Vì sao Hà Nội chưa cách ly F1 tại nhà?
Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc mới của Hà Nội tăng nhanh chóng, TP xuất hiện 12 ổ dịch phức tạp, lây nhiễm nhanh. Trong tuần qua, Hà Nội có 3 ngày số ca mắc mới trên 100 ca/ngày, điển hình là ngày 5/11 có 133 ca mắc. Trước diễn biến phức tạp của Hà Nội, TP vẫn duy trì phương án cách ly F1 tập trung trong khi một số chuyên gia khuyến cáo Hà Nội nên xem xét thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Nhiều F1 mong muốn được cách ly tại nhà
Khi biết mình là F1, chị V.D.L, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội rất lo lắng khi chuẩn bị phải đi cách ly tập trung. “Tôi không ngại khi phải đi cách ly tập trung vì đây là quy định rồi, nhưng tôi chỉ lo nguy cơ lây nhiễm chéo khi một phòng có đông người, dùng chung nhà vệ sinh, ý thức chấp hành 5K không phải ai cũng tuân thủ chặt chẽ. Tôi có hỏi y tế phường cho mình cách ly tại nhà, nhưng không được vì Hà Nội chưa có chủ trương”, chị L kể. Theo chị L, qua tìm hiểu hướng dẫn cách ly y tế ở nhà của Bộ Y tế, thì nhà chị đủ điều kiện khi có phòng riêng, có cửa sổ, nhà vệ sinh khép kín, có người chăm nom. Nhưng rất tiếc Hà Nội lại chưa triển khai.
Từng nghe chia sẻ của một người đã kết thúc cách ly tập trung, chúng tôi mới hiểu những lo lắng của người dân không may trở thành F1. Anh P.H.H (Thanh Trì) kể: “Những ngày đầu vào khu cách ly tôi rất lo lắng vì sợ lây nhiễm chéo nếu trong phòng có F0. Phòng của tôi có 4 F1, dù đã “nhắc nhở” trước là mọi người hạn chế giao lưu, nói chuyện, tuân thủ 5K, song có người không thực hiện. Tôi nhắc mãi, nói mãi không được nên đành thôi. Rất may sau 14 ngày cách ly, cả phòng xét nghiệm đều âm tính”. Theo anh H, nếu trường hợp phải “nhắc nhở” trên dương tính, thì việc người này đi quanh phòng nói chuyện suốt ngày, nguy cơ lây virus cho cả phòng là rất cao.
Vì sao Hà Nội chưa cách ly F1 tại nhà?
Từ ngày 5/11, Hà Nội đã nâng cấp độ trong phòng, chống dịch COVID-19 lên cấp 2. Theo đánh giá của ngành y tế Hà Nội, trong quá trình thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128, việc xuất hiện ca COVID-19 cộng đồng tại Hà Nội là điều nằm trong dự báo và sẽ còn tăng, có thể vài chục ổ dịch, chùm ca bệnh là điều không tránh khỏi.
Mầm bệnh trong cộng đồng ở Hà Nội luôn tiềm ẩn, trong thời gian tới có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới khi Hà Nội và các tỉnh mở cửa, nới lỏng các hoạt động, người dân đi lại giữa các vùng dịch, đặc biệt là một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Thọ, Bắc Giang…Trong đó, không ít người về từ vùng dịch chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà. Nhiều người vẫn đi lại, giao lưu, dẫn đến các ca bệnh thứ phát.
Theo BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện tại Hà Nội chưa có chủ trương cách ly F1 và điều trị F0 nhẹ tại nhà. Giải thích về điều này, ông Tuấn cho biết, các khu cách ly tập trung của Hà Nội vẫn đảm bảo đủ chỗ cách ly, không bị quá tải. Ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, nếu cách ly tại nhà không tuân thủ chặt chẽ quy định sẽ có nguy cơ lây chéo cho người trong gia đình và cộng đồng. Việc đưa F1 đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Do vậy, Hà Nội vẫn đưa F1 đi cách ly tập trung và điều trị F0 tại cơ sở y tế.
Trong các đợt dịch vừa qua, có người là F1 trong thời gian đợi đưa đi cách ly tập trung vẫn ra ngoài; hay người từ vùng dịch về, phải theo dõi y tế nhưng vẫn đi lung tung, gặp gỡ, giao lưu… “Nguy cơ của F1 thành F0 tại các khu cách ly tập trung rất thấp vì các quy định chặt chẽ, người thực hiện cách ly được giám sát, nằm trong tầm kiểm soát”, ông Tuấn nói.
Có nên thí điểm?
Theo ý kiến một số chuyên gia, Hà Nội nên xem xét cho các F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà để chống lây nhiễm chéo ở nơi cách ly tập trung khi quá tải. Một chuyên gia dịch tễ cho biết, Hà Nội nên triển khai thí điểm trong lúc dịch chưa nhiều. “Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, nếu tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn, nguy cơ lây nhiễm rất ít. Cách ly F1 tại nhà phải đảm bảo đủ 4 điều kiện, trong đó người cách ly phải có hiểu biết; có cơ sở vật chất (có người chăm nuôi, cung cấp thực phẩm và phải có cam kết); phòng ở phải tách biệt, tốt nhất phải có cửa sổ mở thoáng; có hệ thống giám sát (y tế cơ sở, công an, tổ COVID cộng đồng); gắn camera để giám sát, nếu vi phạm thì xử phạt. Phải làm thí điểm mới thấy bất cập ở đâu để khắc phục”, vị chuyên gia này cho biết.
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế), cũng đồng quan điểm nêu trên. Ông cho biết, hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể “Zero COVID”. Vì thế, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng, số F1 cũng sẽ tăng theo nên việc cách ly tại nhà rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội là địa phương tiếp tục có số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng thời gian qua, cần phải tính toán sớm việc cách ly F1 tại nhà.
Nhấn mạnh về điều này, ông Phu cho rằng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể cách phân biệt F0, F1, F2. Những gia đình nào có điều kiện theo đúng quy định của Bộ Y tế sẽ cách ly tại nhà để người dân thoải mái trong việc cách ly, giảm tải gánh nặng kinh tế. Việc cách ly tại nhà cũng chống nguy cơ lây nhiễm chéo. Thêm vào đó, người dân Hà Nội có ý thức cao trong việc bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Hệ thống y tế cơ sở, tổ COVID-19 cộng đồng, tổ dân phố, chính quyền cấp cơ sở cũng đã triển khai các hoạt động giám sát rất tốt.
Ông Phu cho biết thêm: Quy định của Bộ Y tế rất rõ về F0, F1, F1, nên đội truy vết cần phải đánh giá đúng, nếu không sẽ không truy vết được nguồn lây hoặc đưa F1 đi cách ly tập trung không cần thiết. Ví dụ, nếu đi chung thang máy, dù không tiếp xúc, có đeo khẩu trang nhưng vẫn thở chung bầu không khí, tay chân có tiếp xúc với thang máy thì nguy cơ vẫn cao. Tuy nhiên, như ở cùng tầng chung cư, hai nhà gần nhau không tiếp xúc, virus sẽ không thể bay từ nhà này sang nhà khác thì những trường hợp này không cần phải đi cách ly tập trung.
Tại cuộc họp mới đây với TP Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cùng với kế hoạch đã chuẩn bị, thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị. Ví dụ, công tác thu dung, cách ly, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà.
Còn tại cuộc họp trực tuyến chiều 8-11 giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết: Hiện nay tiêm vaccine cho người dân mũi 1 đã phủ hơn 75% (các tỉnh Nam Bộ còn cao hơn), phải thay đổi chiến lược trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt với F1 trước đây chưa tiêm vaccine thì F1 đưa đi cách ly tập trung, nhưng hiện nay diện bao phủ vaccine đạt rồi thì F1 cách ly tại nhà, F0 nhẹ, không triệu chứng cũng điều trị tại nhà.
Theo ông Tuyên, WHO nhận định tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022 còn diễn biến phức tap, chưa thể kết thúc, chưa thể dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không, nên các nước đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 là thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong kiểm soát dịch.
Bộ Y tế trước đây đã có hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà, gần đây nhất có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trước tình hình này, các tỉnh nên mạnh dạn cách ly F1 tại nhà, thậm chí F0 nhẹ không triệu chứng cũng điều trị tại nhà, chỉ đưa F0 nặng tới cơ sở điều trị.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong lần làm việc mới đây với UBND TP Hà Nội, thành phố đồng ý với chủ trương thay sẽ thay đổi phương án cách ly F1. Nhưng Hà Nội có đưa ra phương án thay bằng cách ly tại nhà, sẽ đưa các trường hợp F1 về cách ly tại các địa phương như cấp phường, xã là trạm y tế, cấp huyện là trung tâm y tế. Đây cũng là phương án phù hợp với tình hình của Thủ đô, theo đúng nguyên tắc linh hoạt nhưng phải bảo an toàn.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh, trong chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, dựa vào đặc thù của từng địa phương để đưa ra hình thức phù hợp với từng tỉnh. Hà Nội giám sát và kiểm soát được người về từ các tỉnh có dịch, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…sau đó sàng lọc, đánh giá, chọn đối tượng cần xét nghiệm và đưa ra hình thức cách ly phù hợp tại nhà, nơi lưu trú, đưa đến trạm y tế cơ sở, đảm bảo công tác phòng chống dịch.