10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2016
Nước Anh chia tay Liên minh châu Âu
Chuỗi sự kiện đầu tiên liên quan tới làn sóng dân túy tại châu Âu và Mỹ. Mở màn cho sự kiện bất ngờ nhất có lẽ là việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ngày 23-6-2016, sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, nước Anh đã có quyết định rời khỏi EU sau 43 năm chung sống. Kết quả là thị trường chứng khoán, vàng, dầu thô, tiền tệ đều biến động kỷ lục vì sự kiện này.
Nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) |
Những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cư khiến cử tri Anh quyết định quay lưng lại với EU. Thủ tướng David Cameron đã phải từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý này.
Mối họa Liên minh châu Âu tan rã cũng xuất hiện. Nhiều quốc gia thành viên EU đang chứng kiến làn sóng nổi dậy của người dân chống lại tầng lớp lãnh đạo ưu tú theo đường lối toàn cầu hóa, và ủng hộ những chính trị gia theo hướng dân túy.
Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Làn gió phẫn nộ của người dân ở châu Âu đã thổi qua Mỹ và tạo nên bất ngờ thứ hai trong thế giới phương Tây: Thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016. Ông Trump bất ngờ chiến thắng bà Clinton vì khẩu hiệu “sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” theo kiểu không bao đồng cho đồng minh và can thiệp khắp nơi như trước.
Ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. |
Cũng như người Anh muốn nước này rút khỏi EU, ông Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Washington là thành viên, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cam kết những lao động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ được đưa trở lại nước Mỹ.
Trong chính sách đối ngoại, cũng chính làn gió thực tiễn đó đang thổi qua 3 cường quốc quân sự phương Tây. Theresa May (Anh), Donald Trump (Mỹ) và Francois Fillon (Pháp) chia sẻ ý tưởng là đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại giao với Nga.
Nước Nga trở lại
Nước Nga kết thúc năm 2016 với nhiều “thắng lợi” cả về kinh tế lẫn chính trị. Bị phương Tây bao vây cấm vận do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine trong suốt 3 năm qua, nhưng nước Nga của Tổng thống Putin đã thoát khủng hoảng kinh tế nhờ mở rộng quan hệ làm ăn với những nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, Nga cũng đẩy mạnh giao thương với các nước Mỹ Latinh nằm trong khối BRICS, hay với những nước vốn là đồng minh của phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút...
Thành quả ngoạn mục nhất là vào tháng 11 vừa qua, với sự dàn xếp của Tổng thống Putin, mâu thuẫn giữa Iran và Arập Xêút đã được gác lại, dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của khối các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Quyết định này ngay lập tức đẩy giá dầu tăng mạnh và có chiều hướng bền vững trong năm tới.
Nhưng thành công quan trọng nhất với nước Nga có lẽ là vị thế trên trường quốc tế. Nếu như từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh vẫn áp đặt luật chơi đơn cực thì việc Nga bảo vệ thành công đồng minh Syria trong mấy năm qua cho thấy trật tự này đã bị đảo lộn. Với những chiến thắng đầu tiên của quân đội Nga trước các lực lượng khủng bố ở Syria, hàng loạt quốc gia Trung Đông khác đã lên tiếng nhờ vả Nga can thiệp đánh đuổi khủng bố. Các nước như Iraq, vốn được Mỹ giúp cả chục năm nay nhưng không hiệu quả, đã công khai mời Nga đưa quân vào...
2017 sẽ là năm đầy hứa hẹn với nước Nga sau khi hàng loạt lãnh đạo phương Tây chống Nga mạnh mẽ đều đã lần lượt nghỉ, thay vào đó là lớp lãnh đạo thực tế, muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Nga thay vì đối chọi. Trong đó phải kể đến ông Donald Trump của nước Mỹ và ứng viên đầy tiềm năng Francois Fillon của Pháp...
Bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria
Giữa tháng 12-2016, quân Chính phủ Syria đã giải phóng Aleppo, thành phố chiến lược lớn thứ 2 của Syria. Đây là bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria dài gần 6 năm và làm tiêu tan mưu đồ “lật đổ Tổng thống Assad” của Mỹ và các đồng minh.
Tháng 9-2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng có thể chiếm được Damas. Nhưng chính sự can thiệp của Nga đã cứu chính quyền của Tổng thống Assad trong đường tơ kẽ tóc và cho phép tái chinh phục Aleppo. Giờ thì Nga đang thay thế Mỹ đóng vai trò là quốc gia chi phối trong khu vực.
Đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ
Cũng trong vùng Trung Đông này, cú đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-7 do một nhóm binh sĩ quân đội, có liên hệ với giáo phái Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm. Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có, vượt ra khỏi phạm vi giáo phái Gulen.
Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. |
Được củng cố ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Mỹ, ông Erdogan với cái nhìn thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại trang quan hệ song phương năm 2015 do vụ không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Vụ ám sát Đại sứ Nga tại Ankara hôm 19-12-2016 có lẽ chẳng làm thay đổi tình thế.
Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Phán quyết nêu rõ “không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử ở Biển Đông và cái gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Quốc vẽ ra là trái với UNCLOS”.
Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quyết định của Tòa Trọng tài là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung trong việc giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó, đại diện Nhật Bản cũng khẳng định, phán quyết của PCA tại La Hay, Hà Lan là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý, hối thúc các bên liên quan đến vụ kiện này cần phải tuân thủ.
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên
Trong năm 2016, tình hình căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên vẫn là một điểm nóng của thế giới với các bước đi của Bình Nhưỡng nhằm phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 1, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thực hiện thành công vụ hạt nhân lần thứ tư, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Chỉ ít ngày sau đó, Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng 2. Trong tháng 4 và 5, Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa tầm trung Musudan, được cho là có khả năng bắn tới đảo Guam của Mỹ, nhưng cả 5 lần đều không thành công.
Chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un còn tuyên bố đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, coi đây là một “thành công lớn”. Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và mạnh hơn đối Triều Tiên, song theo các chuyên gia, các biện pháp này dường như không có tác động gì đối với tham vọng hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.
Trong khi đó, chính trường Hàn Quốc chịu cú sốc lớn với việc Quốc hội Hàn Quốc ngày 9-12-2016 thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đồng nghĩa với việc bà bị đình chỉ chức vụ. Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để quyết định có chính thức phế truất nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc hay không. Trước đó, hàng chục nghìn người Hàn Quốc liên tục xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức với lý do chính là bà đã để bạn thân Choi Soon-sil can thiệp quá sâu vào chính sự, dùng ảnh hưởng cá nhân để trục lợi...
Bà Park có thể từ chức vào tháng 4-2017. Với nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 2-2018, bà có thể trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc phải rời nhiệm sở trong bê bối.
Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời
Nhà cách mạng vĩ đại của thế kỷ XX, Fidel Castro, qua đời ngày 26-11 ở tuổi 90. |
Nhà cách mạng vĩ đại của thế kỷ XX, Fidel Castro, qua đời ngày 26-11-2016 ở tuổi 90. Do có công tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng Cuba, sáng lập nhà nước XHCN đầu tiên tại Tây bán cầu, ông đã trở thành huyền thoại không chỉ trong lịch sử Cuba mà còn của cả Mỹ Latinh và thế giới.
Cơn địa chấn Hồ sơ Panama
Thành công lớn của báo chí trong năm 2016 là phanh phui hồ sơ Panama. Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hồi tháng 4 và đợt công bố lần 2 hồi tháng 5 được xem là vụ tiết lộ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng một phần bộ dữ liệu trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành. ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ “Hồ sơ Panama” và “Offshore Leaks”.
Danh sách này tiết lộ cách mà những người giàu có và quyền lực khai thác các thiên đường thuế ở nước ngoài như thế nào. Danh sách vẽ lên một bức tranh khái quát về nạn tham nhũng trên toàn cầu, trong đó các ngân hàng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nên các công ty ma.
Trong số đó có các nhà lãnh đạo đến từ Arập Xêút, Trung Quốc, Malaysia, Syria, Pakistan, Argentina và Ukraine, Nga cũng như các quan chức chính phủ ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Trung Đông - tổng số đã có hơn 140 chính trị gia và quan chức, người nổi tiếng có liên quan. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes.
Vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử đã khiến chính trường nhiều nước rung động, một số chính trị gia, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế phải từ chức.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11. Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra. Hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những sự kiện trên, năm 2016 cũng diễn ra một số thỏa ước quan trọng. Ngày 24-11, Colombia đạt được thỏa thuận hòa bình sau hơn 5 thập kỷ nội chiến.
Tuy nhiên, mối nguy khủng bố và an ninh vẫn là nỗi lo của toàn nhân loại trong năm 2016 và cả những năm tiếp theo. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại nhiều nước EU như Đức, Pháp, Bỉ, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ... với mức độ tàn bạo gia tăng gây chấn động dư luận và cho thấy những lỗ hổng an ninh cũng như sự hợp tác lỏng lẻo giữa các nước trong EU. Bên cạnh vấn nạn khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư dai dẳng gây ra những rối ren chính trị đang đặt EU nói riêng và thế giới nói chung trước những thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.