hướng thiện, ý thức cải tạo của anh.

Chính điều đó càng thôi thúc Thượng tá Bình cố gắng kết nối, vận động các nhà hảo tâm xây nhà cho anh Thái càng sớm càng tốt. Bởi chị muốn giúp cho một người từng phạm sai lầm như anh Thái ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời. Nhà là chuyện lâu dài hơn, còn cái ăn, cái mặc cho cả nhà anh Thái mới thực sự báo động. Vì thế, ngay buổi hôm đó, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện công nghệ nha khoa thẩm mỹ Shinbi đã trao “nóng” một phần tiền cho anh Thái để “cứu đói”. Cũng trong buổi hôm đó, chính quyền xã Châu Phong đứng ra đảm nhiệm việc xây dựng nhà cho anh Thái từ nguồn tiền tài trợ của các nhà hảo tâm.

Mái nhà bình yên

Một ngày tháng 3/2023, trở lại bản Lìm, Thượng tá Bình - đại diện Báo CAND cùng bà Vũ Thu Hằng - đại diện Ngân hàng TMCP Bắc Á, đại diện Quỹ Vì tầm vóc Việt và lãnh đạo UBND xã Châu Phong đã tiến hành bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Lữ Văn Thái sau thời gian xây dựng, hoàn thiện.

Nhà anh Thái hôm ấy đông vui lắm. Chính quyền xã, bà con bản Lìm đều đến thăm, ai cũng mừng cho vợ chồng anh đã có một căn nhà đúng nghĩa. Căn nhà khang trang được xây dựng tại bản Lìm có diện tích xây dựng 60m2 với tổng kinh phí xây dựng 163 triệu đồng. Ông Lô Minh Châu - Trưởng bản Lìm giọng rổn rảng: “Cả bản Lìm này, có ai nghĩ vợ chồng anh Thái lại được Báo CAND và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà đúng vào lúc gia đình này rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất, tưởng không thể gượng dậy nổi”.

Từ vụ ngộ độc hy hữu đến căn nhà ấm áp -0
Gia đình anh Lữ Văn Thái nay đã được ở trong ngôi nhà mới khang trang.

Nhớ lại thời điểm đầu, khi bắt tay vào dựng nhà cho anh Thái, điều băn khoăn lớn nhất của Thượng tá Bình và chính quyền xã Châu Phong là không biết sẽ dựng nhà cho anh Thái ở đâu. Bởi nếu xây nhà ở chính vị trí túp lều rách nát ngoài bìa rừng thì cuộc sống của anh chị vẫn cô độc, tách biệt với bà con bản Lìm. Những đứa trẻ con anh Thái rồi sẽ lại lớn ở rừng, sống cuộc sống hoang dại và nghèo khó như bố mẹ chúng. Phải kéo họ về gần với bà con dân bản, để bọn trẻ còn đến trường học cái chữ.

Một mặt chính quyền xã giải thích, vận động anh Thái rời bìa rừng về sống ở bản Lìm, một mặt gặp gỡ anh Lữ Văn Đoàn - anh trai anh Thái để tìm ra hướng giải quyết. Người anh trai cũng mong muốn cho gia đình em một mảnh đất ở gần nhà mình để ổn định cuộc sống. Vậy là, ngôi nhà được gấp rút xây dựng ở vị trí mới, gần nhà anh trai, tiện đường đi lối lại. Về nơi ở mới, vợ chồng anh Thái được họ hàng, dân bản Lìm đùm bọc, tối lửa tắt đèn có nhau. Vui nhất là ba đứa trẻ con anh đã có bạn quanh xóm để chơi đùa, không còn phải lủi thủi ở bìa rừng như trước nữa.

Từ khi lấy nhau đến giờ, đây là lần đầu tiên vợ chồng anh Thái được ở trong một ngôi nhà đúng nghĩa. “Hôm trước cơn mưa ào ào trút xuống, các con tôi không phải ngồi co ro một góc tránh mưa nữa. Vợ tôi không phải lấy xoong nồi hứng nước dột từ mái nhà xuống nữa. Đêm mưa, các con tôi ngủ yên, tôi thì khóc vì mừng quá”, anh Thái chia sẻ. UBND xã Châu Phong cũng đã kịp thời làm giấy khai sinh cho các con anh Thái, cấp bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho các cháu đến trường đi học. Anh Thái cười bảo: “Giờ có nhà rồi, tôi không đi lang thang nữa, phải ở một chỗ để các con còn đi học”.

Rồi anh Thái mang khoe chúng tôi những chiếc quạt nan do chính anh đan. Chỉ với một bàn tay, nhưng anh Thái đan quạt đẹp có tiếng ở xã Châu Phong. Bà Vũ Thu Hằng -  đại diện Ngân hàng TMCP Bắc Á và Quỹ Vì tầm vóc Việt mong rằng sau khi có nhà mới, hai vợ chồng anh Thái sẽ có nguồn sinh kế để ổn định cuộc sống lâu dài. Nghe những lời ấy, người đàn ông thô mộc xúc động chẳng nói được câu gì, nở nụ cười đầy vẻ biết ơn. Có lẽ từ lâu lắm, nụ cười mới hiện lên trên gương mặt già nua khắc khổ của hai vợ chồng anh Thái.

Rời bản Lìm, Thượng tá Bình trở về Hà Nội, khác lần trước còn bao lo lắng bộn bề, giờ chị yên tâm phần nào. Cả hai lần vào Quỳ Châu, chị đều trở về Hà Nội vào lúc nửa đêm. Nhưng với chị, những chuyến đi gấp gáp, tranh thủ để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn dường như đã thành quen để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh, góp phần vì bình yên cuộc sống cho người dân.

Huyền Châm
.
.