Xuân về trên phá Tam Giang

Thứ Hai, 30/01/2023, 20:30

Phá Tam giang, cái tên từ lâu đã trở thành một miền ký ức đậm sâu mà khắc khoải với nhiều tha nhân. Chúng tôi đến phá Tam Giang trong những ngày xuân xanh ngập tràn bến nước, giữa khung cảnh bao la đất trời, mênh mang diệu vợi, với những con đò chở nặng giấc mơ…

1. Ngày Tết, phá Tam Giang, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn thấp thoáng những con đò dầm mình đặt lừ, dúi tép. Không khí xốn xang trên từng cánh sóng cho những ngày lao động đặc biệt nhất trong năm. Lão ngư Trần Tôn tiếp chuyện chúng tôi bằng nụ cười mặn mòi sóng nước. Ông là một trong những ngư phủ lão làng ở vùng này, gắn bó cả cuộc đời với nghề đầm phá. 75 tuổi, tay chèo của ông vẫn vững vàng và đầy kinh nghiệm. Ông tình nguyện chở chúng tôi trên con đò đánh cá của mình, con đò rêu phong, bền bỉ và trầm mặc như chính cuộc đời của ông. Ở đầm phá Tam Giang, ông Tôn thông thuộc từng luồng nước, ông gọi tên mỗi con đò và biết rõ thân phận người dân chài. Ông cho biết, ngày Tết dân làng chài phá Tam Giang đi đơm lưới, đặt lừ bình thường, vì đó là nghề quanh năm, kiếm sống mỗi ngày.

Xuân về trên phá Tam Giang -0
Ông Tôn trên con đò dọc ngang sóng nước Tam Giang.

Cứ 4 giờ chiều, ông Tôn ra phá đặt lừ, 4 giờ sáng hôm sau thì thu lưới. Thành quả có được vợ ông sẽ mang đi bán, thu nhập mỗi ngày dao động khoảng 500 ngàn đồng, trừ mọi chi phí cũng kiếm được hơn 300 ngàn. Số tiền ấy, hai vợ chồng ông sống khỏe. Mấy năm nay vợ ông bị bệnh nên có phần eo hẹp, ông và các con đang gom tiền để ăn xong Tết đưa bà đi chữa bệnh.

Con đò của ông Tôn lướt nhẹ trên sóng nước Tam Giang, thi thoảng gặp đò bạn, ông Tôn dừng lại hỏi thăm. Những câu chuyện của dân đầm phá chỉ xoay quanh tấm lưới, con tôm con cá nhưng đã hàm chứa tất cả góc khuất cuộc đời. Khi nào họ chào nhau bằng tiếng cười tươi rói sảng khoái, thì khi đó miếng ăn, tấm áo ấm no đầy đủ và ngược lại, những tiếng thở dài vọng sâu vào con nước là lúc bao chuyện khó khăn cùng những lo toan gánh nặng đời thường bủa vây.

Con đò của chúng tôi cập mé đò của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan giữa bạt ngàn mây trời, sóng nước Tam Giang. Là dân đầm phá từ nhỏ nhưng chị Lan có làn da trắng mịn cùng nụ cười trong sáng đến lạ. Chị Lan không biết chữ và cũng chẳng thể nhớ được mình bao nhiêu tuổi. Mẹ mất sớm, cha lênh đênh dọc ngang đầm phá mưu sinh bằng nghề lưới cá, Lan lớn lên trên con đò chòng chành với những mùa xuân sóng nước. Rồi cha cũng theo mẹ về với mây trời, Lan còn lại một mình trên đời, may mắn tìm được tình yêu nhưng bến đỗ của cuộc tình vẫn lênh đênh trên con đò nhỏ.

Chồng chị Lan là dân ngư phủ, có nghề ngụp lặn mò con chìa dưới đáy sông. Mỗi ngày, anh ở dưới nước hơn 10 tiếng, kiếm được khoảng 400 ngàn tiền bán chìa. Trên đò, chị Lan vừa trông cậu con trai hơn một tuổi vừa nấu ăn giặt quần áo. Chỉ về phía cục nước đang sôi phía xa, chị Lan kể: “Chồng em đang ở dưới đó, có máy thở ôxi chạy trên này. Khi nào anh đói thì ngoi lên ăn cơm rồi lại xuống tiếp. Anh mò hoài, chỉ có đêm về mới nghỉ”.

Từ ngày nên duyên vợ chồng, gia đình nhỏ của chị Lan đón Tết ở trên “ngôi nhà” nhỏ bồng bềnh giữa phá. Dân vạn đò quan niệm, sống giữa sông nước thường xuyên bị giông tố, cuồng phong đe dọa nên họ tôn thờ Hà Bá, ông Thiên (Trời), thần sông, thần đầm phá. Con đò của vợ chồng chị Lan có bàn thờ nhỏ, đơn giản nhưng chứa đựng tất thảy tấm lòng tôn kính thiêng liêng với các thần linh.

Xuân về trên phá Tam Giang -0
Nụ cười trong sáng của chị Lan trên “ngôi nhà” giữa đầm phá.

Hôm nay bán được mớ chìa, chị Lan ra chợ làng mua được một chút phẩm vật cho ngày Tết. Dù chỉ là con đò, nhưng bàn thờ không thể thiếu cau trầu, bánh mứt, xôi, thịt cùng một bó hoa cúc vàng. Đêm giao thừa, hai vợ chồng ngồi trước mũi đò nghe âm thanh của đất trời, lắng nghe đầu năm con vật nào kêu trước. Người ta ở trên bờ thì có thể nghe tiếng gà gáy, tiếng chó mèo hoặc tiếng côn trùng rỉ rả, còn gia đình vạn đò thì chỉ nghe tiếng cá tôm búng nước tí tách hòa với tiếng sóng bủa ghềnh xa xăm. “Đời đò ngang, chúng em chỉ mong năm sau con nước đong đầy để cá tôm dào dạt. Đêm giao thừa, vợ chồng chuẩn bị mâm cơm cúng ngoài trời, rồi cùng nhau uống một li rượu xuân. Sáng mồng Một, chồng em xuống nước lặn mò như bao ngày bình thường khác”, chị Lan tâm sự.

Trên đoạn phá rộng lớn mà ông Tôn chở chúng tôi đi, chỉ còn vài con đò neo mình giữa sóng nước, sống đời lênh đênh rày đây mai đó. Họ ở lại, vì nhiều lý do, với chị Lan vì trên bờ không có cục đất chọi chim nên phải ở dưới nước. Còn như gia đình anh Trần Minh dù có nhà cửa đàng hoàng nhưng vẫn muốn sống dưới đò, bởi lỡ yêu cái nghề đầm phá từ thủa cha sinh mẹ đẻ.

Xuân về trên phá Tam Giang -0
Công việc dúi tép của anh Minh vẫn diễn ra đều đặn mỗi ngày trên phá Tam Giang.

Từ hơn ba năm nay, vợ chồng anh Minh gửi hai con trên bờ để xuống đò ở hẳn và mưu sinh bằng nghề dúi tép. Anh Minh từng có thời gian bỏ đò lên bờ đi làm phụ hồ ở TP Huế, nhưng công việc nặng nhọc, bấp bênh lại không quen với chốn thị thành nên anh cảm thấy mình lạc lõng, chơi vơi. Vợ anh cũng chán cảnh làm nhân viên phục vụ ở nhà hàng. Vậy là, hai vợ chồng quyết tâm dứt phố về sông, sống đời thương hồ tự do. Ngôi nhà nhỏ trong làng, ngày cuối năm vợ chồng mới quay trở về dọn dẹp, cúng mâm cơm tổ tiên rồi ngày 30 Tết lại đóng cửa xuống đò. “Con đò là một phần cuộc sống, như máu thịt với tôi. Gắn bó với nghề đò, dẫu long đong cơ cực nhưng mình luôn cảm thấy thoải mái và tự tại. Ngày Tết trên đò nhiều người bảo là nhàm chán, đơn độc riêng tôi lại thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Không náo nhiệt, không xô bồ và không lời chúc tụng, đó như là “đặc sản” cuộc sống của dân đò ngang”, anh Minh tâm sự.

2. Mùa xuân, phá Tam Giang đẹp như một bức tranh thủy mặc, nơi được mệnh danh là hệ đầm phá kỳ vĩ nhất khu vực Đông Nam Á, nơi vừa ngắm bình minh, vừa ngắm hoàng hôn và nơi cuộc sống lao động của con người cũng đẹp một cách thơ mộng mà thuần khiết. Chúng tôi đến phá vừa lúc hoàng hôn buông xuống, mặt trời trên phá vàng rực ẩn sau những đụn mây hồng tỏa ra một thứ ánh sáng tuyệt diệu. Cả mặt phá đỏ rực như lửa cháy rồi dần dần chuyển qua sắc vàng. Những áng mây hồng hắt xuống mặt nước, mặt trời tỏa ánh vàng le lói cuối chân trời, nhè nhẹ chìm xuống. Những chuyến đò trên phá chậm rãi trôi, một cuộc sống mưu sinh về đêm lại bắt đầu.

Xuân về trên phá Tam Giang -0
Gia đình nhỏ sống bằng nghề mò con chìa.

Trên con đò đậu mé cầu phá, ông Nguyễn Năm vừa xếp đìa vừa rôm rả kể chuyện con nước phá Tam Giang ngày Tết. Năm nay cũng như mọi năm, khoảng thời gian trước và sau Tết nước trong đầm phá vơi cạn, cá tôm cũng thưa dần. Dân làm nghề lưới cá ở thôn 13, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền cất bớt tay lưới để dành cho vụ nước lớn từ tháng 3 cho tới tháng 6 năm sau. Trên bến, dưới đò những ngày này, mùa xuân dường như vẫn đang ở đâu đó, rất xa xóm đầm. Bởi, cảnh lao động vẫn diễn ra như bao ngày bình thường khác. Những chuyến đò vẫn nổ rền đầm phá và các tay lưới cứ thoăn thoắt bủa vây. Chỉ có một đặc điểm nhận dạng mùa xuân, là trên mũi đò luôn có một nhành hoa cúc vàng.

Bây giờ nghề lưới cá khu vực đầm phá Tam Giang không còn ăn nên làm ra nữa, thanh niên trong các làng lớn lên đi thành phố làm hết, chỉ còn người già ở lại, họ cố níu giữ cái nghề như một cách trả ơn cho con nước. Những ngày xa xưa, trong trí nhớ của ông Năm, vẫn còn đầy tự hào và kiêu hãnh. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của ngư dân đầm phá là mơ ước của những người dân nông thôn trên bờ. Dân làng sống nhờ “lộc” của phá Tam Giang. Mỗi lần xóm đổ cá tôm phải tính từ đơn vị tạ trở lên mà là cá to, cá ngon đặc sản của phá. Mỗi mùa lũ, từng đàn con chình, con lệch, con lươn trôi về dày đặc cả trộ sáo, cứ thế đổ đầy đò mang về chợ. Chất giọng đặc trưng xứ sở, giọng ông Năm trầm mặc: “Nghề ri vất vả nhưng đã gắn bó là nặng nợ không sao bỏ được. Một ngày không xuống bến, không được ngồi trên con đò lang thang sông nước bao la ngoài kia là buồn lắm. 10 năm nay rồi, mùa xuân nào tôi cũng ở đây”. 

3. Ngồi xếp bằng trên nhà chồ nghe ngọn gió hào phóng mang theo cả mùi nước lợ từ phá Tam Giang thổi về, tôi ngỡ mình đang ngồi trên một chiếc đò lớn neo trên sóng nước mênh mông. Vẫn câu chuyện ngày đầu năm, ông Tôn ngồi tựa mạn đò, kể cho chúng tôi “chuyện nhà chồ” của dân đầm phá. Giữa bạt ngàn sóng nước Tam Giang, không khó để chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà nhỏ bé, nhô cao như một chiếc chòi chim. Dân phá gọi là nhà chồ. Ở dưới sàn nhà, chủ nhà để các ngư cụ đánh cá và chiếc ghe nhỏ. Nhìn kiến trúc của những ngôi nhà chồ bên chân phá mới hiểu rằng: Nếu như nông dân có người mẹ lớn là Đất thì ngư dân có người mẹ lớn là Nước. Kiến trúc của những ngôi nhà chồ chính là hình bóng của những chiếc đò trên cạn. Chúng tôi hiểu thêm triết lý sống của ngư dân Tam Giang khi nghe ông Tôn đọc hai câu thơ của một người con sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà chồ xóm Sáo:“Vạn đò giỗ tổ trên sông/ Khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi”.

Xuân về trên phá Tam Giang -0
Người dân đầm phá vẫn miệt mài trong những ngày đầu xuân.

Trên ngôi nhà đó, từ bao đời nay, có những đôi hạnh phúc bên nhau như vợ chồng ông Tôn, ông Năm và có cả những đôi phải tình duyên nửa gánh để lòng mãi dở dang một chuyến “đò đời”.

Tôi nhớ mãi mùi xăng dầu, mùi khói, mùi cá tôm và ngọn gió nồm mát rượi chiều xuân bao trùm cả khoang đò. “Trời đất bao la, chìm đắm trong ta”, ông Tôn vừa lái đò vừa ngâm câu ca cao vút. Có lẽ cái cảm giác bao la, bàng bạc với trời đất, mây nước đó đến từ những câu chuyện trên con phá và cả câu ca xưa: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Con sóng Tam Giang chợt dậy lên trong tôi những bến bờ xa vắng, lẻ loi, về một chuyến đò chở mùa xuân theo những giấc mơ dài…

Ngọc Hoa
.
.