Tuổi trẻ hiến dâng vì bình yên cuộc sống

Thứ Bảy, 26/03/2022, 22:15

“A lô. Bác sĩ ơi...”, tiếng khóc nghẹn ngào của người nhà F0 vang lên ở đầu máy bên kia. “Chị hãy bình tĩnh, từ từ nói”. “Người nhà em sốt cao, hôn mê rồi, em phải làm sao...?”. Mỗi ngày, từ 6h sáng tới 12 giờ đêm, Thượng úy, Ths Nguyễn Đức Tiến, cán bộ Khoa Hóa sinh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện 19-8 nhận gần 100 cuộc gọi từ F0, người nhà F0 nhờ tư vấn.

Nỗ lực làm sao tư vấn để cho bệnh nhân phát hiện chuyển nặng sớm là điều trong gần 1 năm tham gia vào mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, anh luôn tâm niệm để cứu sống được nhiều người bệnh hơn. Tiến vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam 2021 vào ngày 21-3 vừa qua.

Có những lúc bất lực vì không giúp được bệnh nhân

Tốt nghiệp chuyên ngành xét nghiệm của Đại học Y tế kỹ thuật Hải Dương, sau đó học thạc sĩ hóa sinh, Nguyễn Đức Tiến về công tác tại Khoa Hóa sinh, Bệnh viện 19-8. Ths. Nguyễn Đức Tiến thực hiện xét nghiệm hàng trăm mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, công việc đòi hỏi anh luôn phải tỉ mỉ, cần mẫn. Vì thế mà bên cạnh tính cách giản dị, Tiến còn là người vui vẻ, lạc quan, nhiệt tình và cẩn trọng trong công tác chuyên môn.

Tuổi trẻ hiến dâng vì bình yên cuộc sống -0
Tuổi trẻ hiến dâng vì bình yên cuộc sống -1
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tiến trong lễ vinh danh 10 gương mặt thầy thuốc trẻ Việt Nam 2021.

Tháng 7-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, tuy không trực tiếp có mặt tại “chiến trường” khốc liệt đó nhưng Ths Nguyễn Đức Tiến lại tham gia vào mạng lưới Thầy thuốc đồng hành với vai trò là Trưởng nhóm điều hành tư vấn sàng lọc người bệnh nhiễm COVID-19 tại quận 12 TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 114/QĐ-TWH của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Anh đã tư vấn, sàng lọc nguy cơ cho hàng chục ngàn người nhiễm COVID-19, đồng thời chuyển cấp cứu kịp thời cho hàng ngàn bệnh nhân nặng cần nhập viện.

“Không có mặt tại TP Hồ Chí Minh nhưng qua những cuộc gọi dồn dập mỗi ngày, tôi cảm nhận được hơi thở, cuộc sống, lo lắng, hoảng loạn, cũng như sự cố gắng chiến đấu của người bệnh trong đó”, Ths Tiến chia sẻ.

Nhớ lại khoảng thời gian khốc liệt và đau thương đó, anh không khỏi chạnh lòng.Quận mà anh phụ trách là địa bàn có số ca mắc cao thứ ba của TP Hồ Chí Minh sau TP Thủ Đức và quận 1.Mỗi ngày có từ 800-1.000 ca nhiễm mới, từ 100-200 người phải nhập viện, dịch luôn trong trạng thái căng thẳng.“Lúc đầu chúng tôi tư vấn bằng điện thoại, sau đó tư vấn trên phần mềm Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. CDC TP Hồ Chí Minh đưa tên, số điện thoại bệnh nhân sang Mạng lưới, chúng tôi tự gọi cho từng F0, khi nào bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng mới lấy địa chỉ của họ để trực tiếp liên hệ cấp cứu và các bệnh viện để tiếp cận bệnh nhân”, anh nhớ lại.

Tuổi trẻ hiến dâng vì bình yên cuộc sống -0
Thượng úy, Thạc sĩ, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 Nguyễn Đức Tiến.

Ths Tiến kể, lúc đầu F0 có nguy cơ 3 vẫn được nhập viện, sau F0 quá tải thì chỉ nguy cơ 4 - bệnh nhân nguy kịch bệnh viện mới nhận. “Gọi được xe cấp cứu đã rất khó khăn rồi nhưng F0 tới bệnh viện đã không còn chỗ.Chúng tôi cố gắng liên hệ các bệnh viện xung quanh để nhận bệnh nhân. Có trường hợp xe cấp cứu chở tới 3-4 bệnh viện cũng không còn chỗ, người bệnh đành phải quay về nhà, lúc này bác sĩ tư vấn kê thuốc, hướng dẫn uống thuốc, yêu cầu y tế phường cấp thuốc, liên hệ với hệ thống ATM oxy để mượn bình oxy mang tới tận nhà cho người bệnh. Với những bệnh nhân nặng thế này, chúng tôi theo dõi rất sát, mỗi ngày 2 lần điện thoại xem diễn biến của bệnh nhân ra sao”, anh cho biết.

Tư vấn cho hàng chục nghìn F0, mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, song có nhiều người khi gọi điện đến bị hoảng loạn do chứng kiến người nhà tử vong nhanh chóng. Kể lại trường hợp nam bệnh nhân 42 tuổi nhiễm COVID-19, Ths Tiến cho biết, khi anh gọi điện giới thiệu là người của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bệnh nhân đã òa khóc.

Sau khi nắm tình hình, Ths Tiến dặn dò bệnh nhân chuẩn bị để nhập viện. Nhưng, khi liên hệ gần hết các bệnh viện của thành phố thì không nơi nào nhận vì quá tải.Sau vài tiếng hỗ trợ “cật lực”, cuối cùng anh cũng tìm được một bệnh viện tiếp nhận. Vui mừng gọi lại cho người bệnh thì bên kia đầu dây người nhà cho biết, bệnh nhân đã tử vong. “Lúc đó mình cảm thấy đau buồn, bất lực vì không giúp được cho người bệnh.Sau này, mình nỗ lực làm sao tư vấn để cho người bệnh phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng, giảm tử vong”, Ths Tiến kể lại trong nỗi buồn.

Sẵn sàng thức trắng vì người bệnh

Suốt nhiều tháng, ngày nào cũng từ 5h sáng đến 12h đêm ôm điện thoại tư vấn cho F0, ngoài ra còn phải làm công tác chuyên môn ở bệnh viện, công việc cuốn Ths Tiến vào một guồng quay không ngơi nghỉ. Nhiều khi rất mệt mỏi, có ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng nhưng anh luôn động viên mình phải cố gắng vì người bệnh. Có những khi 2h sáng anh vẫn còn thức để điện thoại tư vấn. Hoặc, thấy cuộc gọi nhỡ của F0, dù là đêm khuya hay sáng sớm, anh đều gọi lại vì “người bệnh có cần gấp mới gọi cho mình”. Anh kể, đêm nào cũng rà soát lại một lượt những bệnh nhân nặng trong ngày để sáng sớm hôm sau điện thoại hỏi bệnh nhân ngay hoặc phân công bác sĩ khác gọi điện. Như thế mới kịp thời chuyển viện khi họ nặng.

Những nỗ lực của anh và các đồng nghiệp trong nhóm đã được đền đáp khi chuyển viện kịp thời cho hàng nghìn người bệnh. Không chỉ tư vấn hỗ trợ cho F0 điều trị tại nhà, mà có F0 còn nhờ anh tìm thông tin của bà và mẹ (cũng là F0) nhưng không biết nhập viện nào, tình hình ra sao. “Bà và mẹ của chị này sau khi nhiễm COVID-19 đã được đưa vào cơ sở thu dung, rồi đến bệnh viện cấp 2, bệnh viện dã chiến, sau cùng là bệnh viện tuyến trên.

Nhưng, để tìm được thông tin về họ, tôi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để tra cứu, tìm ở các bệnh viện, nhờ mạng lưới hỏi hộ nhưng cũng không tra được thông tin.Đến lúc tìm được thông tin của người mẹ, bệnh viện báo là đã chuyển đến nhà xác.Sau đó lại có thông tin đã đưa đi xử lý.2 ngày sau gọi điện lại để chăm sóc F0, chị cho biết đã nhận được hũ tro của mẹ và bà.Đau xót lắm”, Ths Tiến kể.

Tuổi trẻ hiến dâng vì bình yên cuộc sống -0
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tiến lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân.

Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội, anh bàn giao lại công việc tư vấn cho một bác sĩ là phó nhóm, tham gia cùng Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội tư vấn hỗ trợ cho F0 của 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa. So với TP Hồ Chí Minh, tư vấn cho các F0 ở Hà Nội không căng thẳng vì phần lớn đều đã tiêm vaccine, ca bệnh nặng, tử vong thấp.

Tại 2 địa bàn anh phụ trách tư vấn không có ca nào tử vong, chỉ cần có triệu chứng khó thở là anh liên hệ ngay với Trung tâm Y tế huyện cho bệnh nhân nhập viện. Do Ths Tiến kết nối khá tốt với Sở Y tế Hà Nội và trung tâm y tế 2 huyện nên kiểm soát tốt từng ngày, ca nào nặng là anh nắm được luôn. Mạng lưới kết nối về tận trạm y tế xã, lập các nhóm Zalo từng xã, ca nào bất thường là phát hiện ngay.

“Giai đoạn căng thẳng nhất của Hà Nội là tháng 2 và đầu tháng 3, khi ca dương tính mỗi ngày tăng rất cao.Có khi 2 giờ đêm người dân còn gọi điện, thường là trẻ em sốt cao, không hạ sốt, gia đình cuống lên gọi nhờ tư vấn. Những ca thế này, thường sáng hôm sau tôi đều gọi lại xem đã đỡ chưa hoặc đêm đến, thấy cuộc gọi nhỡ ở tổng đài 1022 là điện thoại lại tư vấn, giải đáp ngay”, anh chia sẻ.

Tuổi trẻ nhiệt huyết và cống hiến

Quan niệm của Ths Nguyễn Đức Tiến là tuổi trẻ luôn cống hiến hết mình cho công việc, cho các hoạt động đoàn thể.Không chỉ ở công tác chuyên môn, anh còn nhiệt huyết trong hoạt động Đoàn thanh niên. Ngày 21-3 vừa qua, anh được tôn vinh là một trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam năm 2021 bởi những đóng góp xuất sắc trên mặt trận phòng, chống dịch. Anh còn chủ trì tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tuổi trẻ Thủ đô với công tác phòng, chống dịch COVID-19” với sự tham gia của nhiều thầy thuốc đầu ngành. Chủ động đề xuất tạo mã QR code và triển khai khai báo y tế điện tử cho Bệnh viện 19-8 để hành khách checkin/checkout khi ra vào bệnh viện, thay thế khai báo y tế bằng giấy mỗi ngày hơn 1.000 tờ giấy, các văn phòng phẩm kèm theo, qua đó giúp bệnh viện tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng và đang áp dụng rất hiệu quả đến nay.

Tuổi trẻ hiến dâng vì bình yên cuộc sống -0
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tiến xét nghiệm COVID-19 cho người dân xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu.

Ngoài ra, anh còn tham gia phối hợp thành lập mạng lưới an toàn, không để xảy ra mất an toàn lao động trong triển khai các kỹ thuật mới trong phục vụ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Tham gia, hỗ trợ tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 20.000 lượt cán bộ chiến sĩ các đơn vị trong Bộ Công an. Thực hiện chương trình khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 321 người và tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, Hà Giang...

Gần 1 năm tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn hỗ trợ F0, dù công việc bận bịu, không có nhiều thời gian lo cho gia đình nhưng anh có hậu phương vững chắc luôn động viên yên tâm công tác.Đến nay, dịch ở Hà Nội đang qua đỉnh, những cuộc gọi của F0 chủ yếu là hỏi về hậu COVID-19.Anh cho biết, mình rất hạnh phúc khi thỉnh thoảng nhận được tin nhắn Zalo hỏi thăm của những “cựu F0” ở TP Hồ Chí Minh.

Trần Hằng
.
.