Xuân về trên điểm nóng năm xưa

Thứ Hai, 06/03/2023, 19:25

“Hiện tại, ở đây không còn những ông trùm, không còn tình trạng buôn bán, gánh gùi ma túy nữa. Tình trạng nghiện, bán lẻ thì vẫn còn nhưng rất ít. Hơn chục đối tượng truy nã đã được vận động ra đầu thú, trong đó có những người đã thụ án xong, trở về hòa nhập với cộng đồng khá tốt. Điều quan trọng, họ đã có những nhận thức tốt hơn về những việc làm phi pháp của mình trước đây...”. Đó là khẳng định của những người đang ngày đêm giữ gìn an ninh, trật tự ở điểm nóng Hang Kia - Pà Cò thuộc huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình với chúng tôi.

Trở lại điểm nóng

Thấm thoắt đã hơn mười năm kể từ ngày địa danh Hang Kia (bản Hang Kia 1, xã Hang Kia) và xã Pà Cò thuộc huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ chống người thi hành công vụ, khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã thành lập Đề án 03, tạo ra bước đột phá, chuyển mình ngoạn mục trong quá trính phát triển xã hội, an ninh, trật tự ở thủ phủ ma túy lớn nhất Tây Bắc này. Và, sau 13 năm kể từ ngày xảy ra biến cố ấy, chúng tôi có mặt ở hai xã Pà Cò và Hang Kia để có những ghi nhận về cuộc sống, kinh tế và đặc biệt là an ninh, trật tự nơi đây.

Hang Kia - Pà Cò là hai xã nằm cạnh nhau, cách trung tâm huyện khoảng 50 km và cách thành phố Hòa Bình khoảng 100 km về phía Tây Bắc. Đây là hai xã nằm giáp ranh với xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).  Để vào được hai xã này vẫn là con đường độc đạo và đèo dốc cao, sương mù dày đặc nên xe không thể chạy nhanh được.

Xuân về trên điểm nóng năm xưa -0
Thiếu tá Lường Văn Sơn đứng trên đỉnh dốc vào Hang Kia, chỉ cho phóng viên khu vực nhà Vàng A Khua.

Ngược dòng thời gian, trở lại ngày 5/2/2010, khi những cánh hoa đào còn nhuộm thắm ven rừng, cộng đồng người Mông cũng vừa kết thúc một kỳ nghỉ tết riêng của mình, cái tên Hang Kia bỗng chốc “dậy sóng” khắp cả nước bởi vụ chống người thi hành công vụ. Thời điểm đó, Công an tỉnh Hòa Bình và Công an huyện Mai Châu tổ chức vây bắt Vàng A Khua (trú bản Hang Kia 1, xã Hang Kia) với tội danh buôn bán trái phép chất ma túy và bị truy nã từ 4 năm trước đó. Trong cuộc vây bắt này, 3 chiến sĩ công an đã hy sinh.

Sau khi đề đạt muốn quay trở lại Hang Kia - Pà Cò, nơi xảy ra sự kiện 5/2/2010, Trung tá Hà Công Thiếm, Đội trưởng Đội Tổng hợp (Công an huyện Mai Châu) dứt khoát với chúng tôi: “Các anh không thể đi một mình, để chúng tôi trực tiếp đưa các anh vào!”. Nhìn ánh mắt cương quyết của vị trung tá, người trực tiếp tham gia trận vây bắt đẫm máu của hơn mười năm trước, chúng tôi hiểu nỗi lo của anh.

Sau khi báo cáo lãnh đạo và gọi thêm một người nữa đi cùng, chúng tôi lên đường. Trung tá Thiếm giới thiệu người đi cùng là Thiếu tá Lường Văn Sơn, Phó Đội trưởng Đội kinh tế - Ma túy Công an huyện, cũng là người phụ trách tổ công tác cắm bản tại hai điểm nóng một thời này.

Nhớ lại ngày ấy, Trung tá Thiếm cho hay, lúc vây bắt Vàng A Khua, anh đang là chiến sĩ cảnh sát hình sự và là một trong những cán bộ chiến sĩ tham gia trực tiếp chuyên án. “Tin từ trinh sát báo về, Vàng A Khua sau một thời gian lẩn trốn đã có mặt tại gia đình. Phương án vây bắt Vàng A Khua nhanh chóng được ban chuyên án lên kế hoạch. Đêm 4/2, chúng tôi được lệnh lên đường” - Trung tá Thiếm nhớ lại.

Quãng đường từ huyện lị Mai Châu vào tới Hang Kia chỉ độ non 50 km nhưng đường đèo dốc, sương mù dày đặc. “Hồi ấy rừng còn lấn ra tận mép đường chứ không như bây giờ. Sương mù còn kéo dài xuống tận dốc, có những ngày mù, sương kéo ra tận trung tâm huyện. Vài năm trở lại đây con đường độc đạo này mới được bê tông hóa để thuận tiện hơn cho việc đi lại” - Trung tá Thiếm kể. Cũng bởi đường khó đi, dốc cao, rừng thẳm nên cuộc hành quân kéo dài đến tờ mờ sáng mới đến nơi.

“5 giờ, ban chuyên án đã có mặt tại xã Hang Kia, các tổ vào vị trí bao vây nhà Vàng A Khua. 6 giờ, cán bộ trong ban chuyên án dùng loa gọi Vàng A Khua ra mở cửa. Đến 7h30 phía trong nhà vẫn không có động tĩnh. Đặc biệt, con dâu Khua vẫn bình thản ra lấy nước, vo gạo nấu cơm” - Trung tá Thiếm nhớ lại.

Lúc này, ban chuyên án đã quyết định phá khóa. Khi khóa vừa được phá, cánh cổng sắt chưa kịp mở thì phía trong nhà Khua vang lên 3 phát súng. Tiếng đạn xé gió rít lên, khói đạn hòa lẫn vào sương mù, khét lẹt. Thấy tình hình “nóng”, ban chuyên án quyết định lui quân, tiếp tục dùng loa vận động, thuyết phục.

Máu các anh đổ vì bình yên cuộc sống

Cuộc vận động, thuyết phục Vàng A Khua kéo dài nhiều giờ đồng hồ, người nhà Khua phần lớn đã bỏ nhà chạy về phía ban chuyên án. Trong nhà chỉ còn lại Khua và con trai là Vàng A Của. Đến 3 giờ chiều ngày 5/2, ban chuyên án quyết định tấn công bắt Khua.

Mũi tấn công đầu gồm Đại tá Hà Thái Yềm (khi đó là Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, chỉ huy trực tiếp chuyên án), Trung úy Sùng A Trư và Thượng úy Bùi Quốc Đại. Cả 3 nhanh chóng vượt qua quãng sân rộng cả trăm mét vuông và áp sát ngôi nhà. “Con trai Khua là Vàng A Của đã lập gia đình, là giáo viên và sinh sống ở một căn nhà riêng nhưng vẫn thuộc khuôn viên toàn khu nhà của Vàng A Khua” - Trung tá Thiếm cho biết.

Xuân về trên điểm nóng năm xưa -0
Già làng Vàng A Tình, người có uy tín trong bản cũng như dòng họ Vàng.

Khi mũi tấn công do Đại tá Hà Thái Yềm áp sát căn nhà đầu tiên, chuẩn bị đột nhập thì Vàng A Của bất ngờ chạy về phía lực lượng Công an. Thấy vậy, hai đồng chí Trư và Đại chạy lên đón Của để đưa ra ngoài. Cùng lúc này phía nhà Khua xả ra loạt đạn xối xả, hướng về phía Của. “Loạt đạn chưa dứt thì cả 3 đều đổ gục. Đại tá Yềm nép sát đống củi gần đó cũng hứng trọn loạt đạn” - giọng anh Thiếm chùng xuống - “Lúc ấy là khoảng 15h30 phút”. Ngay sau khi 4 người ngã xuống, Khua cũng bị tiêu diệt trong tư thế tay vẫn cầm chặt súng AK, xác nằm trên miệng căn hầm được xây dựng trong nhà.

Khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông nhà Vàng A Khua đẫm máu. Đồng đội nhanh chóng đưa Đại tá Yềm lên cáng, ra xe cứu thương về Bệnh viện Mai Châu cấp cứu. “Xe cứ xé sương mù mà chạy, khi biết anh Yềm có nhóm máu O, vừa ôm anh, tôi vừa gọi điện về Bệnh viện Mai Châu chuẩn bị. Nhưng, anh đã trút hơi thở cuối cùng khi xe chưa kịp về đến Mai Châu. Lúc này là hơn 16 giờ” - Trung tá Thiếm nghẹn ngào kể.

“Tết năm đó là một cái Tết xót xa, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn ngỡ mới như ngày hôm qua” - rồi anh chia sẻ thêm: “Đại tá Yềm vừa là thủ trưởng, cũng là cậu ruột của tôi”.

Sau vụ nổ súng, rất nhiều người Mông ở Hang Kia và bên Pà Cò là người thân, họ hàng của Vàng A Khua bị những đối tượng khác kích động. Họ kéo nhau tràn ra đường, bao vây, đập phá, ném đá về phía xe của ban chuyên án. Không dừng lại ở đó, ngày hôm sau những người này còn kéo nhau bao vây, chửi bới và ném đá vào chính quyền xã. Tình hình Hang Kia lúc ấy nóng như chảo lửa.

Từ ý tưởng dòng họ tự quản đến du lịch cộng đồng

Trình độ dân trí thấp, địa bàn phức tạp, nhạy cảm, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề... khiến một bộ phận không nhỏ nơi đây rơi vào cảnh “bán mình cho quỷ dữ”. Để cởi bỏ nút thắt và thay đổi lối mòn tư duy đã ăn sâu vào người dân, một sáng kiến “dòng họ tự quản” do Thiếu tá Vàng A Nhà, hiện là Phó trưởng Công an xã Pà Cò đúc kết từ thực tế.

Năm 2011, Vàng A Nhà còn là phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia, phụ trách về an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục, từ đây anh đưa ra sáng kiến: Dòng họ tự quản nhằm thay đổi tư duy của người dân. “Dựa vào những người già, người có uy tín cao trong bản và đặc biệt là dòng họ. Đấy là phương án tốt nhất để thay đổi

Qua 3 năm công tác ở Hang Kia, anh đúc kết ra công tác nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp sống cũ là một trong những việc rất khó khăn đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều đời của người Mông bản địa. “Nếu cứ tiếp tục theo lối mòn ấy thì tình hình an ninh trật tự, trồng và buôn bán ma túy sẽ không biến chuyển. Ngoài ra, lực lượng cán bộ lại mỏng, thiếu nên sẽ phải có một phương án nào thiết thực hơn” - anh Nhà chia sẻ. Sau nhiều tháng ngày trăn trở, một sáng kiến mới được lóe lên: Dựa vào những người già, những người có uy tín trong bản. Ngay sau đó, sáng kiến được lãnh đạo huyện, rồi lãnh đạo tỉnh và đặc biệt là những người có uy tín trong bản ủng hộ” - Thiếu tá Nhà chia sẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Vàng A Tình, nguyên là cán bộ huyện đoàn Mai Châu, người có tiếng nói trong dòng họ Vàng cho biết: “Mình phải làm gương trước đã. Phải làm kinh tế giỏi, phải giáo dục con cái tốt, phải giúp đỡ mọi người, không được phạm pháp, không nghe kẻ xấu xúi giục”.

Ở tuổi 90, cụ Tình vẫn hằng ngày lên nương làm rẫy “Tôi vẫn khỏe lắm, ngày đi hết cả quả đồi, vẫn chăm con trâu đực của mình, vẫn giúp đỡ các gia đình và vẫn dạy các cháu học hành chăm ngoan để bố mẹ chúng đi làm việc Nhà nước” - cụ Tình chia sẻ thêm.

Thung lũng Hang Kia - Pà Cò giữa bốn bề núi đá, quanh năm mây mù bao phủ. Là chiếc cầu nối trên cung đường du lịch nổi tiếng Mai Châu - Mộc Châu, cũng chính vì vậy, mấy năm trở lại đây, khá đông du khách tìm đến Hang Kia - Pà Cò để “săn mây”. Từ đây, mọi người có thể ngắm mây trắng bồng bềnh bao quanh các ngọn núi. Nơi đây có đến 90% là người Mông sinh sống, lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Du khách có thể trải nghiệm khám phá cuộc sống của người Mông như múa khèn, vẽ tranh bằng sáp ong, thêu thùa, dệt thổ cẩm...

“Từ năm 2006, Hang Kia - Pà Cò đã có một số nhà cho khách ở trọ thông qua người quen dưới Bản Lác (Mai Châu) dẫn lên. Cũng từ đây, một số gia đình bắt đầu làm du lịch trải nghiệm” - Thiếu tá Vàng A Nhà cho hay.

Đón đầu xu thế, vợ chồng anh cũng tranh thủ những ngày rảnh rỗi việc, lấy chính căn nhà mình cho khách ở trọ, trải nghiệm. “Năm 2012, vợ chồng tôi tìm hiểu và bắt tay vào làm chuyên nghiệp hơn. Phục vụ cho cả khách nước ngoài và khách ta. Thế là cái homestay Y Múa của vợ chồng tôi ra đời. Mình vừa làm để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng là để bà con dân bản học hỏi để lấy cái mà mưu sinh, rời bỏ tệ nạn đã ăn sâu vào tiềm thức” - Vàng A Nhà nói.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ông chủ homestay Y Múa chia sẻ thêm, từ những năm 2009, khi trở về công tác ở đây, điều làm anh trăn trở nhất là các cháu nhỏ bỏ học nhiều. Thầy cô, chính quyền vận động không được, các cháu bảo rằng: Cha mẹ đi làm nương, không có tiền nên không đi học nữa. “Một trong những điểm mấu chốt nữa là người dân bản thường nghe theo người lạ. Thế là tôi nghĩ nên phát triển cộng đồng, phát triển du lịch. Nếu làm được điều đó sẽ giữ gìn được bản sắc văn hóa của người Mông. Khách du lịch đến sẽ hiểu hơn về bản sắc dân tộc của mình, được giao lưu văn hóa và đổi mới hơn. Chỉ có hòa nhập mới nâng cao được dân trí” - anh Nhà đau đáu.

Đến thời điểm hiện tại, Hang Kia - Pà Cò trở thành điểm đến ngày một nhiều hơn của du khách. Theo chia sẻ của Chủ tịch xã Hang Kia Khà A Lau: “Hang Kia đang từng bước phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã đang nhân rộng mô hình homestay. Tuy du lịch ở Hang Kia mới dừng ở mô hình gia đình, còn điểm chưa đồng bộ nhưng bước đầu kinh tế địa phương đã có bước chuyển biển mới”.

Chia tay Hang Kia, xe chúng tôi bon bon trên con đường đã trải bê tông láng bóng. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, Hang Kia nằm lọt thỏm trong thung lũng giữa bốn bề núi rừng xanh ngắt. Thấp thoáng trên những mái nhà, những đọn khói bếp tỏa lên cho bữa cơm chiều bảng lảng. Cũng trên cung đường độc đạo này, không còn những ánh mắt dò xét, cảnh giác như nỗi lo trước đó của chúng tôi.

Bùi Vương Nam
.
.