Tuy Hòa - miền đất của những cây cầu

Thứ Tư, 23/10/2024, 14:25

Rất nhiều du khách đến Phú Yên - vùng đất mệnh danh “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” đều ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy 5 cây cầu bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng trong một cung đoạn non chục cây số và cây cầu thứ 6 đang hình thành, tạo nên nét đẹp về kiến trúc giao thông và mỹ quan đô thị ở một địa bàn ven biển Nam Trung bộ.

1. Đã từ lâu, “núi Nhạn - sông Đà” là biểu tượng văn hóa của Tuy Hòa, Phú Yên. Người xưa ở vùng đất này còn dự báo thời tiết bằng... cảm quan “Chóp Chài mây phủ, đội mũ Đá Bia”. Núi Nhạn nằm bên sông Chùa - một nhánh nhỏ cuối dòng Đà Rằng cùng đổ ra cửa biển Đà Diễn. Với độ cao chỉ 64m so với mặt nước biển, đây chỉ là núi nhỏ có nhiều đá và cây bụi hoang dại, nhưng trên đỉnh núi có tháp Nhạn do người Chăm xây dựng cuối thế kỷ XI, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1988.

Ba chục năm sau, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1820/QĐ-TTG ngày 24/12/2018 xếp hạng tháp Nhạn là di tích quốc gia đặc biệt. Sông Đà là cách gọi tắt của Đà Rằng, đoạn cuối dòng sông Ba - con sông lớn nhất miền Trung, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô ở độ cao 1.549m, chảy qua 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên với chiều dài 388 km. Khi xuống hạ lưu có nhiều lau sậy mọc dày hai bờ, mà theo người Chăm là Ea Drăng (con sông lau sậy), còn người Kinh đọc chệch âm là Đà Rằng. Hàng ngàn tác phẩm ảnh nghệ thuật “núi Nhạn - sông Đà” đã trở thành quà lưu niệm của người Phú Yên dành cho du khách trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu.

Tuy Hòa - miền đất của những cây cầu -0
Cầu đường bộ nằm bên cầu đường sắt Đà Rằng giữa lòng đô thị Tuy Hòa. Ảnh: Ngọc Thắng

Cầu Đà Rằng đầu tiên do người Pháp xây dựng cách đây gần trăm năm. Hối ấy, giao thương trên đường thiên lý Bắc - Nam qua hạ lưu sông Đà Rằng đều bằng đò chèo tại hai bến đò Ông Chừ và Ngọc Lãng. Sau nhiều năm mệt mỏi với kiểu chuyển tải thủ công, người Pháp xác lập kế hoạch xây cầu Đà Rằng sử dụng chung cho đường sắt lẫn đường bộ.

Theo thạc sĩ sử học Phan Thanh Bình, ở Phú Yên, trong tác phẩm “Những cây cầu lớn bằng bê tông trên đường cái quan của An Nam từ Đà Nẵng đến Nha Trang” (Constraction de Granls Ponts en béton amé Sur la route mandarine en Annam entre Tourane et Nha Trang) do Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1929, từ cuối năm 1924 đến tháng 5/1925 người Pháp nghiên cứu xây cầu vượt hạ lưu sông Đà Rằng.

Theo dự kiến xây dựng hai cây cầu bê tông cốt thép là cầu sông Chùa dài 146,5m bắt qua sông Chùa - một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng và cầu Đà Rằng dài 1.105m. Việc xây dựng hai cây cầu này nhằm kết nối đoạn Đà Nẵng - Nha Trang trong dự án tuyến đường sắt xuyên Đông Dương (Transindochinois).

Tuy Hòa - miền đất của những cây cầu -0
Tác giả bên cầu đường bộ và cầu đường sắt Đà Rằng trên tuyến phố Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa. Ảnh: Cẩm Duyên

Theo đó, ngày 23/2/1926 công trình cầu Đà Rằng được tổ chức đấu thầu, hai ông Trương Phú Vinh và Ung Du trúng thầu với tổng kinh phí xây dựng hơn 117.800 đồng Đông Dương, tương đương 1,2 triệu franc Pháp lúc bấy giờ, nhưng nhà thầu giảm giá 17%. Với thời gian dự kiến thi công 16 tháng, cầu Đà Rằng sẽ hoàn thành ngày 28/7/1927, nhưng do thiên tai mưa lũ khiến tiến độ xây dựng chậm trễ, nhà thầu Ai-By hoàn thành nhịp cầu cuối vào ngày 21/4/1929. Thay vì 54 nhịp với tổng chiều dài 1.105m theo thiết kế kỹ thuật ban đầu, cầu Đà Rằng đã tăng lên 55 nhịp, chiều dài cũng tăng thành 1.075m. Cây cầu này có kết cấu dầm thép chịu lực, trụ bê tông cốt thép và 21 bộ khung thép bảo vệ hình zích zắc, nên người dân địa phương thường gọi là cầu 21 nhịp và có thơ ca dân dã “Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp/ Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu/ Ngày xuân con cá giải sầu/ Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng”.

Cầu Đà Rằng thời ấy là cây cầu dài nhất miền Nam và dài thứ nhì Việt Nam, vì ở miền Bắc lúc đó có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng dài 2.290m do người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến 1902. Cầu Đà Rằng hoàn thành giúp cho người Pháp nối ray tuyến đường sắt Đông Dương ngày 2/9/1936 tại km 1.221 ở phía Nam ga Hảo Sơn - nay thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên), để đón chuyến tàu đầu tiên trong hành trình Hà Nội - Sài Gòn dài 1.730 km.

Tuy Hòa - miền đất của những cây cầu -0
Cầu đường bộ Đà Rằng trên huyết mạch giao thông xuyên Việt Quốc lộ 1A tại 1335+544. Ảnh: Hữu Toàn

Trong phong trào tiêu thổ kháng chiến ngăn chặn bước tiến quân Pháp xâm chiếm vùng tự do Phú Yên, nhiều nhịp cầu Đà Rằng cùng nhiều ngôi nhà kiên cố ở Tuy Hòa phải phá hủy từ tháng 12/1946. Hiệp định Genève ký kết ngày 20/7/1954 chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, chính quyền Sài Gòn khôi phục cầu Đà Rằng nguyên mẫu thiết kế của người Pháp, tiếp tục phục vụ giao thông đường sắt lẫn đường bộ. 

2. Mãi đến đầu năm 1970, chính quyền Sài Gòn mới xây cầu đường bộ Đà Rằng đầu tiên nằm song song cầu đường sắt. Với chiều dài 1.101m, cây cầu này có 58 trụ bằng khung sắt với 59 nhịp và 2 mố cầu bê tông cốt thép, trong đó có 52 nhịp ngắn, mỗi nhịp 18m và 7 nhịp dài, mỗi nhịp 21m. Ngoài mặt cầu rộng 7,5m, còn có hai phần đường người đi bộ, mỗi phần 0,9m, trọng tải của cầu 35-40 tấn. Chỉ hơn một năm thi công, cầu đường bộ Đà Rằng khánh thành ngày 13/2/1971 và là cây cầu hiện đại nhất trên đường số 1 ở miền Nam nhưng chỉ là cầu dã chiến, nên giới hạn thời gian sử dụng 20 năm.

Sau khi đất nước thống nhất, cầu đường bộ Đà Rằng nằm trong huyết mạch giao thông xuyên Việt, nên Bộ giao thông - Vận tải (GTVT) đầu tư kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa mỗi năm để kéo dài tuổi thọ. Trong khi cầu đường sắt Đà Rằng cũng được Bộ GTVT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hợp tác với Nhật Bản đại tu năm 1999 và đổi màu sơn đen sang màu xám.

Do yêu cầu vận tải trong thời kỳ đổi mới với mật độ phương tiện ô tô trên QL 1A tăng cao, nên tháng 7/2003 Bộ GTVT quyết định thi công đường tránh QL 1A qua TP Tuy Hòa, đồng thời sử dung nguồn tiền còn lại trong dự án khôi phục 5 cây cầu trên QL 1A từ nguồn vốn ODA Nhật Bản để đầu tư xây cầu đường bộ Đà Rằng mới theo tiêu chuẩn quốc tế tại lý trình km 1335+544 với thiết kế kỹ thuật 36 nhịp, tổng chiều dài 1.512m, quy mô vĩnh cửu, tổng kinh phí đầu tư 420 tỷ đồng.

Do đây là công trình trọng điểm quốc gia và là cây cầu dài nhất miền Trung trên QL 1A nên Bộ GTVT huy động tối đa mọi nguồn lực, lựa chọn những nhà thầu có năng lực thi công từ tháng 7/2003. Hơn một năm sau, Thủ tướng Phan Văn Khải cắt băng khánh thành ngày 10/11/2004.
Sau khi cầu đường bộ Đà Rằng mới thông xe, cây cầu Đà Rằng cũ rời khỏi huyết mạch giao thông xuyên Việt, hoàn thành sứ mệnh lịch sử trên QL 1A nhưng chuyển sang phục vụ đường Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa. Tuy nhiên, cây cầu quá già cỗi, đến cuối năm 2012 đã vượt niên hạn sử dụng hơn 20 năm, buộc phải cấm một số ô tô nhưng vẫn phập phồng lo ngại, nên tỉnh Phú Yên khẩn thiết đề nghị Trung ương cho xây mới cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa. Phải hơn 5 năm sau, kế bên cây cầu cũ có thêm cầu đường bộ Đà Rằng mới dài 1.128m cùng cầu Sông Chùa trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa khởi công ngày 19/1/2018 với tổng kinh phí hơn 340 tỷ đồng và đã khánh thành ngày 31/5/2019.

Trước đó hơn 3 năm, tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng cầu Hùng Vương bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng, cách cửa biển Đà Diễn gần 1.000m. Với tổng kinh phí 477 triệu đồng, cây cầu này dài 1.280m, rộng 18m dành cho 4 làn xe, hai bên có lối đi bộ hành. Công trình khởi công ngày 11/1/2006 nhưng do nhiều trở ngại nên hơn 5 năm sau mới khánh thành vào ngày 31/3/2011. Cầu Hùng Vương nằm trên đại lộ Hùng Vương kết nối trung tâm TP Tuy Hòa với khu kinh tế Nam Phú Yên, sân bay Tuy Hòa, cảng Vũng Rô...

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Tiến - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, khi triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, qua địa phận tỉnh này, các chuyên gia đã khảo sát, thiết kế xây dựng cầu Đà Rằng cao tốc từ bên này xã Hòa An, huyện Phú Hòa sang bên kia xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa. Và, đây cùng là cây cầu thứ sáu ở hạ lưu sông Đà Rằng. Cây cầu này xây dựng bằng bê tông cốt thép có tuổi thọ 100 năm với tổng chiều dài hơn 2.155m, bề rộng mặt cầu 17,5m, giai đoạn 1 tốc độ thiết kế 80km/h với quy mô 4 làn xe và giai đoạn 2 tốc độ thiết kế 120km/h với quy mô 6 làn xe.

Tuy Hòa - miền đất của những cây cầu -0
Cầu đường sắt Đà Rằng trên tuyến đường sắt xuyên Việt. Ảnh: Hữu Toàn

3. Đêm xuống, vẻ đẹp của những cây cầu bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng thêm lung linh trong ánh điện. Nhìn từ xa, những sắc màu đèn LED trên cầu Hùng Vương tựa như dải cầu vồng phía cửa biển Đà Diễn. Bên cầu đường sắt, đường bộ Đà Rằng trên tuyến phố Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa là làng rau, làng hoa Ngọc Lãng thu hút du khách trải nghiệm nét vẻ yên bình đậm chất nông quê giữa lòng đô thị. Từ trên những cây cầu này, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của vùng đất “núi Nhạn - sông Đà” và tha hồ thưởng thức cái gió Tuy Hòa được ví như “đặc sản thiên nhiên” nổi tiếng ở nơi này. Gió mặn nồng thổi về từ biển, gió ngọt lành len lỏi ven sông và gió thơm lừng hương lúa từ ruộng đồng mượt cánh cò bay...

Năm 1946, nhà thơ Trần Mai Ninh đã đưa thứ “đặc sản” ấy vào bài thơ “Nhớ máu” rất giàu hình tượng “Ơ cái gió Tuy Hòa.../ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/ Gió trẻ lại lưng chừng/ Gió nghĩ/ Gió cười/ Gió reo lồng lộng...”. 34 năm sau, nhà văn Khuất Quang Thụy - người lính của Sư đoàn 320 ráo riết truy kích địch trên đường 7, đập tan “cuộc rút lui chiến lược” của địch từ Tây Nguyên xuống Phú Yên tháng 3/1975, đã mô tả rất nhiều vẻ đẹp của dòng sông và cây cầu Đà Rằng trong tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc”.

Trên sông Đà Rằng những đêm yên bình giữa mùa khô, nhiều người dân vùng hạ lưu chèo xuồng men theo lạch nước giăng lưới, thả lờ bắt cá, soi cua. Khi bình minh vươn dậy thì lặn lội mưu sinh dưới dòng nước với nghề cào hến... Con sông hiền hòa bên những cây cầu còn bồi đắp phù sa cho những bãi bồi xanh mướt rau dưa.

Những cây cầu bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng không chỉ tạo nên điểm nhấn về kiến trúc giao thông, mỹ quan đô thị Tuy Hòa với sức sống mới căng tràn trên con đường đổi mới, mà còn là cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông ven biển tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định quốc phòng - an ninh ở Phú Yên và vùng Nam Trung bộ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.