Vì sao người dân bất chấp nguy hiểm, “bám trụ” chung cư cũ?

Thứ Tư, 15/03/2023, 09:15

Sinh sống trong những chung cư cũ có tuổi đời trên dưới 50 năm nhưng không được tu sửa, cải tạo, tiềm ẩn rủi ro nhưng nhiều người dân vẫn không chịu rời đi. Nguyên dân dẫn đến việc này chính là cơ chế, chính sách chưa hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, xã hội.

Nỗi lo “đi dễ khó về”

Để đảm bảo tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, trước mắt là 6 khu chung cư đã được kiểm định nguy hiểm cấp D trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quận Đống Đa và Ba Đình phải hoàn thành di dời người dân trong quý I/2023.

Cụ thể, 6 nhà nguy hiểm cấp D gồm nhà C8 Giảng Võ, G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi) và nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. Tuy nhiên, đến nay đã hết quý I, khảo sát thực tế tại khu chung cư G6A cho thấy việc di dời người dân vẫn chưa được hoàn thành như trong kế hoạch. Một số hộ gia đình vẫn bám trụ tại đây mặc cho khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Vì sao người dân bất chấp nguy hiểm, “bám trụ” chung cư cũ? -0
Dù khu nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng nhiều người vẫn cố gắng bám trụ vì không biết đi đâu.

Một trong những khu tập thể xuống cấp trầm trọng nhất là tập thể C8 Giảng Võ. Tuy nhiên, nơi đây nhiều người dân vẫn nhất quyết bám. Có đến những căn hộ tại đây mới thấy được sự bí bách, nguy hiểm mà người dân hằng ngày phải gánh chịu. Căn hộ chỉ 30 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Thu (tập thể C8 Giảng Võ) đã được cơ quan chức năng đánh giá nguy hiểm, cần di dân khẩn cấp nhưng đến nay gia đình ông vẫn bám trụ. Ngoài 2 phòng ngủ rộng mỗi phòng chừng 10 m2, không gian sinh hoạt chính của gia đình là phòng khách chỉ 8 m2, đặt tủ, bàn thờ, tivi, bàn học sinh, 2 chiếc ghế gỗ, máy khâu. Tất cả đồ đạc kê sát các bức tường, tạo khoảng trống ở giữa làm chỗ trải chiếu ăn uống. Chuyện học hành, công việc may vá của vợ con ông Thu đều diễn ra trong không gian này. Ở lối vào nhà, ông Thu đặt máy giặt, bếp từ, bồn rửa bát, khay đựng bát đĩa... nên chỉ còn khoảng 70 cm, hai người lớn đi qua phải né nhau.

“Nhiều năm nay, mỗi khi muốn mua thêm đồ vật gì thì cả gia đình phải tính toán xem kê ở đâu, thay thế vật dụng gì. Gần đây chúng tôi cũng không muốn ra hành lang ngồi hóng mát vì tường mốc, xuất hiện nhiều vết nứt. Tường nứt to tới mức từ sàn tầng 3 nhìn thấy hành lang tầng 2. Chính quyền phải vá víu bằng những thanh sắt to bản đan chéo nhau. Cầu thang lên xuống cũng có những thanh sắt đan chéo chống đỡ. Vì thế chúng tôi rất ngại mời bà con, bạn bè tới chơi vì “tiếng ở Thủ đô mà nhà quá xập xệ”, ông Thu chia sẻ.

Khu tập thể C8 Giảng Võ được xây dựng từ năm 1979, gồm những dãy nhà 5 tầng. Mỗi căn khoảng 30 m2, một số gia đình trổ thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng. Năm 2013, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội kiểm định chất lượng nhà C8 (đơn nguyên 3), đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, tức khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, cần di dời ngay toàn bộ dân.

Tháng 8/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức di dời các hộ dân sinh sống tại đơn nguyên 3 nhà C8 trong tháng 9. Người dân được chuyển tới sống tạm thời ở những chung cư ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy và được hỗ trợ 6 triệu đồng mỗi tháng. Chủ nhà đi, căn hộ cũ được khóa chặt, che tôn phía ngoài.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến tháng 7/2021, vẫn còn 18/36 hộ ở đơn nguyên 3 nhà C8 chưa di dời và gia đình ông Thu là một trong số đó. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng người dân ở đây cho rằng, mọi giấy tờ vẫn phải phụ thuộc ở đây, từ con cái đi học, lĩnh lương hưu.

Chị Nguyễn Thi Ngân, từng sinh sống ở nhà C8 Giảng Võ, năm 2016 gia đình chị đã chuyển đến nơi tạm cư, nhưng chỉ được 5 tháng chị lại chuyển về. Lý do là con cái phải đi học xa, đưa đón vất vả. Tuy nhiên, căn nhà của gia đình chị Ngân đã bị quây tôn khóa chặt. “Tôi bán nước ngay trước cửa nhà cũ coi như là trông nhà”. Căn hộ của tôi chỉ rộng 18 m2, nên khi thành phố có chủ trương cải tạo chung cư, tôi cũng không tha thiết cho lắm. Vì chủ trương xây mới mỗi căn hộ rộng khoảng 70 m2, nếu tôi muốn mua sẽ phải bỏ thêm rất nhiều tiền. Bản thân tôi chỉ bán nước đến cơm ăn còn khó nói gì tới việc mua nhà”.

Hay như vợ chồng ông Hoàng Đình Lợi (80 tuổi), đã gần 50 năm nay sống tại tầng 1 của khu tập thể C3 Giảng Võ. Nơi mà mọi người gọi là nhà chỉ vỏn vẹn chưa đầy 15m2, Cuộc sống của hai ông bà sống nhờ vào việc bán trà đá. Ông Lợi cho biết: “Con cái tôi đã lập gia đình và đi ở nơi khác, căn nhà này đã gắn bó với chúng tôi nhiều năm nay và cũng đem lại nguồn thu nhập nhất định cho vợ chồng tôi nương tựa nhau lúc tuổi già. Nếu cải tạo, xây mới khu nhà, chắc chắn nguồn thu nhập này sẽ bị cắt đứt. Lúc ấy, cuộc sống của hai ông bà tuổi cao, sức yếu sẽ vô cùng khó khăn”.

Nỗi lo “đi dễ, khó về” là điều trăn trở nhất của người dân tại đây. Anh Nguyễn Anh Dũng (Giảng Võ) cho biết: “Ở trong chung cư đang xuống cấp nguy hiểm như thế này, chúng tôi cũng rất bất an. Nhưng, do chưa rõ việc định giá nhà như thế nào, ai là chủ đầu tư, bao giờ mới xây, xây trong bao lâu, bao giờ được quay lại, nên chúng tôi chưa muốn đi. Ngoài ra, chúng tôi cần sự minh bạch về chính sách tạm cư sau di dời”.

Đang cặm cụi sửa quạt máy tại gầm cầu thang khu tập thể D3 Giảng Võ, ông Nguyễn Đăng Duyên cho hay, vợ chồng ông đều là cán bộ viên chức đã về hưu, được cấp nhà tại D3 Giảng Võ từ nhiều năm nay. Mặc dù biết xuống cấp, nguy hiểm nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác. “Hai vợ chồng tôi sống ở mấy chục năm rồi, giờ chúng tôi sống chủ yếu vào việc sửa chữa điện tử của tôi cho người dân quanh khu vực. Giờ mà chuyển đi nơi khác coi như chúng tôi hết đường sinh sống. Một lý do nữa, Nhà nước phải cụ thể cho chúng tôi là khi nào đi, khi nào được quay lại để ổn định cuộc sống. Tâm lý thì chẳng ai muốn ở một nơi xập xệ, nguy hiểm thế này” - ông Duyên nói.

Sau 30 năm đưa vào sử dụng, khu tập thể G6A Thành Công trên địa bàn phường Thành Công, quận Ba Đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Bằng mắt thường có thể nhận thấy độ nghiêng khá lớn của cả tòa nhà và giữa 2 tòa G6A - G6B là một khe nứt hình chữ V có chiều dài gần 2m. Tuy nhiên, khi được hỏi lý do vì sao chưa chịu di dời, ông Vũ Văn Đức hiện đang sinh sống tại đây chia sẻ rằng: “Mong muốn của hầu hết người dân ở đây là được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, thống nhất phương án bồi thường, tái định cư trước khi di dời. Đồng thời, cũng phải được xác nhận cụ thể mốc thời gian có thể nhận nhà mới để người dân có thể quay lại sinh sống bình thường”.

Cùng mang tâm trạng như ông Đức, bà Nguyễn Thị Thanh (khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết: “Bên chủ đầu tư cần phải thống nhất với cư dân tạm rời đi bao nhiêu năm quay lại thì chúng tôi sẵn sàng di dời. Nếu không có thời hạn quay lại, chúng tôi sẽ không đi”.

Vẫn là câu chuyện bồi thường

Theo thống kê, có khoảng 250.000 người dân Hà Nội đang sống trong 1.570 nhà chung cư xuống cấp. Theo Sở Xây dựng, ngoài nhà C8 Giảng Võ, 5 chung cư cấp độ D nguy cơ sụp đổ vẫn còn người dân sinh sống. Cụ thể, nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng còn 4 hộ; tập thể Bộ Tư pháp (đơn nguyên 1, 3) còn 2 hộ; nhà A phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) còn 20 hộ; nhà G6 phường Thành Công (đơn nguyên 1, 2) 28 hộ; nhà 148-150 Sơn Tây còn 3 hộ.

Các chung cư trên đều được xây dựng từ năm 1960 đến 1999, số ít trước 1954, cao từ 3 đến 6 tầng, diện tích dưới 30 m2. Do được đưa vào sử dụng đã lâu, nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng, ngập úng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có diện tích dành cho đỗ xe...

Vì sao người dân bất chấp nguy hiểm, “bám trụ” chung cư cũ? -0
Ông Nguyễn Đăng Duyên cho hay, dù biết nơi ở xuống cấp, nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Việc cải tạo được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ “xóa” toàn bộ. Tuy nhiên, đến nay mới có 19 chung cư cũ được cải tạo và đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai.

Để thúc tiến độ, 5 năm trước thành phố thí điểm xã hội hóa quy hoạch chung cư cũ. 19 nhà đầu tư đã đăng ký nghiên cứu cải tạo 30 khu chung cư. Nhưng, đến nay, tiến độ mới dừng ở các bản báo cáo lần 1, lần 2. 3 khu chung cư nhà đầu tư đã xin rút là khu Tân Mai, Đường sắt và Xí nghiệp xây lắp 24.

Gần đây nhất ngày 23/9/2021, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, người dân sống tại các khu tập thể xuống cấp đều có mong muốn được di dời đến nơi ở mới càng sớm càng tốt nhưng cũng không ít người chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Nguyên nhân là do người dân ở các chung cư cũ này chẳng biết đi đâu ngoài cố liều bám trụ. Bởi thực tế, khả năng kinh tế của các hộ gia đình trong khu tập thể thường không đồng đều, nhiều hộ kinh tế khá khó khăn, suy nghĩ còn hạn hẹp, họ luôn muốn chỗ ở được cải tạo khang trang, rộng rãi hơn nhưng lại phải... miễn phí.

Trong khi đó, để có được một căn hộ mới thì người dân phải bù thêm một khoản tiền lớn so với thu nhập trung bình của họ. Chẳng hạn, một căn hộ 8 m2, sau khi đền bù với tỷ lệ 1,4 thì diện tích căn hộ mới người dân nhận được sẽ là khoảng 11 m2. Nhưng, căn hộ chung cư mới có căn nhỏ nhất cũng đã là 40 m2. Nếu người dân muốn chuyển về đây sinh sống sẽ phải bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để mua thêm khoảng 30 m2 nữa. Tuy nhiên, hầu hết người dân ở các khu chung cư cũ là cán bộ về hưu hoặc người có thu nhập thấp nên việc xoay xở khoản tiền đó (khoảng hơn 30 triệu đồng/m2) cũng là một khó khăn với họ khiến họ không thể di dời...

Mặt khác, trước đây, khi quy định về việc chỉ cần 2/3 cư dân đồng ý là có thể thu hồi mặt bằng nhưng với quy định mới (Nghị định số 101/2015/NĐ-CP và khoản 3 Điều 110, Luật Nhà ở 2014) thì tất cả đều dựa vào sự hợp tác và đồng ý của người dân. Điều này đã gây khó khăn cho việc triển khai. Số lượng chung cư cần cải tạo, xây dựng lớn; ngân sách Nhà nước hạn chế nên phương thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là phương án khả thi. Tuy nhiên, trong khu vực nội đô, công trình bị giới hạn chiều cao, số tầng nên khi tiếp cận, các nhà đầu tư nhận thấy khó cân đối tài chính. Ngoài ra, nơi ở tái định cư cũng như phương án đền bù khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân...

Mới đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP đánh giá, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ là vấn đề rất lớn, rất khó trong công tác quản lý đô thị, đã kéo dài nhiều năm, được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, nhân dân chờ đợi, ủng hộ.

Tuy nhiên, công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được các lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, xã hội. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể như công tác kiểm định (quy trình thực hiện, tiêu chí đánh giá, giá trị pháp lý của kết quả kiểm định và trách nhiệm thực hiện có liên quan...), quy trình, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư...

Về nhiệm vụ sắp tới, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chuyên môn của UBND TP và các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung vào công tác kiểm định, đánh giá chất lượng và công tác nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, làm cơ sở để triển khai quy trình tiếp theo.

Phong Anh
.
.