Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)

Viếng đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới

Thứ Năm, 18/05/2023, 08:40

Đón chúng tôi ở ngay cổng Khu Di tích đền thờ Bác Hồ, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, là một người đàn ông có dáng người nhỏ thó nhưng nét mặt rạng rỡ. Đạo diễn Huỳnh Công Danh vội giới thiệu: “Ông Bảy Khoa, người trông coi đền thờ Bác”. Ông Bảy Khoa lại nở nụ cười rạng rỡ rồi nhanh miệng nói: “Mời đoàn vào viếng đền thờ Bác trước đã rồi đi thăm sau”.

Nói rồi ông Bảy Khoa bước những bước chân hình như không bình thường nhưng lại rất xăng xái. Ông đi đằng trước dẫn chúng tôi vòng qua bên cạnh nhà trưng bày để tới phía sau. Thấy vậy, tôi hơi là lạ vì rõ ràng là ông Bảy Khoa đã nói là đến đền thờ viếng Bác trước kia mà.

Thì ra ở phía sau nhà trưng bày, ngôi nhà ở chính trung tâm của khu di tích, mới chính là đền thờ Bác. Một ngôi đền nhỏ, có vẻ được xây dựng đã khá lâu. Ngay trước cửa đền là dòng chữ đỏ “Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đáng chú ý là ngôi đền ấy giờ được “bao bọc” bởi một ngôi nhà kiểu dáng như một ngôi đình, cao và rộng. Ngôi nhà lớn này xung quanh không có tường bao nên khá thông thoáng. Đền thờ Bác Hồ nằm lọt trong ngôi nhà lớn đó.

Viếng đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới -0
Cổng vào Khu Di tích đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới.

Sau khi hướng dẫn chúng tôi làm các thủ tục châm hương và kính cẩn cúi đầu trước ban thờ thì ông Bảy Khoa lui về phía sau để chúng tôi quan sát đền thờ Bác được đầy đủ hơn. Đó là một ngôi đền tựa như miếu thờ, chỉ đủ để cho 3-4 người đứng viếng. Ban thờ khá giản tiện nhưng nổi bật dòng chữ quen thuộc “Hồ Chí Minh muôn năm”, nên chúng tôi cứ ngỡ như Bác chưa đi xa vậy. Tấm ảnh Bác Hồ đã cũ. Bác nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến. Hai bên ban thờ là hai dòng chữ viết dọc, bên phải là “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bên trái là “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Tất cả điều đó nói lên rằng: Đền thờ Bác được lập rất lâu rồi.

Ông Bảy Khoa bấy giờ mới cho biết: “Khi được tin Bác Hồ kính yêu qua đời, người dân Châu Thới chúng tôi vô cùng bàng hoàng nhưng bà con chỉ biết khóc thầm thôi. Các nhà cũng âm thầm khấn vái Bác mỗi khi thắp hương trên ban thờ của nhà mình”.

Viếng đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới -0
Nhà trưng bày - ngôi nhà chính trong khu di tích.

Một tâm nguyện chung vụt đến với mọi nhà, vụt đến với mọi người, đó là làm thế nào để ở ngay làng quê Châu Thới tuy còn trong khói lửa đạn bom có được một ngôi đền thờ Bác? Ý nghĩ ấy mau chóng trở thành hiện thực, thế là ngay từ những ngày tháng 9/1969, để che con mắt rình mò của địch, đêm đêm bà con xã Châu Thới lặng thầm tiến hành xây dựng đền thờ Bác ở ấp Bà Chăng A. Ban đầu, đền thờ rất đơn giản, cột kèo là gỗ đước, lợp mái lá dừa và bưng cũng bằng lá dừa nhưng cũng đủ cho bà con được thỏa tâm nguyện. Được biết đây là đền thờ Bác lập đầu tiên ở tỉnh Bạc Liêu.

Biết được người dân Châu Thới xây dựng đền thờ Bác, bọn địch rất tức tối. Hồi đó do xã Châu Thới là vùng giải phóng nên địch chỉ dám bắn pháo hoặc xua quân vào đốt phá rồi rút ngay. Mỗi lần địch vào đốt phá là một lần bà con bảo nhau dựng lại đền thờ Bác. Dạo đó người dân Châu Thới đã có câu ca: “Bà Chăng đi dễ khó về/ Khi vô tàu sắt, khi về tàu cây (quan tài)/ Kẻ thù ngoan cố vào đây/ Ăn đạn du kích phải chầu Diêm Vương”.

Ông Bảy Khoa ngưng giới thiệu, ông hơi cúi đầu, giọng nghẹn nghẹn, dường như trong lòng ông đang có cuốn phim được quay chậm lại, cuốn phim nhắc về hình ảnh những ngày tháng đau thương của năm 1969. Năm ấy, ông Bảy Khoa, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Khoa tròn 18 tuổi, vừa trở về làng sau lần bị thương nhưng chàng trai trẻ Bảy Khoa xung phong nhận việc trông coi xây dựng đền. Ông Bảy Khoa cho hay: “Hồi đó tôi 17 tuổi nhưng do dáng nhỏ con nên mấy lần xin vô rừng đi bộ đội đều không được gia đình và xã đồng ý. Sau thấy tôi cứ nằng nặc nên cuối cùng cũng được mấy chú mấy anh gật đầu”. Chàng trai làng Bảy Khoa đã thành “anh bộ đội giải phóng quân” đúng như mong muốn. Trong một trận chống càn, Bảy Khoa bị mảnh đạn pháo của địch chém đứt nửa bàn chân phải (vì thế lúc đầu tới, thấy bước đi của ông không bình thường). Vết thương tuy được gọi là “không lớn” nhưng cũng để “anh giải phóng quân” Bảy Khoa phải trở về làng để điều trị. Sau khi điều trị xong thì Bảy Khoa “không đủ tiêu chuẩn” trở vô rừng làm “giải phóng quân” nữa. Không chịu thua kém các trai làng, Bảy Khoa xin vào du kích xã. Cậu du kích bé nhỏ ấy đã nhiều lần cùng bà con và du kích xã vừa chống địch càn vô phá đền, vừa tích cực dựng lại đền thờ Bác. Ông Bảy Khoa cho hay: “Dân chúng tôi quyết tâm không để một ngày không có đền thờ Bác ở quê hương mình”.

Viếng đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới -0
Đoàn tham quan chụp ảnh cùng ông Bảy Khoa (thứ 3, từ trái sang).

Đến tháng 3/1970, Xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi là tiến hành xây dựng lại đền thờ Bác với quyết tâm: Xây dựng một ngôi đền thật kiên cố, thật chắc chắn và thật xứng với tấm lòng của người dân ngay tại vị trí ngôi đền cũ ở ấp Bà Chăng A. Quyết tâm nhanh chóng được toàn thể bà con trong xã hưởng ứng.

Công việc mua vật liệu để xây dựng gặp nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều đồn bốt địch, nhưng với lòng kính yêu Bác và dưới sự chỉ đạo của ông Lê Văn Năm, Bí thư Xã ủy, người dân Châu Thới đã giả trang thành những người đi buôn bán hay tỏa đi các hướng dưới dạng người đi làm ăn ở vùng địch để bí mật mua vật liệu, mỗi người mua một ít, mỗi lần mua một ít, mua làm nhiều lần để bọn địch khỏi nghi ngờ. Ông Bảy Khoa cho biết tiếp: “Cũng mất 2 năm mới chuẩn bị xong vật liệu”. Rồi vào đêm 25/4/1972, Xã ủy Châu Thới đã làm lễ khởi công xây dựng đền thờ Bác trong niềm hân hoan của bà con.

Tuy nhiên, với thái độ hằn học và luôn tìm cách chống phá nên địch đã nhiều lần tiến hành bắn pháo vào ấp, vào xã. Nhưng, đạn bom trước đó đã không làm người dân sợ hãi thì lần này chẳng làm bà con nhụt chí mà lại quyết tâm cao hơn. Ông Bảy Khoa kể tiếp: “Sau 24 ngày đêm không ngại đạn pháo của địch, người dân Châu Thới đã hoàn thành việc xây dựng đền thờ Bác. Chúng tôi gọi đó là trùng tu lần thứ nhất”. Sáng 19/5/1972, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, lễ khánh thành đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của trên một ngàn người trong xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi.

Viếng đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới -0
Tác giả và đoàn tham quan hỏi chuyện ông Bảy Khoa.

Ngôi đền thờ Bác Hồ được xây dựng lại kiên cố năm 1972 ấy đã bền bỉ qua thời gian và qua sự phá hoại của địch. Cho đến năm 1997 thì đền thờ Bác Hồ ở ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới được nâng cấp với nhiều hạng mục tương xứng, bà con gọi là trùng tu lần 2. Một năm sau, năm 1998, khu di tích đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Khu di tích có khuôn viên rộng hơn 11.000 m2, ở ngay cạnh con đường liên xã nối từ tỉnh lộ 978 vào xã Châu Thới. Ngoài ngôi đền thờ “lịch sử” được giữ lại nguyên trạng và cũng là nơi thờ tự Bác đã được “gia cố” thêm nhà bao che rộng thoáng thì còn có các hạng mục khác. Nhà trưng bày ở trung tâm khuôn viên được xác định là hạng mục chính, cao rộng và khá trang nghiêm với kiến trúc đình cổ. Trong nhà trưng bày là các gian trưng bày mô tả quá trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ, mô tả quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Bạc Liêu nói riêng. Gian giới thiệu tình cảm của Bác đối với nhân dân miền Nam và gian giới thiệu tình cảm của nhân dân miền Nam đối với bác. Khi vào thăm gian trưng bày, chúng tôi lại được ông Bảy Khoa trực tiếp giới thiệu. Ông Bảy Khoa khá tường tận và nói năng như một thuyết minh viên chuyên nghiệp.

Viếng đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới -0
Ông Bảy Khoa và đoàn tham quan ở gian chính nhà trưng bày.

Đạo diễn Huỳnh Công Danh bấy giờ mới cho biết: “Suốt từ khi đền thờ Bác được dựng từ năm 1969 đến bây giờ (2023) thì người trông coi đền thờ vẫn là một mình ông Bảy Khoa”. Được biết, ông Bảy Khoa làm công việc trông coi đền thờ Bác hoàn toàn tự nguyện, không phải là người của ban quản lý các di tích tỉnh Bạc Liêu. Và, dĩ nhiên ông chỉ được hưởng phụ cấp thương binh hạng 4/4.

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới vừa là di sản văn hóa tinh thần của người dân địa phương, vừa là điểm sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của ông cha ta cho thế hệ hôm nay và mai sau và còn là điểm du lịch thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đến tham quan, viếng Bác, tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao vô cùng to lớn của Người.

Nguyễn Trọng Văn
.
.