Xót xa hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang trên “đất vàng” ở Hà Nội
Trong khi rất nhiều người dân không có chỗ để ở, phải tạm trú trong những căn nhà ọp ẹp chật chội thì tại Hà Nội lại có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ không, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần linh động, phối hợp để đưa hàng nghìn căn hộ này vào sử dụng, tránh lãng phí.
Hàng nghìn căn hộ bỏ hoang
Theo UBND TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô cần thêm 7.117 căn hộ mới, tương đương khoảng 560.000 m2 sàn để đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư. Trong khi thành phố nỗ lực thực hiện kế hoạch nhằm chỉnh trang đô thị và ổn định nơi ở cho người dân thì có một nghịch lý là hàng nghìn căn hộ tái định cư đã được xây dựng cách đây hàng chục năm vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và mất mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Quốc hội, nhiều căn nhà, căn hộ tái định cư chưa được đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bị bỏ hoang đang xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí.
Những con số biết nói này cho thấy vấn đề quản lý sử dụng nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có nhiều bất cập, cũng như đang gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn ngân sách khổng lồ. Nghịch lý hơn, các tòa nhà này đều nằm ở những khu đất đắc địa, trung tâm của những khu đô thị mới.
Một trong những dự án tốn nhiều giấy mực nhất là 3 tòa nhà tái định cư N3 – N4 – N5 tại Khu đô thị Sài Đồng, nơi được nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá là khu đất vàng. 3 tòa nhà này nằm tại trung tâm đô thị, ngay cạnh khu Vinhomes Long Biên và đặc biệt là hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ đã được hoàn thiện.
3 tòa nhà này thuộc dự án nằm trong Khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên, do Công ty Handico 3 làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 421.946 m2 với mục đích để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến phố Sài Đồng. Tính đến thời điểm hiện tại là 17 năm, dự án gồm 3 tòa nhà 6 tầng với 150 căn hộ này vẫn đang bị bỏ trống, không có người về ở. Khu vực vườn hoa, sân chơi xung quanh cỏ mọc um tùm gây mất mỹ quan đô thị.
Qua tìm hiểu, dự án này được triển khai từ khi quận Long Biên chưa được thành lập, do đó việc bồi thường giai đoạn này chuyển tiếp từ huyện thành quận dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân. Giải thích cho việc nhiều người dân chưa chịu về ở, ông Bùi Dương, Phó chánh văn phòng UBND quận Long Biên cho hay: “Nguyên nhân khác khiến dự án cho đến nay vẫn bị bỏ không là do các hộ dân không đồng thuận di dời lên nhà chung cư mà muốn đổi sang nhà đất”.
Qua ghi nhận, các dự án này đều có điểm chung là đã được xây dựng từ lâu nhưng đều không thu hút được người dân, thiếu các hạng mục tiện ích cơ bản, gắn liền với đời sống của người dân như: nhà xây lên nhưng thiếu tầng hầm, không có chỗ để xe, thiếu hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, khu vui chơi, sân thể thao… Chị Lưu T. Y. (sống trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những diện được đền bù và di dời đến khu nhà tái định cư nhưng chị không mặn mà. Chị Y. chia sẻ, dù gia đình chị sống ở phố cổ rất chật trội, nhà cửa bí bách nhưng chị vẫn chấp nhận ở lại phố cổ vì kế sinh nhai, thuận tiện làm ăn sinh sống. “Nhà tái định cư dãn dân xây mãi ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên) nhưng lại thiếu đủ thứ, tiện ích xung quanh chưa hoàn thiện, vấn đề giải quyết công ăn việc làm tại chỗ còn bỏ ngỏ. Chính vì thế việc di dời người dân khỏi khu vực kinh doanh sầm uất và chuyển ra tận ngoại thành mà không có phương án về việc làm, thu nhập… thì chắc chắn không ai chịu dời đi cả”, chị Y. bức xúc cho biết.
Tương tự tại quận Cầu Giấy, dự án nhà tái định cư N01-D17 ở số 1 phố Duy Tân (lô góc ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân), phường Dịch Vọng Hậu được triển khai phục vụ giải phóng mặt bằng, thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Dự án gồm 4 tòa nhà cao 15 tầng, 1 tầng hầm; diện tích từ 50 - 90 m2/căn, mỗi đơn nguyên có 5 căn hộ, 2 thang máy, 1 thang thoát hiểm. Công trình do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư; 2 đơn vị thi công xây dựng là Công ty CP xây dựng số 5 Hà Nội và Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Công trình được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Nhưng đến nay, sau khi xây gần xong phần thô thì dừng lại, để hoang vì thiếu kinh phí hoàn thành.
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng nhưng trong giai đoạn từ 2010 đến 2015 chỉ được giải ngân 81 tỷ đồng, riêng năm 2013 không được bố trí vốn. Chính vì thế, dự án triển khai rất ì ạch. Đặc biệt, đầu năm 2019 nhiều công nhân đã căng băng rôn phản đối vì nhiều năm chưa được trả tiền… Kể từ đó dự án này bị bỏ hoang.
Theo quyết định số 4962, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư là UBND quận Cầu Giấy khẩn trương hoàn thành thi công xây dựng, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và các hạng mục khác. Tuy nhiên qua tìm hiểu của phóng viên, vài năm nay không có công nhân xây dựng tại đây. Công trình được quây kín bằng tôn, phía bên trong cỏ dại mọc ngang người. Ông Nguyễn Công Thắng (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: “Mấy năm nay tôi không thấy công nhân nào thi công ở đây cả, có cái máy cẩu để đó cũng bắt đầu hoen rỉ, cỏ mọc ngang người rồi. Tôi nghĩ những đơn vị liên quan cần nhanh chóng giải quyết tòa nhà này, cứ để thế này quả thực lãng phí đất, trong khi đó nhiều người vẫn còn phải đi thuê nhà để ở”.
Cùng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, dự án nhà ở tái định cư A14 khu đô thị Nam Trung Yên cũng đang bỏ lãng phí khá nhiều căn hộ. Dự án này hoàn thành từ năm 2016, tuy nhiên đã 7 năm trôi qua nhưng trong 4 tòa nhà cao 21- 30 tầng thì chỉ có 2 tòa có người ở. Riêng 2 tòa còn lại nằm ngay “vị trí vàng” phía mặt đường Mạc Thái Tổ thì bị bỏ hoang. Dự án nhà ở tái định cư A14 có diện tích đất gần 54.000 m2, diện tích xây dựng 7.500 m2 do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm chủ đầu tư.
Là người dân sống trên đường Mạc Thái Tổ, ông Trần Bình cho biết, hai tòa nhà to lớn xây dựng lâu nhưng tôi không thấy có ai ở. Xung quanh tòa nhà cỏ dại mọc ngổn ngang, chưa kể rác thải được người ta tiện tay đổ ngay chân tòa nhà. “Tôi thực sự ngạc nhiên vì bây giờ nhiều người thì rất cần nhà để ở mà sao ở đây lại không thể đưa vào sử dụng. Nếu không có người ở tòa nhà này sẽ xuống cấp rất nhanh. Mấy năm trước trông 2 tòa nhà còn mới nhưng hiện tôi thấy tòa nhà cũ theo thời gian. Lớp sơn ngày càng mờ dần, những mảng tường bong tróc nham nhở. Ai đi qua cũng thấy tiếc nuối”.
Xây dựng nhà tái định cư là chưa đủ
Việc lãng phí nhà ở tái định cư nhiều năm nay đã khiến nhiều cơ quan ban ngành phải đau đầu. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, xây dựng nhà ở tái định cư là chưa đủ, mà cần phải thực hiện công tác an sinh xã hội tốt để người dân có lòng tin rằng cuộc sống ở nơi mới sẽ tốt hơn chỗ cũ. Thực tế cho thấy, cuộc sống của người dân khi tái định cư cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình sống tại các khu vực đông dân cư, họ đã có kế sinh nhai từ nhiều năm nay. Chính vì thế khi tái định cư ở khu vực mới là một điều nhiều người lo lắng vì thiếu chỗ buôn bán, làm ăn.
Ông Nguyễn Đăng Duyên, hiện đang sinh sống tại khu tập thể D3 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, vợ chồng ông đều là cán bộ viên chức đã về hưu, được cấp nhà tại D3 Giảng Võ từ nhiều năm nay. Mặc dù biết xuống cấp, nguy hiểm nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác. “Hai vợ chồng tôi sống ở mấy chục năm rồi, giờ chúng tôi sống chủ yếu vào việc sửa chữa điện tử cho người dân quanh khu vực. Giờ mà chuyển đi nơi khác coi như chúng tôi hết đường sinh sống. Một lý do nữa, Nhà nước phải cụ thể cho chúng tôi là khi nào đi, khi nào được quay lại để ổn định cuộc sống. Tâm lý thì chẳng ai muốn ở một nơi xập xệ, nguy hiểm thế này” - ông Duyên nói.
Chính vì thế, khi xây dựng khu nhà ở tái định cư, nhà chức trách phải tính toán khi người dân chuyển đến chỗ ở mới phải có cuộc sống tốt hơn những ngôi nhà cũ kỹ, hay chí ít cũng phải bằng được cuộc sống trước đó. Vấn đề nhà ở tái định cư cũng được rất nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến trong Kỳ họp thứ 5. Vấn đề chính mà các đại biểu đưa ra chính là việc bồi thường, tái định cư. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến, cần quan tâm tới đời sống của nhân dân sau tái định cư, đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị: “Giá đền bù không chỉ theo giá thị trường mà xuất phát từ chỉ đạo đời sống bằng hoặc tốt hơn, không chỉ đo bằng tiền, hoặc đo bằng tiền nhưng phải cộng thêm yếu tố bồi thường thiệt hại về tinh thần. Đền bù cho chuyện người dân phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm, ông bà sinh sống từ lâu đời…”.
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng có nhiều trăn trở: Thế nào là “bằng hoặc tốt hơn?”. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, điều này vô cùng nhức nhối, tưởng chừng đơn giản mà lại không. “Người dân chỉ quan tâm làm sao khi thu hồi đất cuộc sống của họ bằng hay tốt hơn. Chúng ta phải chuẩn bị như một kế hoạch, làm lại cho kỹ. Mất thời gian mà sau này đỡ khổ. Ban đền bù điều tra khảo sát, phân biệt từng trường hợp, lãnh đạo ngồi nghe, cho ý kiến rồi hãy bắt đầu đi vào áp đơn giá, định mức. Đây không chỉ là thu hồi đất mà còn là phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xuôi cái này thì đầu tư công sẽ nhanh hơn rất nhiều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đối với việc bồi thường, tái định cư, cần quan tâm tới cuộc sống của nhân dân sau tái định cư, phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân, nhưng phải gắn với văn hóa, cộng đồng. Vấn đề này sẽ quy định nguyên tắc trong luật, phải phân cấp cho địa phương, lãnh đạo địa phương thực hiện.
Việc tái định cư cũng không cứng nhắc vì nếu “họ sẽ ở với con cái, chỉ lấy tiền cũng là một cách” hoặc “tôi có đất nơi khác, đất của anh em rồi nên tôi tự tái định cư cũng là một cách”. Ngoài ra, việc lựa chọn nơi tái định cư cũng rất quan trọng đối với người dân.