Xây dựng thế trận lòng dân
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua được triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đưa công tác này ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu, thực chất. Qua đó, đã phát huy tinh thần đoàn kết, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của người dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nhiều mô hình hay, sáng tạo
Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, Nghi Lộc là huyện có diện tích tự nhiên rộng, dân số đông. Những năm qua, huyện Nghi Lộc đang có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế năng động, vùng trọng điểm về thu hút đầu tư của tỉnh. Nhận thức rõ công tác bảo đảm an ninh, trật tự đóng vai trò quan trọng nhằm tạo môi trường an ninh, an toàn, ổn định phục vụ sự phát triển của địa phương, cùng với các mặt công tác khác, thời gian qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm triển khai thực hiện, đưa phong trào ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nổi bật là đã huy động các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia phong trào; đẩy mạnh xây dựng, củng cố, nhân rộng, phát huy hiệu quả nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Trong đó, xã Nghi Hưng là một trong những điểm sáng với nhiều mô hình hay, sáng tạo, được các cấp biểu dương, nhân rộng, điển hình như: Mô hình “Tổ tuần tra nhân dân” tại 6/6 xóm; mô hình “Camera an ninh” với hơn 30 mắt camera... Bên cạnh đó, đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động ban chỉ đạo và các tổ tự quản về an ninh trật tự với hơn 1.500 thành viên ở các thôn, xóm, tạo thành “mạng lưới khép kín” góp phần giữ vững sự bình yên trong từng đường làng, ngõ xóm.
Chẳng kể đông hay hè, đã thành thông lệ, cứ đến 8 giờ tối thứ Ba và thứ Bảy hằng tuần, 8 thành viên của “Tổ tuần tra nhân dân” xóm 5, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc lại tập hợp đông đủ tại nhà văn hóa, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ. Được thành lập vào năm 2022 với tinh thần “tự nguyện, tự quản, dân chủ, đồng thuận và không có phụ cấp”, đến nay sau hơn 2 năm hoạt động, mô hình “Tổ tuần tra nhân dân” đã phát huy được hiệu quả và nhân rộng trên tất cả các xóm của xã Nghi Hưng.
Không chỉ được người dân đồng tình ủng hộ, mô hình đã góp phần là “cánh tay nối dài” cùng lực lượng Công an cơ sở trong công tác tuần tra kiểm soát, nắm tình hình an, ninh trật tự, cũng như tuyên truyền, vận động, phát hiện, phòng ngừa, xử lý các yếu tố, tình huống nguy cơ gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ông Bùi Văn Khánh, thành viên “Tổ tuần tra nhân dân” chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân, chứ không phải của riêng lực lượng nào. Chúng tôi tham gia với mong muốn cùng với lực lượng Công an xã bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ bình yên thôn, xóm để con em mình có môi trường an toàn học tập và phát triển”.
Văn hóa của làng bắt nguồn từ văn hóa, truyền thống dòng họ. Dòng họ đoàn kết tạo thành lá chắn vững chắc, khiến các tệ nạn xã hội không có cơ hội len lỏi, xâm nhập và phát triển trong thôn, xóm. Xác định điều này, nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, từ năm 2007, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Dòng họ tiêu biểu, tự quản về an ninh, trật tự” trên địa bàn toàn tỉnh. Tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, cùng giúp nhau phát triển kinh tế... là nét nổi bật của mô hình “Dòng họ tiêu biểu, tự quản về an ninh, trật tự” ở Nghệ An. Qua 14 năm triển khai đã tạo được không khí thi đua sôi nổi giữa các dòng họ.
Trong số các mô hình dòng họ tiêu biểu tự quản về an ninh, trật tự thì dòng họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu là một trong những dòng họ điển hình đi đầu về xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện tốt công tác tự phòng, tự quản, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần xây dựng thôn, xóm, xã không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Các bậc “thúc phụ”, hội đồng gia tộc phát động mạnh mẽ phong trào “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; lấy tộc ước, quy ước của dòng họ để giáo dục, nhắc nhở con cháu chấp hành nghiêm quy định pháp luật, không nghiện ma túy, không đánh bạc, đề hụi, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, trong dòng họ và trên địa bàn xã Quỳnh Đôi không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, giữ gìn thôn, xóm bình yên.
Ông Hồ Đình Trù, hội đồng gia tộc dòng họ Hồ chia sẻ: “Hội đồng gia tộc thường xuyên nhắc nhở con cháu phải luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, không vi phạm pháp luật. Ở chi, nhánh có trường hợp nào manh nha có biểu hiện vi phạm thì trưởng các chi, nhánh đó phải kịp thời về gia đình nắm bắt tình hình, kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm, uốn nắn để nhận ra sai lầm và sửa sai. Nếu phát hiện người trong dòng họ vi phạm các lỗi nghiêm trọng phải báo ngay cho công an xã vào cuộc. Vì vậy, nhiều sự việc đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Đồng thời, những quy định, tộc ước của dòng họ đã góp phần định hướng hành vi của con cháu. Từ đó mỗi thành viên trong dòng họ đều tự nêu cao ý thức, vai trò của mình đối với xã hội, góp phần tích cực đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở”.
Qua phong trào tự quản, thực hiện quy ước của dòng họ, đã có một số người sửa chữa được lỗi lầm, vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó, các thành viên trong dòng họ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Những người đứng đầu, người có uy tín trong dòng họ còn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu tự nguyện hiến hơn 3 ha đất, hơn 3.000 ngày công, nâng cấp trên 10 km đường giao thông và tiền mặt với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng... góp phần tô điểm diện mạo quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn.
Không chỉ thực hiện tốt công tác tự quản, tự phòng trong phòng, chống tội phạm và chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích từ đường; gìn giữ các nghi lễ truyền thống, gắn kết giữa các thành viên, xây dựng, giữ gìn sự mẫu mực trong mỗi dòng họ, công tác khuyến học - khuyến tài cũng luôn được dòng họ đặc biệt quan tâm, khuyến khích, động viên con, cháu tu dưỡng, rèn luyện, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Phát huy sức mạnh của nhân dân
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ tư cả nước; có 21 huyện, thành, thị với 460 xã, phường, thị trấn; đường bờ biển dài 82 km, tuyến biên giới giáp nước bạn Lào dài nhất cả nước với 468,281 km, đi qua 6 huyện với 27 xã; có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, sinh sống chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa... Những đặc điểm, tính chất và điều kiện tự nhiên đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng Công an từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đổi mới các giải pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Xác định xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong những năm qua, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Lực lượng công an các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt, thể hiện được tính chủ động, trách nhiệm trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Theo đó, đã tích cực phối hợp các cấp, ngành tổ chức tốt các chương trình an sinh xã hội, giúp đỡ bà con nhân dân cải thiện cuộc sống, góp phần hạn chế phát sinh vi phạm pháp luật. Đặc biệt, năm 2023, Công an tỉnh đã tiên phong, đi đầu triển khai và hoàn thành xây dựng, bàn giao 3.533 căn nhà trao tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại 6 huyện biên giới tỉnh Nghệ An với tổng giá trị gần 180 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, Công an tỉnh. Hiện nay, Công an tỉnh Nghệ An đã bố trí hơn 2.650 đồng chí công an chính quy tại 460 xã, phường, thị trấn và mới nhất đã chủ động tham mưu UBND các cấp bố trí hơn 11.400 đồng chí tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Với các giải pháp cụ thể, Nghệ An hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đến nay, có 15 mô hình được Bộ Công an thông báo biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc. Nổi bật là mô hình “Xã sạch về ma túy” tại 158 xã, phường, thị trấn; 98 điểm “Khối, xóm, thôn, bản sạch về ma túy”; mô hình “Dòng họ tiêu biểu, tự quản về an ninh, trật tự” ở huyện Quỳnh Lưu; mô hình “Dân vận khéo” trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào có đạo của Công an huyện Hưng Nguyên; mô hình “Dân vận khéo trong công tác tái hòa nhập cộng đồng” ở thị xã Thái Hòa...
Từ việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, người dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin liên quan đến tình hình an ninh, trật tự. Trong đó, nhiều thông tin có giá trị, giúp lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nhiều vụ việc ngay tại cơ sở, không bị động, bất ngờ; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không để phát sinh “điểm nóng”, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự của cả nước, trong thời gian tới, Công an tỉnh Nghệ An xác định tiếp tục duy trì, củng cố và nhân rộng các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời tiếp tục xây dựng mới các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ sát với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ sớm, từ xa, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...
Giai đoạn 2013-2023, thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhân dân đã cung cấp 6.292 tin báo tố giác tội phạm, giúp cơ quan chức năng điều tra làm rõ 2.020 vụ tội phạm hình sự, 1.940 vụ ma túy; bắt giữ và vận động đầu thú hơn 500 đối tượng truy nã; phát hiện, thu giữ và vận động quần chúng giao nộp 100 súng quân dụng, 1.450 súng tự chế, 204 khẩu súng săn, 88 lựu đạn, 704 viên đạn, 26 quả bom bi, 30 quả mìn, gần 183 kg thuốc nổ, 4.003 kíp nổ, 1.876m dây cháy chậm, 1.792 kích điện, 1.916 dao, kiếm, 354 côn, 3.700 đồ chơi nguy hiểm; cảm hóa được 2.178 người lầm lỗi tiến bộ, 970 người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng...