Xóm ngụ cư giữa dòng kênh đôi

Thứ Tư, 01/02/2023, 11:12

Chiều 30 Tết, nhà nhà nô nức sắm sửa, chuẩn bị đón giao thừa thì những hộ dân ở xóm ngụ cư cũng chăm chút mâm cơm của riêng mình bằng tất cả những gì có thể. Khi quang cảnh tấp nập ở chợ đầu mối Bình Điền dần khuất trong màn đêm của thời khắc năm mới, bảy nóc ghe neo đậu giữa dòng kênh Đôi lặng lẽ đón Tết trên sông, ngắm pháo hoa rực rỡ bên kia thành phố…

Ngắm pháo hoa từ mũi đò

Chỉ cách khu chợ đầu mối Bình Điền, Quận 8, TP Hồ Chí Minh hơn 1km, thế nhưng ở đó đã là một thế giới khác. Những cuộc đời ở xóm ngụ cư bên dòng kênh Đôi, dọc theo đường Rạch Cát Bến Lực, Quận 8 đều là người Việt từng có thời gian sinh sống trên Biển Hồ, Campuchia từ trước năm 1980. Khi ấy, Biển Hồ từng là miền đất hứa nhưng lâu dần sự trù phú không còn nữa. Giấc mơ đổi đời tan vỡ, họ lầm lũi trở về Việt Nam với đôi bàn tay trắng, tài sản đáng giá nhất chỉ là những chiếc ghi vá chằng vá đụp cùng những đứa trẻ da đen, tóc khét nắng.

Xóm ngụ cư giữa dòng kênh đôi -0
Cảnh chiều cuối năm ở xóm “Việt kiều”.

Để rồi, họ cứ thế bươn chải, lênh đênh nhiều nơi như: An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, vật lộn mưu sinh bằng đủ thứ công việc chân tay, làm thuê, lượm ve chai trên sông, cắt rau muống dại trên lòng sông, mót cá ở chợ Bình Điền… Cũng vì cuộc sống quá khó khăn, những người dân cư ngụ tại đây đều không thể thuê nhà trên bờ, đành sống trên những chiếc ghe tròng trành ngày này qua tháng nọ, lênh đênh theo con nước.

Hơn nửa đời lưu lạc xa xứ, bà Nguyễn Thị Mai, 55 tuổi ôm giấc mộng có được cuộc sống đàng hoàng, ấm no hơn khi trở về quê hương. Nhưng hơn 30 năm ở TP Hồ Chí Minh, bà cùng gia đình mình với gần 10 người (3 thế hệ gồm chồng, con trai và các cháu) chưa bao giờ thực sự đặt chân lên mảnh đất phồn hoa đô hội này. Trong chiếc ghe cũ kĩ bé xíu chẳng có bất cứ thứ gì giá trị ngoài những bộ quần áo cũ, một mảnh ván ngả lưng cáu xỉn và chiếc võng xác xơ, bà Mai bảo đời mình đã quá khổ, nhưng than khóc cũng chẳng thể khá hơn, chi bằng chấp nhận và hài lòng với thực tại. Sống với quan niệm như thế, gia đình bà Mai đã tồn tại qua bao nhiêu mùa xuân bên dòng kênh Đôi này.

Xóm ngụ cư giữa dòng kênh đôi -0
Bà Nguyễn Thị Mai trên chiếc ghe của mình cùng đám nhỏ.

Bươn chải đủ nghề, hàng ngày ngoài nhặt chai nhựa trôi nổi trên kênh và hái rau muống dại bán kiếm tiền, ai thuê gì vợ chồng bà Mai làm đó. Cuộc sống thường xuyên túng thiếu, chạy cơm từng bữa, thiếu trước, hụt sau nên cũng không biết lấy đâu tiền để chữa bệnh cho đứa cháu nhỏ. Nói hồi bà Mai lấy chiếc điện thoại cũ mở cho chúng tôi xem tấm hình đứa cháu, cứ trời nắng to thì cháu bị bướu cổ sưng to không cựa được. Không chỉ cháu bà Mai mà nhiều đứa trẻ ở đây bị bướu cổ, hiện chưa thể đi học được. Bà Mai lục trong túi ra mấy vỉ thuốc, tâm sự: “Tôi đưa cháu An Nhiên đi khám, bác sĩ kê toa thuốc, mỗi viên là 150.000 đồng, bảo mỗi ngày phải cho cháu uống 2 viên. Nhà không có tiền mua, nên từ hồi giờ không cho cháu uống thuốc nữa”.

Nhắc đến Tết, khuôn mặt bà Mai giãn ra, vui tươi hẳn lên. Đó là khoảng thời gian thanh nhàn và bình yên nhất của bà. Đón Tết trên con đò nhỏ, bà Mai không phải chuẩn bị nhiều thứ. Trước mũi đò, bà cắm bình hoa cúc vàng rồi chiều 30 Tết ra chợ Bình Điền lựa mua chút thịt heo. Bữa cơm đêm cuối năm cũng tươm tất như người ta, có đầy đủ các món mang phong vị ngày Tết. Đêm giao thừa, các con cháu của bà sẽ lên bờ đi dạo chơi cùng dòng người đón năm mới. Còn ông bà thì sẽ ngồi chụm đầu vào nhau trên mũi đò, nhìn ra phía xa thành phố, ngắm pháo hoa rực rỡ và ngắm trời, ngắm sao để đoán biết năm nay con nước dòng kênh Đôi cao hay thấp. Nếu cao thì ông sẽ vá lại con đò cho chắc chắn, nếu thấp thì kê thêm miếng gỗ cho lối vào. Với ông bà, Tết năm nào cũng thế và cuộc đời cũng chỉ mong cầu như thế mà thôi.

Cạnh gia đình bà Mai là chiếc ghe cũ kĩ, được bao bọc bởi lớp bạt mỏng phía trên của cụ Nguyễn Thị Hai, 91 tuổi, người phụ nữ sống thọ nhất ở xóm ghe, cũng là người trải qua nhiều biến cố nhất. Cả cuộc đời cụ xuôi ngược tròng trành theo sông nước, xuôi về đây sống đã hơn 15 năm, nương nhờ trên chiếc ghe của người quen chỉ mong có cuộc đời tươi sáng hơn, thế nhưng mong ước của cụ chưa thành hiện thực, mặc dù cụ đã làm việc không ngơi nghỉ.

Tuổi 91, cũng chừng ấy năm đằng đẵng cụ Hai sống trên ghe, mãi chông chênh theo con nước. Cụ Hai từng đón Tết rất nhiều nơi, trên bờ có, trên sông có nhưng nhiều nhất vẫn là những mùa xuân trên mũi đò dọc dài con nước. Cụ Hai chỉ ước nguyện, mùa xuân này và những cái Tết còn lại của cuộc đời, ông trời cho cụ sức khỏe và con mắt còn lại tinh tường hơn, để cụ có thể đi lại trên bờ, gặp gỡ bà con, chúc nhau một câu trọn nghĩa vẹn tình.

Dẫu vậy Tết vẫn là thời khắc hân hoan nhất, được đón mùa xuân trên quê hương của mình, được nhận tình yêu thương của đồng bào, từ nhiều năm nay, Tết của xóm có phần ấm no hơn xưa.

Xóm ngụ cư giữa dòng kênh đôi -0
Ông Huỳnh Công Trứ, Tổ trưởng Tổ 67, Khu phố 6, Phường 8, Quận 8 là người đồng hành cùng bà con xóm đò trong những lúc khó khăn.

Ông Huỳnh Công Trứ, Tổ trưởng Tổ 67, Khu phố 6, Phường 8, Quận 8 chia sẻ, bà con ở xóm nhận được nhiều sự quan tâm, ngoài giúp đỡ từ cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc quận năm nào cũng gửi quà Tết cho hộ khó khăn. Mặc dù họ không có hộ khẩu nhưng chính quyền địa phương vẫn luôn cảm thông và đồng ý cho họ tá túc và tạo điều kiện làm giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế.

Mong cầu no ấm

Sáng mùng Một Tết, xóm vẫn giữ phong tục “xông đất” nhưng là cùng nhau tập trung, quây quần ở ghe nhà bà Tư Mai để chúc nhau một năm mới bớt vất vả mưu sinh và cuộc sống ổn định hơn. Không nhộn nhịp, không mai, đào, quất, cũng chẳng cỗ bàn, Tết trên ghe thuyền của những con người ở đây là điều gì đó vừa riêng biệt lại vừa lạ lẫm…

Xóm ngụ cư giữa dòng kênh đôi -0
Chị Hồ Thu Hà, quê Gò Công bên chiếc xe kéo, đồ nghề dùng để chở cá thuê ở chợ Bình Điền mỗi tối

Cũng như bao gia đình ở đây, bà Ba mưu sinh bằng việc nhặt phế liệu, bẻ rau muống dại trên lòng sông bán kiếm tiền sống qua ngày. Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, cho đến mùa triều cường dâng cao năm ngoái khiến chiếc ghe 20 tuổi đời của bà Ba chìm sâu dưới nước, tất cả tài sản trôi theo dòng sông, bà Ba đành phải sống nương nhờ ghe của cụ Hai. Cứ tưởng năm nay phải đi đón Tết nhờ thì may mắn thay, mấy ngày giáp Tết có người biết được câu chuyện buồn của bà Ba nên đã tặng bà chiếc ghe khác. Mặc dù chỉ là chiếc ghe cũ, không còn hoạt động nhưng có thể dùng làm nơi che mưa, che nắng, là “mái nhà” bao bọc chở che cho cuộc đời của bà Ba những ngày sau này.

Bà Ba trải lòng: “Khoảnh khắc thấy chiếc ghe được kéo đến xóm, tôi mừng khóc nghẹn vì mừng, không nói được lời nào. Đời tôi, như thế là quá đủ. Năm nay, có lẽ là mùa xuân hạnh phúc nhất của tôi”.

Xóm ngụ cư giữa dòng kênh đôi -0
Bà Lê Thanh Thủy, quê Cà Mau, một cư dân xóm ngụ cư.

Ngồi trầm ngâm bên ô cửa ghe lúc chiều muộn, ông Nguyễn Văn Phát, 63 tuổi cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ngàn, 57 tuổi kể, cách đây hơn 10 năm, cũng trên khúc sông này có khoảng 18 hộ gia gia đình. Thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc sống trôi nổi đã khiến nhiều người bỏ đi, số khác tìm cách lên bờ ổn định công việc và nuôi ước mơ học hành của con cái. Xóm nghèo ngày càng trở nên đìu hiu, cô quạnh. Hiện nay, xóm chỉ còn bảy “nóc ghe” với hơn chục con người, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

Họ không có sự lựa chọn nào khác, dù cho ai cũng từng ấp ủ những giấc mộng đổi đời. Với những con người này, cuộc sống hiện tại vẫn an toàn và tốt hơn rất nhiều so với năm tháng mưu sinh cơ cực nơi xứ người. Người ngoài nhìn vào thấy xót xa, nhưng xóm “Việt kiều” lại nghĩ khác, cuộc đời của họ không hẳn như vậy. Đôi mắt xa xăm nhìn ra bầu trời mùa xuân trước mũi ghe, ông Phát tâm sự: “Rất nhiều người khi ngang qua khúc sông này, nghĩ tôi nghèo đói, khó khăn mới phải ở mòn cuộc đời trên ghe. Họ đâu biết rằng, chính tôi đã chọn lựa nơi này làm chốn dung thân. Tôi đã từng lên bờ, chịu không nổi hai vợ chồng lại dắt nhau xuống đò. Mình quen ở ghe, lên bờ đi đâu cũng đụng, hở ra là đụng cái này cái kia, rồi té ngã. Ở cả đời người đây rồi, giờ về cuối đời bỏ nó sao đặng”.

Tết về trên xóm, bà con vẫn giữ nếp sinh hoạt quen thuộc, chỉ là họ sẽ không đi kiếm sống trong ba ngày Tết. Họ sẽ ở trên đò nghỉ ngơi, nấu những bữa cơm đủ chất cho ngày Tết và ghé qua đò hàng xóm nói chuyện vui vẻ, chúc Tết nhau.

Những đứa trẻ như bé An Nhiên có lẽ không biết ngày Tết là gì, chúng cũng không hình dung được ngày Tết sẽ như thế nào, rực rỡ ánh đèn ra sao. Tuổi thơ của chúng không tươi sáng như những bạn bè đồng trang lứa khác, nhưng chúng lại là những tia sáng rực rỡ hy vọng của ông bà, ba mẹ về một ngày mai tốt đẹp hơn. Như bà Mai trải lòng, dù khó khăn thế nào, bà vẫn cố gắng để An Nhiên lớn lên được đến trường. An Nhiên sẽ nắn nót những con chữ đầu đời trên tờ giấy trắng, khi ấy cuộc đời cậu bé mới thực sự bước sang trang mới, tươi sáng hơn.

Ngọc Hoa - Nguyễn Nga
.
.