Vì một Thủ đô văn minh, an toàn, thân thiện
Sau khi Công an cấp huyện dừng hoạt động, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đảm nhiệm cả công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các quận, huyện, thị xã. Khối lượng công việc ngày càng nhiều hơn, nhất là khi những ngày lễ lớn của đất nước đang cận kề, thế nhưng lực lượng CSGT Hà Nội vẫn đang nỗ lực hết mình vì một Thủ đô bình yên, an toàn, văn minh.
Ngăn chặn “quái xế”
Từ 1/3/2025, công an cấp huyện không còn duy trì, đồng nghĩa với việc các đội CSGT - trật tự của công an quận, huyện, thị xã cũng được điều động về các phòng chức năng của Công an TP Hà Nội. Trước tình hình đó, Công an TP Hà Nội đã triển khai những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế, bảo đảm công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quận, huyện không bị gián đoạn.
Nhiệm vụ này được thực hiện dưới hình thức bố trí cán bộ tham gia các tổ địa bàn làm việc trực tiếp tại cơ sở, vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa hướng dẫn, phối hợp với công an cấp xã trong công tác phòng ngừa ùn tắc, xử lý vi phạm, qua đó nâng cao hiệu quả nắm tình hình, quản lý địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ địa bàn hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đóng vai trò như “cánh tay nối dài” bám sát địa bàn 24/7, sẵn sàng giải quyết tình huống ngay từ cơ sở.

Với mô hình tổ địa bàn, lực lượng CSGT Hà Nội không chỉ duy trì liên tục công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà còn tạo sự chủ động trong xử lý vi phạm, phòng ngừa ùn tắc từ sớm. Càng gần dịp lễ lớn kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2025, Ngày Quốc tế lao động 1/5/2025, công tác này càng được chú trọng.
Ở Hà Nội, dường như cứ mỗi dịp lễ, Tết, đã thành truyền thống, thông lệ, du khách thập phương, quốc tế, người dân nội, ngoại thành tìm đến các điểm du lịch văn hóa, tâm linh, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô ngày càng đông. Do đó, công tác đảm bảo giao thông xuyên suốt, chống ùn tắc cục bộ, chống các vi phạm trật tự an toàn giao thông để nhân dân vui chơi an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.
Thực hiện kế hoạch của Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chủ động nắm tình hình, lên kế hoạch, tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm nhóm đối tượng thanh thiếu niên, điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông.
21h ngày 28/3/2025, các tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 đồng loạt triển khai tại nhiều khu vực thuộc các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy, nhằm kiểm soát tình hình giao thông. Nhiều vi phạm liên tục được xử lý như “độ” bô, không gắn biển số, vi phạm nồng độ cồn... Ngoài ra, lực lượng CSGT còn test ma túy với các trường hợp nghi vấn. Đây là một trong những nỗ lực của Công an TP Hà Nội nhằm xử lý 6 nhóm hành vi gây tai nạn giao thông, đặc biệt từ giới trẻ, góp phần đảm bảo an toàn trên các tuyến đường Thủ đô. Đáng chú ý, nhiều tài xế rất trẻ, sinh từ 2007-2010 vi phạm. Các trường hợp vi phạm được đưa về điểm tập kết để phân loại, xử lý.
Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết đơn vị chủ động nắm tình hình, xây dựng phương án kiểm tra chi tiết tại từng khu vực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Công tác tuần tra được tổ chức chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các tổ công tác nhằm xử lý đúng đối tượng vi phạm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông và cán bộ làm nhiệm vụ.
Đêm 28, rạng sáng 29/3, các tổ công tác của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã xử lý gần 30 trường hợp vi phạm, gần 40 đối tượng, với các lỗi chủ yếu như không đội mũ bảo hiểm, không có giấy tờ xe, điều khiển xe “độ”, chế, lạng lách, đánh võng trên đường. Đáng chú ý có 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó một trường hợp vi phạm ở mức 0,548 mg/L khí thở.

Tăng cường tuần tra, xử phạt
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, thậm chí mang theo hung khí khi tham gia giao thông. Đây cũng là tình trạng nhức nhối khiến người dân bất an mỗi khi đêm xuống, đèn đường bật lên. Dù đã liên tục ra quân xử lý vi phạm nhưng dường như các đối tượng thanh, thiếu niên vẫn “nhờn” luật.
Những hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người vi phạm mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự. Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trước tình hình đó, Phòng CSGT đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai lực lượng tập trung xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt vào ban đêm và các tối cuối tuần, thời điểm dễ phát sinh các hành vi vi phạm nguy hiểm. Việc triển khai tại các địa bàn trọng điểm còn nhằm ngăn chặn từ sớm các nhóm thanh, thiếu niên từ khu vực ngoại thành di chuyển vào nội đô tụ tập, gây rối. Lực lượng cảnh sát tập trung kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường cửa ngõ, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh giữa nội thành và ngoại thành để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT Hà Nội đã tăng cường công tác triển khai, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Hình ảnh những chiến sĩ CSGT làm việc xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ lễ giữ gìn trật tự an toàn giao thông đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng quần chúng nhân dân.
Việc triển khai kiểm tra nồng độ cồn với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của lực lượng CSGT đã mang lại những hiệu quả thiết thực, từng bước làm thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người dân, dần hình thành nét văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.
Đặc biệt, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của giao thông Thủ đô cũng như các tỉnh, thành trên cả nước.
Nếu như trước đây, các nút giao rất dễ xảy ra xung đột giao thông do tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ hay đi cố khi đèn chuyển tín hiệu vàng, thì từ thời điểm Nghị định 168 có hiệu lực, hình ảnh hàng phương tiện dừng ngay ngắn đã khiến người dân Thủ đô cảm nhận rõ ý nghĩa của Nghị định này.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, sau 1,5 tháng thực hiện Nghị định 168, toàn thành phố đã xử lý hơn 24.000 trường hợp vi phạm. Trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn 5.800 trường hợp, vượt đèn đỏ 665 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm hơn 7.400 trường hợp. Những con số này so với kết quả xử lý thời gian trước liền kề đều giảm khoảng 50%.
Để có được kết quả này, đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tại mỗi địa bàn cơ sở, từng tổ dân phố, khu dân cư công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Lực lượng CSGT Hà Nội thường xuyên có mặt tại những điểm “nóng”, góp phần thay đổi ý thức của người tham gia giao thông.
Đại úy Phạm Ngọc Thanh, Đội CSGT số 4, chia sẻ: “Mức phạt tăng cao đã tạo ra sức răn đe mạnh mẽ. Người dân bắt đầu nhận thức rõ hơn về hậu quả từ hành vi vi phạm”. Đơn cử như sau trận đấu Việt Nam vô địch Asean Cup 2025, mọi ngả đường đều chật cứng người hâm mộ, tràn ngập trong sắc cờ đỏ sao vàng và tiếng hô “Việt Nam vô địch” cùng lời hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tuy nhiên, khác với tình trạng thường thấy trước đây như vi phạm giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi trên hè, độ bô, lượn lách, đánh võng... thì giờ đây, dòng người và phương tiện di chuyển trong trật tự, chấp hành tín hiệu đèn giao thông tại mỗi ngã tư, ngã ba.
Thay vì vất vả như các mùa giải trước, lần này lực lượng CSGT “nhàn nhã” hơn trong công tác điều tiết giao thông và duy trì an ninh, trật tự vì người hâm mộ đều tuân thủ luật pháp. Hình ảnh hàng ngàn người hâm mộ bóng đá hô vang “Việt Nam vô địch” sau vạch kẻ đường, tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, thậm chí cả du khách nước ngoài hòa mình vào dòng người cổ động, thân thiện bắt tay cảm ơn lực lượng CSGT đã thực sự đặt dấu mốc quan trọng làm chuyển biến ý thức tham gia giao thông của người Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các hành vi vi phạm bằng hình ảnh, clip, phản ánh trực tiếp qua số điện thoại 024.3942.4451 hoặc tài khoản Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội” đã góp phần thay đổi ý thức của nhiều người dân. Đây là một kênh tiếp nhận nhanh chóng, hữu hiệu và việc lực lượng CSGT nhanh chóng ra quyết định xử phạt các vi phạm qua tin báo của quần chúng cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân, củng cố thêm niềm tin của người dân với lực lượng chức năng và luật pháp nước nhà.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025 của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong năm qua, Phòng CSGT Hà Nội đã thực hiện tốt, hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”, qua đó xử lý 2.609 trường hợp vi phạm, xử phạt 2,7 tỉ đồng.
Bên cạnh việc áp dụng Nghị định 168, việc thực thi Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ cũng đặt trọng tâm vào đảm bảo an ninh, trật tự tại các bến xe - nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến ma túy và tội phạm.
Đầu tháng 1/2025, Đội CSGT số 14 đã phối hợp cùng ban quản lý bến xe Nước Ngầm và bến xe Giáp Bát tổ chức kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với các lái xe chuẩn bị xuất bến. Đây là hoạt động định kỳ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và ngăn chặn các nguy cơ từ ma túy - một yếu tố có thể gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng.
Chỉ trong một buổi sáng, hàng trăm lái xe đã được kiểm tra. Một số trường hợp có kết quả dương tính với ma túy hoặc vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý nghiêm. Ngoài việc kiểm tra, lực lượng chức năng còn triển khai tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy tại bến xe, công bố đường dây nóng tố giác tội phạm và tăng cường tuần tra, giám sát. Đây là những biện pháp không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh tại các bến xe trọng điểm của Thủ đô.
Dẫu biết công việc bộn bề, vất vả, nhất là khi công an cấp quận, huyện... dừng hoạt động, nhiều lĩnh vực mới được đưa về cho lực lượng CSGT như sát hạch, cấp giấy phép lái xe..., thế nhưng lực lượng CSGT Hà Nội đang nỗ lực hết mình vì một Thủ đô an toàn, văn minh, thân thiện.