Về miền gốm cổ Churu…

Thứ Tư, 25/01/2023, 09:26

Thời bấy giờ, để lấy được loại đất đặc biệt trên đỉnh núi Toom Uh, những người phụ nữ dân tộc thiểu số Churu (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) lành nghề phải thức dậy từ rất sớm. Họ cẩn thận chuẩn bị các linh vật cần thiết đem tới địa điểm xin đất thực hiện những nghi thức thần bí bắt buộc để “Yàng” chấp nhận cho lấy đất về.

Hành trình xin đất thiêng

Những phụ nữ cao tuổi bậc tổ của nghề, có uy tín nhất vùng được dân buôn miền gốm cổ Churu tiến cử dẫn đầu đoàn người. Từng đôi bàn chân không dép, khô ráp giẫm xuống con đường mòn lởm chởm sỏi đá. Đoàn người đi xin đất lặng lẽ rời buôn trong ánh trăng già mờ đục bàng bạc hơi sương cuối tháng mùa khô. Họ đi trật tự thành hàng, không tiếng buông lơi đùa cợt. Cả hành trình dài từ buôn Krăn Gọ tới đỉnh núi Toom Uh phía Tây là một nghi thức trang trọng. Tới nơi trời vẫn chưa sáng, sau lễ gọi “Yàng”, thần Đất, thần Núi thiêng liêng về chứng kiến nghi thức xin đất truyền thống, những người phụ nữ sở hữu đôi bàn tay khéo léo, mang trong mình nhiều kinh nghiệm làm gốm cầm thuổng, xà beng, cẩn thận cạy đào từng mảng đất trên núi thiêng, bóc ra chọn lấy loại đất tốt nhất cho vào gùi.

Về miền gốm cổ Churu…ANTG_TET_T31 -0
Đất làm gốm được bà con lấy từ núi Toom Uh.

Cánh mày râu người Churu vốn khỏe mạnh, cơ bắp lực lưỡng là vậy nhưng vẫn không được phép tham gia vào các công đoạn hệ trọng như cúng vái thần linh, đào chọn, lựa tìm loại đất thiêng. Trong khi nữ giới được thừa hành thực hiện những đặc quyền trên, cánh đàn ông chỉ được phép trang trọng đứng ngoài quan sát. Họ được giao nhiệm vụ bảo vệ các nghi thức đang diễn ra và sau là gùi đất thiêng về buôn khi mọi việc đã hoàn tất. Đây cũng chính là điều thể hiện quyền uy tối thượng, khẳng định vai trò trọng yếu của nữ giới được thể hiện trong chế độ mẫu hệ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Xưa kia, nơi đây là vùng sản xuất đồ gốm nổi tiếng bậc nhất khu vực Nam Tây Nguyên với hàng chục gia đình giữ nghề. Sản phẩm của bà con làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong nội bộ gia đình, dòng tộc, buôn sóc, mà còn được đem đi nhiều nơi đổi lấy lúa gạo, trâu bò, dê, heo… theo hình thức giao thương hàng hóa. Đồ gốm của người Churu cư ngụ bên dòng sông Đa Nhim đã ra đời và mang trong mình sức sống bền bỉ suốt nhiều thế kỷ. Vậy nên, khi cần thiết phải có một tên gọi chính thức để định danh hành chính, người Churu ở miền Đơn Dương đã lấy nghề đặt tên cho buôn của mình: Krăn Gọ (buôn gốm). Sản phẩm gốm cổ Krăn Gọ phổ biến nhất là các loại nồi dùng để nấu cơm, nồi nấu cháo, nấu canh, tô ăn cơm, ấm nấu nước… đạt tới mức “cảnh giới” về độ bền và hình thức, mẫu mã ngày càng được cải tiến. Về sau, khi cuộc sống người dân trong vùng khấm khá hơn, bà con nơi đây sản xuất thêm nhiều đồ vật dùng để trang trí trong nhà như bình cắm hoa, các loại tượng…

Thế rồi, khi các làng nghề sản xuất gốm ở miền xuôi được hiện đại hóa, với quy mô lớn, nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo thì buôn gốm cổ Krăn Gọ của đồng bào Churu vùng Pró mai một. Những bàn tay truyền đời cần mẫn không còn đủ kiên nhẫn để sống chết với nghề. Rồi nghi thức cúng vái xin đất thiêng ở núi Toom Uh lúc rạng sáng mùa khô cũng thưa dần. Buôn Krăn Gọ giờ chẳng còn mấy nóc nhà nổi lửa nung gốm bằng phương pháp cổ lộ thiên truyền thống.

Về miền gốm cổ Churu…ANTG_TET_T31 -0
Nghệ nhân Ma Ly nhồi đất chuẩn bị làm đồ gốm.

“Cái lý” của người Churu

Tôi là một trong ít người được nghệ nhân dân gian Ma Ly (65 tuổi, ngụ buôn K’răn Gọ, xã P’ró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho vào nhà diện kiến quá trình sáng tạo ra một nồi nấu cơm được làm bằng chất liệu gốm. May mắn, bà coi tôi như một người tới học nghề nên chỉ dạy tận tình đến mức không thể cẩn thận hơn. Tất cả các khâu làm đồ gốm bằng phương pháp thủ công đều quan trọng, mọi sự cẩu thả, tùy tiện đều là tối kỵ. Để cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo, người thợ gốm phải hội tụ được nhiều yếu tố, kết hợp hài hòa giữa các công đoạn. Dĩ nhiên, khâu đầu tiên là phải tìm được loại đất phù hợp và loại đất đó chỉ duy nhất trên núi Toom Uh mới có. Khác xa với những gì trước đó tôi mường tượng, loại đất này không hẳn là đất thuần sét mà vẫn có pha một lượng cát nhất định. Sau khi đem về, phơi khô và đập nhỏ, người làm gốm tiếp tục sàng, chỉ giữ lấy những phần đất mịn nhất nhưng vẫn còn pha một lượng cát nhất định. Điều tiếp tục khiến tôi ngạc nhiên là loại đất này không chỉ dẻo mà còn rất dính, tính liên kết giống hệt như bột gạo pha nước. Dĩ nhiên, khi sản xuất đồ gốm, người làm phải liên tục nhúng bàn tay vào nước để chống dính.

Nghề làm đồ gốm bên dòng sông Đa Nhim của người Churu ở Lâm Đồng đã tồn tại hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm qua và chịu sự ảnh hưởng rõ nét của nền văn hóa Vương quốc Chămpa cổ trong quá khứ. Công nghệ của thời đại văn minh đã thâm nhập trong mọi lĩnh vực, riêng với nghề làm đồ gốm của bà con người Churu ở vùng Đơn Dương thì không. Gần như khởi sinh của nghề làm gốm cổ xưa kia sao thì nay vẫn y chang như vậy, không thể nào tối ưu, đơn giản hơn được nữa. Đến ngay chiếc bàn xoay, vốn là điều không thể thiếu ở các làng gốm truyền thống nổi tiếng ở miền đồng bằng bà con cũng không có. Đồ nghề của nghệ nhân dân gian Ma Ly là một miếng xốp bọc vải đặt trên chiếc ghế nhựa cao hơn 50cm. Để tạo ra sự cân đối, hài hòa của sản phẩm, do không sử dụng bàn xoay nên bà Ma Ly phải di chuyển nhiều vòng xung quanh trong sự kết hợp uyển chuyển, điêu luyện của đôi bàn tay tài hoa để tạo ra hình dáng, hoa văn tinh xảo trên sản phẩm.

Về miền gốm cổ Churu…ANTG_TET_T31 -0
Sản phẩm gốm thủ công Krăn Gọ nổi tiếng của người Churu dần hình thành.

Tôi buột miệng hỏi: Sao bà con mình không sử dụng bàn xoay có phải đỡ vất vả hơn không. Nghệ nhân Ma Ly lắc đầu cười: Cái đó (bàn xoay) không phải của dân tộc mình, mình không quen dùng! Cái lý của Ma Ly thoạt nghe có vẻ hơi bảo thủ nhưng ở góc độ bảo tồn văn hóa truyền thống thì rõ ràng đó là sự thành công ngoài mong đợi. Chính “cái lý” đó mà hàng trăm năm qua nghề gốm vẫn tự hào tồn tại ở Krăn Gọ, trở thành sản phẩm đặc hữu của đồng bào Churu mà rất khó nhầm lẫn với sản phẩm của các dân tộc khác được sản xuất theo hình thức thương mại. Nếu đem sản phẩm đồ gốm của đồng bào Churu so sánh với sản phẩm gốm của người Kinh ở các tỉnh đồng bằng được sản xuất theo phương pháp hiện đại thì quả là khập khiễng. Nhưng nhìn vào chất liệu, hoa văn, hình thức của sản phẩm gốm và cách bà con sản xuất thì có thể nhận ra sự phát triển của văn hóa, chất chứa nền văn minh được tiến triển qua các thời kỳ của tộc người Churu trên miền đất Tây Nguyên.

Bố cục trên các tác phẩm gốm của đồng bào Churu thể hiện sự tự nhiên, phóng khoáng và tối giản, ít thấy sản phẩm nào được trang trí họa tiết cầu kỳ. Điều này có liên quan tới tính tình khoáng đãng, lối sống hòa hợp của tộc người Churu. Hoa văn trên các sản phẩm thường được trang trí ở vai gốm, hoặc tạo đường viền ở vai và gần đáy gốm, hiếm khi họ trang trí toàn thân gốm. Như đã nói, do chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Chămpa cổ, đồ gốm của người Churu thường kiêng kỵ vẽ hoa văn hình động vật, hình người bởi quan niệm hỏa táng (nghi thức trong lễ tang của người Chăm Bà la môn).

Về miền gốm cổ Churu…ANTG_TET_T31 -0
Nghệ nhân Ma Ly vừa hoàn thành một sản phẩm gốm.

Kỹ thuật nung gốm của người Churu cũng là điều đáng nghiên cứu, tìm hiểu. Họ không nung trong lò hoặc đào chìm xuống lòng đất mà nung bằng phương pháp lộ thiên. Hình thức này khó hơn nhiều so với cách nung gốm trong lò do độ nóng không đồng đều và luôn phải chịu những tác nhân bên ngoài như thời tiết, sức gió, ngọn lửa… rất dễ dẫn đến sản phẩm bị hư hỏng, gốm chín không đều nếu chủ nhân không đạt tới ngưỡng kỹ thuật nhất định. Cũng chính phương pháp nung gốm lộ thiên này đã góp phần làm nên dấu ấn của vùng gốm cổ Krăn Gọ. Nung lộ thiên nên trước khi xếp gốm, người thợ phải xếp các nguyên liệu nung thành những lớp nền nhất định. Kỹ thuật này vừa quyết định chất lượng gốm lại vừa khẳng định được giá trị nghệ thuật thể hiện trên từng sản phẩm. Loại củi dùng để nung gốm phải được lấy trên núi cao, đốt cháy lớn và than củi hừng lâu, sức nóng bền bỉ. Nhưng trước khi nung gốm, các sản phẩm phải được đảm bảo phơi khô ít nhất vài tuần. Hậu quả của sự nôn nóng nhằm sớm cho ra lò các sản phẩm gốm là những đồ vật bị lỗi. Đây là điều tối kỵ đối với những người làm nghề ở buôn gốm cổ Krăn Gọ.

Bóng chiều nghiêng qua núi Toom Uh linh thiêng phía xa, nghệ nhân Ma Ly tay vẫn thoăn thoắt, đều đều. Những sản phẩm của buôn gốm cổ Krăn Gọ ra đời trong sự cần mẫn như thế!...

Khắc Lịch
.
.