Vừa mừng vừa lo khi học sinh đi học trực tiếp
Từ ngày 8-2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại Hà Nội trở lại trường học trực tiếp. Để bảo đảm các điều kiện an toàn nhất cho học sinh khi tới trường, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn và diễn tập cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phân công nhiệm vụ cụ thể từng người trong tình huống nếu không may học sinh trở thành F0.
Cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là cần thiết
Chị Nguyễn Minh Anh, có con trai đang học lớp 10 tại Trường Ngô Gia Tự (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian đầu khi mới vào lớp 10, con trai tôi thường xuyên than ngắn thở dài rằng chẳng biết bao giờ mới được đến trường học. Thế nhưng khoảng 2 tháng sau con tôi gần như không còn nhắc gì tới việc khi nào được tới trường học trực tiếp. Có vẻ như con đã quá quen với việc học trực tuyến nên xuất hiện tâm lý ngại di chuyển và nhất là ngại phải dậy sớm trong thời tiết mùa đông như thế này”.
Rất nhiều phụ huynh học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học khi được hỏi đều thừa nhận con em mình đang trong tình trạng tương tự. Phần lớn các em đã quen thuộc với việc học trực tuyến, thậm chí thích vì không phải dậy sớm, không phải di chuyển đến trường, nhất là có thể “học theo cách của mình”.
Cô Nguyễn Thị Cúc, giáo viên Trường THCS Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Sau một học kỳ học trực tuyến, có không ít học sinh trong lớp trở nên ít nói hơn. Mọi giao tiếp giữa thầy cô và học trò chủ yếu xoay quanh bài giảng. Nhìn các em qua camera thực sự tôi không thể biết các em đang nghĩ gì, đang muốn gì, có hiểu bài hay không? Đặc biệt, giáo viên không thể tiếp xúc với các em để tìm hiểu những tâm tư, tình cảm của các em. Thực sự rất khác với việc cô trò giao tiếp với nhau trực tiếp trên lớp”.
Vấn đề học sinh tiếp thu kiến thức có thể bàn sau, nhưng việc học trực tuyến quá nhiều còn xuất hiện ngày càng nhiều những hệ lụy đáng báo động. Những lo lắng, áp lực dịch bệnh, học tập, thi cử, sức ép điểm… khiến rất nhiều học sinh đã có biểu hiện rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh và con em mình xuất hiện nhiều xung đột vì va đập về quan điểm, cảm xúc do khoảng cách về tuổi tác…
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho thấy có đến 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.
Việc cho học sinh đi học trở lại gặp không ít những ý kiến trái chiều, tuy nhiên có rất nhiều phụ huynh tán thành việc cho trẻ đi học trở lại. Chị Trần Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Các con đã được tiêm hai mũi vaccine phòng dịch COVID-19, được cô giáo phổ biến kỹ các quy định phòng, chống dịch, nhà trường cũng chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, vì vậy chúng tôi yên tâm cho con trở lại trường và tin tưởng việc tổ chức dạy học trực tiếp an toàn và hiệu quả. Bản thân gia đình tôi cũng đã chuẩn bị sẵn đồ ăn và nước uống riêng cho con đến trường, luôn nhắc nhở con phải luôn tuân thủ 5k mọi lúc mọi nơi”.
Khi nghe tin con trai lớp 5 chuẩn bị được trở lại trường học, anh Lê Đức Minh (Thường Tín, Hà Nội) vừa mừng lại vừa lo. “Thời gian học trực tuyến vừa qua như một cực hình đối với gia đình tôi. Con trai tôi là một đứa trẻ cực kỳ hiếu động và không tập trung trong lúc cô giảng bài. Nhiều khi cô giáo gọi điện cho bố mẹ thông báo con thường xuyên tắt camera để làm việc riêng, khi cô gọi thì lại giả vờ nói nguyên nhân do mất kết nối mạng. Nay con chuẩn bị được đến trường học trực tiếp, xét ở góc độ nào đó thì gia đình như được giải phóng và con cũng có cơ hội gặp gỡ bạn bè, thầy cô để tinh thần được thoải mái. Tuy nhiên, bên cạnh việc đáng mừng đó thì vợ chồng tôi cũng rất lo lắng vì con chưa được tiêm vaccine nên khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn”, anh Minh nói.
Mở cửa trường học một cách an toàn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là thời điểm cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn. Do đó, cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
“Đi học trở lại sau một thời gian dài ở nhà, học sinh sẽ phải tạo cho mình một thói quen sinh hoạt mới. Từ việc phòng chống dịch, chuẩn bị trang phục, di chuyển tới trường đến việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Do đó, để các em không bị “sốc”, các chuyên gia cho rằng, thời gian đầu, rất cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Từ khi có chỉ đạo của Chính phủ và TP Hà Nội về việc đưa học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) cũng đã phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường an toàn. Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho biết: “Nhà trường lưu ý phụ huynh về việc không tổ chức bán trú, căng tin và chỉ tổ chức học trực tiếp một buổi/ngày, nên phụ huynh cần chuẩn bị nước uống, cho con ăn ở nhà và nhắc nhở con tuân thủ đúng các quy định phòng, chống dịch. Nhà trường cũng chuẩn bị 3 phòng học trực tuyến dành cho học sinh không thể đến trường học trực tiếp”.
Ông Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cho hay: “Hiện tại nhà trường đã lắp 4 máy đo nhiệt độ tự động bởi việc dùng nhiệt độ cầm tay đo thì khoảng cách nhiều khi chưa đảm bảo an toàn. Đợt này chúng tôi cũng lắp thêm camera và thiết bị đường truyền wifi để đảm bảo những học sinh nào ở nhà (F0, F1, vùng dịch cấp độ 3) vẫn có thể học cùng các bạn trên lớp”. Theo chia sẻ của ông Hảo thì việc học sinh trở lại trường là điều rất đáng vui mừng nhưng bên cạnh đó cũng có những nỗi lo nhất định bởi nguy cơ dịch vẫn còn tiềm ẩn. Hiện nhà trường chỉ có 1 nhân viên y tế, phòng cách ly cũng đã bố trí nhưng vẫn không thể không lo lắng đối với những trường hợp F0 không triệu chứng nên có thể lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy nhà trường khuyến cáo các thầy trò luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình học tập tại trường.
Mặc dù Trường tiểu học Sơn Công, Ứng Hòa (Hà Nội) đang trong cấp độ 1 nhưng những ngày qua các cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi đây cũng đã được diễn tập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người trong tình huống nếu không may học sinh trở thành F0.
Cô Lê Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Công cho biết: “Thông qua các văn bản chỉ đạo của các cấp, nhà trường cũng đã xây dựng các phương án để có thể tiến hành dạy học trực tiếp được hiệu quả nhất. Nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên đến trường tổng vệ sinh và xịt khử khuẩn từng lớp. Ban giám hiệu đã giao cho giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh của lớp mình để tuyên truyền, đồng thời lấy ý kiến của phụ huynh trong việc có đồng thuận cho con đến trường hay không. Trong trường hợp nếu phụ huynh không đồng ý cho con đến trường, những trường hợp F0 hay có một số học sinh đang cư trú ngoài địa bàn không đến được trường thì nhà trường phải kết nối trực tuyến để các em vẫn có thể tiếp thu được bài giảng trong điều kiện tốt nhất”.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc cho trẻ em đi học là rất cần thiết, chính quyền, nhà trường và gia đình không nên quá lo lắng. Các cấp chính quyền nên lắng nghe ý kiến tham mưu của các chuyên gia dịch tễ, cơ quan chuyên môn để tổ chức sao cho trẻ em được đi học sớm nhất. Ngoài ra, chính quyền và nhà trường, cha mẹ cũng nên phối hợp để hoạt động dạy và học được thông suốt, tránh tình trạng hôm trước cho trẻ đi học, hôm sau có dịch sợ quá đóng cửa luôn.