Vì sao phim Hollywood chất lượng ngày càng tệ ?

Thứ Sáu, 24/06/2022, 11:44

Trong thời kỳ hoàng kim của tân Hollywood, những nhà sáng tạo điện ảnh đã được trao những khoản tiền nặng ký để đương đầu với rủi ro lớn và được đền đáp xứng đáng. Tuy vậy, các bộ phim đang chịu sức ép lớn từ các quỹ đầu cơ chuyên về quản lý rủi ro. Kết quả là điều khán giả ai cũng thấy: nhàm chán, coi khúc đầu biết được cái kết…

Danh tiếng cuối cùng của tân Hollywood

Trong một bài đăng gần đây, đạo diễn Martin Scorsese đã phân biệt giữa “giải trí nghe nhìn toàn cầu” và rạp chiếu phim đúng nghĩa, cho thấy cái trước đang lấn lướt cái sau. Với những người chống đối, nhận xét của ông Scorsese đã thu về rất nhiều “gạch đá”. Song cũng nhiều người rất tâm đắc với nhận xét của nhà đạo diễn khi nó mô tả đúng đắn về ngành công nghiệp và cảnh báo họ về chỗ đứng của mình.

3.jpg -0
Năm 1977, David Begelman đã trình làng một loạt phim thành công như “Funny Lady”

Đạo diễn Scorsese cho rằng lý do cho sự sa sút chất lượng phim là bởi cơ cấu tài trợ đương đại đã loại bỏ yếu tố rủi ro ra khỏi phim. Các nhà đầu tư đang muốn đảm bảo số tiền mình bỏ ra sẽ sinh lời do đó khiến cho phim ngày càng trở nên dễ đoán cái kết. Xét về bản chất, điện ảnh là loại hình nghệ thuật hợp tác khá độc đáo, khi nó huy động một khoản tài chính lớn bất thường. Trong kịch bản tốt nhất, cả nghệ sĩ và các nhà đầu tư tư bản cùng cân bằng để xoa dịu lợi ích cạnh tranh của nhau.

Tuy nhiên mối quan hệ đối tác này đã trở nên mất cân xứng trong những năm gần đây. Một mối quan hệ căng thẳng nhưng rất cần thiết để đánh đổi lẫn nhau đã biến thành một thứ động lực mà chỉ có một bên đành nhượng bộ: nghệ sĩ. Nhiều khán giả gật gù có sự táo bạo trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hollywood từ năm 1965 đến năm 1980. Theo quan điểm của đạo diễn Scorsese thì cơ cấu kinh phí chính là trọng tâm của việc suy giảm chất lượng phim. Nói ngắn gọn thì điện ảnh ngày nay không hay (không hẳn phim nào cũng dở, mà hầu như nhiều phim dở) bởi vì các nhà đầu tư đã gần như hoàn thiện kỹ thuật kiếm tiền của họ.

Người ta đồn rằng trong lúc bấm máy cho siêu phẩm “Chiến tranh giữa các vì sao”, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim danh tiếng George Lucas đã ghé thăm ông bạn mình là Steven Spielberg tại tư gia ở tiểu bang Alabama, nơi bấm máy bộ phim “Kiểu tiếp xúc thứ 3”, đây là phần tiếp theo của bộ phim “bom tấn” ăn khách đầu tiên của đạo diễn Spielberg: “Hàm cá mập”. George Lucas đề nghị với Spielberg rằng mình sẽ đổi phần trăm lợi nhuận của “Chiến tranh giữa các vì sao” để cùng có khoản phần trăm trong bộ phim “Kiểu tiếp xúc thứ 3”, và 2 người đã gật đầu. Sự đồng thuận đó đã làm nên lịch sử. Cả 2 bộ phim đã thành công vang dội song rõ ràng là đạo diễn Spielberg đã đi trước một bước trong vụ dàn xếp đó.

Vì sao phim Hollywood chất lượng ngày càng tệ ? -0
Phim “Chiến tranh giữa các vì sao” giành thắng lợi vang dội

Với bộ phim “Kiểu tiếp xúc thứ 3”, đạo diễn George Lucas đã làm một điều hoàn toàn mới:  thiết lập một mô hình cho sản xuất phim trong tương lai bằng cách tạo ra sự nhượng quyền thương mại, trong đó sẽ có các dịch vụ ăn theo kiếm tiền nhiều vô số như trò chơi, video game, công viên giải trí và các chương trình truyền hình đặc biệt. Mặc dù phim “Kiểu tiếp xúc thứ 3” đã không có được tác động văn hóa hay rung chuyển các phòng vé như “Chiến tranh giữa các vì sao”, nhưng chí ít nó cũng để lại một dấu ấn trong ngành công nghiệp điện ảnh khi buổi ban đầu đạo diễn Spielberg bắt tay vào sản xuất bộ phim với quy mô và ngân sách khiêm tốn.

Mặc dù “Kiểu tiếp xúc thứ 3” đã thu lại ngân sách sản xuất trong tuần thứ 2 công chiếu (doanh thu phòng vé cuối cùng đạt 300 triệu USD), nhưng ông Begelman bị ép từ chức trong cùng năm đó. Việc “thoái vị” của Begelman đã báo hiệu cho sự chấm dứt của thời đại Tân Hollywood để khởi đầu cho thời đại Bom Tấn. Hai bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” và “Kiểu tiếp xúc thứ 3” là biểu tượng cho một bước ngoặt lớn trong cách mà các hãng phim được tài trợ kinh phí. Song cuối cùng, các hãng phim này đã rơi vào một môi trường thâu tóm thù địch với các kiểu sáp nhập công ty, và đầu hàng trước các chủ ngân hàng không thích rủi ro. Lẽ dĩ nhiên các nhà đầu tư thích mô hình “Chiến tranh giữa các vì sao” hơn. Giống như các nghiệp đoàn hiện đại, các hãng phim ngày hôm nay đang chăm chăm tìm cách cắt giảm chi phí. Kết quả là lợi nhuận cao, nhưng phim dễ đoán được kết cục.

Vì sao phim Hollywood chất lượng ngày càng tệ ? -0
Phim “Kiểu tiếp xúc thứ 3” đạt doanh thu phòng vé 300 triệu USD, nhưng ông Begelman bị ép từ chức trong cùng năm đó

Kỷ nguyên vàng thâu tóm khốc liệt 

Năm 1948, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phá vỡ 5 hãng phim lớn vốn được tích hợp theo chiều dọc buộc họ phải từ bỏ các rạp chiếu phim của mình nhằm tuân theo phán quyết, rằng việc phân phối và triển lãm hiện tại đã vi phạm luật chống độc quyền. Cùng với việc ngoại ô hóa ở Mỹ khiến khán giả ít đến rạp hơn mà thay vào đó là coi phim tại nhà, thực tế này đã giết chết hệ thống hãng phim Hollywood ngay lúc đó. Sau khi tòa án phá vỡ thế độc quyền điện ảnh, các chủ ngân hàng đã tận dụng cơ hội. Hãng phim Columbia đã tự cứu lấy họ trong hàng thập kỷ do bởi đã mua lại một chi nhánh truyền hình để bù đắp các khoản lỗ trong sản xuất phim mà không cần phải nhượng lại quyền lực cho các nhà đầu tư. Song các hãng phim khác lại không có cơ hội như vậy. Năm 1956,   2 ông Charlie Allen và Serge Semenenko cùng nắm quyền điều hành Warner Brothers trong khi hãng phim gặp khó khăn.

Charlie Allen là nhà sáng lập của Allen & Company (một ngân hàng đầu tư ở New York) trong khi ông Serge Semenenko là một nhân vật “máu mặt” trong giới tài chính ngầm của Hollywood. Ông Semenenko đi học ở Harvard và làm nhân viên ngân hàng với cương vị tái tổ chức tài chính cho các công ty như Hearst Corporation và Hilton Hotels, điều này đã báo trước định mệnh ông gắn liền với ngành điện ảnh. Thập niên 1960, nguồn tài chính đổ về Hollywood. Năm 1966, Banque de Paris et des Pays-Bas S.A. (gọi tắt ngân hàng Paribas) đã dùng mọi cách để tiếp quản hãng phim Columbia. Paribas bị ngáng trở bởi Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC), nhưng kết quả là hãng phim đã bị tiếp quản bởi một ông trùm dược phẩm (tiếp tay đắc lực cho thương vụ này không ai khác chính là Serge Semenenko).

Năm 1967, Allen & Company (thông qua cộng sự Alan Hirschfield) đã dàn xếp để bán lại Warner Brothers cho Seven Arts (đơn vị đã tạo ra công ty giải trí Warner Brothers–Seven Arts). Cả Allen & Company và Seven Arts đều có những giao dịch mờ ám ở thiên đường thuế Bahamas với cộng sự Meyer Lansky, một nhân vật gây ảnh hưởng từ đám đông. Rồi phút cuối Warner Brothers–Seven Arts được mua lại bởi một tập đoàn đa ngành nghề bao gồm cả kinh doanh bãi đỗ xe và nhà tang lễ. Năm 1973, Allen & Company tiếp quản Columbia, Alan Hirschfield trở thành CEO (giám đốc điều hành) và David Begelman trở thành người đứng đầu bộ phận sản xuất phim. Chủ các ngân hàng nắm quyền kiểm soát Columbia, và họ giao việc quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất phim cho David Begelman, người được đánh giá là có bản năng sáng tạo tốt. Đến năm 1977, David Begelman đã trình làng một loạt phim thành công như Tommy, Shampoo và Funny Lady.

Thời gian trôi qua các nhà đầu tư đã tìm ra những cách hiệu quả hơn nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào những người đứng đầu hãng phim như David Begelman. Điểm mấu chốt thực sự ở đây là khi ngân sách và phân bổ phim của các hãng phim nằm dưới sự kiểm soát vốn đầu tư toàn diện, thì khi đó các nhà đầu tư có toàn quyền đối với cách thức sản xuất phim và hơn thế.

Bom tấn và gì nữa?

Một số thay đổi trong thập niên 1990 đã dẫn đến việc ra đời loại hình phim “mỳ ăn liền”. Các bộ phim ngày càng được tài trợ nhiều hơn với sự kết hợp của tín dụng thuế và bán trước. Bằng cách trình bày một bộ điều khiển các công cụ kiểm soát việc thử vai và sản xuất phim khá độc đáo, hệ thống bán trước đã có những tác động đáng chú ý đối với rạp chiếu phim. Nhằm đưa phim ra thị trường để bán trước nhất là ở thị trường hải ngoại thì cần phải có những nhà sản xuất tài năng. Họ cùng ngầm hiểu rằng sẽ thỏa thuận giới thiệu phim với một diễn viên nổi tiếng để người này lăng xê phim nhanh hơn đến với khán giả. Có thời gian sự kết hợp giữa bán trước và tín dụng thuế thường đủ để trang trải kinh phí cho một bộ phim, nhưng việc bán trước ở nước ngoài đã trở nên kém hấp dẫn do số lượng các nhà phân phối nội địa.

Vì sao phim Hollywood chất lượng ngày càng tệ ? -0
Các nền tảng phát trực tuyến đã làm thay đổi thói quen xem phim của khán giả

Các quỹ đầu cơ và những công ty cổ phần đã xây dựng một chiến lược mới gọi là “huy động vốn” cho phép họ phân tán rủi ro bằng cách đầu tư vào một nhóm phim thay vì chỉ 1 bộ phim. Một hệ quả khác rất đáng được quan tâm là đã có sự gia tăng khoảng cách giữa những bộ phim đầu tư chi phí cao và những phim ngân sách thấp, để lại những bộ phim ngân sách trung bình với độ phổ biến không chắc chắn phải tự xoay sở. Một thực tế khác chính các nền tảng phát trực tuyến đa phương tiện mới là đỉnh cao của những kỹ thuật quản lý rủi ro trong ngành công nghiệp điện ảnh. Chúng luôn tràn ngập nội dung và giữ chân khán giả bằng sự mới mẻ hấp dẫn. Netflix nổi tiếng bởi việc hủy các chương trình truyền hình từ 2 đến 3 mùa, và khán giả không ngừng dán mắt vào nền tảng này để coi phim. Các nền tảng phát trực tuyến cũng thu thập dữ liệu về thói quen của người dùng (khán giả) để nói cho các nhà biên kịch và đạo diễn biết những điều gì sẽ thu hút đối tượng này.

Phim ảnh và truyền hình ngày càng mất đi sức mạnh và tính độc đáo khi không thể điều chỉnh kịp những gì mà khán giả muốn, trong khi các nền tảng phát trực tuyến lại thực hiện dễ dàng. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những nền tảng phát trực tuyến đã tăng đáng kể lượng người coi phim bao gồm cả những buổi ra mắt, và hình thành nên những nhóm khán giả nhỏ thảo luận xôm tụ về nội dung phim. Từ thập niên 1980 đến nay, ngành công nghiệp điện ảnh liên tục đối mặt với khó khăn tài chính và điều đó đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng phim được sản xuất. Đề cập đến những nghiệt ngã của nghề làm phim, đạo diễn gạo cội Martin Scorsese chua chát thốt lên: “Chúng tôi không thể phụ thuộc vào ngành kinh doanh điện ảnh để nuôi dưỡng chính nó”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.