Về nơi thủ phủ dó trầm

Thứ Bảy, 25/02/2023, 10:45

Xã Phúc Trạch trước đây là một làng cổ, nằm ngay dưới chân dãy núi Giăng Màn thuộc huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhắc đến vùng đất này là nhớ đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch, loại quả từng được Liên minh Châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bản đồ số sản phẩm.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày hôm qua, bởi về Phúc Trạch hôm nay, từ đầu làng đến cuối xóm, người người nhà nhà, đều đào bỏ cây bưởi đã gắn bó nhiều năm, để trồng loại cây mới cho năng suất kinh tế cao hơn, là cây dó trầm. Phong trào trồng dó ở Hà Tĩnh và nghề đục trầm ở xã Phúc Trạch cũng từ đó mà thành.

dotram-1.jpg -0
Người dân Phúc Trạch đang khoan dó tạo trầm

Làng trầm hương dưới chân núi

Ông Đinh Công Ánh (96 tuổi), một trong những người được ví như “ông tổ” của nghề đục dó tìm trầm ở Phúc Trạch, kể: Bản thân ông gắn bó với mùi hương của cây dó trầm khoảng 90 năm nay, khi còn đầu trần chân đất cưỡi trâu cùng chúng bạn, đã thấy bố mẹ, ông bà tách vỏ gỗ để tìm trầm. “Ngày xưa không có dụng cụ chuyên dụng lẫn máy móc hiện đại như bây giờ để tìm trầm.

Cách đơn giản nhất là tìm ở những cây dó trưởng thành, những chỗ màu đen chính là trầm tích tụ, chặt lấy mang về tán nhỏ, dùng giấy quấn lại thành cây hương trầm”, ông Ánh kể. Cũng theo ông Ánh, nghề đục dó tìm trầm ở Phúc Trạch bắt đầu được biết đến và phát triển từ những năm 1980 của thế kỷ trước, khi những người thợ tìm trầm chuyên nghiệp từ Nam chí Bắc đổ xô về Phúc Trạch để lùng sục, mở xưởng săn trầm thì người dân mới biết giá trị đích thực của những cây gỗ mọc tự nhiên khắp làng trên xóm dưới.

Về nơi thủ phủ dó trầm -0
Một người dân hành nghề bán dạo cây dó trầm con trên địa bàn

Từ ngày cây dó trầm lên ngôi, người dân Phúc Trạch có thêm nghề mới, là nghề đục dó trầm. Đây là công việc đặc thù, đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn, khi người thợ dùng các dụng cụ chuyên dùng gần giống với dụng cụ để làm mộc, cẩn trọng bóc từng lớp gỗ bên ngoài để tìm những mẩu gỗ màu đen nằm lẫn bên trong thân cây, nơi có chứa mùi hương thơm đặc biệt của tinh chất trầm. Người dân nơi đây ví von, cũng như đục gỗ tìm vàng, gần như những công đoạn này đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự khéo léo chẳng khác gì những nghệ nhân.

Nghề này, đặc biệt ở chỗ, không có bất cứ trường lớp, sách vở nào có thể dạy được thành bài, mà cứ theo truyền thống, người trước truyền kinh nghiệm lại cho người sau, theo thời gian sẽ tự tích lũy kinh nghiệm và hình thành kĩ năng. Nghề đục dó tìm trầm ở Phúc Trạch cũng được hình thành tự nhiên như thế. Từ những cây dó trầm, những “nghệ nhân” của làng sẽ chế tác ra nhiều loại sản phẩm khác nhau như: trầm cảnh, đồ mỹ nghệ, trang sức, các sản phẩm tâm linh… Điều đặc biệt là đến nay, phần lớn các công đoạn chế tác vẫn được thủ công, và chính điều này đã tạo nên thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm trầm của Phúc Trạch.

Về nơi thủ phủ dó trầm -0
Cây dó trầm đã thay thế hoàn toàn thương hiệu bưởi Phúc Trạch nổi tiếng một thời

Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn xã có hơn 300 ha cây dó trầm, trong đó diện tích cho thành phẩm là hơn 200ha. Được thiên nhiên ưu đãi về mặt khí hậu, trầm ở Phúc Trạch thơm, ngọt và trầm trong cây dó cho sản lượng nhiều hơn so với trồng ở các địa phương khác. Theo ông Khánh, cách đây khoảng 50 năm, người dân bản địa vẫn coi cây dó trầm là những cây lấy gỗ bình thường, mọc hoang dại trong vườn. Nhưng dần dà, phát hiện mùi hương đặc biệt tỏa ra từ thân cây, nhiều người đã biết tận dụng để làm nguyên liệu trong sản xuất hương trầm.

Từ đó, theo thời gian, cây dó đã thế chân cây bưởi, từng là cứu cánh để giúp bà con nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Lý do người dân Phúc Trạch ngày càng ít mặn mà hơn với cây bưởi truyền thống, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, một người có kinh nghiệm hơn 50 năm gắn bó với nghề cho biết, trồng bưởi bấp bênh, công chăm sóc lớn trong khi giá thành mang lại không cao. Trong khi đó, cây dó trầm rất dễ sống, chỉ mất công chăm sóc lúc mới trồng, sau đó cứ để vậy, không mất công chăm bón, tầm khoảng 10 năm sau là đã cho trầm hương, có thể thu hoạch, thu về hàng chục triệu đồng.

Về nơi thủ phủ dó trầm -0
Vườn ươm cây dó trầm mọc lên khắp nơi trên địa bàn xã Phúc Trạch

Tỉ phú từ cây dó trầm

Đến Phúc Trạch, ngay từ đầu làng đã nghe thoang thoảng mùi hương trầm, và san sát những xưởng chế tác những vườn ươm cây mọc lên đầu làng đến cuối xã. Vào Phúc Trạch, như lạc vào một mô hình sinh thái kiểu mẫu hơn là một làng quê ở miền trung du, khi được thả mình dưới những con đường bê tông phẳng mịn, hai bên là những vườn cây dó trầm cao vút, thẳng tắp đang chờ đến ngày đốn hạ để thu hoạch.

Dó trầm ở Phúc Trạch “sốt” đến độ, người dân nơi đây hầu như không ai ra đồng làm ruộng, cũng chẳng ai phải đi làm ăn xa, chỉ quanh quẩn với loại cây này ở mảnh vườn nhà mình, cũng có nguồn thu nhập khủng. Với những người nông nhàn hơn, hằng ngày chỉ với một chiếc xe máy cà tàng, một chiếc giỏ nhựa buộc phía sau, có thể đến bất cứ vườn ươm nào để mua sỉ cây giống, sau đó chở đi bán dạo quanh vùng, mỗi ngày cũng có thể kiếm được tiền triệu. Tùy theo độ tuổi của cây, mà có giá bán dao động từ 150.000 – 450.000 đồng. Từ nhiều năm nay, ở Phúc Trạch đã xuất hiện nhiều hơn những ngôi biệt thự hoành tráng nép mình dưới những tán cây dó trầm cao vút, nhiều nhà sắm được xế hộp để làm phương tiện đi lại hằng ngày. Những điều này, trước đây bà con gắn bó với cây bưởi hàng chục năm, ước mơ thôi cũng đã là xa xỉ.

Về nơi thủ phủ dó trầm -0
Những ngôi biệt thự đã mọc lên san sát nhờ dó trầm ở Phúc Trạch

Điều đặc biệt là chỉ có cây dó trầm được trồng trên đất Phúc Trạch mới cho nhiều dầu trầm, và có hương thơm rất khác biệt. Còn ở các vùng lân cận, mặc dù cây phát triển rất nhanh và tươi tốt, song không có tinh dầu. Bởi vậy, có những thời điểm, thấy người dân Phúc Trạch phất lên nhờ cây dó trầm, người dân ở các xã lân cận như Hương Trạch, Hương Trà, Phú Gia cũng hối hả trồng cây dó trầm, nhưng hiệu quả không có nên đành ngậm ngùi từ bỏ. Bên cạnh những vườn dó trầm nhân tạo, được trồng mới và dưới bàn tay tác động của con người bằng cách khoan lỗ để tạo trầm, thì ở Phúc Trạch vẫn còn lưu giữ được những cây dó trầm tự nhiên, có tuổi đời hàng trăm năm. Trầm tự nhiên có hương thơm đặc biệt, vì thế nên giá thành cũng cao hơn, có những cây dó được thương lái định giá hàng tỉ đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, một “nghệ nhân” của làng cho biết thêm, trầm được hình thành trong tự nhiên là do cây dó bị sâu đục vào thân. Tự nó theo thời gian sẽ hình thành nên “vết thương” giống như con trai ở dưới biển, hai bên vết thương sẽ tự ốp vào nhau. Càng lâu năm, “vết thương” này càng lớn, cây càng già thì càng nhiều trầm, hương càng thơm.

Hiện, ông Tuấn là một trong số ít những người dân trên địa bàn đang sở hữu vườn dó trầm tự nhiên, trong đó có những cây hơn 100 năm tuổi, thân cây 2 người ôm không hết, thương lái đã nhiều lần trả giá tiền tỉ nhưng ông vẫn không bán. Ông Tuấn chia sẻ thêm, một cây dó có tuổi đời từ 10 – 12 tuổi là có thể cho trầm, nhưng để thu hoạch được thì khoảng trên 20 tuổi, càng lâu thì tinh dầu trầm càng dày, tỉ lệ trầm càng nhiều. Toàn xã Phúc Trạch hiện có 6 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác, 5 doanh nghiệp và có 302 mô hình sản xuất kinh doanh từ trầm hương, có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Hằng năm, tổng thu nhập của xã đạt trên 100 tỉ đồng, trở thành địa phương dẫn đầu trong toàn huyện về thu ngân sách. Hiện nay, đã có nhiều hợp tác xã đạt chuẩn Ocop 3 sao với sản phẩm từ dó trầm.

Về nơi thủ phủ dó trầm -0
Những vườn dó trầm tiền tỉ tạo nên thương hiệu trầm hương Phúc Trạch

Kinh tế phát triển, mang lại nhiều tiềm năng, lợi thế cho địa phương, song bên cạnh đó cũng tạo ra nhiều thách thức, hệ lụy cho chính quyền và lực lượng công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), giữ bình yên địa bàn. Đại úy Nguyễn Xuân Hậu, trưởng Công an xã Phúc Trạch cho biết: Nhờ cây dó trầm, đời sống dân sinh trên địa bàn cao, kinh tế phát triển nên cũng kéo theo một số vấn đề về ANTT trên địa bàn.

Trong năm 2022, trên địa bàn xảy ra 46 vụ việc liên quan đến ANTT, Công an xã phải lập hồ sơ để xử lý, trong đó chuyển công an huyện khởi tố 5 vụ theo đúng thẩm quyền. Mặc dù vậy, về cơ bản, tình hình ANTT trên địa bàn cơ bản được giữ vững, lực lượng công an xã thường xuyên bám địa bàn, sâu sát cơ sở nên đã kịp thời nắm bắt được tình hình, từ đó xử lý kịp thời các tình huống manh nha ngay từ cơ sở.

Thiện Thành
.
.